Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Việt Nam: Xung đột chính trường, báo nhà nước mở ‘mặt trận thứ hai’?




 

Việt Nam hiện có hơn 1,000 tờ báo cùng các đài phát thanh truyền hình. (Hình: Getty Images)


 Hai loại “máu mặt”



Trong tổng số 858 tờ báo in, 105 báo điện tử và 66 cơ quan phát thanh, truyền hình của chính quyền Việt Nam, chỉ có khoảng 25-30 báo là có “máu mặt.” Với những quan chức cao cấp của đảng mang tư tưởng cố thủ quyền lực và lợi ích, tham vọng khuấy đảo chính trường, tìm mọi cách để “vươn lên một tầm cao mới” và ít nhiều thẩm lượng được vai trò dẫn dắt của báo chí trong bối cảnh truyền thông đang tác động mạnh đến nhận thức người dân, nếu không biết “mượn tay” báo thì chỉ có “vứt đi.”



Khoảng 25-30 tờ báo có “máu mặt” hiện thời lại được phân thành 2 loại: loại không thể có được lượng độc giả lớn nhưng lại có “đẳng cấp chính trị” và được phổ biến đến từng chi bộ cơ sở và chi bộ khu phố như Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tạp chí Cộng Sản.



Loại thứ hai, tuy không được liệt vào “loại một” về vai vế chính trị, nhưng lại có lượng người đọc từ khá đến cao, như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Vietnamnet, Vnexpress, Zing,…



Chẳng hề ngẫu nhiên mà từ giữa năm 2016 và đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay, bất chấp tình cảnh báo chí nhà nước bị “kim cô” Tuyên Giáo Trung Ương siết chặt cùng một số lượng chưa từng có lãnh đạo, phóng viên báo bị kỷ luật, tâm lý ứng phó với báo chí của giới quan chức từ trung ương xuống địa phương không những không gia tăng thái độ coi thường mà lại có chiều hướng theo dõi và “có tật giật mình” nhạy bén hơn.



Vì sao lại xuất hiện khuynh hướng có vẻ bất thường như thế?



Lo “thế lực thù địch” bên ngoài thì ít, mà sợ “nội bộ” bên trong lại cuống cuồng hơn hẳn.



Sau Tết Nguyên Ðán 2017 ít lâu, một chiến dịch được coi “chống tham nhũng” không tuyên bố bùng lên trên mặt báo chí. Không chỉ là cách “đánh” vào những quan chức đã về hưu như cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng như trước đây, mà “nhắm” thẳng vào những quan chức cao cấp đương nhiệm như Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa, Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Ðà Nẵng, Huỳnh Ðức Thơ – Chủ tịch Ðà Nẵng…



Nếu cả Văn Nghệ Trẻ – một tờ phụ san của Hội Nhà Văn Việt Nam mà chỉ có lượng người đọc năm bảy ngàn – còn “tham chiến” vụ “một rừng không thể hai cọp” ở Ðà Nẵng, người ta có thể nhận ra tương lai của “mặt trận thứ hai” của báo giới nhà nước là hiện hữu, rất hiện hữu.



Từ “mặt trận thứ nhất” đến “mặt trận thứ hai”



“Mặt trận thứ nhất” đã tồn tại từ nhiều năm qua: mạng xã hội.


 Việt Nam: Xung đột chính trường, báo nhà nước mở ‘mặt trận thứ hai’?

Số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện đã hơn 20 triệu người. (Hình: Getty Images)


Bắt đầu từ năm 2012 và trước Hội Nghị Trung Ương 6 của đảng cầm quyền, mạng xã hội đã chính thức được những bàn tay ẩn giấu mà dư luận nghi là trong đảng lợi dụng để tung ra rất nhiều thông tin đánh phá lẫn nhau trong nội bộ. Hẳn hình ảnh ấn tượng nhất vào lúc đó là khi kết thúc Hội nghị 6, Tổng Bí Thư Trọng phải rơi lệ mà chẳng kỷ luật được “đồng chí X” nào.



Ðến cuối năm 2014, đầu năm 2015, “mặt trận thứ nhất” đã tạo được hiệu ứng công phá mãnh liệt với sự xuất hiện của trang Chân Dung Quyền Lực cùng vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của nhân vật sắp trở thành cố trưởng ban nội chính trung ương – ông Nguyễn Bá Thanh. Ðể vào giữa năm đó, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bật phát trong một cuộc họp “không cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à!…”



Truyền thông nhà nước cũng chính thức chạy theo mạng xã hội kể từ vụ Nguyễn Bá Thanh.



Ðến giữa năm 2015, một lần nữa báo giới nhà nước lại như tỉnh ngủ trước vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” mà mạng xã hội lôi ra nhiều thông tin kinh khiếp.



Nhưng xét cho cùng, truyền thông nhà nước đã chỉ chạy theo mạng xã hội trong hai vụ Nguyễn Bá Thanh và Phùng Quang Thanh với mục đích chính để tăng lượng người đọc, còn ý đồ chính trị vẫn còn lẩn khuất mà khó có thể nhận ra.



Mọi chuyện chỉ trở nên phát lộ hơn với nhân vật thứ ba của “vận số Tam Thanh”: Trịnh Xuân Thanh. Ðó là vào nửa cuối năm 2016 – bối cảnh mà quyền lực của Tổng Bí Thư Trọng không còn giữ được đỉnh điểm như ngay sau Ðại Hội 12 và đã bắt đầu xuất hiện những nhân vật “đối trọng” với ông. Một số tờ báo nhà nước đã được “tổng động viên” để phục vụ chiến dịch công kích Trịnh Xuân Thanh, qua đó gián tiếp công kích những người đứng sau Thanh trong vụ làm lỗ hơn 3 ngàn tỷ đồng tại PVC và những “bóng ma” đã giúp cho Thanh trơn tuột khỏi vòng tay yêu thương của đảng.



Tháng Chín năm 2016, trùng với biến cố ghê gớm “cả ba bị bắn” tại Yên Bái, vụ đại tá công an kiêm tổng biên tập báo Petrotimes là Nguyễn Như Phong bị cách chức thần tốc bởi ít nhất một nguyên do công khai là đăng lại bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió, nếu không muốn nói về một nguyên nhân ngầm kín có thể ghê gớm hơn nhiều, đã trở thành minh chứng hiển thị nhất cho biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong báo giới đảng. Có thể cho rằng đến lúc này, “mặt trận thứ hai” đã chính thức được xác nhận.



Từ đầu năm 2015 đến nay, Chân Dung Quyền Lực “bỗng dưng” biến mất. Nhưng trám vào lỗ hổng có chủ ý ấy là hàng loạt blog và facebook “đấu tranh chống tham nhũng và nhóm lợi ích.” ‘Mặt trận thứ nhất” đã tự chuyển hóa và ngay cả giới bảo thủ nhất trong đảng cũng trở nên khôn ra để lợi dụng nó, song trùng với “mặt trận thứ hai.”



Hội nghị trung ương 5!



Ðiểm khác biệt cơ bản giữa hai hoạt cảnh chính trường Việt Nam trước và sau đại hội 12 là không có và bắt đầu hình thành “mặt trận thứ hai” của báo chí nhà nước. Còn nhớ khi bầu không khí trở nên hết sức căng thẳng trước đại hội 12, hầu hết các tờ báo nhà nước đều im bặt mà chỉ theo dõi những diễn biến sôi sục của đủ các loại đơn thư tố cáo nội bộ tung hứng nhảy nhót trên mạng xã hội. Nhưng đến nay thì một bộ phận mạng xã hội lẫn một bộ phận báo chí nhà nước đang “đồng chí” trong một chiến dịch đánh nhau tung tóe.


 Việt Nam: Xung đột chính trường, báo nhà nước mở ‘mặt trận thứ hai’?

Nhiều phe phái tại Việt Nam đang mượn tay báo chí để triệt hạ nhau. (Hình: Getty Images)


Giờ đây, một lần nữa từ sự kiện Ðại Hội 12, đơn thư tố cáo nội bộ lại như bươm bướm trên mạng xã hội. Không mạnh bạo như mạng xã hội, nhưng một số tờ báo nhà nước cũng không bỏ qua những chi tiết sâu hiểm nhất theo cách diễn đạt gián tiếp.



Bối cảnh hiện thời lại đang chờ đợi Hội nghị trung ương 5 của đảng cầm quyền. Ðáng lý ra, hội nghị này đã phải diễn ra vào tháng Ba theo thông lệ. Nhưng sau đó lại có dư luận cho rằng Hội Nghị 5 bị “hoãn” vì một số lý do nào đó. Cũng có người cho rằng hội nghị này chưa thể tổ chức được nếu ai đó chưa hoàn thành cơ bản một số đầu việc “thanh lý” nào đó.



Thực ra, việc một hội nghị trung ương bị hoãn là hiếm xảy ra trong nội bộ đảng. Một trường hợp hiếm hoi là hội nghị trung ương 10 đã bị hoãn đến gần 2 tháng vào thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015. Khi đó có hai diễn biến chính trị chủ yếu làm sôi trào công luận là vụ ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng Ban Nội Chính Trung Ương – bị ung thư và phải điều trị tận Hoa Kỳ, sau đó là tin đồn về ông Thanh đã chết và thi thể được đưa về Việt Nam; và cuộc chạy đua trong đảng khi tổ chức “thăm dò uy tín trong Bộ Chính Trị,” với kết quả ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu bảng tổng sắp – theo rất nhiều nguồn tin.



Còn vào lần này, cũng có thể đang tiến hành một chiến dịch “tái cơ cấu nhân sự” ở Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, cùng một cuộc chạy đua nào đó, có thể cả “thăm dò uy tín”… Và cả “thanh lý.”



Cùng lúc bùng nổ trận thư hùng giữa một số lực lượng trong đảng từ cấp trung ương xuống cấp địa phương: vụ Hà Văn Thắm – Ngân hàng Ðại Dương có liên quan đến 800 tỷ đồng “mất tích” của Tập Ðoàn Dầu Khí Quốc Gia (PetroVietnam), vụ đại gia Trầm Bê đứng trước nguy cơ bị “hồi tố,” vụ MobiFone được “xới” lại, rồi đến các vụ việc quyết chiến trong giới quan chức ở Thanh Hóa và Ðà Nẵng, có thể cả Bình Ðịnh và lan xuống các vùng dưới của đất nước theo đà “Nam tiến”…



Báo Thanh Niên đã trở thành mũi tiên phong trong trận “mổ cặp bài trùng” Trịnh Văn Chiến (bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa) với người cùng họ Trịnh là Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của một tập đoàn “khủng” là FLC. Không ít dư luận nhận định về một chiến dịch của một lực lượng chính trị nào đó muốn triệt “dây Thanh Hóa” vốn đã tồn tại từ lâu trong đảng.



Và báo Thanh Niên càng trở nên tiêu điểm khi tung ra loạt bài “đánh” Tập Ðoàn Dầu Khí PetroVietnam.



Có dư luận cho rằng nội dung “điều tra” của tờ Thanh Niên được cung cấp từ nguồn Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của ủy viên Bộ Chính Trị Trần Quốc Vượng.



Sau Thanh Niên, một số tờ báo nhà nước có lượng người đọc tương đối lớn cũng quyết định tham chiến “mặt trận thứ hai.”



Ai sẽ bị ‘vứt đi”?



Ở một chiều kích có vẻ khá trái ngược với ý đảng, lại có dư luận “chỉ mặt điểm tên” một số quan chức thuộc ngành tuyên giáo và quan chức báo chí đang âm thầm thúc đẩy “mặt trận thứ hai.” Dẫn chứng Nguyễn Như Phong của Petrotimes vẫn còn sờ sờ đầy sống động.



Còn tuyên giáo đảng thì sao?



Mặc dù vẫn nắm trọn quyền “quy hoạch báo chí” cùng lưỡi gươm lơ lửng trên đầu những tổng biên tập báo có dấu hiệu bất tuân thượng lệnh, vào lúc này Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn dường như không còn được uy quyền sinh sát như thời điểm giữa năm 2016. Thậm chí vào cuối năm 2016 khi có đến hai chục tờ báo tự động biến phát ngôn “Ai cho phép xây nhà 50 tầng” của Thủ Tướng Phúc (ám chỉ công trình của chủ đầu tư Phạm Nhật Vượng) thành “nhà cao tầng,” người ta chẳng hề thấy bóng dáng của ông Trương Minh Tuấn từ đó đến nay, cho dù chỉ mới trước đó ông Tuấn đã xử lý mạnh tay nhiều tờ báo đăng bài “đánh” nước mắm truyền thống…



Thời thế đã thay đổi. Ðang biến đổi hẳn và còn có thể biến động khôn lường. Hiểu một cách nào đó, kết quả chính trị được kết cấu bằng cuộc chiến truyền thông. Ðể đến một lúc nào đó thể chế chính trị Việt Nam lộ ra hơi hướng “nhiều hơn một đảng,” những quan chức cao cấp nào không biết tranh thủ mạng xã hội và sở hữu trong tay vài ba tờ báo nhà nước để đấu đá và vận động tranh cử thì sẽ chỉ còn mang thân phận “vứt đi.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét