Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

7914 - Bốn mươi bốn năm trước ở Sài Gòn cứ vài hôm là có xuống đường…


Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình” là tít của bài viết đăng trên báo Thanh Niên điện tử phát hành vào cuối giờ chiều ngày 26-4-2019, và chỉ non tiếng đồng hồ, tít tựa này được thay đổi là “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng”.
Câu trích được chọn trình bày là điểm nhấn: “Chúng ta cần phải làm vì TP.HCM có biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước”, sau đó cũng được bài viết trên báo Thanh Niên ‘tháo bỏ’. 
Sơ sẩy của biên tập viên báo Thanh Niên, hay là…?
Đoạn tường thuật sau đây cũng bị rút lại: “Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành ủy, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM biểu tình... 
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân để biểu tình không thể diễn ra, thì chính quyền cần có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý...”. (Hãng Thông tấn của Nga Sputnik, phiên bản Việt ngữ, đã kịp lấy lại toàn văn bản tin trên báo Thanh Niên vụ ‘sẽ không có biểu tình’ đó https://vn.sputniknews.com/politics/201904267434753-bi-thu-nguyen-thien-nhan-tphcm-hua-voi-bo-chinh-tri-se-khong-co-bieu-tinh/).

Lời hứa “sẽ không có biểu tình” này được ông Nhân nói với lãnh đạo Quân khu 7 cùng hơn 70 vị tướng đại diện cho 112 vị tướng nghỉ hưu và đang sinh sống ở TP.HCM trong họp mặt vào chiều ngày 26-4-2019 trong chuỗi sự kiện được gọi là ‘mừng chiến thắng 30 tháng tư’.
Cam kết nói trên cho thấy đã ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, cụ thể ở Điều 25. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. 
Ở vế “pháp luật quy định” của Điều 25 nói trên, thì “tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” được thể hiện tại Điều 167 của Bộ luật hình sự 2015.
Điều 167 quy định: Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân (nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều khác của bộ luật này) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm.
Sợ biểu tình là phủ nhận thành quả đấu tranh cách mạng (!?)
Tạm gác qua những viện dẫn trong chuyện ông bí thư Nguyễn Thiện Nhân đang dẫm đạp lên pháp luật, ở góc nhìn khác, cho thấy quả thực nếu cam kết đó là để làm đẹp lòng Bộ Chính trị như lời của ông Nhân, thì có lẽ cả ông Nguyễn Thiện Nhân lẫn ông Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu trong bộ chính trị, đã phủ nhận những giá trị truyền thống cách mạng có được từ những cuộc biểu tình trong lịch sử; đặc biệt là ở giai đoạn từ tháng 5-1975 đến đầu thập niên 80 thế kỷ trước.
Sách giáo khoa hiện đang giảng dạy ở trường trung học có lược thuật, vào ngày 15-5-1975, trên toàn miền Nam đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng. Ở Sài Gòn, hàng triệu nhân dân đã xuống đường và tham dự cuộc mít tinh lịch sử… Khi ấy, ‘hàng triệu nhân dân đã xuống đường’ ủng hộ cách mạng, thế thì cớ gì 44 năm sau, tháng tư 2019, những người cộng sản lại sợ hãi biểu tình đến mức Bộ Chính trị buộc các địa phương phải cam kết “sẽ không có biểu tình”?
Tháng tư năm 1975, tôi chỉ là đứa học trò trung học. Từng nghe kể chuyện các anh, chị của mình tham gia bãi khóa, xuống đường phản đối chiến tranh diễn ra hà rầm ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi đã mang cảm giác tò mò và háo hức đó vào những lần mà nhà trường tổ chức cho học trò cầm biểu ngữ, cờ rồi hô khẩu hiệu ủng hộ chính quyền cách mạng, ủng hộ đất nước thống nhất.
Tôi còn nhớ những bận xuống đường như vậy, các thầy cô dẫn đám học trò đi một vòng lớn từ đường Ngô Tùng Châu đến Phan Văn Trị rồi xuôi Nguyễn Văn Học của quận Bình Hòa về lại khu ngã tư Xóm Gà. Những đứa bạn có cha, anh bị bắt đi học tập cải tạo, tụi nó cũng hồ hỡi trong đoàn người xuống đường ấy. Chỉ đến khi nhà trường bắt đầu tổ chức những buổi xuống đường gọi là “Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” thì cả thầy và trò chúng tôi linh cảm có gì đó không ổn rồi đây.
Tủ sách Tuổi Hoa, từ hoa đỏ cho tới hoa tím của gia đình tôi đều bị những tốp thanh niên mang băng đỏ ở cánh tay áo vào tận nhà để xét và tuyên bố tịch thu sách vở của gia đình tôi. Tôi bắt đầu sống trong cảm giác bị khủng bố từ đó. Những lần buộc phải tham gia xuống đường ủng hộ cách mạng, không còn chút thú vị nào nữa; mà đi vì sợ…
Đánh tư sản Hoa kiều Chợ Lớn cùng với những đoàn người xuống đường rầm rộ, đầy vẻ đe dọa đã khiến lứa học trò chúng tôi thời đó bắt đầu oán ghét cụm từ ‘mít tinh’ (meeting), ‘xuống đường’ của chính quyền mới ở Sài Gòn, mà giờ đây đã mang tên là Hồ Chí Minh…
Rồi năm tháng đi qua. Lớn lên, được dịp tìm hiểu, tôi nhận ra dường như những lần xuống đường, những cuộc tuần hành trên đường phố sau buổi lễ ‘mít tinh’ mà bọn trẻ ngày ấy của chúng tôi tham gia, đó chỉ là theo kịch bản nhằm phục vụ mục đích của nhà cầm quyền, chứ không phải là từ nhu cầu chính trị, an sinh cần lên tiếng của cộng đồng.
Và giờ, sau bốn mươi bốn năm, khi chúng tôi cần thực thi quyền biểu tình, thì đến lượt nhà cầm quyền lại hãi sợ và ra sức cấm đoán, kể cả chuyện đe nẹt trấn áp, bỏ tù bằng mọi giá như tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân hôm chiều 26-4-2019.  Như vậy, khi mà  những người đang khoác áo cộng sản còn phủ nhận những thành quả có được từ biết bao cuộc xuống đường của chính họ trong lịch sử, thì liệu họ có tự tin để quản trị đất nước đủ sức ‘sánh vai cùng các cường quốc năm châu’, mà một thời gian dài từng là khẩu hiệu treo đầy ở các lớp học?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét