Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

7959 - Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?


Ngày 9/4/2019, hàng ngàn người túc trực kín khoảng sân sau Sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội để xin visa. Phần lớn họ đến từ các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất... hoặc từ các tỉnh thành miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Lãnh sự quán Hàn Quốc thông báo đăng ký xin visa 5 năm bằng hình thức online nhưng sáng 25/4 người dân vẫn kéo đến đông kín văn phòng visa mới ở 302 Cầu Giấy. Mỗi ngày, lãnh sự Hàn Quốc phát ra 300 số song lượng người chờ đợi có thể lớn gấp 10 lần. 

Theo những ghi nhận ban đầu, sở dĩ có tình trạng ùn ùn xi visa vì từ tháng 12/2018, Hàn Quốc nới lỏng chính sách visa cho người Việt Nam ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Chỉ cần trả phí 80 USD , công dân có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tại 3 thành phố trên có thể được xét visa 5 năm, trí thức và nhà khoa học có thể được xét visa 10 năm. 

Về phía nhà nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, Cục chưa có thông tin về việc người dân tập trung làm visa để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Còn theo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thì sở dĩ có hiện tượng quá tải người Việt xin visa sang Hàn Quốc là bởi thời điểm này đang là… mùa hoa anh đào, mùa cao điểm du lịch tại Hàn Quốc. 

Vật vã nhiều ngày như vậy để đi ngắm hoa anh đào thì quả là điều khó hiểu. Theo nhiều người thì đại đa số là xin visa để đi làm.

Website vieclamhanquoc.vn cho hay vào cuối năm 2018, Bộ Tuyển dụng và Lao động Hàn quốc đã quyết định tăng lương tối thiểu lên 6.68 UDS/ giờ, đưa thu nhập hàng tháng lên 1.570.000 won (1400 USD), nghĩa là gần gấp đôi lương tối thiểu của một nước Tây Âu như Bồ Đào Nha, và chỉ thua Pháp, Đức, Bỉ và Luxembourg! Và có lẽ đây mới là lý do người ta vật vã xếp hàng xin visa.

Đại đa số người Việt đều nhận thấy đây là một điều đau xót, nếu không muốn nói là tủi nhục. Đây cũng là phản ứng tôi ghi nhận được trên các tờ báo trong nước. Bên cạnh những phản ứng này, dĩ nhiên có nhiều người khác cho rằng không có nghề nào xấu, và thay vì thất nghiệp trong nước thì đi "xuất khẩu lao động" vẫn hơn. Tôi tôn trọng suy nghĩ ấy. 

Trước tiên phải nói là tôi khá dị ứng với chữ "xuất khẩu" trong câu chữ này. Tôi nghĩ "xuất khẩu" nên dành cho đồ vật hay súc vật − xuất khẩu dầu thô, xuất khẩu gà, heo chẳng hạn. Thứ hai, có lẽ không ai có thể dửng dưng được khi thấy khoảng 10 ngàn người lay lất chực chờ từ sáng sớm trước cổng Đại sứ quán Hàn Quốc để xin visa, thậm chí có nhiều người phải ăn, ngủ tại chỗ, không dám rời sợ mất chỗ. Sau cùng, cũng là đi sang Hàn quốc, nhưng có lẽ mọi người sẽ có vui mừng khi báo chí đưa tìn nữ ca sĩ Mỹ Tâm hát ở sân vận động Jangchung, Seoul, Hàn Quốc ngày 20/10/2018 trước 8.000 khán giả. Vậy đừng nói chen lấn đến phờ phạc để xin một cái số vào nộp đơn là chuyện bình thường. 

Để xét xem chuyện này nên vui hay buồn, có lẽ hay nhất là trích nguyên văn lời ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó ban Tuyên giáo Trung ương vào năm 2014. Ông ta nói như sau :“Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc (Nam Hàn) có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”. Đã gọi là xót lòng thì không thể nói là vui được.

Theo như câu nói của ông Hoàng thì thời điểm ấy là năm 1974 và ông ta đã dùng chữ Việt Nam nhưng có lẽ mọi người đều hiểu là miền Nam VN lúc ấy còn đang mờ mịt chiến tranh. Ngay ở đây ông ta đã xác định một điều là cho dù chiến tranh khốc liệt, nhưng miền Nam vẫn có một mức độ phát triển nhất định. Các thế hệ đàn anh của tôi − năm nay đã thất tuần cũng đều xác định điều này. Vậy mà chỉ sau 40 năm sau khi ngưng tiếng súng, điều gì đã làm cho ông Hoàng phải chua xót ?

Để trả lời, tôi xin trích lại một bài viết về Hàn quốc được đăng cách đây không lâu:

"Thập niên 60, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng.

Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào.

Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi "cho việc", tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.

Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Ngày nay các sản phẩm của họ bán trên khắp thế giới với chất lượng rất tốt như Samsung, LG, Huyndai, Kia, Kumho, Daiwoo, SangYong. Riêng thương vụ Samsung và Huyndai cũng xấp xỉ GDP của cả nước VN!
Không chỉ kỹ nghệ nặng, Hàn quốc cũng từng bước lấn sang lãnh vực điện ảnh. Các bộ phim Hàn quốc đã từng có một thời làm mưa làm gió và lấy đi bao nhiêu nước mắt của khán giả VN. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Phim Hàn dần dần chiếm lĩnh tình cảm và thị trường toàn cầu. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.

Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành một London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, chỉ góp sức góp trí để xây dựng. Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu.

Đến cuối năm 2011, xét về thu nhập bình quân đầu người, Hàn Quốc đạt 31.750 USD, nghĩa là còn giàu hơn cả mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) (31.550). Cũng trong năm 2011, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đạt mức 1.080 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới về xuất khẩu".

Vậy thì lý do gì khi cả hai nước cùng khởi đi từ một vạch xuất phát mà 40 năm sau hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin − mà phải dẫm đạp lên nhau để được làm? 


Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội. Hẳn chúng ta còn nhớ vào tháng 4/2018, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị kết án 24 năm tù giam và 17 triệu USD sau khi bị kết tội lạm dụng quyền lực. Đến tháng 10/2018, Tòa án Seoul đã tuyên phạt 15 năm tù cho cựu Tổng thống Lee Myung-bak tội tham nhũng 20 triệu USD. Trong khi ở VN, hai tướng công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân gây thiệt hại 50 triệu USD chỉ bị phạt tối đa 3 năm rưỡi, đó là chưa kể họ còn đang kháng án. Và gần đây nhất, các vụ sàm sỡ phụ nữ và trẻ em đều được bỏ qua vì thủ phạm có "nhân thân tốt".

Hàn quốc cho dù có một nền văn hóa lâu đời nhưng họ sẵn sàng bỏ qua để thu nhập những tinh hoa của Nhật trong khi chúng ta từ 40 năm nay vẫn hì hục với những bộ sách giáo khoa, với những vấn nạn, những bạo lực và chẳng biết bao giờ mới giải quyết được.

Hàn quốc biết sử dụng đồng tiền người dân đúng mực. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kể rằng vào năm 1997, khủng hoảng kinh tế đe dọa lên nhiều nước Á châu, trong đó có Hàn quốc. Họ đã cắn răng vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế 57 tỉ USD để cứu vãn nền kinh tế. Chính phủ kêu gọi thắt lưng buộc bụng, nhiều người dân đã đem vàng ra bán để giúp đỡ gánh nặng cho chính phủ. Chỉ hai năm sau, kinh tế hồi phục, Hàn quốc không chỉ trả khoản nợ 57 tỉ mà còn dư ra gần 5 tỉ USD trong ngân quỹ. Tôi thử tưởng tượng nếu khủng hoảng xảy ra với VN, ai sẽ mang tài sản ra gánh nợ giùm cho nhà nước ? Từ năm 2011, Thống đốc ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình cho Thủ tướng cũng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân được ước tính khoảng 500 tấn ! Đã 8 năm mà sao cơ quan chức năng không thể thực hiện được mong muốn thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân? Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng của Việt Nam Thờ báo thì :"Câu trả lời đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng". Nhiều người dân Việt Nam hẳn vẫn chưa quên những phiếu công trái mất giá như thế nào sau kỳ đổi tiền năm 1985. Và ngày nay chắc chắn sẽ chẳng có ai "yêu nước" đến nỗi đem vàng trong nhà đổi lấy một tờ giấy, ngay cả trong bốn triệu đảng viên cộng sản. 

Vì sao như vậy? Vì qua thực tiễn trong hàng chục năm nay, không còn ai tin vào khả năng lãnh đạo của đảng lẫn đạo đức của đảng! 

Nếu thực sự muốn khôi phục lại niềm tin của người dân thì điều cần làm trước tiên là trả lại quyền làm chủ đất nước cho họ, nhưng phải là cái quyền làm chủ thực sự chứ không phải cái "quyền làm chủ tập thể" như người dân Dương Nội, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng cũng như vĩnh viễn từ bỏ cái chủ nghĩa ngoại lai cộng sản.

Hồi còn ở VN, hằng đêm quán nhậu trước cửa mở nhạc oang oang làm phiền hàng xóm. Nhưng thú thật, cứ đến bản Chiều Tây Đô với tiếng hát Duy Khánh thì bao nhiêu phiền não tan biến. Niềm vui của tôi cũng được "chia sẻ" bởi các anh an ninh đang ngồi gác trước nhà. Ngày cộng sản chiến thắng, các anh ấy chưa ra đời. 44 năm sau họ phải ngồi suốt đêm canh chừng những người dân tay không tấc sắt.

"Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?" đây là câu hỏi tôi đặt cho các anh an ninh và cũng là câu hỏi mà họ đặt cho đám lãnh đạo vẫn còn đang mơ ngủ trên chiến thắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét