Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Phân tích một số tình tiết vụ án Đoàn Thị Hương-Kim Chol



 

Diễn biến và kết quả của Vụ án Đoàn Thị Hương sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào? Bài viết sau đây xem xét một số khía cạnh và giả thiết xung quanh vụ án hình sự – chính trị quốc tế đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế này.

Khái quát vụ việc

Ngày 13/2/2017, một công dân CHDCND Triều Tiên, tên trong hộ chiếu ngoại giao do CHDCND Triều Tiên cấp  là Kim Chol (nhưng lại được cho là Kim Jong-nam, anh trai của Kim Jong Un, lãnh đạo cao nhất của đất nước này, và là người đã thường trú lâu năm tại Macau – Trung Quốc), đã bị hai phụ nữ tiếp cận và bôi vào mặt một loại chất (sau này được nhận định là VX, một hóa chất cực độc đối với thần kinh con người, được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt và bị cấm theo Công ước vũ khí hóa học năm 1993) ở ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur- Malaysia. “Nạn nhân” đã chết trên đường đến bệnh viện.

Vài ngày sau đó, ngày 15 tháng 2, Đoàn Thị Hương, một nữ công dân Việt Nam, đã bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur, khi quay lại sân bay này và vẫn mặc chiếc áo có in dòng chữ LOL mà cô mặc khi thực hiện vụ “đầu độc”, do bị nhận dạng dựa trên băng ghi hình của camera an ninh của sân bay trùng khớp với nhân dạng của một trong hai người phụ nữ đã tiếp cận ông Kim. Sau đó một phụ nữ là công dân Indonesia được cho là người cùng thực hiện vụ việc với Đoàn Thị Hương cũng bị bắt. Theo pháp luật của nước sở tại, Hương bị giữ 7 ngày để điều tra. Cô thừa nhận đã trực tiếp tham gia thực hiện vụ “bôi hóa chất” vào mặt nạn nhân, nhưng khai là không biết tên của người này, và rằng cô đã tưởng đây là một trò đùa sẽ được quay phim và phát trên truyền hình. Sau khi hành động, cô không thấy những người bạn của mình và đã lên taxi rời khỏi sân bay…

Ngày 11/2/2017, Đoàn Thị Hương lần cuối post lên Facebook mang tên “Ruby Ruby”. Chi tiết địa điểm check-in cho thấy cô đang ở gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Tin tức cho hay điều tra của cảnh sát cũng cho thấy Hương dường như đã dẫn bạn trai (hiện cũng bị tình nghi) về Việt Nam mua sắm, và cô cũng đã từng đến Campuchia vài ngày để được huấn luyện và tập dượt “kịch bản” xịt chất lỏng vào mặt một người đàn ông, mà có thể cô đã biết mặt qua ảnh, nhưng không biết tên. Tin thêm cho biết, người bạn trai của Hương là con một cựu Đại sứ Triều Tiên ở Hà Nội, nói tiếng Việt thông thạo, từng ở lại Việt Nam thực tập tại Đại sứ quán Triều Tiên sau khi bố anh này hết nhiệm kỳ, về nước. Điều tra của cảnh sát cũng cho thấy Hương đã ở Kuala Lumpur vài ngày ngay trước khi xảy ra vụ việc, nhưng liên tục thay đổi chỗ ở và dường như đã dùng tên giả.

Ngày 1 tháng 3, lúc 10g15 sáng (giờ Malaysia) tại phiên tòa luận tội, Tòa kết luận Đoàn Thị Hương đã phạm tội giết người và theo điều 302 bộ luật hình sự của Malaysia, người phạm tôi này có thể phải chịu án ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là đến tử hình. Chủ tọa phiên tòa hỏi nghi phạm Đoàn Thị Hương “Cô có hiểu điều đó không?” Đoàn Thị Hương trả lời rõ ràng: “Tôi hiểu. Nhưng tôi vô tội.” Sau khi phiên tòa công bố cáo trạng kết thúc, Tòa công bố sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13 tháng 4, vì cần thêm thời gian để thu thập tất cả các tài liệu cần thiết. Luật sư Malaysia bào chữa chính cho Hương, ông Shanmugam, khẳng định ông có niềm tin nội tâm là cô này vô tội.

Malaysia đã cho giảo nghiệm (mổ tử thi) người chết, và đã có kết luận ông này là anh trai cùng cha, khác mẹ của Kim Jong Un, lãnh tụ đương quyền của Triều Tiên, chết do bị nhiễm chất độc VX; trong khi Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc khẳng định người chết là một công dân Triều Tiên có tên là Kim Chol như đã ghi trên hộ chiếu ngoại giao, chết do bị trụy tim, chứ không phải là bị hạ độc (?). Đồng thời phía Triều Tiên cũng nằng nặc đòi Malaysia trao trả thi thể người chết cho nước này, trong khi Malaysia vẫn chưa chịu trao trả. Hiện nay Luật sư của Hương đang yêu cầu mổ tử thi lần hai để cho giám định lại, tìm nguyên nhân tử vong.

Sau khi xảy ra sự việc, cảnh sát cũng bắt giữ một nam công dân Triều Tiên, được cho là có liên quan nhưng đã phóng thích người này sau đó. Tuy nhiên có khoảng 3-4 công dân Triều Tiên bị nghi là điệp viên và có liên quan đến vụ việc, đã bị truy nã đỏ quốc tế và hiện vẫn còn ẩn náu trong tòa Đại sứ quán Triều Tiên ở Malaysia. Cho tới hôm nay (25/3/2017), cảnh sát Malaysia vẫn bao vây Tòa Đại sứ Triều Tiên ở Kuala Lumpur và theo dõi rất chặt để yêu cầu họ nộp mình và để ngăn cản những kẻ tình nghi rời đất nước này. Malaysia cũng đã rút Đại sứ của mình về và trục xuất Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia. Để đáp lại, Triều Tên cũng ra lệnh cấm xuất cảnh đối với khoảng vài chục công dân Malaysia đang du lịch ở Triều Tiên. Hiện nay, quan hệ giữa hai nước, xưa nay vẫn rất tốt, đang xấu đi nhanh chóng, nhưng giới quan sát quốc tế nhận định rằng khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước sẽ không dẫn đến chiến tranh.

Diễn biến của vụ án có vẻ như sẽ ngày càng phức tạp và có xu hướng lan rộng, khi mà ngay cả Hàn Quốc, quốc gia tưởng chừng như không hề có liên quan, hiện giờ cũng tỏ ý muốn thực hiện điều tra vụ giết người tại Malaysia, đến mức chính quyền nước sở tại phải lên tiếng cảnh cáo, là họ phải xin phép trước khi muốn thực hiện bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào đối với vụ án ở Malaysia.

Các yếu tố ảnh hưởng

Vậy, vụ án Đoàn Thị Hương sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào? Sau đây chúng ta sẽ xem xét một số khía cạnh xung quanh vụ án hình sự – chính trị quốc tế này:

Trước hết, đây không phải là một vụ ánh hình sự thông thường, do nhân thân và hành tung của những nhân vật bị tình nghi là có liên quan. Người chết được cho là thành viên của một gia đình đã có ba thế hệ nắm giữ quyền lực tối cao ở CHDCND Triều Tiên, một quốc gia đã và đang tồn tại một cách đầy thách thức đối với những trung tâm quyền lực nhất, nhì thế giới và không thu được thiện cảm trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, các bị cáo là công dân Việt Nam và Indonesia, những quốc gia có ảnh hưởng nhất định trong khu vực và khối ASEAN và đều có quan hệ tốt đẹp với nước “chủ nhà”. Các nghi can còn lại, đa số là công dân Triều Tiên, được cho là thuộc một hệ thống điệp viên Triều Tiên ở Malaysia và Đông Nam Á.

Nguyên nhân của vụ “ám sát” hiện còn chưa rõ. Tuy nhiên, người chết, được cho là anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, vẫn sống lưu vong ở nước ngoài từ nhiều năm nay, và luôn chỉ trích cách thức cai trị đất nước của em trai mình, trong khi người em lại bị đồn đại là có “bàn tay sắt”, đã hạ lệnh xử tử nhiều thuộc cấp một thời thận cận của ông/cha mình, hay bà con, thân thuộc với mình.

Kịch bản giết người ở nước ngoài bằng độc dược và mang tính chất chính trị thực ra không lạ, nhất là để thực hiện sự thanh trừng trong giới chính khách và điệp viên. Vụ án có nhiều nét tương đồng và gần nhất (2006) với vụ này phải kể đến là vụ cựu nhân viên Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (FSB) Alexander Litvinenko, định cư ở Anh, được cho là đã bị giết bởi một cựu đồng nghiệp và bạn cũ, có tên là Andrey Lugovoy, với triệu chứng “giống như” bị ngộ độc chất phóng xạ Polonium-210. Nạn nhân được cho là đã bị ám sát do chất độc được bỏ vào tách trà mà sau đó người này đã uống, vì khi còn đương chức, tháng 11/1998, đã cùng đồng nghiệp công khai cáo buộc cấp trên ra lệnh ám sát nhà tài phiệt Nga và nguyên Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga Boris Berezovsky. Nghi can hung thủ sau đó cũng phải điều trị do có triệu chứng “giống như” bị nhiễm Polonium – 210, nhưng đã bình phục.

Công tố viên Anh đã khởi tố vụ án chống lại Lugovoy và quy trách nhiệm cho cả FSB. Vụ án đã gây ra khủng hoảng ngoại giao Anh-Nga trong một thời gian, nhưng về sau bị cho… “chìm xuồng”, giống như vẫn thường thấy ở nhiều vụ scandal điệp báo – hình sự- chính trị quốc tế khác.

Đối với vụ án Kim Jong-nam (hay Kim Chol), phía Malaysia coi như đó là một vụ giết người có tính chất hình sự thông thường, trong khi phía Triều Tiên làm lớn chuyện, cho rằng đây là âm mưu chống lại CHDCND Triều Tiên, điều đã được phát biểu chính thức bởi Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Đây chính là một trong những lý do khiến vụ án trở thành một vụ án “điểm” của ngành tư pháp và ngoại giao Malaysia. Về phía Triều Tiên, sự ầm ỹ của vụ án đáng lý ra không nên có trong thời điểm rất nhạy cảm trong quan hệ Tiều Tiên – Mỹ và Trung Quốc, giống như thêm một bất lợi cho Triều Tiên, ḳ̣̣hi tình hình khu vực bán đảo Triều Tiên và cả vùng Đông – Bắc Á đã trở nên hết sức căng thẳng, thậm chí có nguy cơ cao về xung đột quân sự. Triều Tiên xưa nay vốn đã ít bạn, giờ sẽ còn ít hơn, vì bị tình nghi thanh trừng nội bộ một cách tàn độc ở nước ngoài.

Trong bối cảnh như vậy, phía Malaysia càng có lý do để thận trọng, cân nhắc trước sau, vì Triều Tiên vốn có tiếng là “…không sợ súng”, và cũng được cho là đang sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo có tầm bắn, về lý thuyết, có thể vươn tới cả Malaysia. Kết quả của vụ án Đoàn Thị Hương, dù phía Malaysia vẫn phải cố tỏ ra hết sức công minh do vấn đề chủ quyền, rất có thể cũng có những kết quả bất ngờ vào phút chót. Tuy nhiên, do vụ án bây giờ không còn là một vụ hình sự đơn thuần, việc tử hình oan hai mạng người phụ nữ, hoặc tước đoạt mạng sống ́của họ mà không đủ căn cứ thuyết phục, chuốc lấy phiền phức về ngoại giao, thì thà…để cho họ sống, còn hơn.

Thứ hai, phương thức thực hiện của vụ giết người (giả thiết là ám sát) cũng không bình thường. Đó là do sự “cầu kỳ” quá mức qua việc sử dụng chất độc VX để “ra tay” hạ độc đối tượng tại nơi công cộng. Trong quá trình điều tra vụ án, cũng có câu hỏi quan trọng là vì sao các đối tượng bị tình nghi là hung thủ, trực tiếp ra tay với “nạn nhân, tức là cũng tiếp xúc với hóa chất cực độc ở cự ly rất gần, lại gần như không có triệu chứng nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe? Và tại sao chất độc VX lại có thể được vận chuyển, sử dụng dễ dàng đến thế ở Malaysia?

Một số nhà hóa học có uy tín đã đưa ra giả thiết về việc “nhóm thực hiện dự án” đã vận dụng kỹ thuật “nhị phân”, tức là nếu tàng trữ, vận chuyển riêng biệt hai thành phần cấu thành của chất độc VX, thì bản thân mỗi phần đó sẽ hoàn toàn vô hại, và thậm chí không ai có thể đoán ra đó là thành tố cấu thành của loại hóa chất cụ thể nào, khi nhìn thấy chúng. Nếu giả thiết này đúng, thì tức là Hương và nữ “đồng phạm” người Indonesia sẽ phải lần lượt kẻ trước người sau, và trong một khoảng thời gian rất ngắn, tiếp cận “nạn nhân” để bôi đủ cả hai thành tố đã được tẩm vào khăn của chất độc VX lên mặt người này, để các thành tố đó kết hợp với nhau, tạo ra chất cực độc VX, làm “nạn nhân” hít phải, hoặc chất độc thấm qua da người này, gây nhiễm độc và tử vong.

Xét về mặt thực hành, “kế hoạch thực hiện” cũng có những rủi ro cao, chẳng hạn như: một trong hai “hung thủ” vốn đi riêng, có thể sẽ bị trục trặc, không thể đến kịp “giờ G”; hoặc sau khi người thứ nhất hoàn thành “phần công việc” của mình, “nạn nhân” sẽ hoảng hốt đưa tay chùi sạch hóa chất, hoặc bỏ chạy, hay sẽ cảnh giác phát hiện để đẩy lùi “hung thủ” thứ hai trước khi người này kịp tiếp cận mình để hành động. Hoặc rủi ro của kế hoạch cũng có thể là một trong hai, hoặc cả hai, “hung thủ” có thể bị bắt ngay sau khi “gây án”…

Thực tế cho thấy việc lập và thực hiện kế hoạch có vẻ như đã có rất nhiều rủi ro, trong khi những kẻ chủ mưu (nếu có) lại tỏ ra đã biết trước rất rõ thói quen sinh hoạt, quy luật và phương thức di chuyển…, hoặc thậm chí gần như chắc chắn là đã biết cả nơi cư trú và lộ trình của “nạn nhân” ở cả Macau và Malaysia. Nhóm thực hiện “dự án” thực tế đã biết trước chính xác cả thời điểm “nạn nhân” có mặt tại hiện trường để có thời gian tập luyện cho khớp với “kịch bản”, và đã điều các “hung thủ” đến sân bay đúng thời điểm để ra tay hạ sát “nạn nhân“ một cách nhanh gọn.

Do những “kẻ chủ mưu” đã thông tỏ về “nạn nhân” đến thế, câu hỏi là liệu một cơ quan tình báo như tình báo CHDCND Triều Tiên, hẳn đã từng thu xếp nhiều chiến dịch hiệu quả để giúp tồn tại cho một chế độ và đất nước bị bao vây, cấm vận khốc liệt nhiều năm ròng, có nhất thiết cần phải dựng nên một chiến dịch với quy mô… rườm rà đến vậy chỉ để ra tay một cách rất thiếu chuyên nghiệp bởi những “nhà thầu tư nhân” ngáo ngơ như Hương, hay không? Một sát thủ với một khẩu súng ngắn có bộ phận hãm thanh và được chừng vài ba đồng nghiệp “cản đường” dùm; hay một tay bắn tỉa (snipper) với một khẩu súng trường bắn xa có thể tháo rời, cũng đủ để giết chết “nạn nhân” nhiều lần trên đường đi, hoặc ngay tại hiện trường, mà vẫn bảo đảm để thủ phạm ung dung tẩu thoát một cách dễ dàng.

Việc dùng kỹ thuật “nhị phân” để sử dụng chất độc VX trong vụ này, nếu có, có thể do lợi dụng đặc điểm khó bị phát hiện khi vận chuyển riêng rẽ các thành tố, nhưng lại có nhược điểm là để lại dấu vết của chất độc khá lâu, do VX khó bay hơi ở nhiệt độ thường. Nhưng dù việc thực hiện chiến dịch vốn có lẽ đã thuộc loại tuyệt mật, như cách thức và phương tiện thực hiện đã chứng tỏ, dường như những người tổ chức và thực hiện lại đã quá khinh suất, để đến mức bị tóm “đuôi”, lòi ra cả “ổ”, chỉ vì “sát thủ” ngu ngơ vẫn mặc chiếc áo cũ (Có chữ “LOL”), quay lại hiện trường để bị bắt và nhanh chóng khai ra nhiều tình tiết quan trọng giúp phá án. “Sát thủ” hay “diễn viên phim hài” Đoàn Thị Hương rõ ràng không chỉ không có “nghề”, và lại còn may mắn đến không ngờ, do đến trước khi bị bắt vẫn còn chưa bị “cách ly” để bịt đầu mối, là vậy.

Thứ ba, có thể là sự ngu ngơ của Hương lại chính là một điểm rất có lợi, để chứng minh cô ấy hành động do lầm tưởng về mục đích của hành vi của mình. Hoặc cũng có thể lý do “ai đó” đã sơ suất không thèm “xử lý” Hương sau khi “nạn nhân” chết, mà cũng chẳng thèm có biện pháp bảo vệ cô, cũng là do Hương không hề hay biết mình sẽ trực tiếp tham gia giết người, nên những kẻ chủ mưu thậm chí không thèm xóa dấu vết chăng? Việc Hương đổi chỗ ở liên tục mà vẫn không hay biết mục đích thực sự của “vở diễn” cũng logic, vì có thể nó vừa giúp tránh bị theo dõi, vừa tạo ra đôi chút gay cấn, lãng mạn để “diễn viên” cảm thấy yêu công việc hơn chăng? Một số nguồn tin trong nước vẫn cho là Hương từng ước mơ làm diễn viên, người mẫu gì đó…

Xét về mặt logic, nếu những người tổ chức hành động của “chiến dịch” đã phải dùng đến kỹ thuật “nhị phân” để vận chuyển các thành tố của chất cực độc VX, và chỉ cần sử dụng những người không phải là điệp viên, không chuyên về ám sát, thì cách làm tốt nhất là không cần phải cho các “diễn viên” biết trước là họ sẽ phải phối hợp để giết người bằng cách lần lượt xoa đủ hai thành tố của chất độc lên mặt “nạn nhân”, mà vẫn bảo đảm là họ có tâm lý tốt khi thực hiện “trò đùa cho truyền hình”. Giả thiết này có thể sẽ khả tín, nếu xét đến tình tiết là cả hai nạn nhân đều không hề bị trừ khử, hay bị điều sang nước khác, thậm chí là châu lục khác, để xóa dấu vết và nhân chứng có hại cho “tổ chức” sau khi họ hoàn thành vụ “ám sát”. Ngược lại, cả hai “hung thủ” vẫn được tự do đi lại, thậm chí lại còn khinh suất để bị bắt khi quay lại hiện trường sau đó vài ngày. Nghiệp vụ tình báo tồi, hay quả thật những bị cáo này không hề hay biết về mục đích thật sự (giết người) của “chiến dịch”?

Nếu như kịch bản “Thực hiện chương trình hài cho truyền hình” được coi là chứng cứ gỡ tội quan trọng nhất, thì việc bảo vệ thành công “kịch bản” này của một bị cáo có thể cũng sẽ giúp cho cả bị cáo kia thoát tội, và ngược lại. Ngoài ra, nếu nhận định của vị Đại sứ Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc và kết qủa giảo nghiệm thi thể lần hai cho thấy nguyên nhân chết không chắc chắn là do bị hạ độc, mà lại do nguyên nhân bệnh lý khác, thì cộng với việc dấu vết còn lại không rõ ràng của chất độc VX tại hiện trường và trên cơ thể những người tiếp xúc trực tiếp với chất độc, cũng sẽ giúp các bị cáo ít ra có cơ may nhất định để thoát tội “cố ý giết người – án tử”.

Theo thông tin từ giới truyền thông, một trong hai bị cáo đã trực tiếp tiếp xúc với chất cực độc VX, tuy không lâu bằng ông Kim Chol, nhưng cho tới nay cô này vẫn bình yên vô sự. Luật sư Malaysia bào chữa chính cho Hương, ông Shanmugam, có thể sẽ dựa vào những dấu vết hay hàm lượng, nếu có, của chất VX, cũng như những dấu hiệu, triệu chứng của “nạn nhân” trước và sau khi chết để yêu cầu Tòa trưng cầu ý kiến chuyên gia, để xem liệu ông Kim Chol có thể đã chết vì (những) nguyên nhân nào khác mà có thể cũng tạo ra những dấu hiệu, triệu chứng tương tự như khi nạn nhân bi nhiễm độc VX, hay không?

Một yếu tố rất quan trọng để công tố viên Malaysia có thể chứng minh hai bị cáo cố ý giết người, chắc chắn sẽ phải là việc tìm ra và đưa ra tòa (những) nhân vật nào thực sự là kẻ chủ mưu và đứng trong bóng tối ở vụ này, cũng như động cơ của vụ “mưu sát”. Nếu không làm được như vậy, sẽ rất khó để buộc tội hai bị cáo tội “cố sát” chỉ qua lời khai nhận đơn phương của họ, nếu có. Trong khi đó, những kẻ bị tình nghi quan trọng nhất, những đầu mối giúp làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án lại vẫn còn đang ẩn náu. Trong khi đó, có thể số phận của những người Triều Tiên bị tình nghi này sắp tới lại trở nên… sáng sủa, do họ có thể sẽ được phóng thích qua những giàn xếp ngoại giao, vì nhiều lý do khách quan…

Biết đâu sự giàn xếp ngoại giao kia lại còn phụ thuộc vào sự “biết điều” của Triều Tiên trong một nỗ lực quốc tế của một số siêu cường, nhằm đưa quốc gia này ngồi vào bàn đàm phán về việc hủy bỏ chương trình tên lửa và vũ khí nguyên tử của nước này…. Rõ ràng là việc giải quyết êm vụ việc này sẽ giống như một món quà, có lợi cho CHDCND Triều Tiên. Có vẻ như hiện tại cả Bắc Kinh lẫn Washington, và nhất là… Donald Trump, đều đang nóng lòng “ghi điểm” trong đối nội và đối ngoại, như một Người kiến tạo hòa bình ở bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông – Bắc Á. Nếu thiếu vắng những kẻ bị tình chủ mưu này, vụ án Đoàn Thị Hương sẽ kéo dài, thậm chí bế tắc.

Hiện cũng có quan điểm gắn những sự kiện Hương và “đồng phạm” Siti Aishah, người Indonesia, thực tập xịt nước vào “đối tượng” ở nước ngoài như bằng chứng buộc tội “nặng ký”. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ cô ấy tập dượt việc xịt nước bao nhiêu lần và tập dượt ở đâu, mà là ở chỗ Cơ quan Công tố có chứng minh được khi thực tập cô ta hoàn toàn ý thức được rằng mình tập dượt để khi “tốt nghiệp” khóa huấn luyện sẽ: (a) Xịt hóa chất độc hại có thể gây chết người vào mặt “đối tượng”, và (b) xịt hóa chất độc nhằm mục đích giết chết “đối tượng”, hay không? Nếu không chứng minh được, thì việc tập dượt có khi lại thành chứng cứ gỡ tội: tập dượt để xịt nước thường vào mặt ai đó theo kịch bản phim hài, hoàn toàn không biết mình sẽ tham gia ám sát đối tượng.

Thứ tư, một số yếu tố ảnh hưởng khác đến số phận của các bị cáo có thể là:

Malaysia, một đất nước thừa hưởng nhiều nét văn minh từ Khối Liên hiệp Vương quốc Anh, trong đó có tư duy pháp lý và truyền thống tố tụng “đối tụng”, theo đó Công tố viên BUỘC phải chứng minh lời buộc tội, và Bị cáo KHÔNG bị buộc phải chứng minh mình vô tội. Các Bị cáo sẽ không thể bị hỏi cung và kết tội một cách tùy tiện, vi phạm luật tố tụng….

Bên cạnh đó, vì nạn nhân là người nước ngoài, đến từ một đất nước không hề có “quyền lực mềm” trên thế giới, nên vụ chết người không gây nên làn sóng kỳ thị quá bất lợi cho các bị cáo từ phía cộng đồng địa phương, hay đôi chút ấn tượng xấu từ phía (các) thẩm phán. Đây là điểm có lợi cho các Bị cáo.

Cũng còn yếu tố có lợi nữa cho các Bị cáo, là cả hai bị cáo đều là những người nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau, đều có quan hệ ngoại giao khá thân thiện với Malaysia, và đây đích thực là một vụ án quốc tế quan trọng, nên Malaysia sẽ có xu hướng xét xử hết sức chuyên nghiệp, thận trọng, nhưng công minh, để làm “án điểm”.

Việc hiện tại phía Triều Tiên vẫn không công nhận kết quả giảo nghiệm thi thể “nạn nhân”, một cố công dân Triều Tiên, vốn đang bị cho là không khách quan, không có sự chứng kiến của nhân viên sứ quán hay lãnh sự của quốc gia mà “nạn nhân” từng là công dân, cũng sẽ là khó khăn cho phía buộc tội.

Rất tiếc là Malaysia gần đây đã bỏ Tố tụng với Bồi thẩm đoàn, nhưng chắc màn đấu lý căng thẳng mà không kém phần hấp dẫn kiểu “Thẩm vấn chéo – Cross Examination” theo truyền thống Anh – Mỹ vẫn còn. Vì vậy mà vụ án này chắc sẽ gay cấn đến phút chót, có nhiều đất diễn cho Luật sư và Công tố viên.

Hy vọng qua vụ này, tin tức vọng về, nhất là trong trường hợp Bị cáo người Việt không phải nhận án tử, sẽ làm cho tư duy pháp lý và thủ tục tố tụng của Việt Nam được cải tiến theo hướng học tập Malaysia trong việc áp dụng Thẩm vấn chéo (Cross Examination) với thời lượng và phạm vi mở rộng hơn, giữa các Kiểm sát viên giữ quyền công tố và Luật sư của Bị cáo.
***
Tác giả Nguyễn Thanh Tuân, tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội – chuyên ngành Luật quốc tế, là một Luật sư chuyên nghiệp, thành viên Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh. Luật sư Nguyễn Thanh Tuân đang hành nghề tại Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (TRACENT). Những thông tin và phân tích trong bài viết là quan điểm riêng của tác giả, và không nhất thiết là quan điểm của Nghiencuuquocte.org.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét