“TP.HCM muốn tới tận 'tổ' mời 'đại bàng'”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói như vậy về các nhà đầu tư lớn, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 26 khóa X ngày 30-3. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân là TP.HCM phải xác định 10-15 nhà đầu tư lớn ở mỗi lĩnh vực, cử đoàn đến nước họ để gặp gỡ, chào hàng. Trong số đó mà chỉ cần 3-5 người tới đã là mừng rồi. Thắc mắc ở đây là ẩn tình gì khi ông Nguyễn Thiện Nhân quyết đi tìm đại bàng?
Bài học nhập môn về quản trị kinh doanh nói rằng, chim đại bàng không bay cùng chim sẻ và các loài chim khác nhỏ hơn như ngỗng, vịt trời. Việc đại bàng chọn con đường riêng, né tránh các loài chim sẻ, quạ trên đường bay dạy cho chúng ta rằng không cần phải giống với mọi người, chúng ta có thể trở nên khác biệt. Đồng thời cần học cách tránh xa những đối tượng luôn cản trở, níu kéo hay làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của mình.
Tiếp theo, lý thuyết cũng diễn giải rằng, vừa bay ở độ cao vượt trội, đại bàng đồng thời lại có tầm nhìn rất xa, đôi mắt của nó có khả năng tập trung vào con mồi ở khoảng cách 5 km. Một khi phát hiện ra con mồi từ xa, thậm chí chỉ là loài động vật gặm nhấm, nó sẽ chú tâm và dành sự tập trung tuyệt đối của mình vào con mồi, từ đó thiết lập ra cách tiếp cận nhằm bắt bằng được con mồi đó.
Không có vấn đề gì có thể cản trở hay làm đại bàng thay đổi mục tiêu cho đến khi nó bắt được con mồi. Nếu bạn đã có mục tiêu rõ ràng, hãy lên kế hoạch và thực hiện đến khi đạt được kết quả như ý mới thôi. Mục tiêu càng xa càng nhiều rủi ro, nhưng càng nhiều rủi ro thì thành công càng lớn.
Như vậy, khi Việt Nam đeo đuổi “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, chính là đang tạo sự khác biệt, không cần phải giống với mọi người. Thế nhưng nếu như sự khác biệt đó của đại bàng là đích nhắm đến con mồi từ khoảng xa 5 cây số, thì mãi cho tới nay những nhà chính trị Việt Nam vẫn mịt mờ cái đích và chưa rõ ‘con mồi’ là gì. Nhắc đến điều này, cần biết tiếp tới bài học thứ ba trong quản trị từ đại bàng.
Khác với kền kền là loài thường ăn động vật chết, thối rữa, đại bàng không bao giờ ăn những thứ đã chết, mà nó chỉ thích săn mồi và ăn khi con mồi còn tươi mới. Phải luôn phải nhớ rằng nhiều điều tồn tại trong chúng ta sẽ bị cũ đi và sẽ lỗi thời, vì vậy luôn làm mới bản thân mình bằng cách học hỏi và thay đổi liên tục theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Điều khuyên ở trên có ý nghĩa ra sao khi mà ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã từng đặt vấn đề khi thảo luận “Về chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII: “Chúng ta tuyên bố xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không sai. Nhưng bây giờ phải rạch ròi ra, thị trường là thế nào và định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Đâu phải nó là một mô hình kinh tế thị trường riêng biệt so với thế giới. Bởi “kinh tế thị trường” là cái tinh hoa của nhân loại rồi, còn “định hướng xã hội chủ nghĩa” là nói về vai trò của Nhà nước…”.
Cũng về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong một cuộc phỏng vấn, ông Bùi Quang Vinh đã nói một câu mà đến nay người ta vẫn còn hay nhắc tới: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân từng là phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Ông cũng từng là giám đốc sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Có lẽ ẩn tình sau giấc mơ tìm đại bàng là câu chuyện liên quan đến nguyên tắc cuối cùng của quản trị: Đại bàng là loài chim có thể sống tới 70 tuổi, nhưng để sống tới tuổi đó, ở tuổi 40 chúng phải có 1 quyết định quan trọng: Thay đổi hay là chết!
Sinh học mô tả, khi đại bàng trở nên già nua, lông của chúng trở nên yếu và không thể giúp nó còn nhanh nhẹn như trước. Khi nó cảm thấy yếu và sắp chết, nó tìm đến một một nơi xa. Ở đó, nó rủ hết tất cả lông trên cơ thể của mình cho đến khi nó rủ hoàn toàn sạch lông. Nó ở lại trong nơi ẩn náu cho đến khi cơ thể đã phát triển mới lông, sau đó nó mới có thể ra khỏi hang và trở lại cuộc sống. Điều đó muốn gợi ý, thỉnh thoảng cần phải rủ bỏ những thói quen cũ và các cám dỗ đem lại gánh nặng, những thứ không cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.
Phải chăng ông Nguyễn Thiện Nhân muốn thoát khỏi sự già nua của một thứ chủ nghĩa đã dậm chân tại chỗ suốt gần 90 năm qua, kể từ cột mốc 3-2-1930? Hãy để ngày ấy lụi tàn. Bởi đại bàng chỉ bay với những con đại bàng khác…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét