Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

919 - 2018: Không chịu cải cách, Việt Nam làm sao vay quốc tế?

Phạm Chí Dũng (Cali Today News)
Một thách thức rất lớn dành cho giới chóp bu đảng CSVN trong năm 2018 là làm sao vay được tín dụng của các tổ chức tài chính quốc tế và các chính phủ, trong lúc chính thể độc đảng ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động tác nào được xem là “cải cách thể chế” cho tới nay.
Nhu cầu vay tín dụng quốc tế lại chưa bao giờ khẩn thiết và cần nhiều như lúc này. Sau năm 2015 là thời điểm Việt Nam phải trả nợ quốc tế đến 20 tỷ USD, những năm sau đó chính thể này phải đều đặn trả nợ quốc tế từ 10 – 12 tỷ USD mỗi năm. Cho dù Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã cố gắng “gom” USD từ hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần và từ nguồn trôi nổi trên thị trường để “đạt thành tích 57 tỷ USD dự trữ ngoại hối”, con số này vẫn là nhỏ bé nếu trừ đi khoảng 13 tỷ USD trong đó là trái phiếu chính phủ Mỹ mà số còn lại vẫn không đủ cho ít nhất 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam theo thông lệ quốc tế.
Quỹ dự trữ ngoại hối lại còn phải phục vụ cho nhu cầu thiếu hụt trầm trọng của ngân sách quốc gia. Vào cuối năm 2015, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo Bộ Tài chính vay mượn 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối để “bù đắp khó khăn ngân sách” mà cho tới nay vẫn chẳng có thông tin nào về việc ngân sách nhà nước đã trả lại quỹ dự trữ ngoại hối số tiền 1 tỷ USD hay chưa.
Có đến khoảng 50 – 60% số tiền Việt Nam vay mượn tín dụng quốc tế hàng năm là nhằm “đảo nợ”, tức được dùng để thanh toán luôn cho những món lãi và nợ gốc đã đến hạn phải trả. Trước đây, cơ chế “đảo nợ” được chính phủ giấu kín. Nhưng về sau này và khi tình hình đã đến mức “sụp đổ tài khóa quốc gia” – như một cảnh báo của chính Thủ tướng Phúc vào đầu năm 2017, cả giới quan chức của chính phủ và quốc hội đều phải dần công khai nói về “đảo nợ”.
Nhưng giờ đây, cơ chế vay tín dụng quốc tế không còn dễ dàng như những năm trước.
Từ tháng Bảy năm 2017, các tổ chức tín dụng lớn nhất như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đã thống nhất Việt Nam sẽ phải vay tín dụng với những điều kiện không còn ưu đãi như trước, nghĩa là với mặt bằng lãi suất sẽ tăng gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa. Còn muốn có được một phần vay ưu đãi thì Việt Nam phải dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.
“Đúng nghĩa” có nghĩa là phải minh bạch tài chính và tài khóa, công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng có thể chứng minh được, có những bằng chứng bảo đảm Việt Nma tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ… như những tiêu chí của kinh tế thị trường mà quốc tế quy định. Nhưng về tất cả những mặt này, Việt Nam vẫn luôn là “điển hình tiên tiến” trên thế giới khi nằm trong nhóm hàng đầu về tham nhũng và chót bảng về độ minh bạch.



Cái bắt tay này chẳng chứng tỏ được gì. Vào tháng 9/2017, trong cuộc gặp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lộ ra “lời đề nghị khiếm nhã” khi bộc lộ động tác “xin tiền” một cách công khai. Phía WB đã hoàn toàn phớt lờ đề nghị này. Ảnh: Tiền Phong

Không những không quan tâm đến “kinh tế thị trường”, tại Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu tháng Năm năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo tung ra “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” – một văn bản bao gồm nhiều khái niệm bị giới chuyên gia và dư luận xem là hổ lốn, thực sự tréo ngoe với mọi tiêu chí về kinh tế thị trường tự do của cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng cho tới nay mới chỉ chứng tỏ tinh thần “chống tham nhũng thời kỳ trước” (được hiểu như “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng”) hay “chống tham nhũng một bên”, mà chưa đụng chạm đến “phe ta” như vụ Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự… Rất nhiều dư luận đã cho rằng đây không phải là một ý chí chống tham nhũng thực tâm mà chỉ mang tính thanh trừng quyền lực và tập quyền phe phái lẫn cá nhân.
Hậu quả của cơ chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là trong năm 2017, Việt Nam vay mượn được rất ít tín dụng quốc tế so với những năm trước.
Ngay cả Hội nghị thượng định kinh tế APEC – một sự kiện mà giới chóp bu Việt Nam tuyên xưng là “rất thành công”, cũng chỉ mang lại một kết quả quá sức khiêm tốn về tín dụng. Ngoài một hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 – 2020 cho Việt Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam – một đòi hỏi mà chưa bao giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải “vay để đảo nợ”.
Trước đó vào tháng 9/2017, trong cuộc gặp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lộ ra “lời đề nghị khiếm nhã” khi bộc lộ động tác “xin tiền” một cách công khai: “đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay”. Nhưng phía WB đã hoàn toàn phớt lờ đề nghị này
Cần nói thêm, ngoài các tiêu chí cần phải có để đáp ứng quy chế kinh tế thị trường, còn có cả tiêu chí về nhân quyền. Nhưng trong năm 2017, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng hàng đầu thế giới về vi phạm nhân quyền trầm trọng khi tống giam đến 25 người hoạt động về quyền con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét