Nguồn: RFA
Suốt nhiều năm nay, Việt Nam đã chi nhiều tiền của và công sức vào chiến dịch xóa đói giảm nghèo nhưng cho đến nay tỷ lệ này vẫn bị cho là cao. Chính phủ Việt Nam có chương trình cấp quốc gia trong lĩnh vực này; nhưng rồi nguồn kinh phí từ viện trợ cũng như ngân sách bị xà xẻo đến mức dân nghèo chẳng được bao nhiêu để thoát khỏi mức sống dưới đói nghèo.
Bộ Lao động- Thương Binh – Xã hội gần đây đưa ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước xuống dưới 4%; so với tỷ lệ hộ nghèo vào năm ngoái được thống kê khoảng 6,7%, số hộ cận nghèo chiếm 5,32%. Quốc hội Việt Nam cho biết ước tính đến cuối năm nay, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1- 1,3% so với đầu năm 2018.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyêt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí hơn 48.300 tỷ đồng, trước đó Ngân Hàng Thế Giới-World Bank cũng thông qua khoản tín dụng 100 triệu đô la giúp VN giảm nghèo và năm 2015 ngân sách nhà nước cũng chi 240.000 tỷ xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra ý kiến vì sao cho đến hiện nay VN vẫn còn loay hoay với công cuộc xóa đói giảm nghèo, tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực. Trước hết ông đưa ra dẫn chứng cho thấy mức sống của người VN hiện nay còn rất thấp, ví dụ năm 2016, mức tiêu dùng bình quân đầu người hàng tháng là khoảng 2.572.000 đồng trong khi đó thu nhập từ sản xuất chỉ khoảng 2.386.000 đồng/ tháng. Điều này cho thấy đa số người dân không để dành được mà phải đi vay để tiêu dùng:
Một đất nước gần 100 triệu dân đứng thứ 13 trên thế giới, có hơn 40 năm hòa bình rồi, mà mức sống vấn thấp như thế. Năng suất lao động không bằng Lào và chỉ bằng 7% Singapore thôi. Cái đó nó chỉ nói lên một điều rằng 40 năm người ta chọn sai mô hình xây dựng đất nước. Một mô hình đã sụp đổ với Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Họ không coi trọng sở hữu cá nhân của người lao động. Đât đai cũng xem đó là thuộc sở hữu toàn dân. Về mặt chính trị, là một xã hội phản dân chủ. Các nước phát triển đã tiến lên một thời đại khác, còn ở VN thì lặp đi lặp lại một mô hình cũ, thậm chí nói về Nhà nước Pháp quyền, cũng thêm vào cái đuôi pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cái đuôi xã hội chủ nghĩa đó là gì? Nó là không công nhận tam quyền phân lập.Chúng tôi cũng trao đổi với PGS.TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lao động – Xã hội, thuộc Bộ Lao động – Thương Binh- Xã hội, về nhưng khó khăn trong việc xóa đói giảm nghèo hiện nay. Ông nói:
Khó khăn thứ nhất là ở việc chọn loại hình đầu tư để cho đảm bảo kinh tế bền vững cho người dân. Bởi vì khi xóa đói giảm nghèo mình phải cung cấp các loại vốn hoặc thực hiện hỗ trợ về vấn đề việc làm cho người lao động cũng như đào tạo nghề cho họ. Nhưng việc lựa chọn mô hình như thế nào là vấn đề khó cho các địa phương.
Khó khăn thứ hai là huy động các nguồn vốn để phục vụ cho xóa đói giảm nghèo, trong điều kiện nước VN mình về mặt kinh tế mức độ phát triển vẫn chưa cao và vẫn còn nghèo, thì việc đầu tư vốn để xóa đói giảm nghèo cũng là một vấn đề khó.
Thứ ba, là khó khăn trong thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bây giờ đầu tư để cho họ làm ăn, tự tạo việc làm, nhưng sản xuất ra lại bán rất khó khăn.
Một bất cập lớn trong việc xóa đói giảm nghèo ở VN được Chính phủ cho biết đó là hiện tượng giảm nghèo không bền vững. Tức là người dân thoát ra khỏi mức nghèo nhưng không được bao lâu lại quay trở lại là một hộ nghèo. Ngoài ra Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội VN trong phiên họp hôm 18/9 vừa qua còn nêu ra tình trạng số huyện nghèo mới lại cao hơn số giảm đi. Trong khi đó bà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị điều tra rõ nguyên nhân bất hợp lý trong giảm nghèo giữa các vùng miền. Bà Ngân dẫn chứng số hộ nghèo phát sinh trong năm 2017 của Thái Bình là 2.506 hộ, trong khi Lai Châu chỉ có 1.581, Nam Định có tới 3.738 hộ trong khi tỉnh Hà Giang chỉ có 2.900 hộ.
Ngoài ra cũng trong phiên họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội về xóa đói giảm nghèo hôm 18/9, Bộ Lao động – Thương Binh- Xã hội còn nêu ra tình trạng trục lợi chính sách giảm nghèo. Vừa qua báo chí cũng đưa tin nhiều vụ cán bộ đưa người thân vào đối tượng danh sách hộ nghèo, hoặc các đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống… để trục lợi.
Trước đây trong một lần trả lời phỏng vấn RFA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Cố vấn Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, đã nêu ra các nguyên nhân chính khiến Việt Nam mãi luẩn quẩn trong vòng nghèo đói đó là vì phụ thuộc quá nhiều vào vốn bên ngoài chứ không phải tiết kiệm trong nước, tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và dựa quá nhiều vào khu vực nhà nước; nhất là doanh nghiệp nhà nước, là khu vực vốn dĩ kém hiệu quả . Thu nhập đầu người thì tăng lên như vậy, nhưng trên thực tế kể cả thu nhập lẫn tài sản bị tích tụ rất lớn trong tay một nhóm nhỏ người, trong khi đông đảo người dân không được hưởng lợi ích tương ứng.
Nhận xét về những chính sách mà Chính phủ VN đang áp dụng hiện nay nhằm xóa đói giảm nghèo, Giáo sư Tương Lai cho rằng các biện pháp đã đưa ra rất đầy đủ, được trình bày “rất hay”, như nào là thay đổi kinh tế – xã hội, làm cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố thông minh,…:
Nhưng thực chất của vấn đề, nếu không thay đổi về chính trị thì làm sao thay đổi được kinh tế? Vấn đề quyết định là phải thay đổi thể chế chính trị, phải biết tự đổi mới. Trước đây học What (cái gì) và How (như thế nào) là quan trọng thì bây giờ phải học Why (tại sao) là quan trọng. Biết tại sao thì mới dám thay đổi. Vậy thì tại sao hiện nay VN lạc hậu như thế, dân VN khổ như thế, đời sống thấp như thế, tất cả là do mô hình lựa chọn sai lầm.
Nói về mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4% vào năm 2020, PGS.TS Lê Thanh Hà nói rằng để đạt được mục tiêu này thì phải đáp ứng nhiều điều kiện thiết yếu:
Điều quan trọng nhất trong việc đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo dưới 4% là mình thực hiện xóa đói giảm nghèo nhưng phải là giảm nghèo bền vững. Có nghĩa là giảm nghèo xong không để họ rơi vào tình trạng tái nghèo. Theo tôi, vẫn nên đầu tư vào vấn đề đào tạo nghề, mở môi trường kinh doanh cho họ để có công ăn việc làm để giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, những vấn đề như điện đường trường trạm và vấn đề đầu tư cho giáo dục đào tạo vẫn là giải pháp cơ bản tiếp tục phải duy trì.
Ông nói thêm phải thực hiện chính sách hướng dẫn người dân kinh doanh khi cho họ vay vốn vì thực tế cho thấy nếu cho dân vay vốn mà mặc kệ họ thì họ không biết sử dụng vốn thế nào và thậm chí kinh doanh lỗ, lâm vào tình trạng đã nghèo lại nghèo hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét