Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

7917 - Đề xuất giá điện chưa công bố được đóng dấu mật: Vì sao?



Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện.
Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện. Ảnh AFP


Thắc mắc của người tiêu dùng

Bộ Công Thương vừa đề xuất phương án điều chỉnh giá điện vào diện mật trong bối cảnh giá điện đều tăng mạnh hồi hạ tuần tháng 3. Dư lận đặt vấn đề vì sao phải đưa vào diện mật? Truyền thông trong nước hôm 26/4 cho biết Bộ Công thương mới đây đã gửi công văn tới các bộ, ngành để lấy ý kiến dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương, trong đó báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện chưa công bố được đóng dấu mật.
Đề xuất vừa nêu của Bộ Công Thương vấp phải sự chỉ trích của dư luận, mặc dù Bộ Công thương có giải trình sau 10 năm áp dụng và thực hiện danh mục bí mật được Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2008, danh mục bí mật của ngành Công thương đã có sự thay đổi và cần phải thay đổi để phù hợp luật pháp.
Lướt qua trang fanpage các tờ báo mạng của truyền thông quốc nội, hàng chục câu hỏi của độc giả thắc mắc rằng mặt hàng thiết yếu như điện cần gì phải bảo mật khi điều chỉnh giá, vì dù tăng ở mức nào thì người tiêu dùng cũng buộc phải chấp nhận mà không có lựa chọn.
Không ít độc giả còn cho rằng Bộ Công Thương đề xuất đưa việc điều chỉnh giá điện vào diện mật là không ổn vì hàng hóa và giá cả cần được công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; không những vậy mà Bộ Công Thương còn phải có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng giá mới để doanh nghiệp không bị thụ động trong việc hoạch định kinh doanh và sản xuất.
Nhà báo tự do Võ Văn Tạo, từ Nha Trang vào tối ngày 26 tháng 4 lên tiếng với RFA rằng có những thông tin cần được đưa vào danh mục bảo mật của quốc gia, của cơ quan, của tập đoàn kinh doanh…là điều hiển nhiên, thế nhưng đề xuất Bộ Công Thương đưa ra Dự thảo đệ trình xin điều chỉnh giá điện vào danh mục bí mật khiến cho dư luận rất phẫn uất.
“Có một điều bất hợp lý là Nhà nước để cho ngành điện độc quyền kinh doanh, không có tư nhân nào chen vào được. Trước đây mười mấy năm, có những Đại biểu Quốc hội tại Diễn đàn họp Quốc Hội đã nói thẳng rằng điện là một trong những ngành năng lượng, là ngành ‘lương nặng’, tức là nói láy của ‘năng lượng’ vì lương bổng và chế độ thưởng…rất cao. Bởi vì họ độc quyền, cho nên họ tự có thể quy định chi phí, lương theo ý của họ muốn. Khi họp hành xét duyệt kế hoạch hàng năm thì họ chỉ cần đưa phong bì cho các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, Bộ Tài Chính, Văn phòng Chính phủ…và kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ được thông qua. Thế thì chỉ có chết dân thôi vì giá điện bao nhiêu là do họ áp đặt lên người dân.”

Cứ tăng giá

Bộ Công Thương, vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 thông báo giá điện chính thức tăng thêm 8,36% sau gần 3 năm giá điện không thay đổi. Ngay sau khi thông báo này được phổ biến, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), hiện là Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2022 cho RFA biết vì sao ngành điện phải tăng giá:
“Gần ba năm vừa rồi Chính phủ không có chủ trương tăng giá điện, dù yếu tố đầu vào quyết định giá thành sản xuất điện năng liên tục tăng. Vì vậy để ngành điện có thể hoạt động hiệu quả và có thể trang trải những chi phí của mình, nên giá điện năm nay bắt buộc phải tăng để kịp với những biến động cùa các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện.”
Cục trưởng Cục điều tiết điện thuộc Bộ Công Thương,ông Nguyễn Anh Tuấn được truyền thông trong nước dẫn lời giải thích nguyên nhân tăng giá điện là do một số yếu tố đầu vào tăng giá như than tăng 2,6-2,7%, khiến phí phát điện tăng thêm 2.000 tỷ đồng. Còn ông Đinh Quang Trí, Phó Tổng giám đốc EVN tuyên bố sau khi tăng giá, EVN sẽ thu về 20.000 tỷ đồng, nhưng lại phải chi hơn 21.000 tỷ đồng và do đó dù tăng giá điện lên 8,36%, nhưng EVN vẫn lỗ 1.000 tỷ đồng.
Giá điện tại Việt Nam được ghi nhận nằm trong nhóm giá thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù ngành điện của Việt Nam có lý do để tính toán tăng giá ở mức 8, 36% cho việc bù lỗ các chi phí đầu vào, tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo lắng rằng việc tăng giá các mặt hàng cơ bản này sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng khác lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Báo Công Thương, vào tháng 12 năm 2018, dẫn nguồn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, dự báo dưới tác động của thuế môi trường cho mặt hàng xăng dầu, điều chỉnh giá điện, diễn biến giá cả dịp Tết…sẽ tác động đến Chỉ số tiêu dùng (CPI) quý I/2019 có thể tăng khoảng 3,6 - 3,85% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao.
Bà Bích Lan, một người dân ở Sài Gòn nói với RFA về chi phí trả tiền điện sau khi mặt hàng này tăng giá trong vòng 1 tháng qua:
“Tăng lên ở mức 8% theo luật. Nói chung, những doanh nghiệp sản xuất thì thấy bị ảnh hưởng nhiều, còn tiêu thụ điện dân dụng thì nếu xài nhiều phải trả thêm mấy chục đến 100 ngàn đồng. Xăng và điện tăng lên thì tất cả đều lên. Sắp tới đây lương thực thực phẩm đều lên hết vì siêu thị đã thông báo một số sản phẩm tăng lên mấy chục phần trăm. Hình như người dân được tập huấn dần thành thói quen, một là cầm tiền nhìn chịu đói hoặc hai là cứ nghĩ sức khỏe là trên hết và bấm bụng mà ăn. Ví dụ như hồi xưa ăn 10 con tép, còn bây giờ ăn 5,6 con thì cũng phải ăn.”
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice, chuyên thu mua, gia công, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, cho biết giá điện tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty ra sao:
“Tăng giá điện như vậy thì rất là ảnh hưởng và khó khăn lắm cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ ngày xưa, tôi gia công gạo, ăn 270 đồng của người thương lái mua lúa khô để về nhà máy mình gia công; bây giờ giá tăng lên, tôi tăng giá thì người ta không chấp nhận. Nói chung là rất khó khăn cho doanh nghiệp và người thu mua.”

Bao giờ tư nhân hóa?

Tại “Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững", diễn ra trong ngày 9 tháng 8 năm 2018, Phó Tổng Giám đốc EVN, ông Ngô Hải Sơn cho biết tốc độ tiêu thụ điện tại Việt Nam gia tăng bình quân khoảng hơn 12%/năm từ 2003 đến 2018 và dự kiến tốc độ này sẽ tăng trưởng ở mức cao, gần 300 tỷ kWh vào năm 2020 và gần 650 kWh vào năm 2030. Ông Ngô Hải Sơn nhấn mạnh nguồn điện hiện nay đáp ứng chỉ 1/3 mục tiêu, bởi nguyên nhân là do nhiều dự án nguồn điện, nhất là ở khu vực miền Nam bị chậm tiến độ và các nhà máy nhiệt điện than chưa được khởi công xây dựng. Phó Tổng Giám đốc EVN còn nhấn mạnh không loại trừ khả năng Việt Nam bị thiếu điện sau năm 2030 nếu mực nước thủy điện về kém hơn cũng như chưa kịp thời có nguồn mới thay thế…

Truyền thông trong nước trong thời gian gần đây thường xuyên đăng tải ý kiến của một số chuyên gia kêu gọi Nhà nước cần nhanh chóng thị trường hóa để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, không thể tiếp tục độc quyền cho một doanh nghiệp nhà nước duy nhất là EVN dựa trên nền tảng “bao cấp”.
Báo mạng Dân Trí, hồi hạ tuần tháng 8 năm 2016, dẫn lời phát biểu của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam rằng “ngành năng lượng cần đặt mục tiêu thay đổi được cơ chế giá. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy vượt lên để thay đổi đẳng cấp. Cùng với đó, cơ chế thị trường cần thay đổi cơ bản nhưng không gây xung đột xã hội bởi giá điện mang tính chính trị rất cao”.
Trong khi người tiêu dùng chờ đợi được nghe Bộ Công Thương chính thức giải thích vì sao việc điều chỉnh giá điện cần được đưa vào diện mật, rất nhiều “thượng đế” là khách hàng của EVN khắp Việt Nam chia sẻ với RFA rằng họ tiết kiệm tiền điện trong mùa nắng nóng kỷ lục năm 2019 bằng cách tự nguyện tăng ca ở công xưởng, nhà máy hay cùng gia đình thường xuyên đến những nơi có máy điều hòa như siêu thị để trốn nóng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét