Bà Đầm Trẻ
Ở Việt Nam, phương pháp sử dụng nắm
đấm để giải quyết mâu thuẫn thường xuyên được sử dụng. Có lẽ do việc sử dụng vũ
lực để đạt được mục đích đã in sâu vào máu của người Việt nói riêng và người
châu Á nói chung.
Tất nhiên không chỉ riêng người
Việt và người Á châu mà cả thế giới đã sử dụng chiến tranh để đạt được mục đích
chính trị. Rất may mắn là sự tiến bộ của xã hội đã đưa thế giới thoát ra khỏi
bóng ma của bạo lực. Nhưng không hẳn là toàn bộ. Việt Nam là một ví dụ điển
hình nhất trong số các nước vẫn còn tình trạng bạo lực dù không có chiến tranh,
không có bom đạn.
Không khó để nhận thấy điều đó.
Nó xuất hiện rõ rệt trong những trang báo mạng lẫn báo giấy, nó phơi bày rõ
trong các clip trên youtube, facebook… và nó cũng hiện hữu qua cuộc sống hằng
ngày mà chúng ta có thể mắt thấy, tai nghe. Tình trạng đánh nhau, chém nhau vì
những lý do “lãng xẹt”. Bạo lực xuất hiện ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi
thành phần trong xã hội. Ngay cả những em học sinh, ở độ tuổi vị thành niên
cũng sẵn sàng đánh hội đồng bạn học đến đổ máu, bắt bạn học phải liếm giày hay
lột đồ. Mới đang tuổi ăn, tuổi lớn mà đã có hành động dã man như vậy rồi thì
nói gì đến tương lai? Lớn hơn một chút, ở lứa tuổi thanh niên, rất nhiều vụ đâm
chém kinh hoàng thậm chí là dẫn đến chết người. Đây cũng là lứa tuổi gây ra nhiều
vụ ẩu đả nhất.
Không chỉ riêng việc bạo lực về
thể xác mà bạo lực về mặt tinh thần cũng đáng báo động. Người Việt hầu như
không có khái niệm về tranh luận. Mỗi khi xảy ra bất đồng thì hành vi nhục mạ,
tấn công bằng lời lẽ thô tục cũng xảy ra thường xuyên. Thậm chí còn kéo cả hội
vào chỉ để lăng mạ, đả kích một cá nhân nào đó bất đồng quan điểm, hoặc làm những
việc mà họ cảm thấy không ưa… Hành động khủng bố tinh thần cũng được xếp vào loại
tội phạm ở một số quốc gia tiến bộ.
Tại sao người Việt lại hung hãn đến
vậy?
Dễ hiểu thôi. Bởi đầu tiên vì vấn
đề này liên quan rất nhiều đến giáo dục. Giáo dục quyết định rất nhiều về trình
độ dân trí. Khi dân trí cao thì xã hội sẽ dùng lời nói và trí tuệ thay cho những
lời nhục mạ và nắm đấm. Dân trí thấp đồng nghĩa với việc trí tuệ kém, dẫn đến bạo
lực. Hãy nhìn nhận cho kỹ vấn đề. Khi nền giáo dục được điều hành bởi một chế độ
sinh ra từ họng sung và được nuôi dưỡng bằng sự dối trá thì nền giáo dục đó có
nâng cao được dân trí không?
Nhân tiện nhắc đến hai từ “CHẾ ĐỘ”
thì cũng nhắc luôn đến cách làm việc của các cơ quan công quyền. Cách làm việc
của họ không mấy thân thiện. Đó là việc lạm dụng bạo lực, nó được xem là phương
pháp để thực thi pháp luật, là công cụ để trấn áp, là phương tiện để làm việc.
Không ít lần những nghi phạm chưa được đưa ra xét xử mà đã chết trong đồn công
an. Cũng không ít lần các cuộc biểu tình ôn hòa bị dập tắt bởi bạo lực. Đối với
các em học sinh, một người công an nhân dân là hình mẫu lý tưởng để bảo vệ công
lý, thực thi pháp luật, là chính nghĩa… mà dùng nắm đấm để làm việc thì dĩ
nhiên các em cũng xem hành động của hình mẫu là thứ đáng để học hỏi.
Tiếp đến là tâm lý “thượng đội hạ
đạp”. Nếu nói cơ quan công quyền là đại diện cho một nhà nước mà quyền lực tối
cao nằm ở pháp luật, thì việc sử dụng bạo lực cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm
lý chung của xã hội. Người xưa có câu: “Thượng bất chính, Hạ tất loạn”. Nói dễ
hiểu là: Công an dùng bạo lực để thực thi pháp luật. Đối với người dân sẽ xem
cách làm việc đó là cách giải quyết hiệu quả thì họ sẽ áp dụng nó vào cuộc sống
hằng ngày nếu có xảy ra mâu thuẫn. Dĩ nhiên là một người dân không thể nào làm
gì khi bị một anh công an phạt chỉ vì một lý do nào đó mà họ biết đó là lý do
vô lý. Nếu phản ứng lại thì ăn luôn một trận no đòn. Nhưng nếu chỉ vì tranh chấp
nhỏ với một người bình thường khác thì câu chuyện sẽ lái đi một hướng khác: Cãi
cọ, đánh nhau… tất nhiên rồi!
Mặt khác, nếu một người bình thường
bị một người khác có địa vị cao hơn, giàu có hơn, quyền lực hơn o ép thì họ sẽ
chịu thua bởi sợ phiền phức. Họ nhìn vào đó để ghi nhớ và làm hành động tương tự
nếu gặp người thua kém mình. Nếu không đạt được mục đích thì dùng bạo lực. Nếu
đưa ra pháp luật để giải quyết, tất nhiên kẻ lắm tiền nhiều của sẽ thắng. Điều
này tạo ra một vòng luẩn quẩn trong xã hội, một sự bế tắc không lối thoát và
suy cho cùng thì cũng là do nền tư pháp ngập tràn tham nhũng gây ra. Tất cả là
do niềm tin của người dân đối với chính quyền bất minh.
Tâm lý thượng đội hạ đạp này cũng
chính là căn nguyên hình thành nên cái hèn của người Việt. Người Việt có thể
đâm chém nhau không thương tiếc. nhưng họ lại có thể ngó lơ những việc ảnh hưởng
trực tiếp đến họ. Họ có thể giết nhau chỉ bởi một câu nói sai nhưng họ cũng có
thể bỏ qua cho những kẻ đang ăn cướp những đồng thuế của họ. Họ có thể miệt thị
những người đang cùng bị kẹt xe với họ, nhưng họ lại bỏ qua cho kẻ là nguyên
nhân chính gây ra việc kẹt xe.
Cụ thể hơn. Một anh thanh niên ngồi
nhậu với bạn, chỉ vì bạn của anh ta góp tiền ít hơn nên anh ta đánh bạn mình.
Nhưng anh ta quên mất một vấn đề nguy hiểm tới tính mạng của mình, đó là trong
đĩa mồi của anh ta có đầy chất độc, trong chai rượu của anh ta chứa đầy chất
hóa học. Nếu có biết ai là kẻ đứng đằng sau chuyện này thì anh ta chắc chắn
cũng bỏ qua và nói: “Kệ chứ biết sao giờ? Ai mà chẳng phải ăn, uống mấy thứ
này?”. Hay một anh chàng yêu nước, sẵn sàng chửi bới, đánh đập một ai đó tỏ ra
khinh thường lãnh tụ của anh ta, nhưng anh ta lại bỏ qua cho những kẻ đang bán
từng tấc đất, từng đường biển cho kẻ xâm lược. Hoặc một ví dụ khác, một ông xe
ôm có thể đánh khách của mình chỉ vì họ thiếu mấy đồng bạc lẻ, nhưng ông ta lại
cố tình không quan tâm tới những kẻ đang ăn xương máu của ông qua những đồng
thuế mà ông đóng (thuế xăng, thuế đường, thuế bãi v.v…)
Không chỉ hèn nhát không dám đối
diện với kẻ thù thực sự mà sự hèn nhát còn thể hiện qua cách ứng xử. Người Việt
còn không dám đối diện với sự thật, họ chỉ muốn nghe những lời tán dương khen
ngợi dù giả tạo và tởm lợm vô cùng. Nhưng phản ứng khi nghe những sự thật để sửa
đổi thị họ lại tỏ thái độ thù ghét, mặc dù đó là những lời góp ý chân thành. Ví
dụ như khi được khen “Việt Nam là một đất nước hòa bình, ổn định. Người dân dễ
mến, thân thiện” thị họ lại rất thích thú và tự hào. Nhưng khi nghe những lời
nói thật như “Việt Nam bạo lực tràn lan, đụng tới cái gì cũng sợ bị uýnh. Người
Việt Nam hung hăng, ưa bạo lực”. Mặc dù đó là lời nói thật nhưng thay vì lắng
nghe để sửa đổi thì họ lại tỏ thái độ thù địch. Đó là một tâm lý cực kỳ nguy hại.
Nếu muốn nghe những lời tán dương khen ngợi thì mãi mãi Việt Nam vẫn là một chú
lùn của thế giới.
Hãy nhìn những cường quốc trên thế
giới. Ví dụ như Nhật Bản. Họ rất điềm đạm và thông minh, họ giải quyết vấn đề với
nhau bằng đầu óc, khó lắm thì đưa ra pháp luật xử lý. Mặc dù trong quá khứ họ
là một quốc gia khát máu và hiếu chiến. Khi có vấn đề liên quan trực tiếp đến
cuộc sống của họ thì họ biểu tình đòi chính phủ phải thay đổi. Không có một
chút gì gọi là bạo lực. Và thực tế cả thế giới phải ngưỡng mộ họ. Họ lớn mạnh
không phải vì những lời khen ngợi mà họ lớn mạnh bằng ý thức về quốc gia của họ.
Họ dám nhìn thẳng vào các vấn đề mà họ gặp phải để rồi giải quyết nó chứ không
phải để giải thích. Đơn giản họ có niềm tin vào pháp luật, họ có niềm tin vào
chính phủ và chính phủ của họ luôn đảm bảo được niềm tin đó với tinh thần,
trách nhiệm cao. Với luật pháp công bằng và minh bạch.
Còn Việt Nam chúng ta? Để trở
thành một cường quốc thì còn rất nhiều thứ phải làm. Trước tiên phải xóa bỏ được
bóng ma bạo lực cùng với sự hèn nhát đang có, mà nguyên nhân chính đó là tư duy
của người Việt. Nếu xóa bỏ được cái tính cách thích dối trá mà lại ghét sự thật
để nhìn thẳng vào vấn đề thì chúng ta có thể từng bước phát triển. Bằng không
thì với một nhà nước đầy dối trá và bạo lực như hiện nay. Thì đừng mơ có được sự
thay đổi. Nếu muốn thay đổi xã hội, nếu muốn thay đổi cách làm việc của nhà nước
thì trước tiên phải thay đổi chính bản thân mỗi chúng ta, những thành phần tạo
nên xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét