Đối thoại với những người trẻ là một điều thú vị, vì đó là hành trình để nhận biết xem tương lai của một quốc gia rồi sẽ như thế nào.
Thật may mắn khi có được một cuộc đối thoại như vậy với Ngọc Kim, thư ký phân ban hải ngoại của Hội Sinh viên Nhân quyền (Hội SVNQ). Kim sinh năm 1992 và đang sống ở Anh Quốc, nơi có rất nhiều người trẻ tuổi ở miền Bắc Việt Nam đến du học.
Chỉ đến khi sinh viên Trần Hoàng Phúc bị bắt và áp vào cáo trạng “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 88 BLHS, thì hình ảnh của Hội SVNQ mới xuất hiện rõ trong công chúng ở VN. Bằng một giọng Bắc nhỏ nhẹ và thận trọng, nhưng Ngọc Kim cũng không thể giấu được sự phấn khích của mình khi nói về Hội SVNQ và những ước mơ cho tương lai – ước mơ không phải cho riêng các bạn của Hội, mà ước mơ cho một Việt Nam cần-thay-đổi.
So với các bàn thắng bóng đá hay bữa tiệc bikini trên máy bay, thì bản ghi chép này thật nhàm chán. Nhưng nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam dành chút thời gian để đọc và chân thành hiểu được những gì tuổi trẻ Việt Nam đang nghĩ, thì có lẽ họ cũng sẽ sớm nhận ra rằng khi một đất nước miệt mài với những cuộc vui và chỉ số hạnh phúc, cũng vô cùng giả tạo và nhàm chán, như chính bản thân họ vậy.
-----------------------
Hội Sinh viên Nhân Quyền (Hội SVNQ) của các bạn dường như còn khá mới mẻ đối với công chúng ở Việt Nam. Bạn có thể nói sơ qua về Hội của mình, cũng như cho biết Trần Hoàng Phúc đóng vai trò như thế nào đối với Hội?
Vâng, ý tưởng thành lập một hội sinh viên độc lập thì đã có từ năm 2014. Khi đó, một bạn sinh viên tìm đến gặp một giáo sư vật lý và trình bày về ý tưởng thành lập một Hội sinh viên độc lập, và được vị giáo sư ủng hộ. Tuy nhiên ông không tiện ra mặt công khai vận động, mà chỉ âm thầm ủng hộ các bạn trẻ. Rồi các bạn sinh viên cùng chí hướng cũng đã âm thầm liên kết với nhau. Trong nhóm lúc đó, mỗi người có một khả năng nhưng thiếu người am hiểu về pháp luật. Cơ duyên đến khi sinh viên luật Trần Hoàng Phúc đến với nhóm.
Từ lâu, Phúc cũng có ý tưởng thành lập một Hội sinh viên độc lập như thế rồi, cho nên các bạn trong nhóm rất dễ làm việc với nhau. Từ đó Phúc là người lo cho Hội về phương diện pháp luật và phương pháp tổ chức hội đoàn, lập kế hoạch cho Hội hoạt động lâu dài. Ở thời điểm Phúc đang bị gán ghép những tội danh bất lợi, phía Hội chỉ có thể tiết lộ được đôi điều như vậy về Phúc mà thôi ạ.
Lý sao vì sao các bạn chọn cố vấn cho Hội SVNQ là bác sĩ Nguyễn Đan Quế? Việc mời một nhân vật hoạt động chính trị - đặc biệt là bị sự giám sát rất ngặt nghèo từ phía chính quyền, là ý tưởng như thế nào?
Ý kiến chung của các bạn khi mời bác sĩ Nguyễn Đan Quế, không phải với tư cách ông là một nhà đối lập chính trị, mà là trong tư cách một nhà khoa học. Bác sỹ Nguyễn Đan Quế là một sinh viên xuất sắc dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Khi mới tốt nghiệp trường y, bác sỹ Quế được Liên Hợp Quốc trao học bổng đi tu nghiệp về ngành Y khoa Nội tiết (Endocrinology). Khi về nước, ông giữ chức Giám đốc Khu Nội khoa Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh viện Chợ Rẫy. Ông cũng làm giảng viên tại đại học Y-Dược TP.HCM, với mục tiêu lớn là cải cách nền học thuật Việt Nam. Hội SVNQ đã rất vinh dự khi đã mời nhà khoa học lớn này về làm cố vấn cho mình. Ngoài ra, tất cả các bạn trong Hội SVNQ đều tin rằng việc bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một trí thức đối lập có tên tuổi tham gia cố vấn, còn làm tăng thêm uy tín của Hội sinh viên nhân quyền.
Hiện tại, Hội còn có một vị cố vấn đặc biệt nữa, đó là giáo sư quốc tế Nguyễn Đăng Hưng. Ông là giáo sư thực thụ tại đại học Liège, vương quốc Bỉ, được hoàng gia Bỉ trao tặng danh hiệu hiệp sĩ cho những đóng góp to lớn cho đất nước này. GS.Nguyễn Đăng Hưng được báo chí Bỉ vinh danh là 1 trong số 10 người làm thay đổi nước Bỉ, ông đã về nước và giúp nhà nước Việt Nam đào tạo ra nhiều nhân tài về cơ học, trong đó kể đến tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng. Hiện Gs .Hưng là cố vấn đặc biệt cho chuyên mục Cải cách học thuật .
Chính sách của Hội SVNQ là mời gọi nhiều nhân tài khoa học và những nhân tài trên nhiều lĩnh vực. Hội SVNQ luôn mở cửa chào đón những sinh viên có thực tài và có mong ước tốt đẹp cho xã hội và đề xuất được các chương trình để cải tạo đất nước
Thêm một điều tò mò nữa, nhờ các bạn giải thích là vì sao Hội SVNQ lại gắn với ý nghĩa “nhân quyền”. Theo nhận định của các bạn đời sống đại học và sinh viên hiện nay như thế nào, khiến có sự ra đời của Hội?
Vâng, khi chọn danh từ “nhân quyền” như trong tên gọi, Hội SVNQ đã lường trước được nội hàm ý nghĩa rất rộng của từ “nhân quyền”. Nhân quyền , hay gọi cách khác là quyền con người, thì ai cũng có và cũng cần được trân trọng. Nhưng cách hiểu về nhân quyền của mỗi người khác nhau. Ví dụ, cách hiểu về nhân quyền của người phương Đông khác với người phương Tây, và cách hiểu về nhân quyền của giai cấp bị trị chắc chắn khác biệt cách hiểu của giai cấp thống trị. Trong bất kỳ xã hội nào, ai cũng muốn bảo vệ quyền-con-người của mình, cho nên luôn luôn có những xung đột về vấn đề nhân quyền. Do đó lý tưởng hoạt động vì nhân quyền của Hội SVNQ sẽ là một chặng đường rất dài.
Điều gì khiến cho các bạn tin rằng sinh viên Việt Nam hiện nay cần suy tư, và quan tâm đến nhân quyền?
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam hết sức phức tạp. Nhiều mảnh đời bất công trong xã hội không được ai bênh vực, hỏi nhà nước thì nhà nước lắc đầu làm ngơ không trả lời, hỏi người nước ngoài, thì người ta ở xa làm sao can thiệp kịp? Do đó, cần có những tổ chức bảo vệ nhân quyền thiết thực ở trong lòng xã hội, và tổ chức đó phải độc lập. Sinh viên Việt Nam là một thành tố quan trọng trong ý nghĩa đó. Sinh viên Việt Nam cần quan tâm đến nhân quyền bởi vì tất cả sinh viên đều là con người, thậm chí những con người đó chuẩn bị ảnh hưởng rất lớn làm thay đổi xã hội. Nếu quyền của một sinh viên bị xâm phạm thì cũng tức là quyền của cả một xã hội đang bị xâm phạm. Bằng cách này hay cách khác, sinh viên nào quan tâm đến nhân quyền đều có thể tác động thay đổi vận mệnh dân tộc.
Có vẻ như các bạn đang đi tìm một tính độc lập của khối đại học, cũng như tinh thần độc lập của giới sinh viên so với sự thực tế giáo dục hiện nay. Các bạn có lưu tâm về vấn đề lịch sử và so sánh sự khác biệt tinh thần đại học hiện nay, so với trước năm 1975?
Hiện nay, thời xã hội chủ nghĩa, có thể nói sinh viên đa số không có được tinh thần độc lập như các sinh viên thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Sinh viên trước 1975 độc lập trong suy nghĩ hơn và có nhiều sáng tạo hơn, trình độ cao hơn, khả năng ngoại ngữ vượt trội hơn. Thời Việt Nam Cộng Hòa, từ khi còn là học sinh các bạn đã được hưởng một nền giáo dục khai phóng và nhân bản, đến khi lên đại học thì các bạn sinh viên đã là những người giỏi giang, là tài sản của quốc gia. Còn bây giờ, kể từ sau 1975, nền giáo dục trói buộc con người, áp đặt học sinh phải nghĩ theo một con đường định sẵn, cho nên học sinh và sinh viên mái trường xã hội chủ nghĩa như bị rối loạn nhân cách, bằng chứng là rất nhiều người khó hòa nhập được với trào lưu chung của sinh viên quốc tế.
Phải nói thêm rằng giáo sư, giảng viên của khối đại học sau 1975 cũng không được như trước 1975. Không có tự do ngôn luận nên nhiều giáo sư, giảng viên đại học thời nay không có tư tưởng, cho nên đào tạo ra những sinh viên không có tư tưởng. Khi không có tư tưởng thì một người lao động chỉ là công nhân, khi có tư tưởng rồi thì anh mới là nhà báo, nhà văn, nhà chính trị... Nhưng nói cho cùng, cũng không thể trách là các thầy cô hèn nhát được, vì bất kỳ thầy cô nào suy nghĩ độc lập và dạy học sinh tư duy phản biện thì sẽ bị trù dập, thậm chí phải đối diện nhà tù. Không được các giáo sư khích lệ nên sinh viên cứ tư duy theo lối mòn, không dám độc lập suy nghĩ.
Sinh viên của hai giai đoạn này khác biệt nhau rất nhiều. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở tư tưởng. Theo quan điểm của Hội, sinh viên thời chính quyền Sài Gòn - Việt Nam Cộng Hòa có tư tưởng và dám đấu tranh cho lý tưởng, nhưng sau năm 1975, tỉ lệ này trong sinh viên chỉ chưa đầy 1%.
Chính vì vậy khi thấy giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một con người tự do vào làm cố vấn, đã có không ít bạn trẻ nộp đơn để được tham gia Hội Sinh viên Nhân quyền. Tụi em rất vui và tin rằng nhiều bạn trẻ sẽ nhìn ra được rằng xã hội này đã đến lúc cần thay đổi.
Được biết các bạn là một Hội sinh viên sinh hoạt về các quyền và giá trị con người, theo cách của giới trí thức ôn hòa và bình thường theo hiến pháp/luật pháp, nhưng tại sao hiện nay các thành viên của các bạn phải đánh số như mật danh?
Lý do là trãi qua 6 tháng hoạt động đầu tiên, bị cơ quan an ninh điều tra theo dõi nên Hội phải áp dụng phương thức thay tên bằng mã số để đảm bảo an toàn cho các Hội viên. Nay thời gian nửa năm đã trôi qua, Hội đã lớn mạnh và mới đây đã dần xóa bỏ mã số cho tất cả các hội viên và chính thức sử dụng tên. Dĩ nhiên, tên này có thể là tên thật hoặc bí danh. Một khi Việt Nam sớm có luật tự do lập hội đoàn, thì tất cả các hội viên Hội sinh viên nhân quyền sẽ cùng thể hiện tên thật và công khai thực hiện các chương trình tái thiết đất nước của mình.
Cũng liên quan về việc sinh hoạt các quan điểm xã hội, cũng như ứng dụng tri thức căn bản truyền thông trong đời sống, nhưng một thành viên của các bạn là sinh viên Trần Hoàng Phúc đã bị kết tội theo điều 88 tức "tuyên truyền chống nhà nước". Các bạn nhận định như thế nào về điều này?
Cần nói rõ bạn Trần Hoàng Phúc là một sinh viên vô cùng năng động. Bạn Phúc có mặt bao quát trên nhiều lĩnh vực, giúp đỡ cho nhiều hội đoàn. Tháng 7 năm 2017, nhà cầm quyền dùng luật điều 88 để bắt Phúc, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhưng đây là một tội danh hết sức mơ hồ. Nếu một điều nói thật mà nhà nước coi là chống nhà nước, thì nhà nước nên lại xem lại, là tại sao chỗ nào cũng có người chống nhà nước? Đó là vì nhà nước làm việc không theo sự thật. Bởi không có sự thật trong nhà nước cho nên nhà nước phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác và sẽ có những người bất mãn dùng truyền thông để nói lên sự khác biệt. Trường hợp Trần Hoàng Phúc, theo như Ngọc Kim được biết, thì Phúc muốn dùng truyền thông để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn.
Một đất nước văn minh phải có năm cột trụ: tam quyền phân lập, tức là lập pháp-tư pháp-hành pháp độc lập với nhau, cột trụ thứ tư là tự do báo chí, cột trụ thứ năm là công đoàn độc lập. Nhà nước muốn đập bỏ cột trụ thứ tư thì tức là đang đập bỏ một phần của nền văn minh nhân loại. Tất nhiên Hội SVNQ không nghĩ rằng mọi thành phần của nhà nước đều phản văn minh như vậy, mà rõ ràng, một phía bảo thủ nào đó, có lợi thế cầm quyền đang muốn ngăn cản quyền tự do báo chí mà thôi. Trần Hoàng Phúc đấu tranh cho cột trụ thứ 4 của một nước văn minh là tự do báo chí, cho nên bạn ấy tất nhiên bị phía lực lượng phản văn minh muốn bỏ tù .
Tương tự như Hoàng Chí Phong ở Hồng Kông, Phan Kim Khánh hay Trần Hoàng Phúc đều là những sinh viên trẻ, có hoạt động phản biện và chủ trương ước mơ cho đất nước được thay đổi tốt đẹp hơn. Kim Khánh đã có một bản án, và Phúc cũng vậy và bị đặt ở phía kẻ có tội, các bạn nghĩa sao về điều này?
Cùng bị kết tội chống đối chính quyền, nhưng Hoàng Chi Phong ở Hồng Kông có điều kiện dễ dàng hơn Phan Kim Khánh và Trần Hoàng Phúc ở Việt Nam. Hồng Kông có tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật, đặc trưng của các nước thuộc địa Anh quốc. Giới trẻ Hồng Kông hết thảy đều biết về Hoàng Chi Phong và ủng hộ Hoàng Chi Phong, cho nên Trung Quốc cũng không dám bỏ tù Hoàng Chi Phong với án nặng. Nhưng ở Việt Nam, báo in bị nhà nước kiểm soát gắt gao, họ muốn bưng bít về giới sinh viên bất đồng chính kiến, nên trong nước vẫn chưa nhiều người biết đến Trần Hoàng Phúc và Phan Kim Khánh, Ngọc Kim nghĩ rằng hiện chỉ mới khoảng 20% dân số biết đến những việc làm của hai sinh viên này mà thôi.
Tại Hồng Kông, ít nhất cũng khoảng 95% dân số nước này biết đến Hoàng Chí Phong. Sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Hoàng Chí Phong có ở mọi con phố ở Hồng Kông, làm cho nhà cầm quyền chỉ dám giam giữ người sinh viên này vài tháng đến nửa năm. Còn như Phan Kim Khánh, vì xã hội còn ít người biết đến cho nên tòa án độc tài bỏ tù anh đến 6 năm. Nhưng từ ngày 31/01, Trần Hoàng Phúc ra tòa, tình hình có thể sẽ khác bởi thông tin ngày càng lan tỏa, và hiện đã có nhiều người hơn, trên khắp cả nước biết đến Phúc. Bản án đặt lên Trần Hoàng Phúc có thể tạo những cột mốc mới đối với tình hình chính trị Việt Nam.
Và Ngọc Kim tin rằng, dù ở Hồng Kông hay Việt Nam, nếu Hoàng Chi Phong hay Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc bị kết tội thì cho thấy một điều rằng, ở mọi quốc gia, sinh viên độc lập là lực lượng mạnh mẽ nhất có thể thay đổi xã hội .
Cám ơn sự bộc bạch của các bạn, và xin hỏi một câu cuối, là khi chọn một sự khác biệt với nhà nước, đồng nghĩa với chọn đối diện áp lực. Lúc này áp lực mà các bạn đang đối diện thì như thế nào? Các bạn có ước mơ gì cho tương lai?
Dạ, Hội chúng em bị an ninh nhà nước kiểm soát liên tục. Một bạn sinh viên chỉ like và share một status của fanpage Hội thôi mà đã bị công an tỉnh mời lên rồi đe dọa. Có bạn hội viên bị công an đến quấy nhiễu công ăn việc làm. Một bạn khác bị tình nghi tham gia Hội thôi mà đã bị tin tặc tổ chức cướp mất mật khẩu Icloud. Một bạn khác bị phá tài khoản Facebook và Gmail nhưng cuối cùng may mắn vẫn giữ được. Như em thì gia đình cũng bị ảnh hưởng và liên lụy, nhưng vì Kim tin việc Kim làm không có gì sai trái nên vẫn không thay đổi.
Không phải riêng Kim, mà tất cả các bạn đều mơ ước Hội sinh viên nhân quyền sẽ là Tổ chức độc lập của sinh viên Việt Nam: Tập hợp của những sinh viên có mong muốn cải cách học thuật, minh bạch giảng đường và thúc đẩy các giá trị nhân quyền trong giới sinh viên. Với một lý tưởng như vậy, chắc mọi người quan tâm có thể hình dung được phần nào diện mạo của Hội SVNQ trong tương lai.
Tuấn Khanh (ghi lại)
-----------------------------------
Chú thích ảnh: Ngọc Kim và bức ảnh Trần Hoàng Phúc trong một lần vận động ở Anh Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét