Hôm qua, thấy cậu con trai thèm cua, tôi bèn đi mua một con cua để nấu miến cho cậu ăn. Con cua 6 lạng, rất chắc thịt và thực sự ngon. Tôi hỏi người bán cua về sợi dây vải quàng quanh thân cua, chị trả lời: phải có sợi dây để buộc hai càng của con cua, nhưng ở vựa hải sản của chị, chỉ dùng dây cua nhỏ chứ ko phải sợi dây to như của người ta.
Khi về nhà, tôi cân sợi dây cua bằng vải "nhỏ” đó, nó nặng đúng 1 lạng. Nếu như sợi dây to hơn, chắc tôi mất mẹ nó 2 lạng cua!
Như vậy, với 1 kg cua giá 450.000 đồng, thì với 6 lạng cua mua được, tôi đã mất toi 45.000 đồng. Không biết nói cùng ai, không biết kiện cáo ai, bởi cái số tiền bị mất đi vô lý vì sợi dây cột cua bằng vải thấm nước nặng trịch kia đã được xã hội đương nhiên chấp nhận.
Cả xã hội biết sợi dây cua là sự gian lận nhưng thản nhiên chấp nhận. Các cơ quan quản lý thị trường, công an và luật pháp - nơi có nhiệm vụ chỉnh sửa và loại bỏ sự gian lận này cũng im lặng và chấp nhận. Không một ai đặt vấn đề về đạo đức và sự tồn tại của sợi dây cua, ngoài sự thắc mắc yếu ớt của người tiêu dùng.
Thật ra, chị chủ vựa cua không phải là tác giả của sợi dây cua. Vì khi nhập hàng về vựa, sợi dây cua đã có trên mình con cua rồi. Ai nghĩ ra cái vụ dây cua này, thật đúng là tuyệt đỉnh công phu. Bạn bè tôi ở miền Tây còn cho biết, ở dưới đó có người trở thành tỉ phú nhờ chuyên sản xuất dây cột cua.
Thiên tài Hegel (triết gia duy tâm Đức) cho rằng: ”Cái gì tồn tại thì hợp lý”. Phản bác ông thầy, Các Mác sửa lại là: ”Cái gì hợp lý thì tồn tại”. Như vậy, với Hegel, sợi dây cua đã tồn tại bởi vì nó hợp lý. Với Mác, cái sợi dây cua kia rõ ràng là phi lý, lẽ ra nó phải bị loại bỏ sự tồn tại, thế mà nó vẫn tồn tại. Triết lý trái ngược của hai bậc thầy kia, cuối cùng lại gặp nhau, cộng sinh trong một sợi dây cột cua nặng từ 1 đến 2 lạng ở Việt Nam.
Từ sự gian lận của sợi dây cua, tôi nghĩ về điều 25 hiến pháp (công dân VN được quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin và tự do biểu tình) và sự gian lận của những người tổ chức thực hiện nó. Từ sự gian lận vi mô tôi nghĩ về sự gian lận vĩ mô. Ở bình diện nào, sự gian lận cũng được chấp nhận và nhiều lúc còn được thế lực chính trị bảo kê. Như sự gian lận "được chìu chuộng" (chữ dùng của báo NLĐ) về giá điện của tập đoàn điện lực VN. Như sự gian lận trong điểm thi vào đại học, như sự gian lận trong mua bán đất đai…
Khi sự gian lận phổ biến trên toàn cõi quốc gia và được chấp nhận, dung chứa thì rõ ràng không cần phải nói thêm điều gì nữa về đạo đức của xã hội…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét