Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

7938 - Quốc tang tướng Lê Đức Anh 2 ngày : Sức khỏe tổng bí thư Trọng là tâm điểm chú ý

Trọng Thành

Ngày 27/04/2019, 5 ngày sau khi tướng Lê Đức Anh, nguyên chủ tịch Nước qua đời, chính quyền Việt Nam mới thông báo thời điểm quốc tang. Tuy nhiên, điều khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý là việc lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm vai trò trưởng ban tang lễ, trong bối cảnh ông Trọng đã không xuất hiện trước công chúng từ nửa tháng nay. Theo thông báo của chính quyền Việt Nam, tang lễ ông Lê Đức Anh sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang ngày 03/05, tại Hà Nội. An táng cùng ngày tại Sài Gòn. Quốc tang kéo dài hai ngày.
Tướng Lê Đức Anh qua đời ngày 22/04, việc thông báo Quốc tang chậm đến 5 ngày được dư luận ghi nhận là điều không bình thường. Một trong các lý do chủ yếu của sự chậm trễ này là tình trạng sức khỏe của ông Trọng. Theo luật Việt Nam, chủ trì Quốc tang phải là tổng bí thư đảng Cộng Sản hoặc chủ tịch Nước. Tuy nhiên, hiện tại tổng bí thư kiêm chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có vấn đề sức khỏe.
Trong cuộc họp báo hôm 25/04, một người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Việt Nam thừa nhận là « cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi » đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng cũng nhấn mạnh là lãnh đạo Việt Nam « sẽ sớm trở lại làm việc bình thường ».
Trong lúc đó, trên các mạng xã hội và truyền thông nước ngoài có nhiều thông tin về việc ông Trọng bị đột quỵ, thậm chí bị liệt nửa người trong chuyến làm việc tại tỉnh Kiên Giang ngày 14/04, phải cấp cứu tại một bệnh viện ở Sài Gòn, trước khi được chuyển về điều trị tại bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội, và hiện tại sức khỏe mới chỉ trong giai đoạn hồi phục dần dần.
Trang mạng thoibao.de tại Đức cho biết cụ thể là, theo một ủy viên trung ương đảng, hôm 27/04/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã ra viện, về nhà công vụ ở Hà Nội. Hiện tại lãnh đạo Việt Nam vẫn phải « ngồi xe lăn và đang tích cực luyện tập phục hồi chức năng sau đột quỵ », « ông vẫn bị méo mồm và gặp khó khăn khi nói».
Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng thực hư ra sao ? Tại Việt Nam, sức khỏe của các lãnh đạo cấp cao được xếp vào hàng bí mật quốc gia. Không ít người lo ngại một người vừa trải qua tai biến não, nếu đúng như vậy, buộc phải chủ trì nghi thức đặc biệt này sẽ khó lòng tránh khỏi bệnh tình trầm trọng hơn. Tuy nhiên, theo nhiều người trong cuộc, trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo tối cao, trong trường hợp có vấn đề sức khỏe, nếu không chính thức bàn giao quyền lực, thì đứng trước áp lực buộc phải hiện diện trước công chúng.
Trả lời RFI Tiếng Việt, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc Hội, nhận xét :
« Chức vụ đó thì không được nghỉ một ngày. Nhớ là khi ông Trần Đại Quang (cố chủ tịch Nước) đi trị bệnh ở bên Nhật, thì có một bài báo viết trên mạng, tôi nhớ không nhầm là của nhà báo Huy Đức, bảo là : đất nước không thể một ngày không có người lãnh đạo, lãnh đạo phải liên tục, còn nếu mà ở lâu thì phải bàn giao. Sau đó thấy xuất hiện ông Trần Đại Quang ngay. Sau đó, ông Trần Đại Quang ở trong tình trạng bệnh như thế mà vẫn đi làm việc đến hơi thở cuối cùng.
Những cương vị cao nhất, như nguyên thủ quốc gia, trong Hiến pháp đã có quy định rồi. Nếu là khuyết (như nguyên thủ qua đời - người viết), hay không làm việc được, thì phó chủ tịch phải tạm quyền. Trường hợp đó trong thời gian vừa qua đã xảy ra. Nghị quyết 09 quy định là bốn vị đứng đầu, bây giờ còn lại ba vị, phải kiểm tra sức khỏe hàng ngày. Kiểm tra như vậy liên quan đến công việc.
Thôi, bây giờ phải chấp hành luật, phải giữ bí mật. Đến ngày 3/5 thì sẽ biết hết ! »
Nguồn gốc việc giữ bí mật sức khỏe lãnh đạo
Luật sư Trần Quốc Thuận giải thích thêm về lý do khiến vấn đề sức khỏe của cán bộ lãnh đạo cấp cao trở thành bí mật Nhà nước tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ông cũng nhấn mạnh đến mặt hạn chế của cơ chế đánh giá sức khỏe nội bộ này, so với cơ chế cạnh tranh minh bạch, có thể cho phép công chúng nhận ra dễ dàng ai thực sự là người lãnh đạo có đủ sức khỏe đảm đương các trọng trách quốc gia :
« Việt Nam trước khi ra bầu cử, ứng cử, thì có chủ trương kiểm tra sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe rồi thì tùy loại A, loại B, loại C. Nếu loại C, thì đôi khi không được tái cử. Nếu loại B thì phải cân nhắc. Cho nên thường thì những người lãnh đạo phải là loại A hết. Nhưng có người loại B, tôi biết cũng tái cử, thì nhiều người cũng bực dọc về chuyện đó. Cho nên người ta cho rằng sức khỏe cũng liên quan đến vấn đề cơ cấu, vấn đề nhân sự, vấn đề chính trị. Gọi là bí mật, vì nếu việc đó bung xòe ra ngoài xã hội, thì cuộc bầu cử, ứng cử sẽ trở nên phức tạp. Vì có khi là sức khỏe loại B vẫn tái cử thì sao ? Có sức khỏe thấp hơn nữa vẫn tái cử thì sao ?
Cho nên mới có quy định về sức khỏe liên quan đến việc tái cử, hay không tái cử, được ứng cử vào các cương vị lãnh đạo hay không. Trước đây, có những người sức khỏe loại C vẫn tái cử, nhưng vào Đại hội rồi chết… chỉ làm mấy tháng thì ngã ra chết. Đúng ra việc kiểm tra sức khỏe mà làm tốt, thì không cho những người đó ứng cử. Cho nên gần đây người ta phải siết chặt lại, việc đó đi kèm với quy định về bí mật. Theo luật, chứ không phải là quy định nội bộ nữa.
Ở Việt Nam mình, không có quy định về ứng cử, tranh cử. Nếu là tranh cử, ứng cử công khai, trước nhân dân, với các chất vấn này kia…, thì chỉ cần lên người ta chất vấn một chặp, thì biết là có sức khỏe không ngay. Hiện tại, những người ra ứng cử, tiếp xúc cử tri cũng chỉ mang tính hình thức thôi. Không có chuyện truy hỏi, truy đến cùng. Những việc như thế cũng là một thử thách về sức khỏe. Ở Việt Nam, về cơ bản, trên thực tế, việc bầu cử, ứng cử, kể cả Đại hội 12 vừa qua, theo quyết định 244 (của Ban Chấp Hành Trung Ương), đều là ở trên gần như dự kiến hết. Dự kiến ai kỳ này làm gì… Kể cả đoàn đại biểu đi dự Đại hội cũng đã được dự kiến hết. Rồi cuối cùng kết quả là như vậy !
Rõ ràng là có câu chuyện không minh bạch, không thực hiện dân chủ rộng rãi, không có quyền tự do ứng cử bầu cử, (như vậy) thì có những điều nằm trong góc khuất, rất là khó ! »

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét