Ông Đoàn Ngọc Hải và đoàn tùy
tùng trong chiến dịch đập phá vỉa hè. Ảnh: báo TN
Tôi có nhiều kỷ niệm về Sài Gòn
và vỉa hè Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn vào 1953. Bấy giờ tôi từ Nha
Trang vào, đi tìm để nối lại liên lạc với nhóm học sinh kháng chiến Huế , vào đấy
đi học hay làm việc. Tôn Thất Thanh, Nguyễn Điền và một số anh em nữa đón và
làm việc với chúng tôi.
Thanh và Điền, hai người bạn rất
thân của tôi, dẫn tôi đi thăm thành phố. Chúng tôi lên xe thổ mộ, xe ngựa chở
khách đi trong phố, từ Xóm Bàn cờ đến chợ Bến Thành. Sau đó chúng tôi lang
thang, đi bộ qua các phố Tây. Họ dẫn tôi đến những hiệu sách. Ở đó tôi đã mua
được nhiều tác phẩm văn học khuynh tả, như Khói Lửa (le Feu), Gót sắt (Talon de
fer)… Đặc biệt tôi đã mua được cuốn La Lutte des Classes en France (Cuộc đấu
tranh giai cấp ở Pháp). Trong cuốn sách này có bài tựa rất quan trọng của F. Engels,
mà những người cộng sản ở Nga, ở Tàu, ở Việt cố lờ đi như tuồng bị mù chữ!
Lời thú nhận hay sám hối của
Engels trong bài tựa ấy như sau: “Lịch sử chứng tỏ chúng tôi đã mắc sai lầm.
Quan điểm của chúng tôi hồi đó chỉ là ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn;
không những đã xóa bỏ mê muội của chúng tôi hồi đó, mà con thay đổi điều kiện đấu
tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi
mặt: chẳng có mục tiêu lớn Chủ Nghĩa Cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được
người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ. Nhưng đã vứt bỏ nó trong cuối đời”.
(Chú ý năm 1848 là năm Mác và Engels công bố Tuyên ngôn Cộng sản, trong đó có
những nhận định, những chủ trương rất sai lầm, tội lỗi. Nhưng Lê nin, Mao, Hồ…
đều vẫn cứ coi đó như kinh thánh của phong trào cộng sản thế giới. Còn hôm nay
tháng 3 năm 2017, đảng bộ và chính quyền Sài Gòn đã hành xử với cái vỉa hè Sài
Gòn đúng như tinh thần cộng sản “chế độ xưa ta thề phá thật tan tành…”)
Bấy giờ đi dạo trên vỉa hè Sài
Gòn, tôi rủng rỉnh hơn cả, vì tôi là giáo sư trường Trung học Kim Yến ở Nha
Trang. Chúng tôi “kéo ghế” nơi một khu bán đồ giải khát. Ngồi trên vỉa hè
thoáng đảng nói chuyện phiếm và bàn với nhau việc hoạt động kháng chiến. Bấy giờ
vỉa hè là của hàng rong, của các em đánh giày, bán báo, của cả những nhà hàng
được quây một khoảnh để đặt bàn ghế bán giải khát cho khách vãng lai…
Hồi ấy, vỉa hè chưa thành nhu cầu
bức thiết của những người có xe máy. Thành phố có cái vẻ bình yên, lịch sự với
những sinh hoạt thông thường của đô thị. Còn trong khu Bàn Cờ, nơi tôi trọ, thì
đường ngang, lối dọc, sát vách, sát thềm, sát hàng rào bằng phên đan, làm gì có
vỉa hè. Thế mà đã mấy chục năm trôi qua. Điền, sau này là cử nhân toán, từng
làm bí thư Ban cán sự sinh viên Sài Gòn, Gia định, rồi được cử làm chủ tịch Hội
Sinh viên Giải phóng, đã hy sinh ở Củ Chi. Năm 1976 khi tôi trở lại Sài Gòn, Bội
Quỳnh, em ruột của Điền, một bác sĩ, thiếu tá công an đưa tôi đi Thủ Đức thắp
hương cho Điền. Quỳnh chỉ, “nấm mộ của anh Điền. Nhưng chỉ có mộ chí chứ không
có người”.
Nhớ lại, hồi ấy lũ chúng tôi vô
tư biết bao nhiêu, mơ mộng biết bao nhiêu, cứ ngây thơ nghĩ sau này Sài Gòn là
của đằng mình, sẽ giữ cho nó vẫn là Hòn Ngọc Viễn Đông. Chúng tôi đã ngồi trên
vỉa hè Sài Gòn tán dóc, mơ mộng, nghĩ về những điều tưởng tượng mai sau. Quả thật
cái mai sau mà chúng tôi hình dung một cách ngây thơ hồi ấy chẳng giống cái mai
sau hiện thực một chút nào.
Tôi nhớ có lần mình đã được đi
trên vỉa hè của Đại lộ có cái tên rất thiền học-đường “Dưới bóng cây bồ đề” ở
Berlin. Tôi nhớ mang máng tiếng Đức là Unten then Lenđen, không biết có đúng
không, nhưng nghĩa thì là như vậy. Con đường ấy thông cả đông sang tây. Trước
khi chưa phá bức tường Berlin thì nó bị cắt làm đôi. Ở giữa đường là bồn hoa rộng
trên 10m, một thảm xanh dịu dàng, vỉa hè rất rộng cũng ngót mươi mét, hàng cây
bồ đề được cắt xén, từng quãng lại có ghế đá cho khách lãng du. Tôi đã ngồi ở
đó thả hồn mộng mơ. Tôi tưởng tượng Mác và Gien-ni cùng bạn bè đã từng ngồi đâu
đó, từng tranh luận về những ý tưởng cao sang của Mác mà thực chất là nhiều
hoang tưởng bậy bạ, đáng yêu. Cái hoang tưởng luôn là cái đáng yêu của nhân loại!
Tôi lại đẩy xa sự tưởng tượng của tôi sang đến tận những vỉa hè của Luân Đôn.
Nơi đó hơn trăm năm trước có thể cả Mác và Engels đã thì thầm với nhau về cái gọi
là “chủ nghĩa Mác”, rồi Mác phải giẫy nẫy lên mà rằng, “làm sao tôi lại là
Mác-xít đươc”. Có thể hai ông đã hình thành những ý tưởng “sám hối” như Engels
đã thổ lộ trên bài tựa đã nói.
Có thể người ta đã không nghĩ cho
hết những vai trò của vỉa hè. Nó phong phú và lãng mạn, và thiết dụng biết bao
nhiêu. Vì vỉa hè không phải là mạch máu như những con đường. Nó chính là hệ thống
kinh lạc. Nó cũng nuôi dưỡng nền văn minh đô thị. Sự ứng xử chí phèo, hùng hục,
võ biền…thật bất nhẫn và vô học. Nhớ có lần anh Viện nói “cái chuyên chính vô sản
không đáng sợ bằng cái chuyên chính vô học”.
Tâm thức nông dân phong kiến đông
phương, kể cả cái phương đông Nga la tư cũng thế. Người ta đã không nghĩ được
cái thực thể “bourgeois” là con người của Văn Minh Đô Thị. Họ gán cho nó là bọn
tư sản bóc lột. Thật sự con người của Văn Minh Đô Thị chính là nhân loại mới của
thế giới. Chúng ta đã u mê, lười biếng, cả tin và ngạo mạn để không tìm cho ra
cái cốt tủy của “Đô Thị và Con Người của Đô thị”. Vì thế chúng ta không biết
xây đắp, vun trồng cho con người đô thị lớn lên, xứng đáng là “héros de notre
temps” (như tên một tác phẩm văn học Nga).
Trên vỉa hè, người bán hàng rong
(kể cả người đáng giầy, em bán báo…) người khách hàng cần đi mua sắm cần chỗ để
xe máy, những vỉa hè thoáng, mát cần giành chỗ cho khách lãng du, và cả lúc cần
giành cho người biểu tình. Nước Anh không thể Brexit nếu không có vỉa hè! Hãy đối
xử với vỉa hè với một tầm của trí tuệ và tình cảm của những người “Bourgeois”.
Quê mùa, Chí Phèo và cả Bá Kiến đều không tương thích với nền văn minh đô thị mới.
Mấy ngày vừa rồi ở Sài Gòn tôi
nghe nhiều những ý kiến xung quanh cái vỉa hè. Tôi có mấy cuốc taxi đi Hàng
Xanh, đi Thủ Đức, đi Khánh Hội. Mấy chú lái taxi kể không biết bao nhiêu là chê
bai trách móc. Tôi hỏi trước khi đập phá dọn dẹp họ có đưa ra một kế hoạch chu
đáo không. Chẳng hạn như ông Thăng, ông Phong có biết thành phố có bao nhiêu km
vỉa hè, loại rộng mươi lăm mét là bao nhiêu, loại hẹp năm ba mét, loại rất hẹp…
Mà một vỉa hè chuẩn của Đô thành nhứt nước thì tối thiểu rộng bao nhiêu, có bao
nhiêu vỉa hè không đạt chuẩn. Còn trên cái vỉa hè thì có bao nhiêu nhu cầu, quyền
và lợi. Đâu phải chỉ chính quyền mới có quyền với vỉa hè, người hàng rong cũng
có cái quyền của người ta chứ. Mỗi hạng người có quyền, có lợi, và có nghĩa vụ
theo từng nhu cầu. Thành ra bây giờ có thể thêm vào cách nói của người Pháp
“dís moi qui tu hante, je te dís qui tu es”. Là “hãy nói cho biết họ đối xử vỉa
hè thế nào, sẽ bảo cho biết trình độ quản trị đô thị”. Đừng lấy làm chơi câu
chuyện vỉa hè này. Không phải là muốn sánh với Singapore, mà là muốn vươn tới một
Đô thành văn hóa, văn minh, hiện đại. Hành xử thô bạo, đơn giản, cảm tính đâu
có được. Nội một cái vỉa hè tính không xong, ai tin được những hứa hẹn, quy hoạch
trời biển khác?
May quá, cái vỉa hè như là một
bài học của thử thách. Hãy học cách làm tử tế xem. Đầu tiên là điều tra cơ bản,
hiện trạng thế nào, có bao nhiêu mối quan hệ với nó, chuẩn của nó ở một Đô thành
tầm vóc là thế nào, cái quyền, cái lợi cái nghĩa của từng loại nhu cầu là gì.
Cùng nhau bàn đi rồi hẳng hành động. Hãy nên nhớ chính Lê nin cũng phải thốt
lên “gót chân Achilles của cộng sản là dốt, tham và cậy quyền”. Nếu cùng một việc,
một lúc bộc lộ cả ba chỗ yếu kém như thế thì làm sao thọ cho đặng. Mà chính cả
Lê Nin cũng chẳng biết đàng mù nào để bịt mấy gót Achilles cho khỏi sụm.
Triết học hiện đại cũng khẳng định
“cái tiêu cực cũng có cái giá trị tích cực của nó” (Xem cuộc trò chuyện của triết
gia F. Jullien với Minh triết). Từ cái khó ló cái khôn, từ cái vấp ngã mà biết
đứng dậy. Từ cái ngu mà biết học, từ cái làm càn làm ẩu, mà biết lắng nghe.
Tôi không chỉ đi một ngày đàng,
mà đi đến mấy ngày ở Thành phố nên cũng thấy khôn lên đôi chút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét