Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

"Lạm dụng trẻ em", một quá khứ đen tối giai đoạn thực dân Anh






Trong số những người di dân đến Úc năm 1954, có rất nhiều trẻ em. Ảnh tư liệu.Nguồn : National Archives of Australia/Wikipédia


Ngày 27/02/2017, nước Anh bắt đầu chính thức điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong quá khứ. Theo cáo buộc, trong giai đoạn 1946-1974, hàng ngàn trẻ em đã bị cưỡng bức lên tầu đưa đến Úc, và rất nhiều em trong số này đã bị đánh đập và bị cưỡng hiếp.

Nhưng đây chỉ là bề nổi của một tảng băng trong suốt hơn ba thế kỷ rưỡi lịch sử thực dân Anh Quốc. Theo thẩm định, trong vòng 350 năm, tức tính đến năm 1974, gần 350 ngàn trẻ nhỏ đã bị cưỡng bức đưa đi đày đến những xứ thuộc địa của Anh Quốc lúc bấy giờ như Úc, Canada, New Zealand, Nam Phi, Zimbabwe hay Rhodesia…

Ông David Hill, một trong số những đứa trẻ đó, chua xót nhận định : « Cả một tuổi thơ đi theo suốt cả cuộc đời. Mỗi một đứa trẻ bị hành hạ, bị đánh đập, nay lớn lên thành những con người hư hỏng ». Ông Hill nay đã thất thập, là một sử gia có tiếng tăm tại Úc đã được mời ra làm chứng trong khuôn khổ một cuộc điều tra độc lập.

Theo thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, thì David Hill cũng không phải là nhân chứng duy nhất trong buổi điều trần trước ủy ban điều tra Independent Inquiry Into Child Sexual Abuse (IICSA), diễn ra hôm thứ Hai 27/02/2017.

« Nhân vật nổi tiếng nhất trong số các nhân chứng ra điều trần trong vụ này là ông David Hill năm nay 71 tuổi, trước kia từng là giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị Đài phát thanh Úc châu. Không cần chế độ giữ kín tên tuổi, ông là một trong số 22 nhân chứng ra cho lời khai, nói rằng các nạn nhân đều đang ngấp nghé miệng huyệt, cho nên kết luận của cuộc điều tra chả còn giúp được gì mấy ngoài điều quan trọng nhất là cho họ sự thanh thản khi nhìn thấy cái ác bị nêu tên.

Một nhân chứng khác cũng không cần giấu tên là ông Oliver Cosgrove, kể lại chuyện bị chính phủ Anh trục xuất sang Úc từ năm 4 tuổi, cùng những năm tháng bị hành hạ về thể xác, phải lao động nặng nhọc, và bị lạm dụng tình dục. Có những trường hợp chỉ mới hai tuổi rưỡi hay ba tuổi khi bị chính phủ tách ra khỏi gia đình và gửi sang các khu trại lao động ở Úc và các nước thuộc khối Liên Hiệp Anh. »

« Tăng dân số thuộc địa »

Theo Libération, cuộc điều trần hôm thứ Hai 27/02/2017 chỉ mới mở đầu cho phần một cuộc điều tra, kéo dài trong hai tuần và chỉ liên quan đến nước Úc. Trong giai đoạn 1946-1974, Vương Quốc Anh đã gởi đến đấy khoảng từ 7.000-10.000 trẻ em trong độ tuổi từ 3-14. Đây cũng là đợt di dân cưỡng bức cuối cùng trong chương trình « tăng dân số da trắng thuộc địa ». Lê Hải cho biết thêm chính quyền Anh Quốc đã tuyển số trẻ đó từ đâu và lừa dối gia đình các nạn nhân như thế nào :

« Lúc bấy giờ, tính toán của chính phủ Anh cho rằng có thể giảm được chi phí nuôi dưỡng và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực da trắng cho các nước thuộc địa, và có hàng trăm ngàn trẻ em Anh được đưa đi theo diện này, tính từ giữa thế kỷ 19 đến thập niên 1970. Trẻ em bị đưa đi từ các khu trại mồ côi, hay gia đình nhận con nuôi và thậm chí bị tách thẳng ra từ chính gia đình mình đang sống, đưa lên tàu biển và không hề được cho biết sẽ phải đi đâu và làm gì.

Trên lý thuyết chương trình di cư trẻ em sẽ giúp các em bé ở độ tuổi từ 3 cho đến 14 bắt đầu một cuộc sống mới đầy tương lai, nhưng trên thực tế thì nhiều bà mẹ đơn thân buộc phải giao nộp con khi mà xã hội thời bấy giờ không độ lượng với việc có con ngoài giá thú. Sang đến những nơi như Fairbridge ở Perth bên Úc thì các em phải câm lặng làm việc trên đồng ruộng hay trong nhà bếp mà có khi chân thì đi đất và thiếu áo khoác khi trời lạnh.

Bản thân họ và gia đình bị lừa dối rằng con cái của mình sẽ được các gia đình yêu thương nhận nuôi, còn một số trẻ em thì được báo là bố mẹ đã mất. Có một số em được bố mẹ tìm kiếm và cố gắng yêu cầu chính phủ phải trả con, nhưng nhiều người phải đến tận bây giờ lục lại hồ sơ mới biết được điều đó, chứ không được may mắn như trường hợp một bé gái được mẹ nuôi tích cực giúp đỡ đòi về. Một bé gái khác có bí danh là A6 thì sau khi báo với bà xơ trong trại tế bần về chuyện bản thân bị lạm dụng tình dục thì bị trục xuất thẳng ra nước ngoài. »

Cuộc điều tra tuy không diễn ra tại tòa án, nhưng các lời chứng sẽ cho phép đưa ra ánh sáng những mảng tối trong lịch sử Vương Quốc Anh thời thuộc địa và hậu thuộc địa. Cuộc điều tra này sẽ kéo dài trong vòng năm năm và chủ yếu đề cập đến các vụ lạm dụng tình dục, bị nghi ngờ đã diễn ra chủ yếu trong các trường học, bệnh viện, các viện cô nhi, các cơ sở tôn giáo hay quân sự, cũng như là các ý đồ che giấu vụ việc có thể từ chính quyền.

« Hối hận muộn màng »

Đối với luật sư Imran Khan, đại diện cho các nạn nhân, « việc có nhiều nhân chứng giống nhau như thế liên quan đến nạn lạm dụng chỉ có thể giải thích bằng một việc : vấn đề này mang tính hệ thống và có tính chất thể chế ». Bởi vì, theo họ, chính quyền Anh Quốc đã biết vụ việc từ lâu, theo như các tài liệu chính thức do BBC tiết lộ. Theo đó, vào năm 1956, ba thanh tra đã từng đến Úc để thanh sát 26 điểm phụ trách các cộng đồng di dân « nhí » này.

Cũng theo BBC, báo cáo của các thanh tra đã điểm mặt một số cơ sở có liên quan nhưng không hề đề cập đến nạn lạm dụng tình dục hay thể xác. Và bản báo cáo này dường như đã bị chôn vùi. Giờ đây, những câu chuyện kiểu như vậy bắt đầu được thu thập và dần dần trình bày với công chúng Anh. Và phải đợi đến năm 2010, chính phủ thủ tướng thuộc Công Đảng, ông Gordon Brown mới chính thức lên tiếng xin lỗi về chương trình này.

Một ủy ban điều tra độc lập do bộ Nội Vụ Anh, lúc đó do bà Theresa May làm bộ trưởng, đã được thành lập vào tháng Bảy năm 2014 :

« Cho đến nay ủy ban này đã điều tra 13 vụ hồ sơ khác nhau, từ nhóm trẻ em ở nước ngoài cho đến các cơ quan có liên quan với trẻ em ở khắp các hội đồng địa phương của nước Anh, cũng như giáo phận nhà thờ. Theo lịch, một báo cáo sơ bộ sẽ được đưa ra vào tháng Tư năm sau. Đây là những cố gắng giới hạn trong một câu chuyện về lạm dụng tình dục, còn thì từ năm 2010 chính phủ Anh lúc bấy giờ do ông Gordon Brown làm thủ tướng đã chính thức xin lỗi về chuyện trẻ em bị đưa ra nước ngoài để bớt gánh nặng cho ngân sách. »

Trong số những đứa trẻ bị đưa sang Úc giai đoạn này, hiện vẫn còn 2.000 người còn sống. David Hill khi ấy mới có 12 tuổi, cùng với hai người em trai đã bị đưa đến Fairbridge Farm School, phía tây nước Úc. Ngoài việc chấp nhận làm chứng, ông từng viết một quyển sách The Forgotten Children (Những đứa trẻ bị lãng quên). Dựa vào hàng trăm nhân chứng thu thập được, David Hill ước tính rằng khoảng « 60% trẻ bị cưỡng bức đưa đi đã bị lạm dụng tình dục ».

Ông còn khẳng định : « Nghiên cứu của tôi cho thấy là những đứa trẻ đó đã bị chấn thương mãi mãi. Họ như bị đeo án chung thân, mất hết sự tự tin bản thân, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, sợ hãi, khủng hoảng tâm thần ».

Nước Úc đã lên tiếng xin lỗi những người còn sống vào năm 2009, tiếp đến là Liên Hiệp Anh vào năm 2010. Thế nhưng, vẫn theo ông David Hill, « Chúng ta sẽ không bao giờ sửa chữa được điều xấu xa đó. Nhưng điều quan trọng đối với những người phải hứng chịu nạn lạm dụng tình dục vẫn còn sống, đó là thủ phạm phải được nêu tên. Nhiều người trong số họ đã qua đời và thoát được lưới luật pháp, nhưng điều đó có lẽ sẽ là một sự an ủi lớn lao cho các nạn nhân rằng thủ phạm đã bị nêu tên và đã bị tước mất danh dự ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét