Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

965 - Mường Thanh và câu chúc từ ông Tổng Bí thư!



Ông TBT Nguyễn Phú Trọng xuất thân là một người học văn, nên cách nói chuyện của ông hay có sự dẫn dụ, ẩn ý, và thể hiện sự đặc sệt 1 nguyên tắc nhất định. Ngay cả cách ông đặt tiêu đề cuốn sách: Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn’ cũng không thoát khỏi cách thức đó.


‘Đốt lò’, ‘củi tươi’, ‘ngứa ghẻ’,… cũng là những cụm từ bình dân hóa ngôn ngữ chính trị, nhưng bên trong nó cũng hàm chứa những ý nghĩa chính trị to lớn. Ví dụ, ‘đốt lò’ là cách thức đưa những cán bộ mà ông Nguyễn Phú Trọng coi là tham nhũng vào lò, dù nó ‘tươi’ như Ủy viên bộ chính trị thì vẫn bị truy tố. Nhưng như đề cập phía trên, cách nói của ông Nguyễn Phú Trọng là ‘ẩn ý’, thành ra, củi tươi cũng có loại củi của ta, của địch,… Cuộc chiến đốt lò hiện tại, nhìn ở tầm khái quát có thể nhận diện những người bị truy tố đang nằm cùng một chuỗi phía 'địch'.


Nhưng dù sao đi chăng nữa, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn khơi dậy niềm tin trong nhân dân. Bằng chứng là tính tích cực và phấn khởi về việc truy tố người tham nhũng trên mạng xã hội Facebook dang được đẩy lên, tất nhiên, đôi khi nó cũng khó tránh khỏi sự tác động từ phía lực lượng dư luận viên.



Vai trò ông Nguyễn Phú Trọng càng lên cao trong Đảng bao nhiêu, thì hình ảnh/ chỉ đạo/ lời nói của ông lại càng trở thành vật bảo tín.



Vật bảo tín là gì? Là cách thức sử dụng uy tín của một người hoặc một vật để bảo trợ. Nếu trong buôn bán nó được hiểu qua thương hiệu, thì trong chính trị Việt Nam nó lại được hiểu ‘ông là con cháu của đồng chí nào’?



Tại sao phải đề cập đến bảo tín? Số là vào tháng 10.2017, trong dịp Giáng sinh và mừng 25 năm thành lập tập đoàn Mường Thanh ở Vinh, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ghé và tham dự cuộc vui. Trong đó, ông để lại 4 câu thơ lưu niệm: Lần này lại đến “phương Đông”/ Tình xưa nghĩa cũ, mặn nồng “Mường Thanh”/ Cố lên các chị, các Anh/ Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền.



4 câu thơ trên là sự ngưỡng vọng, là khích lệ, là nói lên mối tình thâm giao bền bĩ giữa người đứng đầu Đảng CSVN với doanh nghiệp thuộc ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản.



‘Đại gia Lê Thanh Thản’, người được nhắc với hàng loạt khu vực đắc địa tại các tỉnh thành. Người mà khi nhắc đến phải nghĩ đến việc: khu vực nào sẽ bị 'băm nát' tiếp theo. Bởi doanh nghiệp do ông Thản đứng đầu từng có công rất lớn trong phá nát cảnh quan tại Vịnh Nha Trang - như báo giới chỉ điểm từ năm 2013. Ông Thản cũng nổi tiếng thông qua việc chạy chính sách để xây quá số căn, số tầng cũng như cho ra những công trình kém chất lượng nhằm tối đa hóa lợi nhuận của mình [1].


Mường Thanh cũng từng được lên báo nhiều kỳ trên Tuổi Trẻ và được đại biểu Hoàng Huy Được (huyện Ba Vì - Hà Nội) chất vấn liệu Mường Thanh có phải ‘củi ướt’ hay không? Bởi dù liên quan đến các sai phạm tại các dự án, công trình đồ sộ ở các đô thị, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội nhưng mãi vẫn không khởi tố được. Báo Tuổi Trẻ ngày 07.07 đã đặt tiêu đề chất vấn, có hay không việc Mường Thanh ‘che mắt công quyền từ Bắc đến Nam’.
“Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản trong năm 2017 từng bị đồn thổi là sắp bị khởi tố

Ngày 30.11, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Tp. Hà Nội trong cuộc họp báo trước HĐND thủ đô cho biết, cơ quan này vẫn đang xin ý kiến ba ngành tư pháp Trung ương để quyết định khởi tố vụ án sai phạm của tập đoàn Mường Thanh (bao gồm cả trốn thuế Nhà ở). Kết quả là, chưa đến một tuần sau (06.12.2017), ông Giám đốc Công an Tp. Hà Nội tuyên bố: Chưa đủ cơ sở khởi tố vụ án tại tập đoàn Mường Thanh.



Những tiến trình liên quan đến tinh thần thượng tôn pháp luật trong xử lý sai phạm doanh nghiệp với câu đề bút ‘cổ vũ, khích lệ’ tinh thần mang tính bảo tín nêu trên là một nghịch lý đặc sệt thể chế. Rõ ràng, sẽ khó thể tin được cái gọi là tinh thần ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Giám đốc Công an Tp. Hà Nội hay kết quả Thanh tra Chính phủ về sai phạm Mường Thanh khi mà doanh nghiệp này được bảo trợ bằng 4 câu thơ lục bát như vậy.



‘Xin ý kiến 3 ngành tư pháp Trung ương’ liệu có phải là cách nói tránh? Và như thế, bản thân 'xin ý kiến' chính là chờ sự chỉ đạo và xem động thái của phía Trung ương thế nào để quyết. Nếu Trung ương lắc đầu, thì dù có chục ông Giám đốc Công an cũng phải bó tay, cho dù có đầy đủ cơ sở về hành vi vi phạm của doanh nghiệp này.



Đó có phải là lý do vì sao, từ tháng 11.2017 trở đi, báo chí dần dần ‘cạn tư liệu’ về sai phạm Mường Thanh, sau thời gian doanh nghiệp này bị mổ sẻ trên báo chí nước nhà.



Cần nhắc lại, ngày mà Mường Thanh đón tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng trong ngày sinh nhật tuổi 25, thì còn có thêm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.



Cũng vì thế nên Mường Thanh mới tiếp tục tung hoành, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí nhân Tết Mậu Tuất, đã chia sẻ, ông đang xin làm nhà ở xã hội giá 6 triệu đồng/m2 tại Tp. Hà Nội. Như vậy bằng cách này, ông Thản sẽ gián tiếp cấp ‘hộ khẩu’ cho người thu nhập thấp, và đây là cách thức phá nát đô thị nhanh nhất bằng cách nông thôn hóa thành thị.



Ông Lê Thanh Thản từng chia sẻ: quan trọng là người làm chính sách có muốn làm không thôi, chứ doanh nghiệp kiến nghị đề xuất thì rất khó.



Đây là nỗi lo thừa, bởi ngày 30.10.2017 đã minh chứng thế và lực vận động chính sách của 'đại gia điếu cày' đến đâu. Khi ông đã có bảo trợ, thì hãy an tâm là ‘đề xuất’ của ông sẽ sớm được người làm chính sách ‘muốn làm’, dù nó xâm hại lợi ích cộng đồng đi chăng nữa!.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét