Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

966 - Ý đồ và kế hoạch của CSVN trong vụ Mậu Thân 1968



Chiến dịch “tổng tấn công - tổng nổi dậy” tết Mậu Thân (theo cách gọi của CSVN) là chiến dịch quân sự lớn nhất của lãnh đạo Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam.

Chiến dịch này xuất phát từ ảo tưởng cho rằng, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà không được lòng dân, đặc biệt là sự hiện của quân đội Mỹ tại Miền Nam càng không được người dân ủng hộ. Nếu có một cuộc tấn công lớn nổ ra khắp nơi thì sẽ dẫn đến sự nổi dậy tự phát của người dân. Từ đó sẽ là một thắng lợi quyết định để miền Bắc nhanh chóng chiến thắng Miền Nam.

Ảo tưởng nói trên của lãnh đạo Bắc Việt dựa trên các yếu tố sau: a/ Kết quả cuộc bầu cử vào Tháng 9 Năm 1967, trong đó Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu (và Phó Tổng Thống Nguyễn cao Kỳ) chỉ thu được 24% số phiếu. b/ Cuộc khủng hoảng Phật Giáo từ năm 1963 kéo dài đến năm 1966, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung. c/ Hàng loạt các cuộc biểu tình chống chiến tranh (do việt cộng giựt dây) diễn ra liên tiếp ở Sài Gòn. d/ Những chỉ trích chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không ngớt xuất hiện công khai trên khắp báo chí xuất bản tại Saigon.

Từ đó, giới lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội cho rằng Quân, Lực Việt Nam Cộng Hoà không còn tinh thần chiến đấu hoặc nếu có thì hiệu quả chiến đấu rất kém cỏi, do tác động của những xáo trộn và mất niềm tin tại miền Nam sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

Trước và trong dịp tết Mậu Tuất kỷ niệm 50 năm biến cố Mậu Thân đã có nhiều bài vở về chiến dịch gọi là “Tổng Tấn Công – Tổng Nổi Dậy” của Việt Cộng. Bài viết này sẽ tổng hợp những tài liệu về những toan tính và các kế hoạch và chuẩn bị của CSVN cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của họ.

I- KẾ HOẠCH TẤN CÔNG:

Tham vọng của Lê Duẫn và phe chủ chiến:

Theo những tài liệu trong cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 40 năm trận Mâu Thân vào trung tuần Tháng 3 năm 2008 tại Lubbock, Texas (Hoa Kỳ) thì, quan niệm về một cuộc tổng công kích tổng nổi dậy thực ra đã bắt nguồn từ những năm giữa thập niên 1960.

Tháng 12 Năm 1963, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận một nghị quyết, nguyên văn có đoạn như sau: “Một cuộc tổng công kích, tổng nổi dậy là tối cần thiết để đạt đến chiến thắng hoàn toàn tại miền Nam”. Tuy nhiên nghị quyết này khẳng định rằng tổng công kích tổng nổi dậy chỉ có thể được thực hiện sau khi quân đội miền Nam đã tan rã, để lực lượng địch không còn sức đàn áp cuộc “nổi dậy của nhân dân”. Nghị quyết này coi “cuộc nổi dậy của nhân dân” là trung tâm của cuộc tổng công kích, tổng nổi dậy.

Với quyết tâm đạt chiến thắng toàn diện của Bộ chính trị, tháng 9 năm 1964, quân đội miền Bắc đã điều động vào miền Nam một đại đơn vị thiện chiến đầu tiên, với nhiệm vụ chuẩn bị tổng công kích sau khi quân đội miền Nam bị đánh bại.

Từ quan niệm trên, một kế hoạch quân sự gọi là “kế hoạch X” đã được ông Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng soạn thảo, theo đó sẽ tấn công Sài Gòn từ năm hướng, các đơn vị đặc công được xử dụng làm mũi tiến công tiền đạo. Rồi sách động dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở Sài Gòn.

Đây cũng là kế hoạch được sử dụng trong cuộc chiến Mậu thân 1968.

Tướng Võ nguyên Giáp và tướng Nguyễn Chí Thanh ủng hộ kế hoạch này, nhưng cảnh giác rằng, các lực lượng cộng sản phải giành thắng lợi trong những trận chiến sắp tới khi lực lượng Mỹ của tướng Westmoreland tung ra hành quân lùng và diệt. Vì vậy, những cuộc tấn công vào thành thị phải thực hiện ở quy mô nhỏ, và chỉ tiến tới giai đoạn tổng nổi dậy ở những địa phương được chọn lựa vào khi lực lượng Cộng sản chiếm hoàn toàn ưu thế quân sự.

Tuy nhiên, kế hoạch này, sau đó đã bị huỷ bỏ vì những cuộc hành quân của lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà vào mùa hè 1965 đã đánh tiêu tan mọi hy vọng về tổng công kích tổng nổi dậy vào năm đó.

b- Chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Hà Nội

Các tài liệu từ phía CSVN sau đó cho thấy, Bộ Chính Trị thường tranh luận gay gắt về chiến lược, chiến thuật ở chiến trường Miền Nam, Tướng Võ Nguyên Giáp tuy trên danh nghĩa là Tổng Tư Lệnh các Lực Lượng Vũ Trang và Bộ trưởng quốc phòng, nhưng ông chỉ là một trong 5 uỷ viên của quân uỷ Trung ương, là cơ chế chỉ đạo chiến trường miền Nam, và ông ta thường ở về phía thua cuộc trong các cuộc tranh luận. Không rõ chi tiết những cuộc tranh cãi, nhưng tin cho hay, một bên là quyền Tổng Bí Thư Lê Duẩn cùng những uỷ viên người miền Nam, bên kia là tướng Giáp và những người còn lại trong bộ chính trị.

Cũng nên nhắc lại là hai nhân vật Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn đã xung khắc với nhau từ lâu. Năm 1956 tướng Giáp được toàn Đảng coi là ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ bí thư thứ nhất, thay thế Trường Chinh. Nhưng cuối năm 1957 Lê Duẩn qua mặt ông Giáp, được bầu chọn làm quyền Tổng bí thư. Hai người cũng mâu thuẫn về vấn đề tái khởi phát chiến tranh ở miền Nam.

Giới lãnh đạo quân sự miền Bắc luôn luôn quan niệm rằng phải tiến công liên tục để giành thế chủ động chiến trường. Nhưng mùa hè 1966, lực lượng Bắc Việt rơi vào vào thế phải phòng vệ khi quân Mỹ đổ vào chiến trường miền Nam ngày càng nhiều. Đồng thời quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà cũng tung ra nhiều cuộc hành quân lớn “lùng và diệt địch”.

Theo những gì nhà báo Huy Đức viết trong cuốn Quyền Bính, phần hai của tập Bên Thắng Cuộc, thì giữa lúc việc chuẩn bị cuộc tấn công Mậu Thân đã có đợt bắt bớ hàng loạt các tướng lĩnh ủng hộ Tướng Giáp dưới sự điều phối của ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban tổ chức trung ương đảng. Một loạt những người bị cho là xét lại chống Đảng bị bắt giữ, trong đó có cả những người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Huy Đức thì cuộc bắt bớ này diễn ra trong thời gian ông Hồ Chí Minh đi nghỉ ở Trung Quốc, Tướng Giáp đi dưỡng bệnh ở Hungary. “Vì vậy kế hoạch ’Tổng tấn công – Tổng nội dậy’ Mậu Thân được Tổng bí thư Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ hoạch định đằng sau lưng vị ’cha già dân tộc’ và ’anh cả quân đội’.

Cả hai ông Thọ và Duẩn đều được cho là chủ trương đánh tới cùng, trong khi đại diện của bên vừa đánh vừa tìm kiếm giải pháp chính trị là Tướng Giáp và Tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng và ủy viên Thường trực Tổng quân ủy, người đã mất hết các chức vụ trong đầu năm 1968.”

Tác giả Huy Đức cũng viết: "Trong ’chiến tranh giải phóng miền Nam’, cho dù tướng Giáp vẫn là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tư lệnh, bí thư Tổng Quân ủy, nhưng theo Cục trưởng Quân báo, Đại tá Lê Trọng Nghĩa thì ’Thay vì ông Giáp là người quyết định, ông Lê Đức Thọ có sáng kiến lập ra Tổ năm người giúp Trung ương chỉ đạo tác chiến miền Nam gồm: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng và Lê Đức Thọ. Trong tổ này, ông Giáp chỉ còn một phiếu."

c- Chiến dịch Đông Xuân 66 -67

Tháng 6 năm 1966, bộ tổng tham mưu ở Hà Nội soạn thảo một kế hoạch cho chiến dịch Đông xuân 66 - 67. Chiến dịch này khởi đầu từ đầu năm 1967 kéo dài cho đến Tháng giêng năm 1968, nhằm tấn công một số tỉnh thành, đánh tan quân đội Việt Nam và gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Mỹ. Giới chính trị ở Hà Nội dự kiến chiến dịch này sẽ đạt chiến thắng quyết định trong năm 1967. Theo các tài liệu của Hoa Kỳ thì giai đoạn cuối của chiến dịch này là tổng công kích vào dịp tết Mậu Thân.

Mục tiêu của chiến dịch Đông xuân 66 - 67 được đặt ra là, phải tiêu diệt từ 3 tới 5 lữ đoàn Hoa Kỳ, giết và làm bị thương 150 ngàn quân Mỹ, đánh tan từ 5 tới 7 sư đoàn Việt Nam Cộng Hoà. Chiếm giữ lãnh thổ với từ 5 triệu tới 8 triệu dân, chiếm Đông Hà, Quảng Trị, tấn công Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. (Lúc đó dân số miền Nam khoảng 17 triệu người).

Chiến dịch Đông xuân 66 - 67 là do Bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội soạn thảo, nhưng kế hoạch “Tổng tấn công – Tổng nổi dậy” xuất phát từ đề nghị vào Tháng 4 Năm 1967 của tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung Ương Cục Miền Nam, rồi được chuyển ra Hà Nội vào tháng sau đó. Tướng Nguyễn Chí Thanh được yêu cầu ra Hà Nội để trình bày về kế hoạch “Tổng tấn công – tổng nổi dậy” cua mình trong hội nghị của Quân Uỷ Trung Ương vào đầu Tháng 7. Chiều Ngày 6 Tháng 7, Tướng Thanh thuyết trình kế hoạch trước Hội Nghị Trung Ương 14 khoá 3. Sau khi kế hoạch được chấp thuận tiến hành tướng Nguyễn Chí Thanh dự bữa tiệc khoản đãi trước khi ông trở lại trong Nam vào ngày hôm sau. Theo tài liệu của Hoa Kỳ thì ông Thanh đã uống quá nhiều rượu nên bị trụy tim qua đời vào sáng hôm sau.

Kế hoạch của tướng Nguyễn Chí Thanh được duyệt đi duyệt lại trong năm 1967. Tướng Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng, không hài lòng với kế hoạch này. Ông phát biểu rằng, càng xem xét càng thấy không ổn. Kế hoạch này cũng không khác gì kế hoạch X trước đó, chỉ đặt mục tiêu cao hơn thôi. Thực tế chiến trường cho thấy không thể đạt được những mục tiêu này.

Bộ chính trị cũng không bằng lòng với kế hoạch trong nghị quyết. Tài liệu của Việt Nam cho biết bộ chính trị thấy không có cách nào đạt được chiến thắng quyết định trong năm 1968. Bộ chính trị cho rằng sau hai năm chiến đấu, thực tế cho thấy việc tiêu diệt trọn một đơn vị Mỹ cấp đại đội hay tiểu đoàn cũng đã là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.


JPEG - 254.3 kb
Một nghị quyết về Mậu Thân của Việt Cộng

d- Thay đổi và loại Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ra khỏi kế hoạch

Sau cái chết của tướng Nguyễn Chí Thanh, tư lệnh chiến trường miền Nam khiến kế hoạch phải thay đổi. Người nhận lãnh quyền chỉ huy là tướng Văn Tiến Dũng.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho một tờ báo Việt Nam năm 2004, ông Văn Tiến Dũng cho biết lúc tướng Thanh chết ông đã tìm gặp riêng Tổng Bí thư Lê Duẩn, đề nghị thay đổi kế hoạch quân sự cho mìền Nam. Như vậy là ông Dũng đã qua mặt ông Giáp, nhưng do vốn không ưa tướng Giáp, ông Lê Duẩn không đả động gì đến hành động vượt cấp này.

Sau khi nghe ông Dũng trình bày, ông Duẩn bất ngờ phát biểu, vậy thì tại sao mình không đẩy thẳng kế hoạch lên giai đoạn tổng công kích tổng nổi dậy?

Ý kiến này đốt giai đoạn, nhảy qua hẳn mục tiêu đánh thiệt hại nặng quân Mỹ và đánh tan quân miền Nam, tiến ngay tới tổng công kích tổng nổi dậy, nhưng tướng Văn Tiến Dũng lập tức đồng ý kế hoạch này, và ông Lê Duẩn soạn ngay chỉ thị quân uỷ Trung ương đệ trình ý kiến này cho bộ chính trị.

Bộ Chính Trị họp vào giữa tháng bảy 1967 để duyệt lại khung kế hoạch tổng công kích, tổng nổi dậy. Tướng Dũng không nói gì, trong khi ông Hồ Chí Minh nêu một số câu hỏi về tính khôn ngoan của kế hoạch này. Ông Hồ cho rằng đây là một kế họach không thực tế, và nhân dân không thể gánh vác nổi sự hy sinh quá lớn như vậy.

Những tài liệu có được, không viết gì về phản ứng của tướng Giáp, nhưng cũng có tin cho biết, tướng Giáp có phát biểu rằng không thể tung ra tổng công kích tổng nổi dậy khi mà lực lượng quân sự Mỹ Việt chưa bị tê liệt.

Nhưng bất chấp sự phản đối của ông Hồ, ông Giáp cùng một số uỷ viên khác, kế hoạch vẫn cứ tiến hành. Uỷ viên Phạm Hùng vào Nam thay tướng Nguyễn Chí Thanh mới từ trần. Ông Hùng đem theo kế hoạch của Lê Duẩn về cuộc tấn công vào các thành phố.

Vào đầu Tháng 9 năm 1967, ông Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh “dưỡng bệnh”.

Cuối tháng 10 năm 1967, Bộ Chính Trị lại họp để duyệt kế hoạch đó. Theo tài liệu của Hoa Kỳ thì trong cuộc họp này giới lãnh đạo Hà Nội đã quyết định chọn thời gian cho cuộc “tổng tấn công – tổng nổi dậy” là vào ngày tết Mậu Thân.

Sau những cuộc họp để thảo luận và nghiên cứu thêm, Bộ Chính Trị họp lại vào tháng 12 năm 1967, chấp thuận kế hoạch, soạn nghị quyết để đưa ra Trung ương Đảng chuẩn thuận. Ông Hồ có về Hà Nội dự họp trong một thời gian ngắn ngủi từ Ngày 23 Tháng 12, đến ngày 01 Tháng 01 Năm 1968 lại sang tiếp tục chữa bệnh.

Đến Tháng Giêng năm 1968, kế hoạch “Tổng tấn công – Tổng nổi dậy” được chính thức hóa trong Hội Nghị Trung Ương 14.

Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh đăng trên báo Văn Nghệ (số Tết Mậu Dần 1998, trang 4) thì người ta thấy vai trò của ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong thời gian này cũng như trong kế hoạch “tổng tấn công” rất mờ nhạt.

Hồi ký Vũ Kỳ viết:

“Ngoài liên lạc hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thay nhau đến Bắc Kinh, trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Bác. Bốn giờ chiều 20-1-1968, đồng chí Lê Đức Thọ sang làm việc với Bác đến 6 giờ tối. Sáng ngày 25 Tháng 1 năm 1968, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trực tiếp báo cáo với Bác từ 8 giờ đến 9 giờ 15 phút. Tối 26 Tháng 1 năm 1968, đã gần Tết Mậu thân, từ 7 giờ đến 8 giờ, hai Bác cháu ngồi im lặng trong phòng vặn nhỏ Đài tiếng nói Việt Nam.

Ở Miền Nam những binh đoàn chủ lực, theo kế hoạch đang bí mật áp sát các bàn đạp tiến công.

(Lược bỏ 6 câu chỉ thị mang tính khẩu hiệu của ông Hồ)

Ngày 29 Tháng Chạp ta. Năm nay 29 là 30 Tết. 6 giờ chiều, nhận được điện của Bộ Chính trị và Trung ương chúc mừng Bác Hồ năm mới.

Tối nay từ Bắc Kinh xa xôi, hai Bác cháu lại ngồi im lặng bên nhau, nghe tin tức, ca nhạc và nghe ngâm thơ Tết, chờ đón giao thừa. Thời gian trôi đi chầm chậm. Thấy vẻ Bác trầm ngâm đượm buồn. Chắc Bác đang nhớ về đất nước, nhớ chiến sĩ đồng bào, nhớ các cháu thiếu nhi. Từ ngày Bác trở về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, có năm nào Tết đến mà Bác không đến với đồng bào và chiến sĩ đâu… Chỉ có mùa Xuân này Bác phải xa Tổ quốc.”

Cũng theo hồi ký này của ông Vũ Kỳ thì, sau khi từ Bắc Kinh trở về Hà Nội vào Ngày 23 Tháng 12 Năm 1967, ông Hồ gọi dây nói sang Văn Phòng Quân Uỷ (ở Hà Nội), hỏi thăm tướng Giáp đang nghỉ dưỡng bệnh tại Hungary và nhắc gửi quà cho Tướng Giáp. Đến Ngày 28 Tháng 12 ông Hồ chủ tọa buổi họp đặc biệt rà soát lại kế hoạch “Tổng công kích -Tổng Khởi Nghĩa” của Bộ Chính trị. Sau đó đi thăm viếng lanh quanh rồi trở lại Bắc Kinh vào chiều Ngày 1 Tháng Giêng Năm 1968 và ở đó cho đến tết Mậu Thân. Có lẽ ông Hồ đã đọc và ghi âm 4 câu thơ chúc tết làm hiệu lệnh cho cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân trong lần trở về Hà Nội vừa kể.

Trong hồi ký này của ông Vũ Kỳ người ta thấy, rất có thể đã có một âm mưu giết ông Hồ ngụy trang bằng tai nạn máy bay. Vũ Kỳ viết: “Bảy giờ tối thứ bảy, Ngày 23 Tháng 12, máy bay đưa bác đến vùng trời Hà Nội. Lượn hai vòng vẫn chưa hạ cánh được vì đèn chỉ huy trên sân bay chệch 15 độ. Đồng chí lái giàu kinh nghiệm quyết tâm hạ cánh không theo đèn. Rất may là an toàn.” Không thấy có cuộc điều tra nào của Hà Nội về “sự cố” này.

II-SỰ THẤT BẠI CỦA KẾ HOẠCH:

a- Những phát giác của Việt Nam Cộng Hoà:

Trong tài liệu nhan đề: “Trận chiến Tết Mậu Thân” của Đại Tá Sử Gia Phạm Văn Sơn (VNCH) cũng cho biết nhiều chi tiết quan trọng về cuộc tấn công Tết Mậu Thân trong các tài liệu của Việt Cộng do quân đội VNCH tịch thu được. Những phần dưới đây được trích từ tài liệu vừa kể của tác giả Phạm Văn Sơn:

“Từ đầu Tháng 8 năm 1967, các cán bộ Việt Cộng đã được hướng dẫn về chiến dịch Đông Xuân 1967-68. Tài liệu học tập căn bản cho chiến dịch này được mệnh danh là ’Nhận rõ tình hình mới và nhiệm vụ mới,’ và đã được phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một bản tài liệu này đã được tìm thấy tại tỉnh Tây Ninh Ngày 25 Tháng 11 Năm 1967 gồm 10 trang chữ in. Ngày ghi trong tài liệu là 1 Tháng 9 Năm 1967. Bản tài liệu này cũng như các bản tài liệu khác của Việt Cộng đã được in trên giấy báo khổ sách nhỏ và được ngụy trang ngoài bìa thành một cuốn nghiên cứu giáo lý đạo Phật, tên sách là ’Tế Độ Chúng Sinh’ của Thượng Tọa Thích Minh Tâm, nhà xuất bản Lục Hòa Tăng. Bên trong tài liệu ghi rõ ’Tài liệu học tập tình hình mới nhiệm vụ mới’ cho các cán bộ sơ cấp, đảng viên và quần chúng cảm tình viên.

Phân tách tài liệu học tập này, người ta nhận thấy có 4 phần đáng kể như sau:

a. Mục tiêu cấp thời của Việt Cộng: Dồn mọi nỗ lực đánh bật Mỹ ra khỏi Việt Nam để thành lập một chính phủ liên hiệp trong đó Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ được đóng vai trò chủ yếu.

b. Các cán bộ và cán binh Việt Cộng phải thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng sau đây: (1) phá hoại Hoa Kỳ về phương diện quân sự và chính trị, (2) phá hoại Việt Nam Cộng Hòa bằng cách làm tan rã quân đội và làm cho quần chúng không tin tưởng ở chính quyền quốc gia, (3) đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị bằng cách xúi giục người dân nổi dậy lật đổ chánh phủ.

c. Nhận định về những hoạt động quân sự và chính trị của Việt Nam Cộng Hòa và quân đội đồng minh.

Trong phần này, Việt Cộng đã lập luận rằng những cuộc hành quân truy lùng và tiêu diệt (search and destroy) của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại. Việt Cộng nhắc đến việc họ đã mở thêm được mặt trận Quảng Trị và Thừa Thiên khiến cho Mỹ bị cầm chân khá nhiều lực lượng ở phía Bắc và do đó Tướng Westmoreland Hoa Kỳ đã không thể đưa thêm quân vào đồng bằng sông Cửu Long mà còn phải về Mỹ để xin thêm quân nữa. Cũng trong phần này, Việt Cộng tự nhận đã thâu được nhiều thắng lợi lớn lao.

d. Nêu ra một số khuyết điểm đã mắc phải: Việt Cộng nhìn nhận đã thiếu sót trong việc phối hợp những cuộc hành quân lớn, số du kích chưa đạt tới mức mong muốn, một số tác chiến Việt Cộng chưa phát triển được hết những khả năng chiến đấu, sự đấu tranh chính trị chưa dủ mạnh để đánh những đòn quyết định, việc tổ chức những đoàn thể theo Việt Cộng chậm chạp và chưa nâng cao được phẩm chất của các cán bộ.

Tài liệu còn nói rõ rằng nếu Hoa Kỳ không chịu rút khỏi Việt Nam, và không chịu nhìn nhận vai trò then chốt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Cộng Sản) trong một chính phủ liên hiệp, thì Việt Cộng sẽ tiếp tục chiến đấu tới cùng và cho thấy một sự thay đổi lớn lao về chiến lược. Nghĩa là Việt Cộng sẽ gia tăng mức độ chiến tranh để hy vọng đạt chiến thắng quyết định trong thời gian ngắn, khác hẳn với chiến lược trường-kỳ chiến-tranh như vẫn thường được rêu rao trước đây.

Chung quy thì tài liệu này chỉ là một đề tài nhận định về thời cuộc với các đường lối hoạt động mới được đề ra để chuẩn bị cho một kế hoạch sắp được mang ra thi hành, những kế hoạch này chưa được tiết lộ.

Kế hoạch của Võ Nguyên Giáp được mang ám số là TCK-TKN (nghĩa là Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa) được soạn thảo vào mùa thu năm 1967. Kế hoạch này đi ngược lại với chiến lược “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Chiến lược trường-kỳ kháng-chiến gồm có 3 giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, và giai đoạn tổng phản công.

Giai đoạn cầm cự còn được gọi là “giai đoạn gây cơ sở,” là thời kỳ còn phôi thai phát khởi chiến tranh du kích, vừa đánh vừa bảo toàn lực lượng và vừa gây cơ sở. Giai đoạn cầm cự còn được gọi là “giai đoạn giằng co”, là thời kỳ chuyển biến từ hình thức du-kích chiến sang du-kích vận-động chiến, công-kiên chiến, giao-thông chiến và quy-mô chiến với sự mở rộng căn cứ chiến địa, cơ sở tổ chức và quân chủng cùng các vùng đất đai chi phối được. Giai đoạn tổng phản công là giai đoạn chót khi mọi mặt đã chín mùi và thuận lợi chuyển đến việc cướp chính quyền phe nghịch.

Theo quy luật của chiến lược trường kỳ, thì giai đoạn trước chưa chín mùi không thể đốt giai đoạn kế tiếp. Nay đứng trước sự tham chiến của quân đội đồng minh quá hùng hậu, Việt Cộng vẫn lúng túng ở giai đoạn phòng ngự mà chưa bước hẳn sang giai đoạn cầm cự được. Nhưng Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp vẫn kêu gọi bộ đội Việt Cộng gấp rút đạt tới chiến thắng trong một thời gian ngắn thì ắt hẳn Cộng Sản Bắc Việt đã có một toan tính ra sao.” (hết trích).

Những nhận định của phía VNCH cũng phù hợp với việc thay đổi kế hoạh của lãnh đạo Việt Cộng đã được trình bày trong mục I-d “Thay đổi và loại Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ra khỏi kế hoạch" ở trên.

JPEG - 232 kb
Một tài liệu học tập về Tổng Tấn Công Mâu Thân của Việt Cộng

b- Chuẩn bị về quân sự và kế hoạch hưu chiến

Từ giữa Tháng 10 năm 1967 các không ảnh cho thấy các đoàn xe tiếp liệu từ Bắc qua Lào đi về hướng Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh tăng vọt.

Từ Tháng 10 trở về trước, mỗi tháng có khoảng từ 480 đến 1.116 xe vận tải.
Tháng 11 con số này là 3.823
Trong tháng 12 tăng lên 6.315 xe

Số tiếp liệu này không kể 3 tàu chở vũ khí của Việt Cộng vào Đức Phổ, Quảng Ngãi; cửa Bồ Đề thuộc tỉnh An Xuyên và một chiếc khác tại Đầm Văn thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cả ba đều bị hải quân VNCH đánh chìm vào ngày 29 Tháng 2 Năm 1968.

Ngày 19 Tháng 10 Năm 1967 đài phát thanh Hà Nội đưa ra đề nghị hưu chiến 7 ngày, từ Ngày 27 Tháng giêng Năm 1968 đến 3 Tháng 2. Đến Ngày 17 Tháng 11 Năm 1968, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng lập lại đề nghị hưu chiến như vừa kể. Trong khi đó chính phủ VNCH thông báo sẽ hưu chiến 48 giờ vào dịp Tết nguyên đán Mậu Thân, sau rút xuống còn 36 giờ.

Theo tài liệu của sự gia Trần Gia Phụng thì: "Tuy nhiên, tình báo quân đội Hoa Kỳ bắt được nhiều nguồn tin là CS sẽ tấn công lớn vào dịp Tết, và thông báo cho phía VNCH biết.

Dầu vậy, trước tình hình ngoại giao có vẻ hòa hoãn, nhất là vào cuối năm 1967, quân đội Hoa Kỳ hiện diện đông đảo ở NVN (486.000 người), đã tạo một ảo giác bình yên trong tâm lý dân chúng miền Nam, nên ngay cả cá nhân trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, vừa mới đắc cử tổng thống Ngày 3 Tháng 9 Năm 1967, cũng rời Sài Gòn đưa gia đình về quê vợ ở Mỹ Tho, và trung tướng Vĩnh Lộc, tư lệnh quân đoàn 2, phụ trách lãnh thổ Cao Nguyên Trung Phần, bỏ về Sài Gòn nghỉ Tết.

Trong khi đó, về quân sự để đánh lạc hướng dự đoán của VNCH và Đồng minh, Việt cộng tấn công mãnh liệt các cứ điểm quân sự ở Cao nguyên Trung phần và đặc biệt tung ba sư đoàn chính quy là 325C, 304, và 308 bao vây Khe Sanh (Quảng Trị) từ Ngày 20 Tháng Giêng Năm 1968. Khe Sanh là cứ điểm chiến lược kiểm soát trục giao thông và vận tải trên đường mòn Trường Sơn của cộng sản từ Bắc vào Nam, gần khu phi quân sự, do Lực lượng đặc biệt Mỹ trấn giữ, nằm trên đường số 9, giữa biên giới Lào và thị trấn Quảng Trị, cách biên giới khoảng 20 dặm và cách Quảng Trị khoảng 30 dặm.

Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội còn đưa ra một hư chiêu, bằng cách cho báo chí Hà Nội lên tiếng rằng Khe Sanh sẽ là một Điện Biên Phủ thứ hai, khiến các nhà lãnh đạo VNCH, Hoa Kỳ, và cả thế giới nữa, đổ dồn sự chú ý vào Khe Sanh, và chờ đợi một cuộc thử sức lớn lao giữa hai bên sắp bùng nổ."

JPEG - 239.6 kb
Thông báo hưu chiến của Việt cộng

c- Những tổn thất của CSVN

Với những chuẩn bị kế hoạch và phương tiện cùng đề nghị hưu chiến trí trá như trên, Việt Công đã xuất toàn lực đánh lén Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào những ngày đầu Tết Mậu Thân trong Năm 1968 trên khắp lãnh thổ Miền Nam khi họ đột ngột không giữ lời đề nghị ngưng chiến do chính họ đưa ra.

Lúc đó, phía VNCH đã cho 50% quân số nghỉ phép ăn tết. Về vũ khí, ngoại trừ một số đơn vị tinh nhuệ như Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân VNCH được trang bị vũ khí cá nhân loại mới (AR-15) hầu hết phần còn lại của quân đội miền Nam vẫn sử dụng vũ khí lỗi thời Garant M1 từ thời thế chiến thứ hai để lại. Trong khi đó quân đội Việt Cộng được trang bị vũ khí AK-47 và B40, B41 cơ hoả lực nhanh và mạnh hơn vũ khí của quân lực VNCH rất nhiều (các loại vũ khí này đến nay, sau nửa thế kỷ, vẫn được các nhóm quân khủng bố ưa chuộng).

Theo tài liệu của Đại Tá Sử Gia Phạm Văn Sơn thì trong 44 tỉnh lỵ của VNCH, Việt Cộng đã tấn công vào 28 nơi, kể cả Sài Gòn, Huế. 16 tỉnh lỵ còn lại có 6 tỉnh hoàn toàn yên tĩnh, 10 tỉnh kia chỉ bị pháo kích và bắn quấy rối. ...Cũng theo Đại Tá Sử Gia Phạm Văn Sơn thì, cuộc tấn công của Việt cộng kể ra cũng khá linh hoạt, tuy không diễn ra trong một lúc nhưng khoảng cách của các trận đánh ở các tỉnh lỵ không quá rời rạc.

Các cuộc tấn công của Việt Cộng vào các thành phố tuy bất ngờ và QLVNCH thiếu quân số phòng thủ, nhưng hầu hết quân độ Việt Cộng đều bị quân lực VNCH đẩy lui trong vòng vài ngày với những tổn thất vô cùng nặng nề. Ngoại trừ thành phố Huế phải 25 ngày sau quân lực VNCH và Hoa Kỳ mới tái chiếm được. Sau đó người ta phát giác 2037 nạn nhân bị Việt Cộng chôn trong nhiều hố chôn tập thể, gần 4000 người khác bị mất tích, cho đến nay được coi là cũng đã bị Việt Cộng giết ở đâu đó.

Theo thống kê của quân đội VNCH, căn cứ theo lời khai của các tù binh trên 34 mặt trận xảy ra trên toàn quốc vào Tết Mậu Thân thì toàn bộ quân CSVN trước khi tham gia trận chiến là 85.000 quân, không kể 1 sư đoàn (10.000 người) chính quy Bắc Việt tại Tây Nguyên và 2 sư đoàn (20.000 người) chính quy Bắc Việt tại Khe Sanh.

Thống kê này cũng trùng hợp với "Tự truyện của ông Võ Văn Kiệt" do Huy Đức ghi:

“Mậu Thân quả là đã gây được những tiếng vang chính trị trong lòng nước Mỹ, nhưng những người trực tiếp ở chiến trường như ông (Kiệt) đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói: “Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc”. Hơn 11 vạn Quân Giải phóng đã hy sinh trên toàn chiến trường. Phần lớn căn cứ địa Quân Giải phóng ở nông thôn đã trở thành “đất trắng” (Huy Đức, Hiện tượng Võ Văn Kiệt, chương 1).

Như vậy con số hơn 11 vạn của ông Võ Văn Kiệt có nghĩa là quân CSVN đã hoàn toàn chết hết.

IV- KẾT LUẬN:

Như đã được đề cập trong phần I-a (Tham vọng của Lê Duẩn và phe chủ chiến), lãnh đạo CSVN coi “cuộc nổi dậy của nhân dân” là trung tâm của cuộc tổng công kích, tổng nổi dậy. Tuy nhiên, trong cuộc "Tổng tấn công" Mậu Thân không có một nơi nào dân chúng nổi dậy như ảo tưởng của Việt Cộng. Vì thế cuộc "Tổng tấn công" nhưng không hề có "tổng nổi dậy" của Việt Cộng đã bị thảm bại như vừa nêu ở trên.

Tuy nhiên Cộng sản Việt Nam cũng nhìn ra và tính toán được một số điều đúng. Họ kết luận đúng, là việc Hoa Kỳ sợ phải can thiệp quân sự lâu dài ở Việt Nam là điểm yếu lớn có thể khai thác được trong nỗ lực chiến tranh của phe đồng minh.

Kế tiếp, họ cũng tính toán chính xác rằng thời gian tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ trong Năm 1968 là thời gian trọng yếu để quyết định cho chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà trong tương lai.

Tướng Văn Tiến Dũng cũng rất đúng khi cho rằng lực lượng Cộng sản không đủ khả năng mở những trận đánh lớn để gây thiệt hại nặng cho lực lượng đối phương, trong khi Bộ Chính Trị quyết định là phải nhanh chóng tìm thắng lợi.

Rốt cuộc, sau tất cả những thất bại về quân sự mà lực lượng Cộng sản phải gánh chịu trong trận tổng tấn công 1968, có một dữ kiện nổi bật. Đó là: trận Tết Mậu Thân 1968 đã khiến Tổng thống Johnson và công luận Mỹ cho rằng không thể thắng cuộc chiến Việt Nam, mà đã đến lúc phải đàm phán tìm giải pháp để Hoa Kỳ rút quân.

Điều này cũng đúng với quan niệm của tướng Văn Tiến Dũng. Đó là: đập tan ý chí chiến đấu của đối phương (Hoa Kỳ) thì đối phương sẽ phải ngồi lại thương thuyết.

- - -

Tài Liệu Tham Khảo:

Tướng Giáp hai lần thoát nạn
Những hố chôn người trong cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế
Trận Mậu Thân 1968, (1) Tình hình Mỹ và CSVN trong năm
Trận chiến Tết mậu Thân 1968
Tại sao đổi lịch tết Mậu Thân?
Những diễn tiến quân sự và hậu quả của trận Tết Mậu Thân 1968 ở Huế
Vai trò của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân?
Các tranh luận trong nội bộ đảng CSVN về cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân Hồ Chí Minh đối với sự biến Tết Mậu Thân – Theo Vũ Ký

Tết Offensive

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét