Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

7968 - Kinh tế tụt hậu và phát triển khập khiễng



Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tham vọng thôn tính Miền Nam bằng bạo lực với khẩu hiệu “giải phóng Miền Nam nghèo đói” của Cộng sản Bắc Việt đã thành công. Nhưng cũng từ ngày đó, đất nước trở nên nghèo và đói bằng nhau giữa hai miền với mục tiêu được nhồi nhét là “tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công.”Say men chiến thắng, Lê Duẩn lúc đó trong cương vị tổng bí thư đảng CSVN đã tung ra cái gọi là 3 giòng thác và 3 cuộc cách mạng, trong đó “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt.”!
Lê Duẩn khẳng định rằng so với Nhật Bản phải tiến hành công nghiệp hóa trong gần 60 năm, Việt Nam chỉ cần 20 năm sẽ phát triển vượt bậc và qua mặt Nhật Bản. Nếu đúng theo lời Lê Duẩn thì 20 năm  sau tức năm 1995, Việt Nam phải vượt qua Nhật và đứng ở vị trí số 2 sau Hoa Kỳ, một nước “giàu mà không mạnh”. Nhiều cán bộ cộng sản đã “phấn khởi” tin vào những lời lẽ của Lê Duẩn dịp Tết năm 1976 và chờ đợi “Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”.
 10 năm sau mồ Lê Duẩn (mất vào tháng 7 năm 1986) đã xanh cỏ, lời nói ấy cũng trôi vào quên lãng.
Sự khẳng định của Tổng bí thư Lê Duẩn trở thành sự huênh hoang thảm hại khi mọi hình thức của nền kinh tế chỉ huy của Miền Bắc được bê nguyên xi vào áp dụng tại Miền Nam sau năm 1975. Chỉ trong vài năm đầu, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt đã không cứu được sự đói nghèo của cả hai miền. Lương thực thiếu thốn, người dân phải thay cơm bằng khoai sắn, bo bo trong bữa ăn hàng ngày. Chính sách giản dân, đẩy dân lên vùng kinh tế mới thực chất để giảm áp lực cung ứng lương thực nhưng khiến dân càng đói hơn. Hình thức hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn và hợp tác xã tiêu thụ ở thành phố dần dần bị tẩy chay do không còn cung ứng nổi nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trong suốt 10 năm sau đó, kinh tế đất nước rơi vào hỗn loạn không thấy điểm dừng và gần như những người cộng sản cầm quyền thúc thủ trong việc đưa ra một đường lối kinh tế khả dĩ vực dậy đời sống ngày càng bế tắc. Đại hội lần thứ 6 của đảng CSVN “đổi mới hay là chết”, buộc đảng phải quay trở lại con đường kinh tế thị trường mà sau năm 1975 họ đã huỷ hoại. Đó cũng là cơ hội cho chế độ làm cuộc đổi mới để tiếp tục tồn tại trong khi hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang lụi tàn.
Đến nay sau hơn 40 năm cầm quyền, lãnh đạo đảng CSVN mỗi khi có dịp, vẫn lên tiếng ca ngợi sự thành công của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của đảng. Phần thành công rực rỡ nhất dành cho trí tuệ các nhà lãnh đạo “kiệt xuất”, cho đường lối sáng suốt của đảng thay vì nhờ đi theo kinh tế thị trường. Nhưng sự thành công ấy không có thật, hay nếu có cũng không do định hướng xã hội chủ nghĩa làm nên.
Kinh tế thị trường không phải là phép mầu, nhưng phải thừa nhận sự thành công ban đầu do nó đưa lại đã hoàn toàn thay đổi đời sống kinh tế theo chiều hướng đi lên. Kinh tế bao cấp bị đẩy lùi, hàng hoá lưu thông trên thị trường tương đối tự do theo luật cung cầu sơ đẳng làm cho bộ mặt đất nước phần nào bớt u ám. Nhưng khó khăn trong đời sống vẫn còn vì quan điểm bảo thủ “đổi mới nhưng không đổi màu”, đảng cộng sản vẫn giành phần nắm giữ độc quyền mạch máu kinh tế quốc gia, tiếp tục vạch ra những chính sách kinh tế sai lầm một cách có hệ thống.
Để thực hiện giấc mơ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đến năm 2020, từ năm 2005 trở đi  Việt Nam đã lần lượt thành lập 10 Tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ những ngành trọng yếu nhất. Đồng thời dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng rầm rộ thành lập hàng chục tổng công ty nhất định biến chúng thành những quả đấm thép đủ sức thúc đầy nền kinh tế đi lên một cách ngoạn mục.
Nhưng đó chỉ là những kế hoạch mà nền tảng là sự duy ý chí của lãnh đạo, lại vấp phải sự bất tài và tham lam trong cung cách quản lý một đại công ty tích luỹ vốn tư bản. Tuy bắt chước những “chaebol” của Hàn Quốc trong thời kỳ thực hiện kiến tạo công nghiệp của Tổng thống Park Chung Hee, cán bộ cộng sản lại thiếu kiến thức kinh doanh kinh tế tư bản do xuất thân từ môi trường thời bao cấp của kinh tế chỉ huy. Thêm nữa với nguồn tiền từ trên đổ xuống quá dồi dào, lòng tham là môi trường cho nạn tham nhũng bắt đầu phát triển và sinh sôi nẩy nở tràn lan. Từ Vinashin đến Vinalines, sự thất bại của các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty là tất yếu vì chính sách của chính phủ cho phép chúng độc quyền hoạt động qua chủ trương “quốc doanh là chủ đạo”.
Trên con đường hoạt động kinh doanh của mình các công ty nhà nước bám vào hai chữ “quốc doanh” thần thánh để tung hoành không cần lời lỗ, hoặc lời giả lỗ thật. Lời thì chia chác nhau, lỗ thì có ngân sách quốc gia rót xuống bù đắp. Họ tuỳ tiện lập dự án vay nợ nước ngoài đến khi sập tiệm thì trở thành nợ công, tức nợ của nhà nước do nhân dân đóng thuế để trả.
Sau thời kỳ khai trương với cờ phất trống rung, chỉ sau một thời gian kinh doanh mở rộng các tổng công ty mang chữ VINA đua nhau phá sản; mất vốn nhưng còn nợ, những món nợ khổng lồ ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Con số công ty còn lại thì sống cầm chừng chờ chính sách cổ phần hoá, tái cơ cấu tạo cơ hội cho doanh nhân thân hữu của cán bộ lãnh đạo nhảy vào. Dù mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2020 hoàn toàn bị phá sản, nhưng đảng CSVN vẫn cố gắng cắm đầu đi theo vết xe đổ.
Ngày 22 tháng 3, 2018 Bộ Chính trị lại đưa ra Nghị quyết 23 để gọi là “định hướng” chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, “tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết này xác định đến năm 2030 Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trở thành nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp!
Rõ ràng Bộ Chính trị chơi trò thua me gỡ bài cào. Tiến lên năm 2020 thất bại, nay đề ra cái mốc 2030 để tiếp tục lừa bịp nhân dân. Đảng kéo dài thời gian thêm 10 năm với lời hứa hẹn huyễn hoặc rõ ràng để khoả lấp sự thất bại ê chề. Lối làm kinh tế ảo tưởng như thế nên người đứng đầu chính phủ hiện nay được mang danh là “thủ tướng đầu tàu” vì đi đâu cũng phát ngôn theo lối đầu tôm.
Trong thời điểm hiện nay, khi điểm qua toàn cảnh 12 đại dự án mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng khi bỏ tiền ra thành lập, người ta mới thấy Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị chỉ mang tính cách một liều thuốc an thần thay vì là một quyết sách kinh tế đúng đắn. Chỉ cần đơn cử hoạt động của vài công ty trong số 12 dự án đang nằm đắp chiếu hay hoạt động cầm chừng, cũng đủ thấy hết thực trạng của một nền kinh tế đang èo uột sống nhờ vào vay nợ và tiền thuế vơ vét của người dân. Đó là:
1. Nhà máy phân bón DAP số 2 Lào Cai, vốn đầu tư 5.170 tỷ VND , trong 3 năm sản xuất kinh doanh từ năm 2016 đến 2018, liên tục lỗ tổng cộng 926 tỷ.
2. Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỷ, năm 2016 lỗ 1.112 tỷ, 2017 lỗ 933 tỷ, năm 2018 sản xuất 117 ngày lỗ 923 tỷ và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019 lỗ 118 tỷ.
3. Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam: đầu tư 3.400 tỷ ngưng sản xuất vì nhiều lần chạy thử không ra bột, rao bán đấu giá toàn bộ nhưng không ai mua.
4. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ: đầu tư 2.484 tỷ, khởi công năm 2009, nay đã ngừng thi công, dự kiến phá sản hay thoái vốn.
5. Dư án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (Tisco) Nhà máy Gang thép Thái Nguyên: đầu tư 8.100 tỷ. Khởi công 2009, đình chỉ thi công năm 2013 đang nằm trùm mền chờ trung ương giải quyết.
6. Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc: đầu tư 10.122 tỷ, trong 3 năm 2016 – 2017 – 2018 lần lượt lỗ tổng cộng 2.667 tỷ VND. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2019 lỗ 55 tỷ.
Đầu tư trong nước với những dự án đầy tham vọng nhưng thất bại thảm hại nêu trên đến nay cho thấy kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi cảnh tiền mất tật mang. Các biện pháp giải quyết  cảnh hàng chục dự án nằm đắp chiếu vẫn trong vòng dự kiến. Và các cuộc bàn cãi sôi nổi giữa các chuyên gia kinh tế vững tin lấy quốc doanh làm trọng tâm phát triển đất nước chưa bao giờ chấm dứt.
Cái gốc của vấn đề nằm trong chính sách, cơ chế hoạt động chẳng những lạc hậu, lỗi thời mà còn hoàn toàn không phù hợp với cơ chế thị trường. Suốt hơn 40 năm mặc dù có đề cao đổi mới nhưng chỉ thập thò đổi mới theo kiểu chân trong chân ngoài. Nền kinh tế quốc gia lúc nào cũng bị ràng buộc, kiềm chế bởi sức trì kéo của định hướng xã hội chủ nghĩa và sự ngoan cố của chế độ độc tài. Chưa nhìn thấy điểm quan trọng nhất cần cải cách nên dù có xoay sở đến đâu, những con ngựa già của đảng cộng sản sẽ mãi mãi khập khễnh lê bước trên đường đi không đến.
Trong khi đó, đầu tư ngoài nước cũng đang lâm vào cảnh mang tiền mua lấy những thất bại ê chề. Theo báo cáo của Bộ Công thương mới đây, trong 13 dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và công ty con PVEP (Tổng Công ty Thăm dò & Khai thác Dầu khí) có tới 11 dự án thua lỗ, hoặc nói một cách nhẹ nhàng là “không hiệu quả”.
Gần đây dư luận bàn tán khá nhiều đến Dự án Junin 2 tại Venezuela do PVEP thay mặt PVN thực hiện với Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela mà vốn đầu tư lên đến 1,82 tỷ USD. Thế nhưng sau khi đã đóng  một khoản tiền gọi là “phí hoa hồng” 442 triệu USD mà chưa thấy giọt dầu nào, năm 2013 PVEP đơn phương ngừng hợp tác, chịu mất trắng gần nửa tỷ đô-la theo hợp đồng.
Hay như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với Dự án khai muối mỏ kali tại Lào có vốn đầu tư 522 triệu USD, khởi công năm 2015 nhưng đã tạm ngừng từ năm 2017. Lý do nếu tiếp tục bỏ tiền đầu tư, khi đưa vào kinh doanh sẽ lỗ vì giá muối kali trên thế giới hiện nay giảm mạnh so với dự kiến lạc quan lúc đầu. Đây là dự án đầu tư ngàn tỷ thứ 5 bị thua lỗ của Tập đoàn Vinachem, hầu hết do thiếu kiến thức chuyên môn và lạc quan quá mức.
Với một tình trạng kinh tế dở sống dở chết như thế,  trong thời điểm năm 2019 tức đã hơn 40 năm chứ không phải 20 năm như lời Lê Duẩn ba hoa, Việt Nam chưa biết bao giờ mới qua mặt Nhật Bản. Hay như Nghị quyết 23 nhắm mắt khẳng định vào năm 2030 Việt Nam sẽ ở trong nhóm 3 nước ASEAN đứng đầu về công nghiệp, nhưng không biết bằng cách nào hay chỉ hô hào suông phải làm cách mạng 4.0…
Mọi người đều thấy định hướng 23 của Bộ Chính trị là rổng tuếch, mang tính ảo tưởng ru ngủ so với thực tế. Thực tế hiện nay là lãnh đạo Việt Nam đang ngửa tay xin từng đồng viện trợ phát triển ODA của Nhật và nhất là sống nhờ vào đầu tư ngoại quốc FDI, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức cạnh tranh.
Có thể nói là nền kinh tế Việt Nam đang sống nhờ trên sự vay mượn từ các tổ chức tài chánh thế giới; nhưng cũng đối diện muôn vàn khó khăn vì lãi suất ưu đãi hầu như không còn nữa. Thật đáng hổ thẹn cho các lãnh đạo đảng và chính phủ cộng sản khi nghĩ đến hàng năm Việt Nam phải cử một đoàn quân lao động cấp cử nhân tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm, nên phải qua Nhật Bản, Nam Hàn làm cu-ly kiếm sống.
Mang tiếng là một quốc gia “không chịu phát triển” dù được quốc tế viện trợ dồi dào sau chiến tranh, chuyện Việt Nam vượt qua Nhật Bản hay ít nhất bằng Singapore là chuyện mò kim đáy biển.
Tóm lại sau hơn 40 năm với những bước đi khập khiễng như người vừa què vừa mù, kinh tế Việt Nam ngày càng tụt hậu vì những chính sách hoàn toàn chấp vá kiểu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giờ đây người ta có thể hỏi: Người cộng sản đang làm kinh tế, nhưng họ làm gì mà kinh thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét