Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

954 - “Hướng tới sự bất lực trầm kha của phương Tây”


Ảnh minh họa. Cảnh đổ nát hoang tàn tại Ghouta, Syria sau một trận không kích, ngày 04/01/2018.
REUTERS/Bassam Khabieh


Đây là tựa bài nhận định của nhà báo Renaud Girard đăng trên mục Ý Kiến của báo Le Figaro (20/02/2018). Tác giả cho rằng phương Tây, Hoa Kỳ và châu Âu, kể từ đầu thế kỷ 21, đang đi vào giai đoạn hoàng hôn.

Những năm 1990 được coi là thập niên vàng của phương Tây. Cặp vợ chồng Mỹ-châu Âu, kết hôn từ sau đệ nhị thế chiến, sống rất thuận hòa, giành được thắng lợi trong chiến tranh lạnh, trở thành mô hình kiểu mẫu mà Trung Quốc, Nga, Ấn Độ ao ước noi theo. Chồng Mỹ vợ Âu đi khắp nơi trên thế giới rao giảng về nền kinh tế thị trường và nhân quyền và ở khắp nơi, họ được lắng nghe.

Những ai dám phản bác thì ngay lập tức được cảnh báo là phải xám hối đi. Kỷ nguyên vàng đó mở đầu bằng một cuộc chiến ở Irak và kết thúc với cuộc chiến ở Nam Tư cũ. Và khi bước vào thiên niên kỷ mới, khắp nơi người ta nói từ nay, phương Tây, người chiến thắng phát xít và chủ nghĩa cộng sản, áp đặt các giá trị và luật lệ cho toàn thế giới.

Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi vào đầu thế kỷ 21, do sự phản ứng quá mức của chính quyền Hoa Kỳ sau loạt khủng bố ngày 11/09/2001. Khái niệm về « chiến tranh phòng ngừa » do nhóm cố vấn tân bảo thủ của tổng thống Mỹ George Bush đưa ra và áp dụng trong chiến tranh Irak 2003, gây ra hai hậu quả : Thứ nhất, gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và châu Âu « già cỗi ». Thứ hai, làm dấy lên sự nghi ngại của các nước bên ngoài phương Tây.

Từ sau vụ vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (tấn công Irak mà không cần có sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An), vai trò lãnh đạo phương Tây không ngừng bị tuột dốc. Phương Tây lên tiếng, ra lệnh, hò hét, ném bom, thế nhưng, các thực tế địa chính trị vẫn ngày càng xa lánh, giống như số phận của thế giới tìm cách dần dần thoát khỏi vòng tay phương Tây.

Renaud Girard kết luận : Một châu Âu yếu kém cộng với một nước Mỹ không có tầm nhìn thế giới thúc đẩy phương Tây rơi vào tình trạng bất lực trầm kha.

Russiagate : Sự phóng túng tội lỗi của Trump

Ngày 16/02 vừa qua, công tố viên đặc biệt Robert Mueller cho công bố một tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Báo Le Monde có bài xã luận : « Russiagate : Sự phóng túng tội lỗi của Trump ».

Tài liệu vừa được công bố cho thấy là Nga đã thực sự tìm cách tác động đến cuộc bầu cử qua việc làm mất uy tín của ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, có lợi cho nhà tỷ phú New York, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump. Như vậy, đây không phải là tin giả - « fake news » nữa như ông Trump vẫn thường xuyên cáo buộc.

Trong lúc nhiều người trong nhóm thân cận của ông Trump bị nghi ngờ đã có tiếp xúc với Nga với ý đồ tác động đến việc bỏ phiếu, thì tổng thống Mỹ lại coi những cáo buộc này như là một cuộc « săn đuổi phù thủy » lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thế nhưng, cuộc điều tra cho thấy thực tế vụ việc phức tạp hơn nhiều.

Cơ Quan Nghiên Cứu Internet, do một người thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã thực hiện chiến dịch tác động nói trên, với mục đích « gây ra những bất đồng trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ ». Trong vòng nhiều tháng, các chỉ trích, đả kích ứng viên Hillary Clinton trên nhiều lĩnh vực, đã được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc. Trong những tuần lễ cuối cùng, gần ngày bỏ phiếu, chiến dịch tuyên truyền hướng vào các tiểu bang còn « lưỡng lự » trong sự lựa chọn.

Tuy nhiên, khó có thể xác định được là chiến dịch tuyên truyền của Nga đã tác động đến mức độ nào tới kết quả cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2016. Ở đây, người ta chỉ thấy rõ là các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay tập đoàn tin học Google, đã thiếu trách nhiệm kiểm tra việc tuyên truyền những nội dung quấy rối, gây nhiễu một cuộc bầu cử dân chủ.

Le Monde nhấn mạnh, tin tốt đẹp với Donald Trump là cho đến nay, cuộc điều tra không đưa ra một bằng chứng nào về sự đồng lõa giữa nhóm cộng sự của ông và chiến dịch tuyên truyền của Nga. Ngược lại, ông Trump mới có vấn đề : cụ thể là ông vẫn luôn nghĩ rằng người ta nghi ngờ nhóm cộng sự của ông đồng lõa với Nga.

Có thể ông Trump tự ái về việc người ta nghĩ rằng ông thắng cử không phải do có đông đảo cử tri ủng hộ. Theo xã luận báo Le Monde, trước ý đồ như vậy của Nga, lẽ ra, ông phải lên án mạnh mẽ và rõ ràng, đồng thời đưa ra các biện pháp để tránh nguy cơ này tái diễn trong cuộc bầu cử lập pháp giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.

Thay vì làm như vậy, ông lại mỉa mai chế nhạo những cuộc tranh luận mang tính bè phái tại Hoa Kỳ và ông kêu gọi nước Mỹ hãy thức tỉnh. Le Monde nhấn mạnh, lời kêu gọi này phải giành cho Donald Trump : không nên nhắm mắt trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc và tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Oxfam Haiti trong bão tố

Quấy rối tình dục không chỉ có trong điện ảnh mà giờ còn lan sang cả trong các lĩnh vực hoạt động xã hội nhân đạo, mà mới đây nhất là tại tổ chức phi chính phủ Oxfam. La Croix trong bài xã luận đề tựa « Một tổ chức phi chính phủ trong vòng xoáy » cho hay báo cáo nội bộ được công bố năm 2011 đã từng đề cập đến tình trạng hỗn độn của tổ chức này tại Haiti.

Tờ báo không những chỉ trích cách điều hành phi của tổ chức phi chính phủ này không xứng tầm với những giá trị nhân đạo mà cộng đồng quốc tế đã trông đợi và giao phó trên bình diện tinh thần lẫn vật chất.

Thái độ thiếu minh bạch và cách xử lý các vụ việc theo kiểu « nội bộ » rồi cho luân chuyển người có liên quan sang một tổ chức khác để giấu nhẹm vụ việc cho thấy một sự hỗn độn và đã làm mất uy tín của một tổ chức phi chính phủ lớn.

« Bát nước đổ đi khó xúc lại đầy ». Làm thế nào vực dậy uy tín của tổ chức không phải là một điều dễ. Với La Croix, vụ tai tiếng này còn được xem như là một lời cảnh báo mới nhắm vào những tổ chức nào có ý định hành động như thế để « phòng thân », phản bội lại những giá trị mà lẽ ra họ phải bảo vệ.

Internet : ‘Chất gây ô nhiễm’ học đường

La Croix còn quan tâm đến kết quả khảo sát môi trường học đường trong năm 2017 của Hiệp hội FAS cho rằng « Internet đang đầu độc bầu không khí học đường ».

Chửi rủa trên mạng, phát tán hình ảnh hay các đoạn video làm tổn thương người khác… Thước đo bầu không khí học đường cho năm 2017 do FAS thực hiện cho thấy hiện tượng « gây tổn hại bằng kỹ thuật số » ảnh hưởng đến mọi nhân sự trong ngành giáo dục đã tăng thêm 19%.

Tuy mức tăng nhẹ, nhưng điều đáng quan tâm là thái độ xử sự của học sinh và phụ huynh theo như đánh giá của ông Vincent Bouba, tổng thư ký của FAS.

« Thái độ có phần dữ dội hơn. Cách đây vài năm, những lời chửi rủa hay cáo buộc các phương pháp giảng dạy nhắm vào một giáo viên hay một lãnh đạo trường học trên trang blog thường ẩn danh.

Giờ đây, một số học sinh hay phụ huynh không ngần ngại chỉ trích công khai trên chính trang xã hội Facebook của mình hay gởi đến đối tượng những thư điện tử gây phiền lòng. Người ta còn quan sát thấy ngày càng có nhiều học sinh sử dụng đến ứng dụng Periscope, cho phép ghi hình và phát trực tiếp những gì đang diễn ra trong lớp học. Nhiều học sinh đi đến việc gây ra sự cố, cố tình chọc tức giảng viên khiến họ mất kiềm chế trong khuôn khổ một trò chơi đánh cược có ghi hình ».

Theo quan sát, có đến 44% giáo viên bị chửi rủa ít nhất một lần trong năm, thường xuyên nhất là từ học sinh, thỉnh thoảng đến từ phụ huynh.

Silicon Valley sẽ chỉ là huyền thoại ?

Trong lĩnh vực công nghệ, Les Echos trích dẫn một bài viết trên tờ The Economist dự báo « Ngày mà Trung Quốc sẽ qua mặt Silicon Valley ».

Cái thời ngạo nghễ của Hoa Kỳ, chiếm giữ vị trí số một trên thế giới về lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất đang trên đà kết thúc, tờ báo viết. Vì sao ? Bởi vì giờ đây Trung Quốc đã qua mặt cường quốc số một thế giới trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp may mặc và sắp tới đây chắc chắn sẽ là công nghệ.

Theo thẩm định của The Economist, trong vòng từ 10-15 năm tới hai cường quốc này sẽ ngang hàng nhau nếu như Trung Quốc vẫn duy trì được nhịp độ phát triển như hiện nay. Hầu hết các chỉ số do tuần báo kinh tế Anh đưa ra cho thấy đà bắt kịp công nghệ cao của Trung Quốc hiện nay là rất nhanh.

Phụ nữ Ả Rập được ‘cởi trói’ thêm một nấc

« Cuối cùng, phụ nữ Ả Rập Xê Út được tự do mở doanh nghiệp không cần người bảo hộ ». Đây là tựa đề mục « Câu chuyện » trên phụ trang kinh tế báo Le Figaro.

Mở đầu bài tờ báo viết : « Có cái gì đó đang mỉm cười tại vương quốc Ả Rập Xê Út ». Sau khi được phép vào sân vận động đá banh, rồi được phép lái xe ô tô, phụ nữ xứ Ả Rập Xê Út giờ có thể tự mở doanh nghiệp mà không cần sự bảo hộ của nam giới. Bởi vì cho đến lúc này, phụ nữ Ả Rập vẫn buộc phải trình bằng chứng bảo hộ từ cha, chồng hay anh trai để được phép làm các thủ tục hành chính.

Kể từ tháng Sáu tới đây, khi luật cho phép phụ nữ được phép điều khiển xe ô tô có hiệu lực, du khách đến Ả Rập Xê Út có cơ may gặp tài xế xe Uber là một quý cô hay quý bà. Bởi vì Uber và đối thủ cạnh tranh Careem, một doanh nghiệp trong nước, đều cho hay có ý định tuyển dụng một ngàn nữ tài xế.

Thiện ý tự do hóa lãnh vực tư nhân của hoàng tử kế vị Mohammed Ben Salman, còn được báo chí phương Tây gọi tắt là MBS đã tạo được một tiếng vang trong lòng dân. Một loạt các biện pháp cải cách đã được đề ra nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống kinh tế đất nước.

Riyad đặt ra mục tiêu tăng lực lượng lao động nữ từ 22% lên 30% từ đây đến năm 2030. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Viện kiểm sát tại Riyad đã thông báo tuyển dụng 140 phụ nữ làm việc tại các trạm kiểm soát ở biên giới và hiện đã có 100 ngàn nữ ứng viên nộp hồ sơ.

Thế nhưng, tờ báo lưu ý quý vị chớ vội mừng. Để có thể ngồi được vào những vị trí đó thì phụ nữ phải được đào tạo và có kiến thức. Vấn đề là quyền bảo hộ nam giới vẫn đè nặng trong rất nhiều lĩnh vực trong đó chuyện học hành hay đi du lịch.

Trang nhất các báo Pháp

Le Monde : « Di dân, các đề xuất cho một chính sách hội nhập thật sự ». Đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron, ông Aurélien Taché ngày 19/02 đã đệ trình thủ tướng chính phủ 72 đề xuất nhằm tạo thuận lợi cho chính sách hội nhập người nước ngoài. Theo tác giả, chính phủ nên ưu tiên dành ra một khoản ngân sách ước tính 600 triệu euro hỗ trợ cho việc tăng cường học tiếng Pháp, giấy phép làm việc và tiếp cận nhà ở giúp người nhập cư hội nhập.

Cũng trên trang nhất Le Monde, với hàng tít « Nhạc jazz, tự do » nhật báo vinh danh cố nghệ sĩ violon và cũng là nhà soạn nhạc Didier Lockwood, qua đời hôm Chủ Nhật 18/02, ở độ tuổi 62. Tờ báo trở lại 40 năm sự nghiệp âm nhạc và nhất là cuộc gặp của ông với huyền thoại nhạc jazz khác của Pháp, nghệ sĩ Stephane Grappelli. Hai thế hệ khác nhau nhưng lại có cùng « tiếng đàn » và nhất là cùng một sở thích chuyển tải đam mê.

Libération : « Bạo hành, xâm hại, quấy rối tình dục. Những nhân chứng đang đè nặng Unef ». Nhật báo thiên tả dành đến 6 trang báo lớn đăng các bài điều tra và lần đầu tiên lời chứng của 16 phụ nữ thuật lại việc các nhà lãnh đạo của nghiệp đoàn sinh viên có lẽ đã lạm dụng họ như thế nào. Những hành động này thường xuyên xảy ra nhưng từ lâu vẫn bị « ém nhẹm ».

Les Echos : « Món tiền hời từ nguồn thuế đánh vào những căn hộ thứ hai ». Những ai có căn hộ thứ hai để cho thuê sẽ phải trả thuế cư ngụ cho căn hộ này cao hơn trong năm nay. Sau Paris, Nice, Bordeaux, nhiều thành phố du lịch lớn khác cho biết sẽ tăng mức thuế này nhắm vào những loại căn hộ trên.

Le Figaro : « Số phận của Merkel treo lơ lửng theo lá phiếu của các đảng viên đảng Dân Chủ - Xã Hội ». Bởi vì, từ ngày hôm nay, các thành viên của đảng SPD sẽ cho biết có thông qua thỏa thuận tiếp tục thành lập chính phủ liên minh với đảng bảo thủ của bà Merkel hay không.

La Croix : « Netanyahu, bất chấp tất cả ». Mặc dù đang bị cáo buộc tham nhũng đeo bám, nhưng uy tín của thủ tướng Israel hiện nay vẫn còn rất cao trong lòng dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét