Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Formosa Hà Tĩnh: miếng “gân gà” ăn hay bỏ?

Thiên Luân


Trong Tam Quốc Chí có một điển tích rằng: Tào Tháo đem quân đánh Thục, Quân Thục chống trả quyết liệt khiến quân Tào rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tào Tháo tâm trạng hết sức buồn bực, vào một đêm viên tùy tướng đến hỏi mật khẩu giao ban đêm nay là gì, Tào Tháo thở dài nói “kê cân”. Dương Tu nghe được liền chẩn bị đồ đạc cho việc rút quân. Thấy lạ các tướng hỏi, Dương Tu trả lời, Thừa tướng ban mật khẩu “kê cân” (gân gà) là ý muốn nói ăn không được vứt cũng không xong, việc rút quân chỉ là nay mai. Tào Tháo biết chuyện liền cho chém đầu Dương Tu vì tội tiết lộ quân cơ. Không lâu sau Tào Tháo ra lệnh rút quân.

Kể một chút về tích xưa là muốn liên hệ với việc ngày nay. Đó là vấn đề Formosa Hà Tĩnh – miếng gân gà của Chính quyền Việt Nam, ăn thì khó nuốt, bỏ đi thì không đành.

Tính đến thời điểm hiện nay, hiếm có doanh nghiệp nước ngoài nào được Chính phủ Việt Nam ưu ái như tập đoàn Formosa. Trong hợp đồng thuê đất của Formosa có viết, đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến hành thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện. Ngoài ra còn miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế (thông thường là 25%), mà 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, sau đó giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định… Mặc dù được ưu ái là vậy nhưng Formosa thấy chưa đủ. Vào tháng 6/2014 Formosa đề xuất lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Tuy nhiên đề xuất này đã bị Chính phủ Việt Nam bác bỏ.

Theo như thông tin đã công bố, tổng số vốn đầu tư của Formosa vào khu công nghiệp Vũng Áng khoảng 10 tỷ USD, trong đó thực vốn chỉ có 3,8 tỷ còn 7 tỷ là vay từ các ngân hàng trong và ngoài nước. Khoản vay ngân hàng nước ngoài được CP Việt Nam bảo lãnh. Còn tiền vay của ngân hàng thương mại trong nước là tiền của người dân: Thông báo ngày 219/TB – CP ngày 2/6/2014 của VP Chính Phủ đồng ý hạn mức cho Formosa vay tiền NHTM gấp 4 lần số vốn đăng ký. Theo đó họ sẽ được vay tới 40 tỷ USD, đó là tiền của người dân Việt Nam.

Thảm họa cá chết miền Trung năm 2016, chính Formosa là thủ phạm nhưng Chính phủ Việt Nam không có biện pháp nào trừng phạt thích đáng. Formosa đền bù số tiền 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, trong khi đó Chính phủ Việt Nam lại hoàn thuế cho họ tới 14.600 tỷ đồng. Đây là một việc làm khó hiểu.

Trước những ưu ái lớn, bất thường như vậy khiến không ít người hoài nghi rằng, có một sự thỏa thuận ngầm nào đó giữa Formosa và Chính phủ Việt Nam, nếu không tại sao họ có thể tự tung tự tác như vậy được. Sau sự việc xả thải gây cá chết hàng loạt vào tháng 4/2016, Formosa xin lỗi hôm trước thì hôm sau lại có sự việc phát hiện 100 tấn chất thải của Formosa chôn trên đất liền, rồi việc người dân phát hiện tàu có ký hiệu HN-111 xả thải ra vùng biển Vũng Áng (20/11/2016) và mới đây nhất là chuyện vệt nước màu đỏ ở Vũng Áng.

Phía Formosa dường như đang thách thức lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Đóng cửa nếu Formosa tái phạm” khi liên tiếp vi phạm thỏa thuận, tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường. Họ cũng không quan tâm tới phản ứng của người dân vì đã có Chính quyền Việt Nam đảm bảo an ninh. Ngay cả việc người dân đi kiện ôn hòa cũng bị chính quyền đàn áp bằng vũ lực.

Nếu đóng cửa Formosa, chính quyền Việt Nam sẽ bị họ khởi kiện đòi bồi thường hợp đồng. Và quan trọng hơn nữa là số tiền Formosa đầu tư ở Vũng Áng là tiền của Việt Nam. Một khi họ bị đóng cửa thì các ngân hàng ở Việt Nam sẽ phải ôm đống sắt vụn. Còn nếu tiếp tục để Formosa tiếp tục hoạt động thì nhiễm môi trường sẽ vẫn tiếp tục bị tàn phá mà thảm họa hồi đầu năm 2016 chỉ là sự khởi đầu.

Còn nữa, việc để Formosa triển khai dự án ở Hà Tĩnh không phải quyết định của một người mà là của cả một tập thể. Cụ thể ở đây là chủ trương của Đảng, sự đồng ý của Bộ Chính Trị. Nếu bây giờ đóng cửa Formosa, hậu quả ai chịu trách nhiệm?

Chính quyền Việt Nam dường như đang bế tắc trong vấn đề này. Những hi vọng tốt đẹp khi dự án mới triển khai giờ đang nhường chổ cho những khó khăn. Cho nên có thể nhận định việc Chính phủ Việt Nam cấp phép đầu tư cho Formosa là sai lầm.

Ngành công nghệ sắt, thép không còn là xu hướng lựa chọn của nhiều nước trên thế giới vì nó không mang lại lợi ích phát triển cho quốc gia và hơn thế nữa là những tác động của nó tới môi trường. Trên thế giới nhu cầu tiêu thụ thép giảm. Tại Mỹ năm 2013, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã báo cáo lỗ ròng tới 1,2 tỷ USD. Trong nước, nhiều nhà máy chỉ chạy 50 – 60% công suất. Tổng công ty thép Việt Nam (VNSTEEL) với quả đấm thép Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) từ khi thành lập (1959) không tạo sự thần kỳ nào, thập chí hiện tại là gánh nặng của ngành thép Việt Nam.

Mức độ thiệt hại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra là vô cùng lớn. Biển chết, nguồn nước, không khí ô nhiễm và đặc biệt cuộc sống của hàng triệu người dân 4 tỉnh Miền Trung đang đối diện với một tương lai mịt mờ. Họ mong chờ trách nhiệm phía Formosa trong việc tái thiết, đền bù nhưng chính quyền luôn tìm mọi ngăn cản. Chính quyền đang bảo vệ miếng “gân gà” Formosa thay vì quyền lợi của người dân. Nhưng liệu có nuốt nổi miếng gân gà đó không? Chắc chắn là không.

Đã đến lúc phải giải quyết dứt điểm vấn đề của Formosa. Nhà máy phải đóng cửa và Formosa rút khỏi Việt Nam. Nếu không thảm họa sẽ còn tiếp tục, người dân còn phản đối và đấu tranh và mâu thuẩn giữa chính quyền và người dân ngày càng cao.

T.L.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét