Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Ông Trump và chủ nghĩa Jackson của Mỹ





Tổng thống Donald Trump đặt vòng hoa tưởng niệm cố Tổng thống Andrew Jackson ở Nashville hôm 15/03Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES


Trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền, có nhiều ý kiến tin rằng vị tỷ phú địa ốc vào làm chính trị với một mớ ý tưởng lộn xộn, không có học thuyết gì.



Báo chí Anh Mỹ thường gọi các câu nói của ông Trump là 'rants' - rủa sả bực bội - chứ không phải lời rao giảng chứa đựng ý nghĩa cao xa gì hết.



Khi Trump còn đang tranh cử, Peter Beinart đã viết trên The Atlantic về các điểm giống nhau giữa đường lối của Trump và chủ nghĩa Jackson từ thế kỷ 19.



Quả vậy, hôm 15/03 vừa qua, ở cương vị tổng thống, ông Trump đã đến thăm nhà tưởng niệm Andrew Jackson ở Nashville nhằm bày tỏ lòng kính trọng 'thần tượng'.



Chuyến thăm của ông Trump nhằm gợi lại các ý tưởng chính trị gì của Andrew Jackson, Nguyễn Giang tìm hiểu:


Chủ nghĩa Jackson là gì?


Tướng Andrew Jackson, người thắng cử năm 1828, được coi là 'tổng thống dân tuý' (populist) đầu tiên của Hoa Kỳ.


Trang history.com giải thích:

"Chủ nghĩa Jackson có động lực chính trị nhằm gìn giữ chế độ nô lệ, khuất phục người thổ dân châu Mỹ (Native Americans), và tôn thờ tính thượng đẳng của người da trắng."



Theo tờ Telegraph ở Anh, một số người đã lên mạng Twitter phê phán chuyến thăm của ông Trump hôm 15/03 và gọi Andrew Jackson là "kẻ chủ nô và phân biệt chủng tộc hàng đầu".



Chưa cần biết Donald Trump theo chủ nghĩa Jackson bao nhiêu, có thể thấy thắng lợi tranh cử của ông được sự hoan nghênh từ một số nhóm đề cao sự 'thượng đẳng da trắng' (white supremacy).



Francis Fukuyama nói kỷ nguyên Jackson là sự vươn lên đòi quyền từ phái quý tộc gốc Anh, theo đạo Tin Lành, đạo Quaker ở vùng Bờ Đông bởi các nhóm bình dân sang Mỹ muộn hơn, nghèo và liều lĩnh hơn.



Khối bình dân da trắng này không mấy ưa thích những người George Washington, Thomas Jefferson vốn trọng truyền thống Khai sáng gốc Âu và ham chữ nghĩa, triết lý và khoa học.



Andrew Jackson xuất thân bình dân gốc Scotland-Ireland và khi là tù binh đã bị quân Anh hành hạ.



Thăng tiến trong quân đội nhờ các chiến tích chống Anh, ông được phong tướng, làm thống đốc quân sự của Florida, rồi vào Thượng viện Hoa Kỳ.


Tranh cử lần đầu năm 1824 và có nhiều phiếu hơn các ứng viên đối thủ nhưng bị Hạ viện loại để cho John Quincy Adams làm tổng thống, Andrew Jackson lên án 'tập đoàn quyền lực thối nát' và cam kết chống lại 'tầng lớp trên'.



Bốn năm sau, ông thắng cử và suốt thời kỳ cầm quyền 1829 - 1837, Andrew Jackson đề cao sức mạnh đa số để đem lại bình đẳng.



Đến thăm The Hermitage ở Nashville, ông Trump ca ngợi thắng lợi tranh cử của Andrew Jackson là sự kiện "làm rung chuyển giới cầm quyền, như một trận động đất".



Ông Trump cũng khoe đã mang vào Phòng Bầu dục một tấm chân dung Andrew Jackson, người đã "quét sạch tham nhũng, cải thiện đời sống các cựu chiến binh, đã áp thuế nặng lên hàng ngoại".

Nhưng lịch sử Hoa Kỳ nhắc rằng trong nhiệm kỳ của Andrew Jackson, người bình dân da trắng không chỉ được khuyến khích vươn sang vùng Viễn Tây mà còn được nhà nước cử quân đội xua đuổi người thổ dân để trợ giúp.



Tướng Winfield Scott đã vây bắt và cưỡng chế 15 nghìn người Cherokee rời đất đai.



Trên Con đường nước mắt (Trail of Tear) về phía Tây, chừng một phần tư đã chết vì đói rét, bệnh tật.



Về đối ngoại, Andrew Jackson thù ghét Anh Quốc và muốn Hoa Kỳ cô lập khỏi châu Âu.


Vinh quang cô độc


Trên nền các học thuyết chính trị Hoa Kỳ, ta hãy xem chủ nghĩa Jackson đứng ở đâu.



Chủ nghĩa Jeffersonism nói đến nền dân chủ và tính chịu trách nhiệm của các công dân ưu tú, lãnh đạo.



Chủ nghĩa Wilsonism muốn cổ vũ cho tự do dân chủ trên cả thế giới.



Chủ nghĩa Hamiltonism ít nhiều mang tính trục lợi, muốn nước khác mở cửa thị trường để Mỹ làm ăn.



Riêng Jacksonism đề cao sự vinh quang cô độc của một nước Mỹ 'hãy để cho chúng tôi yên': 'America as a country that just wants to be left alone'.



Những sắc lệnh xuất kỳ bất ý của Trump cho đóng biên giới với công dân bảy quốc gia Bắc Phi và Trung Đông gợi lại cách ra tay mạnh, không quan tâm đến các chi tiết về con người.



Về văn hóa, thời Jackson, các di dân gốc Âu khi sang Mỹ tạo ra bản sắc của họ trong sự tương phản với giới thượng lưu, thổ dân và người da đen.



Theo Francis Fukuyama, vì xuất thân từ vùng biên địa của Anh và thường bị dân Anh (English) đè nén, những cộng đồng người Scots và Irish mang theo tinh thần tự vệ, ưa dùng súng, nghi kỵ quyền lực trung ương sang Mỹ.



Ngày nay, đầu óc tự lập lại gặp ngọn gió chủ nghĩa bản địa (nativism), tạo mối nghi ngờ văn hóa ngoại lai như Hồi giáo, châu Á.



Bởi truyền thống chính trị của Hoa Kỳ không thôi đã đủ để tạo ra hiện tượng Trump.

Sự vươn lên của phe hữu ở Mỹ được tiếp sức bởi làn sóng thăng tiến của nhiều đảng thiên hữu châu Âu, từ Ba Lan, Hungary sang Đức, Hà Lan, Pháp và Anh.


Gốc gác của các phong trào này là hiện tượng trở về nguồn để che chắn trước ngọn cuồng phong toàn cầu hóa.

Chống di dân là yếu tố cốt lõi cho chủ thuyết bản địa 'nativism', theo Cas Mudde từ Đại học DePauw University viết trong một nghiên cứu cho Migration Policy Institute.



Tính chất phòng vệ, các cụm từ 'mặt trận', 'nhân dân', 'dân tộc', 'tự do', 'tự vệ' được dùng nhiều, như Front Nationale ở Pháp, Schweizerische Volkspartei (SVP -Thuỵ Sỹ), Freiheitliche Partei Österreichs, (FPO - Áo), Vlaams Belang (VB - Bỉ), English Defence League (Liên đoàn Phòng vệ Anh).



Sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu tan rã, các nhóm thiên hữu truyền thống ở Ba Lan, Nga, Hungary, Bulgaria cũng sống lại cùng chủ nghĩa bài ngoại, trở về với dòng Ki Tô giáo bảo thủ nhất.



Còn tại Mỹ, ông Trump không phải là tổng thống đương nhiệm đầu tiên đến bang Tennessee nhân ngày sinh nhật tổng thống Andrew Jackson.



Trước ông, các tổng thống Theodore Roosevelt, Franklin Delano Roosevelt, Lyndon B. Johnson và Ronald Reagan đều từng đến thăm và ca ngợi Andrew Jackson để đề cao góc độ dân chủ hóa trong học thuyết của ông.


Nhưng bối cảnh quốc tế của các thời kỳ đó rất khác hiện nay.



Dưới khẩu hiệu 'Bình dân thiên hữu toàn thế giới đoàn kết lại', các đảng dân tuý và dân tộc chủ nghĩa đang lớn mạnh ở khắp mọi nơi và hiện tượng Trump đem lại cho họ sự ủng hộ tinh thần rất lớn.



Với vị thế vẫn còn rất mạnh của Hoa Kỳ, những gì ông Trump tin vào câu nào trong di sản của Andrew Jackson thực ra không còn là chuyện lý thuyết chính trị của riêng người Mỹ mà là vấn đề rất lớn, có tác động toàn cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét