Vào ngày 20/2/2018, tại một diễn đàn về nhân quyền và dân chủ được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, trước hàng trăm đại biểu, Nguyễn Trung Trọng Nghĩa đã đọc một bài diễn văn thật cảm động nói về hoàn cảnh của những người đấu tranh trong nước, đặc biệt là về người cha của mình, Mục sư Nguyễn Trung Tôn (https://www.facebook.com/michel.tranduc/posts/10156002059813376).
Đọc bài phát biểu của em, tôi nghĩ nhiều người không thể tưởng tượng được rằng khi thế giới đã bước vào thế kỷ thứ 21 mà vẫn còn những bạo hành như đã xảy ra cho Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Nhiều người vẫn bán tín bán nghi khi không nghĩ rằng chế độ Hà Nội đến giờ này còn bắt giáo dân quỳ xuống chối đạo như thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ thứ 19. Ngay chính cá nhân tôi, sau nhiều lần tiếp xúc với Mục sư Tôn hay các anh em khác cũng không tin vào lỗ tai mình khi nghe họ tường thuật lại những đau thương - từ tinh thần đến thế xác - đã xảy đến với họ. Nhưng một điều cũng bi hùng không kém là phản ứng của các nạn nhân.
Anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội Nghị Geneva về Nhân Quyền và Dân Chủ tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 20 tháng Hai vừa qua.
Trong suốt bài phát biểu gần 1500 từ của Nghĩa về người cha của mình, em không hề có một ngôn từ nào gay gắt hoặc chửi bới, thóa mạ hoặc một lời lẽ thù hằn. Câu nói của Mục sư Tôn dặn em: “Con ơi, đừng lo lắng khi quay trở về và đừng tìm gặp bố, cứ tiếp tục công việc đấu tranh cho tự do cho Việt Namm”, làm tôi liên tưởng tới hình ảnh của phút chia tay giữa Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi ngoài Ải Nam Quan. Câu nói này đã có cách đây đã hơn 500 năm sao mà vẫn còn mang tính thời sự.
Trong bài phát biểu của Nghĩa có nhắc đến Luật sư Nguyễn Văn Đài. Tôi đã từng có dịp tiếp xúc với anh. Tôi thấy ở anh phẩm giá của một trí thức tuyệt vời. Tôi còn nhớ trong những lần trình bày cho các bạn trẻ về pháp luật VN, Đài đã quảng diễn một cách thực khách quan và thuyết phục. Anh đã đưa ra cả hai mặt tốt và xấu của pháp luật VN trên lý thuyết (cái này rất quan trọng, vì trên thực tế thì khác hoàn toàn). Một tính cách khác nơi Đài là lúc nào cũng một thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Tôi còn nhớ khi Đài kể ngày trên đường từ Nghệ An dạy pháp luật cho giới trẻ về, anh đã bị an ninh rượt đuổi và đánh đập, phải bỏ xe chạy xuống mương rãnh để thoát thân. Anh vừa kể vừa khôi hài làm như như đang chơi cút bắt với trẻ con. Tôi biết lúc ấy anh cũng đau và sợ, nhưng vẫn giữ phong thái của một người trí thức đúng nghĩa. Hình ảnh kiên cường của Tôn và Đài tôi cũng đã tìm thấy trong nhiều anh chị em đấu tranh khác. Tôi thực sự cảm phục những con người ấy.
Một trong số họ là sinh viên Trần Hoàng Phúc. Sau những lần tiếp xúc với Phúc, tôi có cảm tưởng em đã đọc trên 100 cuốn sách về luật, về kỹ năng sống cũng như học "không còn chữ nào" trên các website huấn luyện kỹ năng cho giới trẻ mới vào đời. Theo gia đình, trong một lần đi tìm hiểu về tình hình của những người nông dân tại Cồn Sẻ (Quảng Bình), em đã bị an ninh bắt cóc lôi lên xe trùm đầu đánh đập dã man (10 phút đánh 1 lần) trong suốt 4 tiếng. Chúng lột trần truồng (chỉ còn 1 cái quần nhỏ trên người) rồi trói lại và tiếp tục đánh liên tục bằng gậy tre và dây nịt trước khi thả về. Vậy mà khi về tường thuật lại, em vẫn giữ cái nụ cười "đểu" trên môi. Tôi biết nó đang "chứng tỏ bản lãnh" cho mình, chứ ai cũng có thể thấy những vết đánh còn bầm xanh trên làn da trắng như con gái của nó. Chắc mọi người còn nhớ câu nói của Phúc ngày ra tòa: "Ngày nay các ông xử tôi thì ngày sau nhân dân sẽ xử các ông". Và cũng nên biết rằng gia đình em là "cách mạng gộc", có bố làm trong ngành công an và có ông từng làm bảo vệ cho các lãnh đạo việt cộng.
Từ trái sang phải: Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Văn Đài và Sinh viên Trần Hoàng Phúc.
Trong nhiều lần tiếp xúc với giới ngoại giao để nói lên tình trạng bạo hành, nhiều khi tôi cảm thấy khá thất vọng vể phản ứng của họ khi tìm cách thoái thác. Nhiều người cho rằng tình trạng nhân quyền ở VN xem ra còn "đỡ" hơn ở nhiều nước như Myanmar, Trung Quốc hoặc các nước Phi châu, nơi đó người dân bị "giết như rạ". Chuyện này cũng ví như chặt mười ngón tay của một người thì nó đau hơn chặt một ngón. Có điều là khi chỉ bị mất một ngón thì người ấy sẽ sợ mất chín ngón còn lại nên ảnh hưởng tâm lý xem ra còn trầm trọng hơn. Còn riêng với nhà cầm quyền, chặt một ngón xem ra vẫn "nhân đạo" hơn. Đây cũng là điều nhiều người vẫn thắc mắc tại sao với "thành tích" như thế VN vẫn từng là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Xin được trả lời ngắn gọn rằng thế giới họ bầu VN không phải vì thành tích mà là tạo một cơ hội cho VN nhìn lại mình và vượt thoát ra khỏi băng đảng của những nước vi phạm nhân quyền. Nói băng đảng không hề ngoa vì trong những nước đã từng được bầu là thành viên HĐNQ còn có Cuba, Trung Quốc, Iran, Ả Rập... đều là những nước có "thành tích cao" cả.
Tôi nghĩ thế giới đều ý thức được những gì đang xảy ra trên VN, nhưng họ có những quan tâm và quyền lợi hỗ tương với nhau nên chỉ có thể can thiệp trong một giới hạn nhất định nào đó nên không thể đòi hỏi nhiều hơn được. Tuy nhiên bên cạnh chính quyền còn có các tổ chức phi chính phủ (các NGO), các tổ chức nhân đạo, các diễn đàn mà trong đó Geneva Summit là một thí dụ điển hình vẫn còn là những môi trường mà chúng ta có thể tiếp cận để vạch trần tội ác của Hà Nội.
Trong những ngày đầu Xuân, ngoài Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, chúng ta còn có sự tiếp tay của Trương Minh Tam và nhạc sĩ Việt Khang. Ước mong các bạn sớm ổn định cuộc sống để cùng với cộng đồng hải ngoại nói lên thay tiếng nói của những anh chị em trong nước nhằm góp phần xoa dịu nỗi thống khổ của họ đang gánh chịu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét