Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB)
Nguồn: The Diplomat
Làm sao những người cộng sản và Phạm Xuân Ẩn giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh tuyên truyền?
Trong những năm sau Tết Mậu Thân, một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, lễ kỷ niệm 50 năm được tổ chức vào cuối tháng 1 vừa qua, người Mỹ sẽ lại phải tự vấn. Làm sao họ có thể sai đến như vậy? Cuộc nổi dậy của Cộng sản trên toàn miền Nam Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và điều được cho là thành công của họ đã xoay chuyển ý kiến công chúng, khoảng giữa năm 1968, theo hướng chống lại cuộc chiến tranh, một bài học trong lĩnh vực tuyên truyền và biểu hiện sau này của nó, “tin giả”.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 là cuộc "chiến tranh truyền hình đầu tiên" đầu tiên. Người Mỹ không thể tin vào những gì họ đang nhìn thấy. |
Nhiều người quan trọng đã tham gia vào việc lập kế hoạch. Trong số đó có Phạm Xuân Ẩn, một phóng viên nước ngoài trở thành Cộng sản trong giai đoạn Thế chiến II, rồi nổi lên trong hàng ngũ của họ và trở thành một trong những điệp viên vĩ đại nhất của Hồ Chí Minh.
Lý lịch công tác của ông - một bí mật còn kéo dài trong hàng chục năm tới - đã là kinh khủng rồi. Năm 1962, trong khi làm việc cho hãng tin Reuters của Anh, ông đã tiết lộ thông tin về trận đánh do các đơn vị Nam Việt Nam, được Mỹ hướng dẫn, sắp sửa diễn ra gần một ngôi làng ở đồng bằng sông Cửu Long, phía tây nam Sài Gòn, gọi là Ấp Bắc.
Hy vọng chiến thắng đã bị dập tắt vì Việt Cộng được trang bị tốt, phòng thủ chặt chẽ và đã phản công, dẫn tới một trong những thất bại lớn nhất của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Sau trận đánh, Hồ Chí Minh trao tặng hai Huân chương Giải phóng - vinh dự khá cao. Một Huân chương được trao cho người chỉ huy trận đánh, cái thứ hai được trao cho Phạm Xuân Ẩn.
Ba năm sau đó, ông lại được trao một Huân chương nữa vì đã có những bản báo cáo phác thảo những nét chính của cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Đà Nẵng. Đồng thời, ông bắt đầu soạn thảo những nét chính của cuộc tấn công trên diện rộng của quân Cộng sản, sẽ được tung ra trong dịp Tết Nguyên Ðán.
Thỏa thuận ngừng bắn sẽ không được tôn trọng, và Cộng sản giành được yếu tố bất ngờ khi tung ra cuộc tấn công giữa tiếng nổ của hàng triệu tràng pháo, thường được đốt để chào đón năm mới.
Ý tưởng về việc tung ra một chiến dịch kéo dài nhằm giành “chiến thắng quyết định”, đè bẹp chính phủ thường xuyên nằm trong tình trạng bất ổn ở Sài Gòn không phải là ý tưởng mới mẻ đối với những người lập kế hoạch ở Hà Nội. Nhưng, kế hoạch quân sự vượt qua được sự chống đối của các thành phần thận trọng hơn trong Bộ chính trị đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng tham mưu trưởng quân đội Văn Tiến Dũng hoàn thành vào cuối năm 1967.
Tuy nhiên, nhiều người ở Hà Nội sợ là sẽ đi quá xa. Hồ Chí Minh lúc đó đang ốm và cũng như Tướng Võ Nguyên Giáp, kiến trúc sư nổi tiếng của chiến thắng Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, là những người có thái độ nước đôi, đã bị cho ra rìa và cuối cùng, bị gạt ra khỏi cuộc tranh luận về chiến lược.
Nằm cách xa những mưu mô đang diễn ra ở Hà Nội, những người Cộng sản miền Nam - Việt Cộng - là những tay chơi chủ chốt và chịu trách nhiệm về chi tiết chiến dịch và lãnh đạo các cuộc tấn công – trong đó có các nhà lãnh đạo như tướng Trần Văn Trà và chính ủy máu lạnh Trần Bạch Đằng.
Trong khi du kích quân miền Nam nhận lãnh trách nhiệm chiến đấu ở các đô thị, họ được Quân đội chính quy Bắc Việt hậu thuẫn và chính các đơn vị quân đội Bắc Việt Nam đã tung ra và tiếp tục bao vây lực lượng Mỹ bị cô lập trong suốt bốn tháng liền ở tiền đồn Khe Sanh, với dự định là kéo các lực lượng Mỹ ra khỏi các thành phố và thị trấn ở Nam Việt Nam.
Nhưng, trong khi các tư tưởng gia như Trần Bạch Đằng tin rằng sự phô trương về sự vượt trội về quân sự là điểu kiện cần trong việc làm lung lay chính quyền Sài Gòn và quân đội “bù nhìn” được Mỹ ủng hộ, thì mục tiêu cao nhất của họ là chính trị: Tạo ra những điều kiện cần nhằm khởi động cuộc nổi dậy nhằm chống lại chính phủ và ủng hộ cách mạng.
Đánh giá thành công tổng thể cái mà Cộng sản gọi là chiến lược “tổng tấn công và tổng khởi nghĩa” của họ là đề tài tranh luận bất tận. Nhưng, về cuộc tổng khởi nghĩa mà người ta chờ đợi – mỗi người dân Miền Nam, tự bản năng, đều không chấp nhận gông cùm của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ - Trần Bạch Đằng và các đồng chí của ông ta rõ ràng là đã lầm to.
Dân chúng miền Nam không nổi dậy, nhưng cuộc chiến vẫn diễn ra. Khi cuộc cuộc Tấn công tết Mậu Thân được tung ra, ngày 30 tháng 1 năm 1968, hơn 100 thành phố Nam Việt Nam – trong đó có Sài Gòn và các tiền đồn quân sự bị tấn công. Trận chiến khủng khiếp nhất diễn ra ở Huế, 150 thủy quân lục chiến chết và khoảng 5.000 lính Bắc Việt bị giết, phần lớn là do các cuộc không kích.
Trong giai đoạn chiếm đóng ngắn ngủi cố đô Huế, Cộng Sản đã chứng tỏ rằng họ có thể trở thành những người độc ác đến mức nào.
Người ta đã tìm được xác của hơn 2.800 người, 3.000 người dân Huế mất tích. Họ cũng phá hoại một số di sản quý giá của Huế; cung điện, đền thờ, và di tích từ xa xưa đã bị san phẳng.
Nhưng, những cuộc phản công vừa dữ dội vừa thu được kết quả rất tốt. Khi các cuộc tấn công suy giảm, Mỹ đẩy mạnh Chương trình Phượng hoàng, do CIA thiết kế, nhằm vô hiệu hoá cơ sở hạ tầng và cánh chính trị của Việt Cộng, tức là Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam, bằng cách “xâm nhập, bắt bớ, chống khủng bố, thẩm vấn và ám sát”.
Công việc này khá thành công, đã vô hiệu hóa được 81.740 người bị nghi là Việt Cộng, bị nghi là những người cung cấp thông tin và những người ủng hộ Việt Cộng. Trong số đó, từ năm 1965 đến năm 1972, đã có khoảng từ 26.000 đến 41.000 người bị giết, nhiều người bị giết ngay sau Tết Mậu Thân.
Sau Tết còn hai đợt tấn công nữa, vào tháng 5 và tháng 8, và vì lực lượng Cộng sản vẫn ở gần các thành phố trong khoảng thời gian hưu chiến giữa các chiến dịch.
Chiến thuật được quyết định bởi những người ở Hà Nội chứng tỏ là cực kì tai hại đối với lực lượng Việt Cộng còn sống sót, vì đã tạo điều kiện cho quân Nam Việt Nam và quân đội Mỹ nhảy cóc qua những vị trí của Cộng sản và tấn công các lực lượng chính của họ nằm ở hậu cứ.
Hàng ngũ Cộng sản đã bị tiêu diệt vãn, đặc biệt là các chiến binh ở miền Nam. Giai đoạn 1969 và 1970 là những năm đen tối, một số nhà lãnh đạo miền Nam tỏ ra tức giận Hà Nội vì cho rằng họ đã trở thành bia đỡ đạn cho những kế hoạch viển vông của Hà Nội.
Nhưng công luận ở Mỹ về cuộc tấn công Tết Mậu Thân cho thấy khía cạnh khác của một thực tế khá phức tạp: khoảng cách giữa những lời nói của các nhà lãnh đạo của họ rằng kẻ thù đang như trứng để đầu gậy và những đợt tấn công của Cộng sản lan tràn khắp Nam Việt Nam và trên màn hình TV của họ đang ngày càng roãng ra. Còn lâu mới thất bại, nhưng dường như dưới mỗi hòn đá đếu có một chiến binh Cộng sản.
Đấy là lúc Phạm Xuân Ẩn, có bằng đại học và tiếp xúc được với các tờ báo ở Mỹ trước đó một thập kỉ, bước lên vũ đài. Ông đã tìm cách củng cố trong dư luận Mỹ niềm tin sai lầm rằng Việt Cộng vẫn khá mạnh, đủ sức đánh bại quân đội hùng mạnh của Mỹ.
Làm việc tại văn phòng, lần này tại tạp chí Time, ông bịa ra những câu chuyện nhằm mục đích như thế. Là người sắp xếp, ông đã tổ chức các cuộc phỏng vấn giả mạo giữa đêm khuya, trong những ngõ tối, với những người Cộng sản đóng giả là các nhà lãnh đạo có thẩm quyền, thêu dệt nên những câu chuyện cổ tích về sức mạnh của Việt Cộng.
Đây là việc quan trọng, vì Hà Nội không muốn bị coi là yếu kém về quân sự ở miền Nam, trong khi thảo luận với Washington về các cuộc hòa đàm sắp tới. Kiến thức của Phạm Xuân Ẩn về cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông ở trong nước và trên trường quốc tế là cực kì then chốt.
Một trưởng văn phòng của tạp chí Time ở Sài Gòn nhận xét: “Phạm Xuân Ẩn hiểu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các tổ chức cung cấp tin tức và đã xử lý chuyện đó một cách tuyệt vời - giống như chơi đàn của gia đình Stradivarius vậy”.
Phạm Xuân Ẩn tìm được nguồn trích dẫn quân sự khác về cuộc tấn công Tết Mậu Thân và tiếp tục công việc bí mật của mình cho đến khi Sài Gòn thất thủ, năm 1975. Đời sống hai mặt của ông là đề tài của nhiều câu chuyện với những chi tiết được tuồn khỏi Việt Nam - đôi khi được tuồn ra một cách chính thức - trong những thập niên tiếp theo.
Trong những năm đầu sau chiến tranh, cuối cùng, Hà Nội đã thừa nhận họ đã bị mất bao nhiêu vì Tết Mậu Thân và khả năng quân sự thực sự của họ vào thời điểm đó mong manh tới mức nao, trái ngược với câu chuyện mà Phạm Xuân Ẩn đã bán cho phương Tây. Tuy nhiên, khi ý kiến công chúng chuyển hướng, các chính trị gia Mỹ buộc phải chấp nhận rút lui theo thỏa thuận, và cuối cùng, Nam Việt Nam đã sụp đổ.
Khi Cộng Sản nâng li chúc mừng lễ kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân, Phạm Xuân Ẩn – chết với quân hàm thiếu tướng, năm 2006 – chắc chắn xứng đáng được ghi nhớ như một trong những vị anh hùng vĩ đại của nhà nước này.
Nhưng ý kiến của mọi người không giống nhau. Một số nhà báo và nhiếp ảnh gia làm việc với Phạm Xuân Ẩn coi ông là kẻ phản bội, trong khi những người khác thì lại coi ông là người yêu nước và chỉ đơn giản là làm theo tiếng gọi của trái tim.
Đối với những người nghiên cứu về tuyên truyền và sử dụng tuyên truyền trong chiến tranh trong thời đại tin giả tràn ngập như hiện nay, Phạm Xuân Ẩn quan trọng hơn những ý kiến vừa nói; ông thực sự là một bậc thầy của môn nghệ thuật này.
Luke Hunt là tác giả cuốn sách mới về Việt Nam, The Punji Trap: Pham Xuan An – The Spy Who Didn’t Love Us (tạm dịch: Hầm chông: Phạm Xuân Ẩn – Điệp viên không yêu chúng ta).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét