Luồng nước vàng tại biển Thừa Thiên Huế, ảnh chụp hôm
23/3/2017. RFA photo
Hầu hết vùng gần bờ không có cá tôm, các loài hải sản đều vắng
ở những vùng gần bờ. Trong khi đó, hiện tượng cá chết đã bắt đầu xuất hiện cách
bờ từ 15 đến 20 hải lý. Đặc biệt là hầu như cả vùng biển Việt Nam từ Nam chí Bắc
đều không còn cá để đánh bắt.
Biển ngày càng hiếm cá
Một ngư dân đánh bắt xa bờ, không muốn nêu tên, từng bị tàu
hải cảnh của nhiều nước rượt đuổi vì đánh bắt trộm, chia sẻ:
“Khó khăn quá nên qua vùng biển các nước để đánh thôi, bị rượt
đuổi hoài. Bây giờ biển Việt Nam không còn cá nữa rồi nên chúng tôi phải qua
vùng biển các nước mà tiền hỗ trợ dầu thì bây giờ nó khó khăn quá!"
Theo ngư dân này bộc bạch, ông cũng như hàng triệu người làm
nghề biển Việt Nam khác chẳng bao giờ muốn chọn cái khổ, muốn bị tàu hải cảnh
nước khác rượt đuổi nhưng vì gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như
không còn cá để đánh bắt.
Theo nhận định của ngư dân này, trước đây chừng 5 năm, biển
Việt Nam đã bị giảm đi số lượng cá một cách trông thấy bởi kiểu đánh bắt bằng
thuốc nổ. Hầu hết các loại cá đều bị chết sau mỗi lần đánh và một số ngư dân Việt
Nam dùng thuốc nổ đánh bắt là chủ yếu, sau khi đánh thuốc nổ, chết nổi lềnh bềnh
trên mặt nước thì người ta mới dùng lưới để vây cá lại và thu hoạch. Với kiểu
đánh bắt này, không có bất kì con cá nhỏ nào sống sót để duy trì nòi giống. Và
vùng biển bị đánh thuốc nổ sẽ không có con cá nào dám bén mảng tới trong vòng
ít nhất là ba tháng.
Ông lấy làm lạ là không hiểu sao các ngư dân kia lại có thuốc
nổ để đánh bắt vì đây là thứ hàng nhà nước cấm. Và hơn nữa việc mang thuốc nổ
xuất cảng để đi đánh bắt là chuyện rất khó nhưng một số ngư dân vẫn cứ dùng thuốc
nổ để đánh bắt. Ông cho rằng có một đường dây chuyên bán thuốc nổ trên biển và
nếu họ tiếp tục hoạt động cũng như ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt kiểu này
thì chắc chắn hậu quả của nó là khó lường.
Nhưng đáng sợ hơn cả là gần một năm trở lại đây, biển Việt
Nam hầu như không còn cá. Ông nhấn mạnh rằng không còn cá không có nghĩa là
không còn con cá nào mà hầu như rất hiếm cá. Trước đây 5 năm, mỗi lần đánh bắt
cách bờ chừng 16 đến 18 hải lý, cách gì ông cũng mang vào bờ được từ hai đến ba
tấn cá. Nhưng 5 năm trở lại đây, mỗi chuyên đi của ông chỉ mang về cao nhất là
500kg cá. Còn hiện tại, sau một chuyến đi, có khi ông mang về nhà được 80kg cá,
những bữa gặp may thì được 200 đến 300kg. Nhưng hiếm khi gặp may mà toàn là vừa
bù xăng dầu. Với tình trạng này, ngư dân chỉ còn cách bỏ lưới.
Đáng sợ nhất là thời gian gần đây, biển nhiễm độc do Formosa
xả thải đã làm cho các loài hải sản chết hàng loạt, biển Việt Nam trở nên trơ
trọi. Trong khi đó, phần lớn ngư dân phải vay tiền ngân hàng để đóng tàu thuyền.
Một khi thất thu, nợ nần sẽ nhanh chóng chồng chất và nguy cơ phá sản, mất nhà
cửa là chuyện trước mắt.
Độc đã nhiễm vào đất liền
Chất lạ đóng làm hư lưới ngư dân. RFA photo
Ngư dân tên Ngọc, làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chia sẻ:
“Hiện nay ngoài bờ 18 hải lý, tui thấy hai, ba con cá liệt, cá liệt cạn loại lớn
cỡ bàn tay, cá sóc nổi lờ đờ, đi theo mé nước rứa. Anh em tui thấy rứa chứ
không vớt làm chi. Ngoài bờ 18 hải lý cũng có những luồng nước màu vàng này, cứ
khoảng 1 lý là có một luồng, bây giờ dân cũng không có ai dám bủa lưới xuống hết
trơn.”
Ông Ngọc cho biết thêm là hiện nay, ngư dân làng chài Bình An
khủng hoảng nặng bởi biển nhiễm độc một cách trầm trọng. Nếu như năm 2016,
Formosa xả độc vào biển và sau đó cá chết hàng loạt các bờ biển miền Trung thì
hiện nay, cá không còn để mà chết, những vùng nước đỏ, nước vàng tràn ngập bờ
biển Thừa Thiên Huế trong vài ngày trở lại đây hoàn toàn không có bất kì con cá
nào.
Nhiều ngư dân bị mất lưới bởi chất nước màu vàng này bởi nó
là một loại hợp chất rất kì lạ, có màu vàng như nước phèn, nặng và đậm đặc, kéo
đi từng luồng, cách nhau một hải lý thì có một luồng như vậy và có mùi rất hắc,
tanh nồng khó chịu. Nếu đi ngang qua vùng có nguồn nước như vậy thì rất khó thở.
Lưới bị luồng nước đó bám vào sẽ bị xuống đáy biển, không tìm lại được.
Lưới của gia đình ông Ngọc cũng bị dính luồng nước và mất hết
một cuộn, cuộn còn lại, ông mở ra cho chúng tôi xem thì bám đầy chất nhầy màu
vàng hôi thối, nồng nặc. Và ông Ngọc nói thêm là không có con cá nào dính lưới
được khi luồng nước vàng đục đi qua.
Ông Ngọc khẳng định đây là luồng nước đến từ phía Bắc, bởi với
kinh nghiệm đi biển lâu năm của ông, vài mùa tháng 12 âm lịch trở đi cho đến
tháng 5 âm lịch, dòng hải lưu chuyển mạnh từ phía Bắc vào phía Nam. Chính vì vậy
mà năm 2016, khi Formosa xả độc, vùng biển phía Bắc của nó ít bị ảnh hưởng hơn
vùng biển phía Nam. Và năm nay cũng vậy, trước đây hai tháng, ngư dân Hà Tĩnh,
Quảng Bình cũng gặp những luồng nước có màu đỏ, vàng như vậy ngoài khơi, chẳng
bao lâu sau đó, luồng nước này di chuyển vào phía Nam và hiện nay, nó chính thức
dạt vào bờ biển Bình An, Thừa Thiên Huế.
Cả một dải bờ biển vàng đục, hôi hám, nồng nặc, thuyền chài
lại phải đắp chiếu, ngư dân lại tiếp tục ngồi nhìn ra biển và tìm một công việc
lao động nào đó để kiếm sống qua ngày. Ông Ngọc cho rằng nếu tình trạng này kéo
dài thì thị trường lao động Việt Nam sẽ rối loạn. Bởi chỉ số thất nghiệp của Việt
Nam vẫn còn cao, bây giờ thêm hàng triệu ngư dân tìm việc nữa thì e rằng nguy
cơ đói khổ là thấy trước mắt.
Lại một mùa biển chết đang kéo đến bờ biển miền Trung. Và lại
một lần nữa, ngư dân Việt Nam phải lắc đầu, nói rằng biển Việt Nam không còn
cá!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét