Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Rừng vàng biển bạc: Thẻ vàng có ai ngán?






Không một học sinh tiểu học nào ở Việt nam không biết đến cụm từ “ Rừng vàng biển bạc” khi được học về địa lý Việt nam. Cho đến bây giờ, ngay cả khi diện tích rừng đã ngót đi và biển đang chết thì cụm từ ấy vẫn không thay đổi trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học .
Theo số liệu chính thức, năm 1945 diện tích rừng tự nhiên là 14,5 triệu ha, năm 1995 chỉ còn 8,2 triêu ha rừng tự nhiên. Đến ngày 31/12/2016, diện tích rừng tự nhiên là 10.242.141 ha; rừng trồng: 4.135.541 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ cả nước là 13.631.934 ha – độ che phủ tương ứng là 41,19%. Người lạc quan sẽ cho rằng, ồ đất nước ta đang tốt lên đấy chứ, thế nhưng rừng chẳng còn là rừng như trước khi thống kê từ năm 2000 so với năm 2011 cho thấy rừng giàu đã mất đi 90% diện tích, rừng trung bình mất đi 73% diện tích và rừng nghèo tăng lên gần gấp đôi.

Thú trong sách đỏ đã bị tận diệt, con tê giác cuối cùng ở Nam Cát Tiên đã bị bắn chết vào năm 2010. Ngà voi, sừng tê giác, gỗ quý được đưa vào biệt phủ của quan chức từ thấp cho đến cao, thịt thú rừng được đưa vào quán nhậu. Dân đen thay nhau phá rừng lấy đất trồng trọt. Đại gia, quan chức và kiểm lâm bắt tay nhau để làm giàu làm giàu từ tài nguyên rừng hoặc để phục vụ các mục đích không đâu như Phú yên phá rừng phòng hộ để làm sân golf, thi hoa hậu, Thái bình lấn biển lấy đi 150 ha rừng ngập mặn làm dịch vụ.

Hậu quả không thể tránh khỏi là lũ quét ở thượng nguồn hay cao nguyên, lũ lụt ở hạ nguồn và đồng bằng, khí hậu nóng lên đáng kể. Thế nhưng người ta lại cho rằng đó là do biến đổi khí hậu trên thế giới, chứ rừng vàng nhiều như thế, phá làm sao mà hết được.

Nhờ biển bạc, ngành thủy sản đã phát triển nhanh chóng và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng sản phẩm thủy sản không ngừng gia tăng, đặc biệt là sản lượng khai thác: năm 1986 sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 0,8 triệu tấn, năm 1995 là 1,19 triệu tấn, năm 2005 là 1,99 triệu tấn và năm 2016 khai thác biển đạt 2,336 triệu tấn. Biển bạc nên cứ có tiền đóng tàu, sắm lưới quét, lồng bát quái rồi ra biển vài chục ngày trở về là có tiền tỷ trong tay.

Lưới quét bắt không chừa cá lớn lẫn cá bé, lồng bát quái, kích điện thuốc nổ, huỷ diệt hết cả thuỷ hải sản trên đường càn quét. Hải sản lớn có thể cho xuất khẩu, loại nhỏ thì được hô biến thành “ cá sữa, ghẹ sữa, hàu sữa” dành cho những người thừa mứa tiền bạc lẫn thực phẩm thưởng thức với giá còn cao hơn cả giá hải sản thông thường. Đằng nào cũng có lợi nên cứ ra sức mà tận diệt. Trời nước mênh mông, đâu có cột mốc biên giới nên cứ thoải mái săn bắt miễn có cá mang về bán, còn mọi loại thuỷ sinh bị tận diệt thì không cần biết. Biển Việt nam hết cá thì cứ ra biển khác mà bắt.


Trộm tan hoang trên bờ ...


Lâm tặc vốn là những người khai thác rừng bất hợp pháp, nếu bị bắt họ có thể sẽ đối mặt với án tù. Nhưng lâm tặc thực chất chỉ là những nhóm người nhỏ lẻ, đi khai thác thủ công và sẽ bị kiểm lâm truy đuổi đến cùng nếu chẳng may bị phát hiện.

Những người khai thác rừng với quy mô lớn thì không bị gọi là lâm tặc mà là các doanh nghiệp khai thác gỗ. Các doanh nghiệp này không bị truy đuổi vì họ có giấy phép, có quota khai thác, sử dụng máy móc và xe chuyên chở công khai. Vì được khai thác hợp pháp, nên họ làm việc phối hợp nhịp nhàng với kiểm lâm, và quan chức chính phủ cũng như quân đội và mức độ tàn phá rừng của họ kinh khủng hơn lâm tặc bao nhiêu lần.

Lâm tặc nếu trót lọt một chuyến kiếm được dăm bảy triệu hay trúng được pơ mu cộng với sự dung túng của kiểm lâm thì may ra ra được vài chục triệu. Đại gia của các công ty khai thác gỗ không ăn nhỏ lẻ như thế. Khai thác ở rừng Việt nam đã cạn kiệt, họ quay sang Lào và Campuchia chi tiền cho quan chức địa phương và bộ đội biên phòng, hải quan Việt nam để mua và nhập khẩu gỗ lậu.

Chỉ riêng quan chức và biên phòng và hải quan tại Gia lai đã có thu nhập 13,5 triệu đô la Mỹ

Cứ mỗi mét khối gỗ lậu, quan chức và quân đội được nhận 45 đô la theo như điều tra của Văn phòng Điều tra Môi Trường Anh – EIA ( Environmental Investigation Agency UK Ltd) – vào tháng 12/2016 và tháng 1/2017, thì chỉ riêng quan chức và biên phòng và hải quan tại Gia lai đã có thu nhập 13,5 triệu đô la Mỹ tức gần khoảng 300 tỷ đồng.

Mặc dù có lệnh cấm xuất khẩu gỗ, đóng cửa rừng nhưng với mối lợi nhận được từ các con buôn gỗ đại gia sẵn sàng chi tiền đen từ 1 đến 2 triệu đô la cho quan chức Camphuchia hay Lào thì không quan chức nào lại có thể từ chối.

Đó chỉ mới là chóp nhỏ của một phần nổi trong tảng băng chìm. Còn bao nhiêu quan chức ở các tỉnh khác cũng nhúng tay vào các phi vụ buôn gỗ sỉ này từ nhiều năm nay thì con số tiền hối lộ này có lẽ lên đến hàng ngàn ngàn tỷ đồng.


Trộm lộng hành ở dưới nước ...


Nghề biển, trái lại không có cơ hội mua chuộc được quan chức các nước một cách dễ dàng như thế. Khi nguồn hải sản gần bờ đã bị cạn kiệt, ngư dân được khuyến khích đánh bắt xa bờ. Vẫn tâm lý cứ đi theo cá mà hàng năm số tàu cá Việt nam xâm nhập lãnh hải các quốc gia bất hợp pháp không hề giảm đi.

Tàu cá Việt nam liên tục bị bắt giữ vì khai thác trái phép. Quan chức ngành cá Việt nam ông Vu Duyen Hai cho rằng ngư dân Việt nam đi theo cá hoặc tắt bộ đàm, định vị nên họ không biết đã đi vào lãnh hải của quốc gia khác. Thế nhưng lập luận này không có tính thuyết phục khi tàu cá màu xanh – Blue Boats, đặc điểm nhận diện của tàu cá Việt nam – được tìm thấy ở vùng biển nam bán cầu gần Australia, Palau, và New Caledonia để khai thác hải sâm, rùa biển.

Trong hai năm 2016-2016, 14 tàu cá Việt nam bị Australia bắt giữ vì đánh bắt trộm hải sâm. Một ký hải sâm có giá từ 10-20 đô la, một tàu cá có thể chở được tới 10 tấn. Số tiền thu được từ hải sâm nếu trót lọt có thể lên đến 100 -200 ngàn đô la. Nguyên nhân của nạn đánh bắt trộm này theo quan chức Australia là do cạn kiệt nguồn khai thác tài nguyên ở vùng biển Việt nam.

Chính phủ Indonesia từ năm 2008 mỗi tháng bắt được ít nhất một tàu đánh cá lậu và thường là tàu cá của Việt nam làm chính phủ nước này thiệt hại khoảng 3 tỷ đô la một năm. Chỉ trong ngày 1 tháng 4 năm 2017, 46 tàu cá của Việt nam đã bị Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo cho phá nổ vì tội câu trộm. Từ năm 2014 đến nay đã có đến 580 ngư dân Việt nam bị bắt giam ở Indonesia.

Chính phủ Palau đã từng cho đốt 3 tàu cá Việt nam vào tháng 6 năm 2015, tháng 6 năm 2016 Australia cho phá huỷ 2 tàu Việt nam đánh cá trái phép. Malaysia cho tới nay cũng đã đánh chìm 285 tàu cá lậu mà hầu hết là tàu cá Việt nam.

Không chỉ đánh bắt trái phép, tàu cá Việt nam còn sử dụng các phương pháp đánh bắt huỷ diệt như khi ở vùng biển Việt nam như lưới cào làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của các quốc gia này. Với con số vài trăm tàu cá trái phép bị bắt giữ trong nhiều năm qua ở các nước, so với tỷ lệ 20 ngàn tàu cá Việt nam đang sở hữu, thì đây là một con số vẫn còn quá ít ỏi và chưa phản ánh đúng thực trạng đánh bắt trái phép và không hợp lệ.


Thẻ vàng – Đây không phải là lần đầu


EU đã siết chặt việc nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt nam nếu không làm rõ được xuất xứ nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Với hy vọng có được EVFTA thì ngành gỗ Việt nam có thể thâm nhập thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên với nạn khai thác trái phép và thu mua gỗ lậu thì cánh cửa vào EU vẫn còn hẹp cho ngành gỗ Việt nam.

Các doanh nghiệp thuỷ hải sản bị điêu đứng vì các khuyến cáo của châu Âu không phải chỉ mới lần đầu. Thuỷ hải sản Việt nam đã từng nhận thẻ vàng của EU vào năm 2016 do tình trạng ô nhiễm kim loại nặng của các lô hàng nhập khẩu. Văn bản cảnh báo được gởi tới 28 quốc gia thành viên châu Âu sau khi cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. Bên cạnh đó là khuyến cáo tình trạng lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu dẫn đến dư lượng chất kháng sinh quá mức cho phép trong các sản phẩm thuỷ hải sản xuất khẩu.

EVFTA và tiêu chí môi trường đang được đề cao?

Đầu năm 2017, một lần nữa các chuyên gia đã từng cảnh cáo nếu Việt nam không quyết liệt trong việc xử lý nạn đánh bắt cá lậu thì sẽ có nguy cơ nhận lãnh thẻ vàng. Lời cảnh cáo được đưa ra khi họ nhận thấy rằng việc đánh chìm và phá huỷ tàu đánh cá bất hợp pháp không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Cho đến tháng 9/2017, Việt nam vẫn còn trông mong lời đề nghị EU lùi việc rút thẻ vàng và lật đật cam kết thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong vòng 4 tháng sau đợt kiểm tra của phái đoàn EU về các vấn đề Biển và Thuỷ sản, cho đến ngày 30/10/2015, 5 đề nghị của phía EU* đối với Việt nam vẫn không được thực hiện. Và quan chức ngành cá biết chắc việc rút thẻ vàng này sớm muộn gì cũng xảy ra.

Cho đến ngày 22 tháng 10 năm 2016 Việt nam vẫn lên tiếng quyết liệt để “không bị nhận thẻ vàng của EU”. Nhưng sau thời gian liên tục bị nhắc nhở tại các cuộc gặp gỡ cấp cao song phương, cho đến thời gian khuyến cáo hơn 4 tháng của Uỷ ban châu Âu vẫn không có gì được thực hiện; ngày 23 tháng 10 năm 2017, thẻ vàng đã được EU chính thức rút ra.
Thiệt hại lớn cho nghề cá là điều không thể tránh khỏi thế cho nên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải cuống cuồng cầu cứu “Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc rà soát thêm một lần nữa Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) trước ngày mà Quốc hội thông qua để đảm bảo rằng một số ý kiến từ phía EU và chuyên gia trên cơ sở cân nhắc của chúng ta đã được đưa vào trong khung của Dự thảo.”
Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tình thế nhằm tránh bị rút thẻ đỏ sau 6 tháng và không bị ảnh hưởng đến EVFTA. Luật Thuỷ sản sử đổi chỉ mới đáp ứng 1 trong 5 yêu cầu của EU, 4 điều còn lại nằm trong việc giáo dục nhận thức và đạo đức của ngư dân và lực lượng quan chức có trách nhiệm nhằm bảo vệ khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Chỉ khi nào họ nhận thức thật sự được rằng, khai thác tài nguyên bền vững, không tiêu thụ hàng gian dưới mọi hình thức là điều mà EU luôn coi trọng thì mới có hy vọng không phải lo đến thẻ vàng hay thẻ đỏ gì trong tương lai.


[*] Năm khuyến nghị của EU:


Ngày Sau đợt đánh giá từ 15-19/5/2017 tại Việt Nam, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra 5 khuyến nghị liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), bao gồm:
- Đề nghị sửa đổi Luật Thủy sản, hướng tới xây dựng Luật Thủy sản phù hợp với các cam kết quốc tế tại các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
- Phải quản lý đội tàu và cường lực khai thác dựa trên những đánh giá đúng đắn về nguồn lợi và trữ lượng loài, để giảm thiểu tác hại của hoạt động khai thác quá mức.
- Việt Nam cần thực hiện tốt hơn trách nhiệm của quốc gia mang cờ trong việc quản lý và thanh, kiểm tra các tàu khai thác mang cờ Việt Nam.
- Việt Nam cần sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chứng nhận khai thác thủy sản và quy trình/cơ chế chứng nhận để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường NK về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
- Việt Nam cần thể hiện rõ hơn những nỗ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu không được đăng ký tham gia vào hoạt động khai thác trên vùng biển quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét