Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

955 - Sài Gòn: ngày càng thêm nhiều người vô gia cư



Cuối năm cũ, đầu năm mới, vào lúc đêm về khuya hoặc lúc trời gần sáng, ai ở Sài Gòn hay đi qua những cây cầu sẽ thấy người vô gia cư, nằm ngủ vật vờ trong sương lạnh.

Người vô gia cư ở cầu bộ hành Suối Tiên. Ảnh: Kiều Phong
Người sinh thêm chứ đất không sinh thêm. Trong một diện tích lãnh thổ không đổi, dân số càng cao thì diện tích chỗ ở bình quân đầu người cũng giảm đi. Tình trạng này ở Việt Nam lại càng tồi tệ hơn so với các nước nghèo khác trên thế giới, bởi vì ở Việt Nam nạn đầu cơ đất đai hoành hành. Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị trung ương chưa nghĩ ra được cách gì để kinh tài, thì những quan chức địa phương ráo riết bán đất cho tư nhân hoặc cho nước ngoài, cho Trung Quốc, cứ như là ăn cú chót, làm cho giá đất đai lại tăng cao vô lý, thanh niên bình thường không biết bao giờ mới mua nổi một khoảng đất cắm dùi. Những người dân bị thu hồi, cưỡng chế đất một cách bất hợp pháp, hoặc những hộ gia đình không có nghề nghiệp sau khi bán đất với giá rẻ mạt, ...tất cả lâm vào cảnh bần cùng hóa. Những năm trở lại đây, số lượng người vô gia cư từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn cứ tăng. Mặc dù trước kia miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, đất đai mênh mông thì bây giờ con cháu bỗng không có đất đai để sinh sống. Nhiều người lên thành phố quá nghèo, không đủ tiền thuê nổi một nhà trọ dù là tồi tàn, đành phải ngủ vật vờ dọc chỗ gầm cầu và dọc các công viên, nằm trên những cây cầu bộ hành.

Đây là bức hình chụp tại cầu bộ hành Suối Tiên, vắt ngang qua quốc lộ 1A nối bên này đại học Quốc gia TP.HCM với bên kia khu du lịch lớn nhất Sài Gòn. Đây cũng là nơi các xe vượt rào để đón nhả khách tùy tiện, nên tạo ra một vùng luộm thuộm. Những người nghèo, những người lỡ đường và những đứa trẻ bỏ nhà vào Sài Gòn đi bụi nằm la liệt dọc cầu bộ hành Suối Tiên. Họ lấy tờ báo trải xuống nền gạch để làm chiếu, rồi trùm chăn kín đầu để ngủ qua đêm, giữa trời sương và gió thổi. Trời sáng ra, những người ấy lục đục bò dậy đi nơi khác khỏi ánh nắng gay gắt chiếu vào, rồi tối lại về đây ngủ.

Không riêng gì khu này, nhiều khu khác như công viên hồ cá đại học Quốc gia TP.HCM, chân cầu vượt Bình Phước...khắp Sài Gòn người vô gia cư không có nhà nằm giữa đường.

96 triệu người dân Việt Nam chỉ có 330 000 ki-lô-mét vuông lãnh thổ có phải là nguyên nhân dẫn đến việc số lượng người vô gia cư và người lang thang cơ nhỡ ở Việt Nam tăng mạnh hay không? Cần phải nhìn nhận rằng, chỉ cần một chính sách thông minh sẽ đưa lại chỗ ở cho rất nhiều người. Ví dụ, hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức có ghi rằng chính phủ phải đảm bảo mọi người dân đều có chỗ ở ( người nào nghiên cứu luật Đức sẽ thấy có điều này). Chính vì vậy, ở Đức, mọi thành phố đều có những tòa nhà gọi là cư xá công cộng. Nhiều khu phố có nhà này cho những người vô gia cư hoặc những người khách vãng lai lỡ đường nhưng không đủ tiền thuê khách sạn. Bất kỳ ai đến một thành phố nào ở Đức, không cần có giấy tờ, đều có quyền vào những cư xá đó để trú qua đêm. Ở đó có giường sạch sẽ, có bình nóng lạnh để tắm rửa, có khăn lau và xà bông thơm phức. Phục vụ cho người trong cư xá công cộng đó là các tình nguyện viên, nhiều khi là những bác sĩ, y tá làm việc không lương, cho nên cư xá công cộng ở Đức duy trì được lâu dài. Chính quyền địa phương chỉ việc cấp đất xây nhà cư xá công cộng, khó khăn nhất là nhân công để duy trì cư xá đó thì đã có do dân cư thành phố lo. Bằng cách làm này, điều luật trong hiến pháp Đức ban đầu chỉ là một ước mơ nhưng về sau đã là một hiện thức: tất cả mọi người dân Đức đều có chỗ ở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét