Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

7933 - Lê Hữu: Nhạc vàng: Bên thắng cuộc




Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói…

Câu hát đầu trong bài “Quán nửa khuya”của Tuấn Khanh & Hoài Linh, sáng tác năm 1961.

Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa… 

Câu hát đầu trong bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” của Xuân Hồng, ra đời năm 1966.

Người nghe nhạc tinh ý dễ nhận ra hai câu nhạc giống nhau trong hai bài nhạc cùng hợp âm Mi thứ. Nếu có khác, bài “Quán nửa khuya” ghi thể điệu boléro, bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” ghi “Nhịp nhàng, rộn rã”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, khi nhắc đến sự giống nhau của hai câu nhạc này, chỉ mỉm cười, lắc lắc đầu. Cái lắc lắc đầu, mỉm cười của ông cho thấy, “nhạc đỏ” có khuynh hướng theo chân “nhạc vàng boléro” từ nhiều năm trước chứ không phải đợi tới bây giờ.

Nhạc đỏ, buồn ơi chào mi!


Cũng không phải đợi tới bây giờ mà nhiều người yêu nhạc ở miền Bắc đã biết yêu, biết tìm đến “nhạc vàng”miền Nam từ lâu lắm. Câu chuyện về Lộc “vàng”, chàng trai Hà Nội thời chiến vì trót yêu nhạc vàng mà phải trả giá đến gần 10 năm tù tội. Điều khá chua xót là ngày ra tù, trong lúc lang thang trên phố, tiếng nhạc vọng ra từ những quán xá bên đường mà anh nghe được lại chính là những bản “nhạc vàng”đồi trụy, phản động đã đưa anh vào ngục tù, chôn vùi cả một thời tuổi trẻ. Câu chuyện Lộc “vàng”là câu chuyện của người dám sống và chết cho nhạc vàng, nhất định chỉ yêu nhạc vàng chứ không yêu nhạc đỏ.

“Nhạc vàng”, cái “từ” nàyở đâu ra và có nghĩa gì? Trước năm 1975, nhạc Việt không có màu mè xanh, đỏ, tím, vàng chi cả. Danh từ “nhạc vàng”cũng ít được sử dụng. Nhiều lắm chỉ có ban Nhạc Vàng của Đài truyền hình Sài Gòn do nhạc Phó Quốc Lân phụ trách. “Nhạc vàng”trong chương trình ca nhạc này chỉ mang ý nghĩa những bài nhạc hay, được tuyển chọn cho chương trình này. Trong khi đó, miền Bắc gọi chung nhạc Việt miền Nam là “nhạc vàng”, được dán nhãn chính trị là nhạc “ru ngủ”, “đồi trụy”và “phản động”. 

Trong khi đó, “nhạc đỏ”chính thức xâm nhập miền Nam Việt Nam kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975. Đâu đâu cũng trông thấy cờ xí ngờm ngợp và những biểu ngữ đỏ chói giăng đầy đường phố, đâu đâu cũng nghe thấy vang vang những bài hát “cách mạng” nhịp quân hành rầm rập, trong lúc loa phóng thanh liên tục mở hết cỡ phát đi những khẩu hiệu ròn rã về “chiến công vĩ đại”, “cuộc kháng chiến thần thánh”, “đỉnh cao chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc”…

Ít năm sau đó, nhạc đỏ vẫn liên tục tra tấn đôi tai người dân tội tình từ những chiếc loa phường treo máng trên những cột điện dây nhợ lằng nhằng. Vẫn là điệu nhạc rất “đặc trưng”, nếu không rầm rập như bị ma đuổi thì cũng ồm ồm hay riu ríu, lơ lớ tiếng Việt, thoạt mới nghe tưởng nhạc cách mạng… Tàu, đại để “Cô gái vót chông”, “Cô gái mở đường”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”…

Hát mãi, nghe mãi kiểu nhạc này thì cũng…chán, những tay chơi nhạc trong “phong trào văn nghệ quần chúng” bèn ngồi lại với nhau, bàn bạc và lập ra những nhóm đàn hát ở phường, xã, các xí nghiệp… gọi tên là “Nhóm ca khúc chính trị” theo mô hình phổ biến của các nhóm nhạc nhẹ ở Liên Xô và Đông Âu. Các tiết mục, bài bản thường là tự sáng tác, tự trình diễn, gọi là “tự biên, tự diễn”. Có thể kể ra ít “nhóm ca khúc chính trị” quen tên như Mây Trắng, Rạng Đông, Đại Dương, Hải Âu, Phù Sa, Bách Việt, Dây Leo Xanh… và một số ca khúc được quần chúng đón nhận, yêu thích thời ấy như “Những lời em hát” (Từ Huy), “Ơi cuộc sống mến thương”, “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), “Này người yêu nhỏ xinh” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Em như tia nắng mặt trời” (Nguyễn Đức Trung)…

Các “nhóm ca khúc chính trị” của thập niên 1980’s ấy là gạch nối dẫn đến sự nở rộ của các tụ điểm ca nhạc thu hút lượng người xem ngày càng đông. Có thể kể tên những tụ điểm quen thuộc ở Sài Gòn như sân khấu 126, Lan Anh, Trống Đồng, Đầm Sen, nhà hát Thành Phố, nhà hát Hòa Bình… 

Từ các tụ điểm, phòng trà này, nhiều ca khúc dễ nghe và có giai điệu rất gần với “nhạc vàng” của miền Nam lần lượt ra đời, như “Ngõ vắng xôn xao” (Trần Quang Huy), “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký), “Hoa sữa” (Hồng Đăng), “Một đời người, một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Em ơi, Hà Nội phố” (Phú Quang), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải & Bùi Thanh Tuấn)… Ngay đến cách đặt tựa bài hát cũng mang phong cách “nhạc vàng”, như “Đêm thành phố đầy sao” (Trần Long Ẩn), “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Này người yêu nhỏ xinh” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Giọt nắng bên thềm” (Thanh Tùng), “Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh), “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu & Trần Đình Chính) , “Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (Phạm Minh Tuấn & Nguyễn Nhật Ánh)… 

Và người ta bắt đầu được nghe những bài hát về tình yêu đôi lứa với điệu nhạc lời ca tình tứ, lãng mạn, được kể là “hàng hiếm” thời bấy giờ. 

Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về… 
(“Con đường có lá me bay”, Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền)

Những ngày không gặp nhau 
Biển bạc đầu thương nhớ 
Những ngày không gặp nhau 
Lòng thuyền đau rạn vỡ 
Nếu từ giã thuyền rồi 
biển chỉ còn sóng vỗ
Nếu phải cách xa em 
anh chỉ còn bão tố… 
(“Thuyền và biển”, Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh)

Một dạng “nhạc vàng” mới đã đi vào quần chúng yêu nhạc từ lúc nào. 

Nhạc vàng, thời hoàng kim của Boléro


Trên sân khấu các tụ điểm văn nghệ ấy thỉnh thoảng có sự góp mặt của các ca sĩ miền Nam được yêu chuộng một thời, là những giọng hát luôn ăn khách, thu hút lượng khán giả đông đảo, như Duy Khánh hát “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh), Nhật Trường hát “Hương thầm” (Vũ Hoàng & Phan Thị Thanh Nhàn), Anh Khoa hát “Trị An âm vang mùa xuân” (Tôn Thất Lập)… Cũng phải kể thêm các giọng hát quen thuộc còn ở lại trong nước, như Lệ Thu hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), Thanh Lan hát “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), Lan Ngọc hát “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), Họa Mi hát “Quảng Bình quê ta ơi!” (Hoàng Vân)… nghe được qua những băng nhạc, đài phát thanh, phát hình. 

Thường thì các ca sĩ này chọn hát những bài có nội dung “vô thưởng vô phạt” và nhạc điệu gần gần với nhạc miền Nam. 

Cứ thế, cùng với những lần xét duyệt nhỏ giọt cho phép phổ biến những bài nhạc của miền Nam trước năm 1975, nhạc vàng lần lần đi vào sinh hoạt ca nhạc trong nước, lần lần đẩy lùi nhạc đỏ ra khỏi các sân khấu trình diễn. Nhạc đỏ, nếu không biến mất thì cũng mờ nhạt, họa hoằn lắm được các “nghệ sĩ nhân dân ưu tú” biểu diễn trong những hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử của nhà nước cộng sản Việt Nam.

Nhạc vàng, đến một lúc nào đó, không đợi nhà cầm quyền cho phép, trình diễn vô tư và tràn lan trên các sân khấu ca nhạc ở cả hai miền Nam Bắc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét