Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

7909 - “Một vành đai, Một con đường” : Tập Cận Bình cố trấn an quốc tế


Đó sẽ là những dự án “xanh”, hoàn toàn khả thi về mặt tài chính và sẽ không có tham nhũng : chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố trấn an quốc tế, khi đáp lại những lời chỉ trích về sáng kiến "Một vành đai, Một con đường” do chính ông khởi xướng. Lần thứ hai trong vòng hai năm, trong hai ngày 25 và 26/04/2019, ông Tập Cận Bình lại triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh về sáng kiến còn được gọi là “Những con đường tơ lụa mới”, nhằm xây dựng các cơ sở hạ tầng mà những nước đang phát triển ở châu Á, châu Âu và châu Phi rất cần đến.
Kể từ khi khởi động việc thực hiện sáng kiến này vào năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 80 tỷ euro vào nhiều dự án và các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay tổng cộng từ 175 đến 265 tỷ euro, theo thẩm định của Bắc Kinh.
Theo lời ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, cho tới nay đã có tổng cộng 126 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế đã ký các hiệp định hợp tác với Bắc Kinh trong khuôn khổ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Nhưng thật ra một số hiệp định đó không đồng nghĩa với việc ủng hộ hoàn toàn sáng kiến của Trung Quốc, mà chỉ là hợp tác tại các nước thứ ba hoặc hợp tác đầu tư.
Trong thời gian qua đã có rất nhiều chỉ trích về các dự án của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, nào là Bắc Kinh chỉ ưu đãi các công ty Trung Quốc, nào là có rất nhiều nước rơi vào “bẫy nợ” khi mượn tiền của các ngân hàng Trung Quốc. Có thể nêu trường hợp của Sri Lanka : do không thể trả nợ cho Trung Quốc, nước này đã phải nhượng cho Bắc Kinh quyền kiểm soát một cảng nước sâu trong 99 năm.
Đáp lại những lời chỉ trích đó, hôm nay, ông Tập Cận Bình khẳng định là Trung Quốc sẽ chỉ thực hiện những dự án nào hoàn toàn khả thi về mặt ngân sách cho các nước tham gia sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Chủ tịch Trung Quốc còn tuyên bố sẽ không dung thứ bất cứ hình thức tham nhũng nào trong các dự án đó.
Ông Tập Cận Bình còn bảo đảm là Trung Quốc thúc đẩy sự phát triển “xanh”, tức là bảo vệ môi trường, bởi vì một số dự án của sáng kiến “Những con đường tơ lụa mới”, đặc biệt là các đập thủy điện và nhà máy nhiệt điện chạy than, đã bị chỉ trích là gây tác hại nặng nề cho môi trường.
Cho tới nay, các nước phương Tây, đặc biệt là các nước trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn rất ngần ngại tham gia vào các dự án trong khuôn khổ sáng kiến của Trung Quốc. Chỉ riêng có Ý là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 vào tháng trước đã ký một biên bản ghi nhớ tham gia các dự án “ Một vành đai, Một con đường”. Thủ tướng Giuseppe Conti cũng là lãnh đạo duy nhất của một nước phương Tây lớn đến dự thượng đỉnh ở Bắc Kinh, còn những nước Tây Âu khác chỉ cử bộ trưởng đến dự, riêng Hoa Kỳ thì không gởi một đại diện nào.
Để Trung Quốc có thể thuyết phục các nước phương Tây, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF Christine Lagarde hôm nay đã khuyên Bắc Kinh là nên tỏ ra minh bạch hơn, tổ chức đấu thầu công bằng hơn và thẩm định tốt hơn các rủi ro khi tuyển chọn các dự án.
Về phần ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, ông yêu cầu là các con đường được xây dựng phải vận hành đồng đều nhau theo hai chiều. Lý do là vì trên các tuyến đường sắt Á-Âu được xây dựng trong những năm gần đây, các đoàn tàu đi theo hướng từ Trung Quốc sang châu Âu chở nhiều hàng hơn là theo chiều ngược lại. Nói cách khác, cũng như đối với đầu tư của Trung Quốc nói chung, các nước Liên Hiệp Châu Âu vẫn đòi là phải “có qua có lại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét