Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

976 - 22/02/1917: Mussolini bị thương do đạn súng cối

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, trung sĩ Benito Mussolini, người sau này là lãnh tụ lực lượng Phát xít Ý, đã bị thương trong một vụ nổ súng cối bất ngờ, xảy ra ở Isonzo thuộc Mặt trận Ý trong Thế chiến I.
Sinh ra ở Predappio, Ý vào năm 1883, là con trai của một thợ rèn và một giáo viên, Mussolini là người đọc nhiều và trong phần lớn cuộc đời ông là người tự học. Ông từng làm giáo viên và nhà báo theo chủ nghĩa xã hội. Sau đó, ông bị bắt và bị bỏ tù vì đã dẫn đầu các cuộc biểu tình ở tỉnh Forli chống lại cuộc chiến của Ý ở Libya năm 1911 – 1912.
Là biên tập viên của Avanti!, bản tin của Đảng Xã hội ở Milan, Mussolini là một trong những nhà báo xã hội chủ nghĩa hiệu quả nhất châu Âu. Năm 1912, ở tuổi 29, ông trở thành lãnh đạo Đảng Xã hội Ý tại Đại hội Reggio Emilia. Bài nói chuyện của ông về một chủ nghĩa xã hội cứng rắn kiểu Marx đã khiến cho Vladimir Lenin viết trong một ấn phẩm của Liên Xô rằng Đảng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa Ý đã đi theo con đường đúng đắn.
Mussolini đã sớm lên án Thế chiến I nổ ra vào năm 1914 là một cuộc xung đột đế quốc; sau đó ông đảo ngược tuyên bố của mình và bắt đầu ủng hộ Ý tham chiến bên phe Đồng minh Hiệp ước. Ông rời khỏi Đảng Xã hội vào năm 1915 vì tính trung lập của nó, tin rằng sự tham gia của Ý vào Thế chiến sẽ thúc đẩy yêu sách về những vùng lãnh thổ của Áo-Hung sau chiến tranh. Quyết định nhập ngũ, Mussolini đã được gửi tới mặt trận tại Isonzo, phía đông Mặt trận Ý gần sông Isonzo, sau khi Ý tham chiến vào tháng 05/1915.
Đạn súng cối trong một cuộc tập trận vào ngày 22/02/1917 đã giết chết bốn đồng đội của Mussolini. Ông sống sót, nhưng đã phải dành sáu tháng trong bệnh viện, nơi mà 44 mảnh vỏ đạn đã được lấy ra khỏi cơ thể ông. Được rời ngũ sau khi xuất viện, Mussolini quay trở lại Milan, nơi ông bắt đầu tờ báo của mình, Il Popolo d’Italia (Nhân dân nước Ý), trong đó ông đã xuất bản các bài báo tấn công những người Ý phản chiến.
Trong giai đoạn ngay sau chiến tranh, Mussolini và một nhóm cựu chiến binh trẻ đã thành lập Fasci di Combattimento, một phong trào cánh hữu, quốc gia, chống chủ nghĩa xã hội, được đặt tên theo fasces (bó que), là biểu tượng La Mã cổ đại của tính kỷ luật. Chủ nghĩa phát xít đã phát triển nhanh chóng trong những năm 1920, giành được sự ủng hộ từ các chủ đất giàu có, quân đội và hoàng gia. Sức mạnh ngày càng tăng của Mussolini và đội quân áo đen nổi tiếng của ông đã khiến vua Vittorio Emmanuel III mời nhà lãnh đạo có uy tín thành lập chính phủ liên minh năm 1922. Đến năm 1926, Benito Mussolini, bây giờ được gọi là Il Duce (Lãnh tụ), đã củng cố quyền lực của mình. Nước Ý trở thành một quốc gia độc đảng và toàn trị,  sau đó cùng với Nhật Bản và nước Đức của Adolf Hitler trở lại chiến trường chống lại quân Đồng minh trong Thế chiến II.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét