Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Sinh kế của người khiếm thị

VOA Tiếng Việt



Hát rong, tẩm quất là hai phương kế kiếm sống qua ngày quen thuộc của người khiếm thị để tránh phải dựa dẫm hay xin ăn, để được tự chủ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hát rong bị nhà nước cấm, khách hàng tẩm quất ngày càng phức tạp hơn, nên đời sống của người khiếm thị trở nên khó khăn, ngột ngạt.

Ý niệm ngày đêm của người khiếm thị được phân biệt thông qua âm thanh, ban ngày ồn ào, chộn rộn tiếng người, ban đêm tĩnh lặng, thê thiết tiếng côn trùng. Chuyện kiếm chén cơm, manh áo của họ cũng khác xa những người mắt sáng. Công việc của họ phải dựa hoàn toàn vào âm thanh và hành động cùng với bóng đêm cuộc đời. Hát rong và tẩm quất, đó là hai nghề phổ thông nhất mà họ chọn để nuôi thân, nuôi gia đình. Và đương nhiên, người khiếm thị tẩm quất có thể nói không chê vào đâu được.

Anh Định, một khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ tẩm quất của người khiếm thị, chia sẻ với VOA Việt ngữ: “Cảm nhận của tôi khi đấm lưng ở tẩm quất người mù là họ được đào tạo bài bản, có tay nghề. Tôi là khách hàng có nhu cầu là khi mỏi mệt sau những giờ lao động, tôi thường hay vào những quán đấm lưng của hội người mù để tôi mượn họ đấm lưng, bấm huyệt, tôi sẽ thấy thoải mái hơn, đầu óc thoải mái, tinh thần mạnh khỏe.”

    Thực ra việc không nhìn thấy thì đi lại rất khó khăn. [...] Đó là khó khăn thứ nhất. Khó khăn thứ hai là việc đi hát của chúng em bị nhà nước cấm.
    Anh Hải, một người khiếm thị hát rong

Hát rong, có lẽ cũng hiếm có ai hát hay hơn những người mù. Bởi ngoài ý nghĩa công việc kiếm cơm mỗi ngày, dường như những người mù đã ký thác tâm sự, thân phận vào giọng hát. Mỗi lần nhả chữ là một lần tự sự với số phận riêng chung. Có lẽ do vậy mà bất kì người khiếm thị nào hát rong kiếm cơm cũng có chất giọng truyền cảm và đau đớn một cách lạ thường. Nhưng, đau đớn hơn là công việc chân chính này đang bị nhà nước cấm, những người khiếm thị kiếm cơm bị đẩy vào tình trạng phi pháp.

Anh Hải, một người khiếm thị hát rong ở chợ Đồng Đăng, Lạng Sơn, cho biết: “Thực ra việc không nhìn thấy thì đi lại rất khó khăn. Người ta thiết kế cho chúng em một cây gậy để tránh xe, ổ gà, ổ vịt, vật cản... Đó là khó khăn thứ nhất. Khó khăn thứ hai là việc đi hát của chúng em bị nhà nước cấm. Chúng em mong muốn nhà nước tạo điều kiện để anh em chúng em có thể hành nghề.”

Những đồng tiền lẻ kiếm được từ những ngày rong ruổi hát rong hay từ những buổi vật vã với công việc tẩm quất, nắn gân, day huyệt, tạo thư giãn cho khách chưa bao giờ có thể giúp họ vượt qua cái nghèo, sự thiếu thốn hằng ngày. Bởi cho dù có tẩm quất giỏi nghề cỡ nào đi nữa, người khiếm thị vẫn được trả tiền công rất thấp so với người mắt sáng. Người hát rong có hát hay và có trách nhiệm với nghề hát cỡ nào vẫn bị xếp vào nhóm hát rong ăn xin trong xã hội Việt Nam. Đó là chưa muốn nói đến chuyện họ có thể bị lợi dụng, xúc phạm. Nhưng họ luôn tự nhủ lòng phải biết tha thứ cho kẻ đã xúc phạm họ.

    Đặc thù công việc của tụi em là tiếp xúc rất nhiều khách hàng. Trong đó có rất nhiều khách hàng họ hiểu biết, thông cảm, chia sẻ với tụi em nhiều trong cuộc sống. Nhưng cũng có nhiều khách không hiểu mình, đôi khi họ cũng chỉ lỡ lời chút thôi, những câu nói, họ không thông cảm cho mình lắm! Nhưng tụi em như vậy quen rồi, cái nghề của mình thì mình phải hết sức thông cảm, không nên để cái tự ái quá cao trong cuộc sống.
    Anh Hùng, người khiếm thị hát rong và tẩm quất

Chị Liên, người khiếm thị làm nghề tẩm quất, than thở: “Em làm nghề này cũng rất khó, nhất là em là con gái, nhiều khi cũng gặp khách kiểu này kiểu nọ, liên quan đến tiền bạc thì ít thôi nhưng nhiều người họ buông những lời rất khó nghe, nhất tụi em là con gái. Cũng có khách trêu ghẹo, em mong sao là tụi em đã khó khăn rồi, nếu họ đã vào đây rồi thì tụi em chỉ mong là họ có sự tôn trọng tụi em chút thôi.”

Anh Hùng, người khiếm thị hát rong và tẩm quất từ Hà Nội lên Lạng Sơn kiếm sống, cho biết thêm: “Đặc thù công việc của tụi em là tiếp xúc rất nhiều khách hàng. Trong đó có rất nhiều khách hàng họ hiểu biết, thông cảm, chia sẻ với tụi em nhiều trong cuộc sống. Nhưng cũng có nhiều khách không hiểu mình, đôi khi họ cũng chỉ lỡ lời chút thôi, những câu nói, họ không thông cảm cho mình lắm! Nhưng tụi em như vậy quen rồi, cái nghề của mình thì mình phải hết sức thông cảm, không nên để cái tự ái quá cao trong cuộc sống. Như vậy cũng không tốt cho mình và cũng không giúp mình trong cuộc sống. Mình phải làm sao đó hài hòa giữa mình và khách hàng.”

Những đứa bé có đôi mắt sáng được sinh ra trong gia đình các đôi vợ chồng khiếm thị như một tia hy vọng thay đổi tương lai của họ. Tuy nhiên, để bước vào tương lai, những đứa bé nghèo có cha mẹ khiếm thị luôn vấp phải những mặc cảm bởi sự nghèo khổ của bản thân và sự kỳ thị của xã hội, nhất là một xã hội cuốn trong vòng xoáy kim tiền như Việt Nam hiện nay. Những người khiếm thị vẫn chưa bao giờ thoát được bóng đêm cuộc đời đang bao phủ lấy họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét