Ảnh minh họa: Phụ nữ Nhật biểu tình chống sách nhiễu tình dục ở Tokyo, 28/04/2018.Reuters
Trong những ngày qua, dư luận Việt Nam đã rất bất bình về mức xử phạt quá nhẹ đối với một người đã sàm sỡ, cưỡng ép để hôn một cô gái trong thang máy của một chung cư tại Hà Nội. Hình ảnh vụ này đã bị camera kiểm soát ghi lại và đương sự cũng đã thừa nhận hành vi của mình. Nhưng người này rốt cuộc chỉ bị xử phạt có 200 ngàn đồng. Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng mức xử phạt nói trên là một sự « xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam ». Trên mạng hiện nay đang lan truyền một kiến nghị đòi chính phủ Việt Nam phải sửa đổi luật hiện nay. Kiến nghị này đã thu được hàng trăm chữ ký ủng hộ.
Trên báo chí Việt Nam, các chuyên gia pháp luật cũng nhìn nhận rằng mức xử phạt 200 ngàn là chưa đủ nghiêm khắc đối với hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục của người đàn ông đối với phụ nữ và theo họ đây là lỗ hổng, khiếm khuyết của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người.
Khác với hiếp dâm, ở Việt Nam, tấn công tình dục hiện không bị xem là một tội phạm. Quy định pháp luật hiện chưa có chế tài riêng để xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục, mà những hành vi này được xếp cùng lọai với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tất cả những hành vi này đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 100.000 – 300.000 đồng, chứ không thể xử lý trách nhiệm hình sự được.
Trong bản tin đề ngày 20/03, hãng tin AFP cho biết hiện chưa có các số liệu chính thức về các vụ tấn công tình dục ở Việt Nam, nhưng theo một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Action Aid thực hiện vào năm 2014, có đến gần 90% trong số 2000 phụ nữ được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng.
Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên ( CSAGA ).
Xin kính chào bà Nguyễn Vân Anh, trước hết bà có ý kiến gì về mức xử phạt bị xem là quá nhẹ đối với người đã cưỡng ép để hôn cô gái trong thang máy ở Hà Nội ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Sau vụ việc vừa qua, dư luận Việt Nam nói chung là không chấp nhận (mức xử phạt đó). Việc dư luận lên tiếng nhiều cũng thể hiện là mặt bằng dân trí và ý thức về pháp luật, về quyền con người của mọi người bây giờ cũng khá là cao rồi, không phải dễ dàng chấp nhận điều đó.
Không chỉ có CSAGA GBVnet, tức Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam, cũng như các nhóm trẻ, các tổ chức xã hội dân sự khác đã đều lên tiếng về chuyện này. Tôi hy vọng là việc lên tiếng này sẽ làm thức tỉnh những người làm luật cũng như những người có trách nhiệm về vấn đề này ở Việt Nam. Vừa rồi phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã lên tiếng, yêu cầu xem xét lại những hình thức xử phạt. Đây là một phản ứng khá tích cực của Nhà nước.
Lâu nay, dư luận Việt Nam cũng đã nói rất nhiều về một số bất cập của luật pháp đối với tình trạng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục ở Việt Nam, bởi vì hiện chưa có khái niệm về quấy rối tình dục trong các văn bản pháp luật, hoặc nếu có đâu đó thì không được chỉ rõ là bao gồm những hành động nào. Các nhà làm luật cần phải xem xét lại việc luật pháp chưa nghiêm minh đối với các hành vi xâm hại tình dục, khiến cho kẻ có ý định xâm hại tình dục không cảm thấy lo ngại, hoặc những kẻ đã có hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục cũng không cảm thấy mình phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc, khiến họ phải sợ hãi. Đó là lý do về tâm lý và chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều về vấn đề này.
RFI : Vậy theo bà thì luật ở Việt Nam hiện nay cần phải được như thế nào để tạo đủ sức răn đe đối với những hành vi quấy rối, tấn công tình dục ở Việt Nam ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Tôi không phải là chuyên gia pháp luật, nhưng có nghiên cứu về bạo lực tình dục, thì tôi thấy là trong luật lao động có nói đến khái niệm quấy rối tình dục. Người lao động có thể đơn phương thôi việc nếu bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên lại không có định nghĩa về quấy rối tình dục.
Thứ hai là cũng không có khái niệm bạo lực tình dục. Ví dụ trong luật phòng chống bạo lực gia đình có nói việc cưỡng ép tình dục trong hôn nhân cũng bị coi là bạo lực gia đình, nhưng thế nào là cưỡng ép tình dục trong hôn nhân thì cũng không có định nghĩa. Tất cả những điều đó cần phải được sửa đổi, cần phải cụ thể hóa hơn, để có thể, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân, để mọi người có ý thức để tự bảo vệ mình, thì luật cũng cần phải rõ ràng hơn.
RFI :Theo dõi báo chí trong nước, chúng tôi có cảm tưởng là các vụ tấn công tình dục, các vụ hiếp dâm, kể cả đối với trẻ vị thành niên, vẫn không giảm, nếu không muốn nói là tăng thêm. Phải chăng ở Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn có tâm lý là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với phụ nữ mà không sợ bị trừng phạt ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Tôi không biết nhận xét của anh đúng không hay không. Khi nhận thức của mọi người được nâng lên thì người ta dám tố cáo những chuyện này nhiều hơn, báo chí cũng vào cuộc để đưa tin nhiều hơn. Trước đây có thể có nhiều vụ, nhưng đã bị ỉm vào trong im lặng, thì bây giờ được bộc lộ ra ánh sáng nhiều hơn.
Đấy có thể là một khía cạnh, nhưng việc những vụ đó tiếp tục xảy ra khiến mọi người cảm thấy đau lòng và bất an. Ngay cả trong một chung cư ở thành phố, cho đến vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, không một chỗ nào mà người ta cảm thấy có độ an toàn cao.
Chúng tôi nghĩ, dù còn một em vị thành niên, dù là còn một phụ nữ, một cô gái bị xâm hại, tấn công, quấy rối tình dục, thì điều đấy cần được thay đổi.
RFI : Trong vấn đề này, theo bà thì các mạng xã hội có tác động như thế nào ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Tôi nghĩ là mạng xã hội chỉ phản ánh thực tế của xã hội, tức là bây giờ có rất nhiều cách để người ta có kiến thức nhiều hơn, ý thức về quyền của người ta nhiều hơn, người ta không còn cảm thấy xấu hổ nhiều như trước đây nữa khi nói về xâm hại tình dục. Trước đây khi nói về tình dục, thì người ta đã cảm thấy rụt lại rồi. Hoặc quan niệm về trinh tiết đối với một người con gái trước đây rất là khác, nếu mất trinh thì rất khó lấy chồng hoặc bị xã hội đánh giá như là một cái gì rất là tồi tệ. Bây giờ người ta không còn có quan niệm đó nữa. Đấy cũng là lý do khiến người ta bộc lộ nhiều hơn.
Đúng là nhờ mạng xã hội, những quan điểm đó được bộ lộ công khai và được ủng hộ, khiến cho người ta không cảm thấy cô đơn khi người ta tố cáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét