Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

**7866 - Sự “giản dị” ở người cộng sản: đơn sơ và giản dị, nhà sàn… và dinh thự




Trong hệ thống sách lịch sử, người dân Việt Nam sau 1975 đến nay hay đọc và được giảng dạy về những mảnh đời cộng sản giản dị. Nhưng dần dần, khi thông tin bắt đầu đa chiều, và những mảnh khất của đời sống lãnh đạo cộng sản được hé lộ, thì sự… giản dị được hiểu theo định nghĩa rất… cộng sản.

Phòng khách đơn sơ của ông Nông Đức Mạnh. Ảnh: internet. 

“Đơn sơ và giản dị, nhà sàn… và dinh thự”

Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh mất đi để lại nhiều dư âm dư luận, xấu có, tốt có. Và hẳn nhiên, sự từ trần của ông lại làm nổi lên những bài báo với nội dung phản ánh đời sống, quan điểm của cố Chủ tịch nước, trong đó, đức tính được nhấn mạnh là… sự giản dị (hay cần-kiệm-liêm-chính).

Facebooker Trương Huy San, trong một chia sẻ về cái chết của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cho biết, trong bài báo “Cái bắt tay của Chủ tịch nước trong giờ giải lao”có ghi lời của Thiếu tướng Hoàng Kiền, mà theo đó, cố Chủ tịch nước đã từng chia sẻ với ông Kiền rằng, “Tôi sống trong một căn hộ ở đây. Tôi không có biệt thự nào”.

Nhưng sự thật, theo ông Trương huy San cho biết, các con của Cố chủ tịch nước Lê Đức Anh từ Bắc chí Nam về nhà cửa không thau kém ai. Bản thân Cố chủ tịch nước cũng có một dinh thự tại Pasteur (Quận 3, Tp. HCM) và đang tiếp tục ở nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu (Tp. Hà Nội) cho đến khi mất đi.

Căn dinh thự có địa chỉ 240 Pasteur của cố Chủ tịch nước theo thời giá cho thuê trên trang dichvubds.vn là 418 triệu đồng Việt Nam/ tháng (tương đương 18,000 đô-la Mỹ). Nếu so với thu nhập bình quân mà giai cấp công nhân đạt được, theo công bố của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vào tháng 7.2018 là 5 triệu đồng Việt Nam/tháng, thì để đạt được ngưỡng 1 tháng của lãnh đạo “giản dị”, người công nhân phải làm việc liên tục trong 7 năm trời, không ăn và không mặc.

Và đó mới chỉ là căn dinh thự cho thuê.

Trong khi đó, căn nhà công vụ tại đường Hoàng Diệu được tính hàng trăm tỷ đồng Việt Nam, bởi nơi đây là khu an ninh nhất, xanh và mát nhất của thủ đô Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nếu Cố chủ tịch nước Lê Đức Anh thực sự “giản dị” thì đáng lý ra, ông phải trả lại nhà công vụ sau thời gian đương nhiệm, ít ra như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh xứng đáng được hưởng như thế, bởi ông là trải qua ba cuộc chiến, và là “anh hùng trong chiến tranh”?. Có lẽ vậy, hoặc nói trong tư thế của người ở phe thắng trận thì, ta thắng và ta có quyền.

Nhưng “quyền hưởng thụ” thành quả của cuộc chiến không nên trở thành một chỉ dấu cho sự “giản dị”, bởi bằng cách đó, nó khiến sự giản dị của người cộng sản hoàn toàn thoát khỏi những từ điển thông thường. Sự “giản dị” của người cộng sản sẽ được định nghĩa bằng việc có hàng ngàn mét vuông đất và con cháu cũng tương tự như thế.

Người cộng sản mà ở tầm lãnh đạo chưa bao giờ nghèo, ít nhất về mặt bằng thu nhập chung của quốc dân, chỉ là họ không biết che giấu khéo léo cái giàu của mình đi. Nhưng cũng như sự “tất yếu của dòng thác cách mạng”, thì dòng thác của thông tin sẽ phơi bày các kẻ hở, chân tướng và những câu chuyện “giản dị” nhuốm màu truyền thuyết, hư ảo, làm nên tính chất thánh thần của những nhà lãnh đạo cộng sản. Nó dìm chết những kẻ bồi bút, nô bút tìm cách che giấu sự thật trần trụi về những ông bà hoàng, những lãnh chúa thời hiện đại, và khoác lên vai họ những tấm áo rách giả tạo của dân nghèo.

Sẽ không che giấu được, trừ phi không có. Và câu chuyện của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ là bài học cảnh giác của người dân trước những thông tin “ca tụng” người lãnh đạo cộng sản.

Không chỉ lãnh đạo cộng sản thời cuộc chiến, mà cả lãnh đạo thời hòa bình.

“Đừng nghe, hãy nhìn” vẫn chạm đến những “nỗi đau” giản dị của người cộng sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét