Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Dư luận về tình trạng càng ngày có nhiều cán bộ “suy thoái” đảng

TMCNN


GNsP (30.03.2017) – Phong trào “tự phê bình” và “phê bình” để kiểm điểm việc thi hành Nghị quyết trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” rơi vào bế tắc khi càng ngày có nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái.

FHpSOlPu

Nguyên nhân do đâu? Hãy nghe Phó Giáo sư-Tiến sỹ (PGS.TS) Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Sau nhiều năm thực hiện các Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, cùng với những kết quả đạt được, tình trạng suy thoái trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có dấu hiệu cho thấy còn phức tạp hơn. Một phần là do thực hiện không nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Nhiều nơi, nhiều chỗ, tự phê bình và phê bình vẫn còn diễn ra qua loa, hình thức, né tránh nên rất ít hiệu quả. Cũng có không ít trường hợp lợi dụng phê bình để công kích, hạ bệ những người mình không ưa hoặc để xu nịnh đối với cán bộ lãnh đạo. Thực tế này cũng lý giải vì sao trong những năm qua, nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra nhưng ít được phát hiện qua quá trình tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy Đảng cơ sở.”
Người thứ hai, ông Nguyễn Đức Hà, Ban Tổ chức Trung ương nhận định: “Việc tự phê bình và phê bình của các tập thể và cá nhân vẫn còn tình trạng nói ưu điểm nhiều, nói khuyết điểm ít, hoặc nếu có nói về khuyết điểm thì cũng cố gắng né tránh một số từ có tính nhạy cảm. Không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, để động viên, khen ngợi. Việc này tôi thấy ở cấp nào cũng có, từ Trung ương đến các địa phương”.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị khu vực 3. Ông góp ý: “Thực tế trong thời gian gần đây, phê bình và tự phê bình mang tính hình thức, dẫn đến hậu quả là sự suy thoái của từng cá nhân. Vì mỗi cá nhân không nhận thấy trách nhiệm của mình đối với những sai phạm, họ lợi dụng những cái đó để hạ thấp người khác. Đồng thời cũng có những biểu hiện ngại va chạm, ngại phê bình vì sợ đụng đến quyền lực. Thực chất là do cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh chống lại những người lợi dụng quyền lực chưa rõ ràng.”
Đến phiên ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: “Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái trong Đảng, khiến lòng tin trong dân với Đảng bị giảm sút.”
Ông Vũ Mão nói tiếp: “Thời gian trước đây, khâu này được coi trọng và làm khá tốt. Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây, việc phê bình và tự phê bình chưa được tốt. Từ Hội nghị TƯ 4 khóa XI đến Hội nghị TƯ 4 khóa XII, khâu này chuyển biến không được bao nhiêu. Thực tế này rất đáng phải suy nghĩ. Đã từng sinh hoạt ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở, tôi thấy rằng việc phê bình và tự phê bình nói chung là yếu, nể nang. Xu hướng nể nang, tránh va chạm dường như đang rất phổ biến, không chỉ ở cấp cơ sở, mà từ cấp trung ương.”
Trích dẫn từ báo An Ninh Thế giới – Bộ Công an, nguyên Ủy viên thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt phát biểu: “Tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân…”
Khi được hỏi về thái độ của nhân dân trước cuộc sống trong xã hội ngày nay, ông Duyệt trả lời: “Tôi thấy ai cũng vui vì cuộc sống bây giờ hơn hẳn trước; nhưng còn nhiều trăn trở, tâm tư. Người ta bất bình với những hiện tượng tham nhũng, sống không minh bạch, giàu có một cách không chính đáng… Người ta hay nghĩ ngợi nhiều, nói nhiều đến vấn đề xuống cấp của đạo đức xã hội. Ở đấy, tôi gặp cả những người suốt đời đi theo Đảng, nhưng bây giờ thì trăn trở với những vụ việc tiêu cực của một số Đảng viên của Đảng.”
Tình hình các bậc cha chú mánh mung như thế thì lý do thanh niên đã phai nhạt lý tưởng, xa rời định hướng XHCN, ca ngợi Chủ nghĩa Tư Bản và các giá trị phương Tây là chuyện đương nhiên. Chả ai dại gì phải hết lòng vì đảng cho kẻ ngồi mát ăn bát vàng hưởng hết.
Đó là chuyện thường tình đang lan rộng trong xã hội ta ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét