Trước khi bị những kẻ nô lệ ngành thông tin khóa tài khoản facebook, nhà báo Trương Châu Hữu Danh có nhắn tin rủ tôi về tòa soạn anh ấy để mấy anh em cùng nhau đi giúp dân oan, cùng nhau làm một cái gì đó nói hộ vài ba mảnh đời bất hạnh.
Dù rất trân trọng nhưng tôi có nói với anh ấy là khoảng thời gian này của tôi thực sự rất bận, chắc phải rất lâu nữa tôi mới trở lại miền nam để thăm gặp các anh em. Hai hôm nay, tôi cũng nghe được rất nhiều thông tin ngược đời, rất nhiều bạn bè facebook bày tỏ niềm vui sướng khôn xiết khi nghe tin chủ tịch nước qua đời.
Còn với tôi, tôi không vui, mà cũng chẳng buồn, tôi chỉ cảm thấy thương xót cho chính mình, cho những thân phận oan ức đang phải sống trong một xã hội đầy đểu giả, lọc lừa, bị điều khiển, dắt mũi bởi những kẻ kém cỏi, không qua trưng cầu dân ý này.
Trên thực tế, kẻ này chết thì sẽ có kẻ khác thay thế, cái quan trọng là cơ chế vận hành, hiến pháp có khoa học, có đủ để giám sát lẫn nhau hay không?
Tôi cũng khuyên một số bạn bè của mình là đừng thấy ai chết cũng khóc, mong các bạn hãy dành những giọt nước mắt đồng cảm đó cho cho những người thân yêu của các bạn, những người yếu thế đang cần các bạn giang tay giúp đỡ.
Các bạn có biết không, để có được vị trí như ngày hôm nay thì chắc hẳn những thân phận chóp bu trong hệ thống độc tài đã phải ra tay sát hại rất nhiều người, còn xét về thực lực, cũng chưa chắc họ đã hơn tôi và các bạn.
Trong sâu thẳm, tôi thương xót cho những người đứng đầu đất nước, họ có đầy quyền sinh quyền sát trong tay nhưng cuối cùng họ chả làm được gì nhiều, cuối cùng họ chết đi trong sự hả hê, sung sướng của người đời.
Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông và không ai có thể sống hai lần trong cùng một cuộc đời. Tôi chỉ hy vọng những người như ông Trọng, ông Phúc, bà Ngân… hãy nghĩ lại và làm một điều gì đó thực tế, ý nghĩa hơn trong những năm tháng cuối đời, để có thể cứu vãn được những vấn nạn vô phương cứu chữa hiện nay, để các thế hệ người dân Việt Nam sớm hội nhập, tự chủ và ngẩng cao đầu.
Trên thực tế, sự sống của các ông bà chỉ có thể kéo dài thêm một vài năm nữa, cát bụi sẽ trở về với cát bụi, đời người ngắn ngủi, trôi nhanh như một trận mưa rào.
Là người nắm mọi quyền lực trong tay, nhưng khi chết đi, rất có thể cả xã hội cho tới những thuộc cấp của các ông bà sẽ không còn tôn trọng các ông bà nữa, rất có thể con cháu đời sau, rồi cả thế giới sẽ coi ông bà là những tội đồ, chết rồi mà vẫn bị đào mồ cuốc mả lên chửi, họ chửi từ ngày này qua ngày khác, với tất cả sự căm thù.
Tôi cũng thấy ngạc nhiên vì chỉ trong mấy năm gần đây, có rất nhiều lãnh tụ mạnh khỏe, được chăm sóc đặc biệt như ông Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ… đang yên đang lành thì tự nhiên lăn đùng ra chết, chết do đâu không chết mà lại chết bởi những con virus lạ.
Trước cái chết của ông chủ tịch nước, tôi cũng tìm mỏi cả mắt, tại những trang báo uy tín toàn cầu thì mới ngã ngửa ra là chỉ có vài ba thông tin ngắn ngủi về cuộc đời ông ấy, không ca ngợi, ngược lại họ còn nói ông ấy được ví như kẻ thù của những người bất đồng chính kiến, kẻ thù của những công dân tự do với quyền làm người.
Chết là hết, hay còn được khuyến mại thêm một kiếp nữa? Tôi không biết, tôi chỉ biết chắc một điều rằng những người như ông ấy không còn cơ hội để sửa sai, không còn gì ngoài sự bất hạnh và những tai tiếng để đời.
Trên thực tế, nếu có địa ngục thì các ông ấy rất khó được lên thiên đàng. Tôi cũng chỉ biết cầu nguyện cho những thân phận xấu số, trong đó có cả những người chết mờ ám trong đồn công an, những người liêm chính bị đánh đập, bỏ tù… từ thời ông ấy còn làm bộ trưởng, cho tới những thân phận nhỏ bé như trường hợp chú Nguyễn Văn Tân – một người dân Hạ Long đã ròng rã đi kêu oan suốt 19 năm, trong đoạn phóng sự mà tôi mới thực hiện này:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét