Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

* 7887 - 30/04: Việt Nam hóa chiến tranh và bài học chơi với người Mỹ




Dinh Độc LậpBản quyền hình ảnhNGUYEN TIEN HUNG
Image captionMột trong những cuộc họp Mỹ - Việt cuối cùng trong Dinh Độc Lập. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng (bìa phải), ngồi cạnh Đại tướng Cao Văn Viên

Trời đã về khuya, tôi nóng lòng ngồi chờ Eric von Marbod, Đệ nhất Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thành viên của phái đoàn Tướng Fred Weyand do Tổng thống Gerald Ford gửi sang Sàigòn để thẩm định tình hình.
Hôm ấy là ngày 28 tháng 3/1975.
Sang ngày 31/3/1975 một buổi họp với phái đoàn Weyand dưới sự chủ tọa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Phòng Tình hình Dinh Độc Lập vào lúc 5 giờ chiều. Ngoại trưởng Vương Văn Bắc và chúng tôi cùng tham dự. Đây là buổi họp Việt - Mỹ cuối cùng sau 25 năm người Mỹ dính líu vào Việt Nam.
Mọi người cố tỏ ra bình tĩnh để cho đài truyền hình quay phim. Tôi ngồi cạnh Đại tướng Cao Văn Viên cũng cố gắng có một nụ cười.
Nhưng khi truyền thông vừa ra khỏi thì bầu không khí nặng nề đã bao trùm căn phòng: Đà Nẵng vừa bị bỏ ngỏ ngày hôm trước.
Nhiều vấn đề được đề cập nhưng quan trọng nhất là làm sao có được tiếp liệu cho lực lượng quân đội còn lại.
Tướng Weyand kết luận:
"Chúng tôi sẽ viện trợ theo nhu cầu của VNCH và sẽ trình bày những nhu cầu này trước Quốc Hội."
Ông Marbod thêm:
"Nếu có lệnh thì việc tiếp liệu sẽ khởi sự ngay vì đã có sẵn ở Okinawa và Đại Hàn."
Ngày hôm sau, 1/4/1975 Tổng thống Thiệu chủ tọa một cuộc họp nữa để bàn việc tái tổ chức một số đơn vị quân đội bị tan rã nếu có được tiếp liệu như Tướng Weyand hứa. Về phía dân sự, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc và chúng tôi cùng tham dự.
Qua hai cuộc họp này và sau những diễn biến và những buổi họp tại Dinh Độc Lập trong ba tháng đầu 1975, chúng tôi thấy những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần không thể vượt qua được của Miền Nam đã bộc lộ ra thật rõ ràng.
Hầu hết nó phản ảnh những khuyết điểm của chiến lược "Việt Nam Hóa" và việc Quốc Hội Mỹ cắt quân viện.

Mỹ hóa chiến tranh

Trước hết, tại sao phải Việt Nam hóa? Vì trước đó cuộc chiến đã bị Mỹ hóa.
Trong cuốn 'Việt Nam 1945-1995' (trang 329) GS Lê Xuân Khoa trích dẫn một bài phỏng vấn của TT Thiệu với tạp chí The New Republic như sau:
"Lý do chính mà Việt Cộng cố thủ mạnh mẽ được như vậy là vì dân chúng vẫn tin rằng chẳng có gì khác giữa người Pháp mà họ gọi là thực dân và người Mỹ mà họ gọi là đế quốc." Ngoài ra. Chương trình "Mỹ hóa" chiến tranh còn phạm phải ít nhất hai sai lầm quan trọng khác:


Hoa KỳBản quyền hình ảnhDIRCK HALSTEAD
Image captionHoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam năm 1975

"Vì quá tin tưởng ở sức mạnh của mình và coi thường khả năng của quân lực VNCH, Hoa Kỳ không trang bị cho họ vũ khí hiện đại. Quân Mỹ vào Nam Việt Nam từ tháng 3/1965 nhưng VNCH chỉ có súng Garrands từ Thế Chiến II. Mãi tới tháng 6/1968 sau Tết Mậu Thân, Hoa Kỳ mới cung cấp súng M-16 cho binh sĩ VNCH trong khi bộ đội cộng sản miền Bắc đã sử dụng AK-47 từ mấy năm trước. Hầu hết máy bay trực thăng rất cần thiết trong các cuộc hành quân đều do phi công Hoa Kỳ lái và chỉ chịu mệnh lệnh của cấp chỉ huy người Mỹ."
Quân đội Hoa Kỳ chỉ quen với chiến tranh qui ước không thích hợp với những điều kiện chiến đấu chống du kích trong núi rừng nhiệt đới. Nhưng Hoa Kỳ vẫn tin rằng sẽ thắng bất cứ loại chiến tranh nào bằng cách sử dụng hỏa lực thật mạnh và thật nhiều.
Lối đánh trận kiểu nhà giàu này quá phí phạm, coi thường sinh mạng của dân chúng mà thường không đem lại kết quả mong đợi. Trái với mục tiêu 'tranh thủ nhân tâm,' lối đánh trận này chỉ làm cho dân chúng có cảm tình với chủ trương "chống Mỹ cứu nước" của Cộng sản. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều trường hợp bất đồng ý kiến giữa các cố vấn Mỹ và các cấp chỉ huy người Việt."
Theo nhận xét của một vài tướng lãnh, nó lại còn gây nên một tình trạng tâm lý bất lợi: đó là làm cho quân đội VNCH quen với cung cách chiến đấu kiểu nhà giàu.
Việt Nam hóa thực chất là gì?
Tổng thống Richard Nixon muốn "giải kết vai trò của Mỹ" ở Việt Nam (De-americanization of the Vietnam War). Bộ trưởng Quốc Phòng Melvin Laird thuyết minh nên dùng từ "Việt Nam hóa" (Vietnamization).
Chương trình này đã giúp quân đội VNCH trở thành hùng mạnh nhất tại Đông Nam Á. Về mặt kinh tế nó cũng giúp Miền Nam có được những bước tiến vượt kỳ vọng, mặc dù chịu sức ép lớn lao của lạm phát siêu mã.
Tuy nhiên, về mặt quân sự thì nó có nhiều khuyết điểm:
Quân đội hùng mạnh nhưng thiếu bền vững (sustainability) và chỉ mạnh nếu có được hỏa lực và tính cơ động cao (fire power and mobility).
Cả hai yếu tố hỏa lực và di động đều đòi hỏi phải có sẵn đồ phụ tùng để bảo trì và sửa chữa. Nguyên 1,429 tàu chiến của Hải quân VNCH đã cần tới 64,240 phụ tùng và dụng cụ sửa chữa, Không quân: 192,000, Lục quân: 127,000 phụ tùng.
Năm 1974 khi Quốc Hội Mỹ cắt quân viện, Đại tướng Cao Văn Viên phải hạn chế tối đa đạn dược, xăng nhớt.
Có lần chúng tôi đi thăm Sư đoàn 1 đóng ở Huế, Tướng Nguyễn Văn Điềm chỉ lên phía đồi núi và nói:
"Chúng tôi luôn bị pháo của quân đội Bắc Việt từ trên đó mà không có khả năng đáp trả."

Tinh thần suy sụp

Tình trạng này ép mạnh vào tinh thần Miền Nam như Đại tướng Viên báo cáo:


VNCHBản quyền hình ảnhBETTMANN
Image captionTổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân - hình tư liệu

"Đạn tồn kho sẽ hết vào tháng 6, 1975."
Cá nhân chúng tôi đã từng chứng kiến sự khắc khoải của TT Thiệu, nhất là khi ông ra lệnh dốc hết dự trữ của Ngân hàng Quốc gia để mua tiếp liệu: dầu lửa thì đã tìm thấy ngoài khơi nhưng chưa khai thác kịp.
Nói về hỏa lực, phải kể tới số quân cụ được chuyển giao trong chương trình Enhance và Enhance Plus (1972). Truyền thông Mỹ hay nói tới việc đã chuyển cho Miền Nam hàng tỷ đôla khí giới mà sao vẫn bại trận. Ta hãy nghe Tướng John Murray, tùy viên quốc phòng ở Sàigòn bình luận:
"Ai cũng tưởng lầm về vụ chuyển giao quân cụ cho VNCH. Thật ra đó chỉ là những quân cụ hư hỏng hoặc cũ kỹ, lỗi thời. Phần lớn là đồ thặng dư, đòi hỏi phải bảo trì quá nhiều."
Mỗi khi ông Murray yêu cầu Bộ Quốc phòng gửi phụ tùng để bảo trì thì đều bị từ chối: "Miền Nam phải ôm lấy những thứ này như của nợ."

Không chuyển giao hệ thống tham mưu

Chương trình Việt Nam hóa chỉ tập trung chủ yếu vào việc chuyển giao quân cụ, tiếp liệu (như kho Long Bình), không đặt nặng vấn đề tham mưu và điều hợp chiến trường. Như vậy, khả năng tham mưu của Bộ Tổng Tham Mưu và tư lệnh chiến trường là giới hạn.
Đây có thể cũng là một lý do mà nhiều khi Tổng thống Thiệu chỉ huy trực tiếp từ Dinh Độc Lập (như chúng tôi chứng kiến trong buổi họp ngày 25/3/1975 về lệnh bỏ Huế). Ngay từ thời còn là một sĩ quan, khả năng tham mưu của ông đã được đồng liêu và tướng lãnh Mỹ khen ngợi. Nhưng ông bị chỉ trích là tập trung quyền hành.

Không giúp VNCH có thêm lực lượng trừ bị

Vấn đề này thì chúng tôi nắm rất vững vì đã từng nhận chỉ thị cùa Tổng thống Thiệu để giúp Đại tướng Viên và Trung tướng Đồng Văn Khuyên, đặc trách tiếp vận, đi "lobby" phía Mỹ giúp trang bị thêm hai sư đoàn để làm lực lượng trừ bị.
VNCH có trên một triệu quân nhưng chỉ có 13 sư đoàn (200,000) là quân chính quy, phần còn lại là địa phương quân, dân quân...giữ an ninh địa phương.
TT Thiệu thường hay phàn với chúng tôi, "Mình chỉ có hai sư đoàn Dù và Thủy quân Lục chiến phải dùng trực thăng bốc đi hết trận này tới trận khác."

Việt Nam Hóa quá ngắn về thời gian

Chương trình bắt đầu từ Hè 1969 và chấm dứt cuối 1972: như vậy là chỉ có ba năm rưỡi. Ông Von Marbod ví vấn đề thời gian vắn vỏi như "muốn cho chín người đàn bà đẻ một đứa con trong một tháng."


VNCHBản quyền hình ảnhBETTMANN
Image captionCác nữ quân nhân VNCH họp kỹ thuật vô tuyến ở trường gần Vũng Tàu

Nó lại bị gián đoạn bởi hai trận chiến: "Lam Sơn 719" đánh sang Lào (Xuân 1971) và "Mùa hè đỏ lửa" (Xuân - Thu 1972).
Sau hai trận này sức mạnh của quân đội bị tiêu hao. Cấp lãnh đạo quân sự mất đi gần 20% của thời gian Việt Nam hóa có thể dùng để tổ chức nhiều khóa hội thảo về tham mưu.

Việt Nam hóa trong bối cảnh đàm phán

Chiến lược giải kết khỏi Việt Nam dựa vào hai cấu phần: Việt Nam Hóa và đàm phán với Bắc Việt. Tổng thống Nixon cho rằng cả hai sẽ đi song hành và hỗ trợ nhau. Nhưng trong thực tế nó đã đi ngược với nhau: Nixon tin vào Việt Nam Hóa, Kissinger không tin - lại còn thuyết phục Nixon tại sao ông không tin. Kissinger chỉ tập trung vào mật đàm.
Nơi đây chúng tôi chỉ nhắc lại một thí dụ về sự đối chọi này: ngày 17/09/1972 quân đội VNCH lấy lại được Quảng Trị, tinh thần lãnh đạo Miền Nam lên cao - đó là thành công của Việt Nam hóa.
Nhưng chỉ ba tuần sau, tinh thần lại bị rúng động thật mạnh - vì thất bại của hòa đàm.
Tại sao thất bại? Vì trong buổi họp với ông Lê Đức Thọ (8/10/1972) ông Kissinger đã nhượng bộ điểm chính yếu của bốn năm mật đàm: Mỹ đơn phương rút quân nội trong hai tháng, quân đội Bắc Việt được đóng lại Miền Nam - và đóng theo cách đốm da beo.

Những ngày cuối cùng

Trước bối cảnh bị cúp viện trợ, năm khuyết điểm trên đã cùng một lúc tác động vào Miền Nam trong những ngày tháng cuối cùng. Bắt đầu từ trận Phước Long.
Trận Phước Long
Đêm ngày 13/12/1974, quân Bắc Việt nổ súng tại Phước Long. Lực lượng của VNCH chỉ gồm Địa phương quân, Nghĩa quân, và 4 trung đội Pháo binh, tổng cộng khoảng 4,000 người. Dù phải đối đầu với lực lượng áp đảo của Bắc Việt gồm 2 sư đoàn (Sư đoàn 7 và 3 Bộ binh) cùng với các đơn vị pháo, xe tăng, đặc công, và phòng không gộp lại là đông hơn lực lượng Miền Nam gấp sáu lần, lực lượng trú phòng vẫn chống cự và kéo dài được trên ba tuần, tới 6/1/1975.
Giải pháp 'da beo' đã giúp quân đội Miền Bắc có một lợi điểm chiến thuật thật lớn: đó là có thể chọn nơi, chọn ngày và chọn giờ để tấn công. Khi tấn công thì có thể tập trung quân để ở thế thượng phong.


Y tá quân đội MỹBản quyền hình ảnhBETTMANN
Image captionY tá Mỹ chăm sóc thương binh trước khi phi cơ rời Tân Sơn Nhất

Đang khi đó, quân đội Miền Nam phải trải ra thật mỏng trên toàn lãnh thổ và một biên giới gần 700 dặm.
Sao không tái chiếm Phước Long?
Hội đồng An ninh Quốc gia họp với Tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Quân đoàn III để thẩm định việc tái chiếm Phước Long. Cuộc họp đi tới kết luận là không khả thi vì (1) không còn lực lượng trừ bị nàokhông thể rút đơn vị nào từ vị trí khác; (2) thiếu phương tiện chuyển quân và chuyển đại pháo.
Chưa bao giờ Miền Nam lại cảm thấy bất lực như lúc này: không có quân trừ bị để tăng viện mà nếu rút đơn vị này nọ để tăng viện thì cũng hết phương tiện để chuyển quân và chở đến cho kịp thời.
Về thời gian cần thiết để chuyển quân: muốn đưa Sư đoàn Dù từ miền Trung tới thì cần một tuần, và muốn đưa một sư đoàn của Quân khu IV tới cũng mất ba ngày, mà Phước Long cần ngay. Đúng như Đại tướng Viên đã trình Tổng thống Thiệu hồi Hè 1974:
"Trước đây , trong cuộc tấn công 1972, Sư đoàn Dù có thể di chuyển từ Sài Gòn tới các mặt trận ở Pleiku và Vùng I chỉ trong 48 tiếng bằng không vận mà không gây trở ngại gì. Nhưng bây giờ, cùng một cuộc không vận tương tự , không quân cần đến 7 ngày và phải trưng dụng tất cả các phương tiện không vận khác."

Thời khắc sụp đổ

Ngày 6/01, Phước Long thất thủ. Trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, Phước Long là tỉnh đầu tiên bị mất. Phước Long mở đầu cho cuộc tổng tấn công Mùa Xuân 1975 của quân đội Bắc Việt. Có nhiều yếu tố đưa tới sụp đổ, nhưng trong tất cả những biến cố theo sau Phước Long - Ban Mê Thuột, Pleiku, Huế, Đà Nẵng - đều có nguồn gốc từ hai yếu tố chính: khuyết điểm của Việt Nam hóa và Quốc hội Mỹ cắt viện trợ.
Sụp đổ quá nhanh vì tinh thần đã bắt đầu suy sụp từ tháng 8 năm 1974 khi tác giả của Việt Nam hóa, TT Richard Nixon sụp đổ (8/8/1974) và chỉ ba ngày sau (11/8/1974) Quốc hội Hoa Kỳ cắt quân viện cho VNCH: từ 2.1 tỷ (1972/1973) xuống 700 triệu USD, mà trên thực tế chỉ còn khoảng 500 triệu. Điều chỉnh theo lạm phát phi mã thì con số này thành ra vô nghĩa.
Bài học nào từ Việt Nam hóa cho ngày nay?
Ngày nay nhìn lại, trong bối cảnh địa chính trị mới ở Đông Nam Á, trong giới hạn của bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới một bài học thực tế nhất cho bất cứ nước nào muốn chơi với Mỹ: đó là "tính cách bền vững" trong sự hỗ trợ từ Washington.
Đó là, từ các khí cụ, khí tài và quân trang quân dụng khi được Mỹ chuyển giao (tặng hoặc bán) cho tới tàu tuần dương, chiến hạm, máy bay vận tải, khu trục, tên lửa, radar tối tân, bên nhận cần có tầm nhìn xa về vấn đề phụ tùng và bảo trì.
Nhắc lại giai đoạn VNCH trên đà tan rã, chỉ riêng về phụ tùng, TT Thiệu đã ví von: "Tặng tôi một cái xe Cadillac mà khi cần lại không có được một cái 'bougie' để thay thế thì chiếc Cadillac chỉ là một đống sắt, lại còn phải canh giữ cho khỏi bị mất trộm."
Vì hư hỏng và thiếu phụ tùng, Không quân VNCH chỉ có thể sử dụng được từ 4 tới 8 chiếc trong tổng số 32 phi cơ C-130 có sẵn. Hải quân thì phải giải tán 600 tàu tuần giang.
Bên cạnh đó, dựa vào Hoa Kỳ về vũ khí, phụ tùng quân sự cần tính là làm sao phải có sẵn khi cần: thời gian của thủ tục đặt hàng từ Mỹ và chuyên chở tới Việt Nam là 45 ngày: quá lâu khi khẩn cấp.
Còn về bảo trì, thứ nhất, nếu quân cụ, quân trang là cũ thì vấn đề sửa chữa, bảo trì luôn đặt ra, như trong chương trình Enhance Plus với VNCH; thứ hai, khí giới càng tối tân thì càng phức tạp: cần đào tạo lâu để sử dụng và khung thời gian bảo trì lại càng lâu.
Đây là những vấn đề mà nước đồng minh hay đối tác với Hoa Kỳ cần quan tâm và trao đổi với chính giới Mỹ ngay từ đầu.
Nếu chờ đến khi lâm trận mới gọi Mỹ thì quá muộn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng Kế hoạch trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu những ngày cuối cùng của VNCH.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét