Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

650 - Các quốc gia Đông Á chạy đua phát triển hỏa tiễn


 
Hỏa tiễn bình phi tấn công AGM-158 JASDSM phóng đi từ máy bay mà Nhật Bản muốn mua của Mỹ. (Hình: USAF/via Wikipedia)


Kế hoạch vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn đã kéo theo một cuộc chạy đua phát triển lực lượng hỏa tiễn phòng thủ cũng như tấn công ở tất cả các nước Đông Á.

Bắc Hàn

Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền lực Tháng Mười Hai, năm 2011, Bắc Hàn đã đẩy mạnh chương trình phát triển hỏa tiễn và nhịp độ thử nghiệm tăng lên đáng kể so với thời ông bố là Kim Jong-il. Sau những lần thất bại năm 2016, hiện nay Bắc Hàn đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng và Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng trong vòng năm 2018 có thể có được hệ thống hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử nhắm tới lục địa Mỹ.

Số lượng hỏa tiễn mà Bắc Hàn hiện có vẫn còn là bí ẩn và nhiều loại mới chỉ thử nghiệm chưa tới giai đoạn sản xuất và sử dụng. Nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có khả năng bắn tới tất cả mục tiêu trên lãnh thổ Nam Hàn và Nhât Bản. Hỏa tiễn tầm xa Hwasong-10 hay Musudan triển khai từ năm 2010, hiện nay được cải tiến, có tầm bắn 3,200 km đủ đe dọa tới Guam.

Ngoài việc hoàn thiện các loại hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung, mục tiêu chính của Bắc Hàn là phát triển hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn xa từ 10,000 đến 13,000 km. Trong năm 2017, bất chấp lệnh cấm vận Bắc Hàn đã thử nghiệm các hỏa tiễn hạng này bao gồm Hwasong-14, 15, 16 với mức độ thành công chưa thể biết chính xác. Là một đất nước quá nhỏ bé, Bắc Hàn phải thử nghiệm hỏa tiễn bằng đường phóng thẳng lên cao để tránh bay qua không phận các quốc gia khác, do đó khó đánh giá khả năng đánh trúng mục tiêu.

Trung Quốc

Cho tới đầu thế kỷ này, triển khai hỏa lực chiến thuật tầm xa của Trung Quốc đặt căn bản trên hỏa tiễn đạn đạo thay vì dùng máy bay oanh tạc hay chiến hạm. Do đó quốc gia này đã sản xuất hàng trăm loại hỏa tiễn tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa.

Các hỏa tiễn tầm trung DF-21 tầm bắn 1,700 km và DF-26 trên 3,000 km, đặt trên xe di động, có khả năng tấn công đến tất cả các mục tiêu ở Đông Bắc Á, Đài Loan, Nhật Bản, Guam. Hai kiểu hỏa tiễn này cũng có phiên bản được biến thể thành hỏa tiễn diệt hạm chuyên dùng vào mục đích tấn công các chiến hạm kể cả hàng không mẩu hạm.

Trung Quốc cũng đang chú trọng phát triển các loại hỏa tiễn bình phi như DF-10A có tầm bắn xa 1,500 km đặt căn cứ trên mặt đất hay chiến hạm. Hỏa tiễn bình phi bay thấp chỉ có vận tốc cận thanh với động cơ phản lực như một máy bay thường, nhưng có ưu điểm là tránh bị radar phát hiện và được điều khiển suốt hành trình cho tới mục tiêu.

Hỏa tiễn đạn đạo đi theo quỹ đạo cố định, nếu là liên lục địa thì lên rất cao ra ngoài khí quyển nhưng không vào quỹ đạo thành một vệ tinh nhân tạo, còn nếu là tầm xa hay tầm trung thì không ra ngoài khí quyển. Trong hầu hết thời gian bay, hỏa tiễn đạn đạo không có lực đẩy, chỉ nhờ trọng lực và sức cản của không khí, và chỉ có sự hướng dẫn trong một khoảnh khắc rất ngắn khi gần đến mục tiêu.

Mỹ, Nga, Trung Quốc đều đang nỗ lực phát triển loại hỏa tiễn “bội thanh” (hypersonic) nghĩa là bay với vận tốc trên 5 lần vận tốc âm thanh khi đi đến mục tiêu, và đến nay dường như Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật. Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, lực lượng hỏa tiễn của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã thử nghiệm hỏa tiễn mới DF-17, đầu tiên thuộc loại này, và tình báo Mỹ dự đoán sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Hỏa tiễn bội thanh sẽ là mối đe dọa nặng nề vì có thể vượt qua tất cả tất cả những hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo và bình phi thông thường.

Nam Hàn, Nhật, Đài Loan

Từ trước đến nay các quốc gia này đều chỉ chú trọng đến mục tiêu phòng thủ với các hệ thống hỏa tiễn mua của Mỹ.

Theo hiến pháp hòa bình, Nhật không chủ trương trang bị vũ khí tấn công, nhưng gần đây bị đe dọa bởi thái độ hiếu chiến của Bắc Hàn, Nhật muốn mua loại hỏa tiển bình phi AGM-158 JASSM-ER của Không Quân Mỹ, phóng đi từ máy bay chiến đấu tới mục tiêu xa trên 1,000 km với đầu đạn mang chất nổ quy ước nặng 470 kg.

Nam Hàn có các hỏa tiễn đạn đạo Hyunmoo trong đó Hyunmoo-4 có tầm bắn xa 1,000 km mang đầu đạn 1,000 kg thuốc nổ. Ngoài ra các hỏa tiễn bình phi KEPD 350 mua của Đức, phóng từ máy bay đánh các mục tiêu dưới đất và hỏa tiễn bình phi Hyunmoo 3 do Nam Hàn sản xuất với tầm xa trên 500 km.

Đài Loan sản xuất hoả tiễn bình phi Hsiung Feng IIE (HF-2E) đặt căn cứ trên mặt đất phóng đi từ xe di động, nhằm mục đích phòng thủ eo biển, nhưng với tầm xa tối đa 600 km có thể tần công vào lục địa Trung Quốc qua eo biển bề ngang trên 200 km. Đài Loan cũng đang phát triển hỏa tiễn bình phi Vạn Kiếm (Wan Chien) phóng đi từ máy bay chiến đấu với tầm bắn xa 2,000 km đẩ có thể đe dọa Bắc Kinh.


Trong tình thế mỗi quốc gia đều bí mật sản xuất hay đặt mua những hệ thống hỏa tiễn mới, hậu quả sẽ là sự gia tăng nguy cơ chiến tranh tới mức độ lớn trong khu vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét