Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

7964 - 30/4: Một góc nhìn về ngày chấm dứt Cuộc chiến VN


Lạc DươngBản quyền hình ảnhMARIE MATHELIN
Image captionĐền Bạch Mã, Lạc Dương. Thành phố này từng là kinh đô nhà Tấn và một số triều đại khác của Trung Quốc

Những người chiến thắng đã gọi sự kiện 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước. Tạm bằng lòng với khái niệm "thống nhất" ấy nhưng không thể không thấy rằng đó là cái giá quá đắt cho việc thống nhất quốc gia.

Bài học Tư Mã Viêm

Dù yêu hay ghét Trung Hoa, phần lớn trí thức Việt thời nào cũng đã đọc tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trong đó, cả thế kỷ ly loạn của dân tộc Trung Hoa đã chấm dứt vào năm 280, khi quân Tấn "giải phóng" Đông Ngô, thống nhất đất nước (nói theo chữ của nhà nước đương thời).
Nội dung chính của bài viết này nói về những cảnh xảy ra ngay sau bối cảnh tác phẩm của nhà văn La Quán Trung.
Trước khi chết, Tư Mã Ý dặn dò con cháu phải biết lấy lòng người để được thiên hạ. Có lẽ vì thế mà sau khi thắng Thục rồi diệt Ngô, những nhà lãnh đạo họ Tư Mã nhìn chung đã đối xử rất tử tế với những người thua trận.
Dù ban đầu có những sự không bằng lòng nhất định, nhưng về sau nhà Tấn đã nhận được sự quy phục từ đông đảo nhân dân và các quý tộc cũ của Thục -Ngô.
Sau thống nhất, triều đình nhà Tấn không trả thù những người thua trận, tạo điều kiện ổn định đời sống nhân dân.
Không có tù cải tạo, cũng không có cảnh ồ ạt người vượt biên hay trốn tránh sự truy lùng của họ Tư Mã. Cộng với việc có công thống nhất, nhà Tấn đã giành được lòng người, họ vẫn luôn được nhân dân che chở và ủng hộ sau này khi đã thất thế.
Dẫn tới việc nhà Tấn tồn tại trên danh nghĩa đến hơn 150 năm, dù thực tế triều đại này chỉ "sống khỏe" trong không tới ba thập kỷ đầu.
Cái giá cho việc họ Tư Mã thống nhất đất nước quá đắt bởi không lâu sau khi "hoàn thành đại nghiệp", Tấn Vũ đế mắc sai lầm quan trọng nhất trong việc chọn người kế vị (chưa kể lối sống xa hoa trong triều), dẫn tới hàng loạt tai họa giáng xuống triều đình và dân chúng sau khi ông qua đời.
Hai mươi năm sau khi thống nhất, Trung Hoa bước vào cuộc nội chiến (Loạn bát vương) khiến mấy chục vạn người mất mạng. Đất nước suy kiệt, cuối cùng bị ngoại tộc thôn tính.
Khi quân Hán Triệu chiếm được Lạc Dương vào năm 310, tàn sát quân dân nhà Tấn cũng vừa đúng chẵn 30 năm sau khi Tư Mã Viêm "giành trọn vẹn non sông".

Tàu MỹBản quyền hình ảnhDIRCK HALSTEAD
Image captionNgười tỵ nạn Nam VN đi thuyền ra tàu Mỹ những giờ cuối của cuộc chiến VN

Nếu còn cục diện Tam Quốc, hẳn dân tộc Trung Hoa đã không phải chịu một trang sử đen tối khi hai vị vua Tấn bị nhà Hán Triệu làm nhục (Tấn Hoài đế và Tấn Mẫn đế bị bắt làm nô bộc, rồi giết chết).
Nếu được chọn lại, người Hoa sẽ chọn thống nhất để lại loạn lạc và mất nước vào tay ngoại bang, hay chọn giữ nguyên cục diện thế chân vạc thời Tam Quốc?

Thống nhất, nỗi ám ảnh của người Á Đông

Việt Nam, Trung Quốc và kể cả Triều Tiên đều đã có nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử chịu cảnh chia cắt.
Theo thời gian, những nhà cầm quyền luôn tìm cách tận dụng tối đa nhu cầu thống nhất để khích lệ, thậm chí kích động dân chúng hăng say sản xuất và chiến đấu, phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị.
Cũng vì lẽ đó, rất nhiều trong đông đảo nhân dân cũng dần bị ám ảnh bởi viễn cảnh thống nhất. Thậm chí thống nhất bằng mọi giá, bất chấp thiệt hại về sinh mạng, về kinh tế và gây ra những ảnh hưởng lâu dài tới đà thăng tiến của cả dân tộc.
Vì lẽ đó, biến cố tháng 4/1975 đã được người dân miền Bắc đón chào nhiệt liệt, họ đã được tuyên truyền một cách tinh vi trong thời gian rất dài về sứ mệnh vĩ đại đi "giải phóng", tính chính nghĩa của đội quân đi "thống nhất đất nước".
Tôi, một người lớn lên ở miền Bắc sau 1975 từng băn khoăn việc vì sao quân đội và chính quyền VNCH không đi giải phóng miền Bắc.
Và đã đi tìm câu trả lời trong nhiều năm mà không có bất kỳ ai hướng dẫn, cho tới khi đọc đủ nhiều sách để tìm ra đáp án.

"Rescued from Saigon"Bản quyền hình ảnhJACQUES PAVLOVSKY
Image captionBé gái Barbara trong tay một nữ tu Việt Nam. Ảnh chụp ngày 14/04/1975 ở Sài Gòn. Em bé sau được người Mỹ, Gerard Constant (trái), cùng vợ nhận làm con nuôi trong câu chuyện "Rescued from Saigon".

Nó có thể đúng hoặc không đúng tùy vào quan điểm và tầm hiểu biết mỗi người, nhưng ít nhất cũng cho thấy không phải phía Quốc Gia không có ý định Bắc tiến.
Nước Đức không tốn máu xương, không có chiếc xe tăng nào húc đổ bức tường Berlin, giải phóng miền Tây, thống nhất đất nước. Họ đã chọn đúng thời cơ (Liên Xô tan rã) để thống nhất trong hòa bình. Đôi miền Triều Tiên vẫn còn chia cắt chưa biết tới bao giờ.
Nhưng người dân nhiều nước như Tiệp Khắc, Nam Tư đã chấp nhận sự chia cắt, quốc gia cũ của họ tan ra làm những nước khác nhau. Khi người ta không thể sống chung, tốt hơn hết hãy tách ra.

Nỗi đau khổ hậu thống nhất

Trong cuốn hồi ký Đôi Dòng Ghi Nhớ, đại tá Phạm Bá Hoa từng nói về sự hiểu lầm của thế giới tự do với phe cộng sản.
Đại thể phía tự do hiểu hòa bình là hết chiến tranh, thì khái niệm hòa bình với người cộng sản là khi họ đã thôn tính tất cả đất đai, đè bẹp sức kháng cự của những kẻ chống lại họ.
Cũng trong cùng tác phẩm, tác giả đã nói đến những đau khổ của đất nước sau khi thống nhất, mà chỉ khi rơi vào tay địch, ông mới biết thực tế thế nào là cộng sản.
Những cuộc thanh trừng lẫn nhau giữa các vương tôn họ Tư Mã thời hậu Tam Quốc, cũng như sự xa xỉ của triều đình trung ương (điển hình vụ viên quan Thạch Sùng khoe mẽ của cải đã trở thành chuyện ngụ ngôn truyền đời) đã khiến nhân dân thời Tấn vô cùng khốn khổ, mà giới sử gia đánh giá mức độ tàn khốc của cuộc nội chiến còn lớn hơn nhiều so với thời Ngụy - Thục - Ngô tranh hùng.

Và hãy nhìn lại những nhà lãnh đạo Việt Nam từ sau 1975 đến nay, ngoài vấn đề cách ứng xử với người đồng bào thua trận, họ có điểm gì khác và giống so với họ Tư Mã thời Tây Tấn?
Không thể phủ nhận rằng, nhà nước đã có những nỗ lực nhất định trong việc ổn định tình hình, nâng cao đời sống nhân dân (mà chính họ đã kéo tụt xuống ngay sau biến cố 1975).
Nhưng vì sao ngay trong lúc truyền thông nhà nước ca ngợi những "thành tựu" về giáo dục và y tế, thì chính lãnh đạo và con cái họ lại bỏ ra nước ngoài du học và chữa bệnh?
Còn ở bên ngoài, biển đảo và đất liền cứ bị ngoại bang đe dọa từng ngày? Và ở những miền quê, người ta nỗ lực hết mình để được xuất khẩu lao động, xuất khẩu cô dâu để sang những nơi còn chưa thống nhất (bị Mỹ đô hộ?) như Đài Loan, Nam Hàn?
Cái giá của sự thống nhất, xin nhắc lại, thống nhất về lãnh thổ ấy quá đắt với nhân dân nhà Tây Tấn thời hậu Tam Quốc và với nhân dân Việt Nam 17 thế kỷ sau.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Mai Hoa, hiện tu nghiệp tại Texas, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét