Cơ sở của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập Bản quyền hình ảnh CSIS/AMTI
Phúc trình của một viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho hay Trung
Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng trên ba đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho phép
triển khai máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự khác.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại
Washington, sau khi phân tích các hình ảnh từ vệ tinh mới nhất, đã kết luận rằng
trên các đảo đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập, Trung Quốc đã xây xong hoặc sắp
xong đường băng, nhà để máy bay, cơ sở radar và kho chứa hỏa tiễn đất đối
không.
Phúc trình ra hôm thứ Hai 27/3 dường như là chỉ dấu rõ ràng
nhất từ trước nay về việc Trung Quốc thông qua việc xây dựng cải tạo đảo đang
củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Các đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập đều thuộc quần đảo Trường
Sa và đều bị bốn bên tranh chấp là Trung Quốc, Philippines, Đài Loan và Việt
Nam, nhưng do Trung Quốc kiểm soát.
Trên các đảo đá này, theo CSIS, Trung Quốc đã xây dựng mỗi
nơi đủ nhà chứa cho 24 chiến đấu cơ và bốn chiếc máy bay cỡ lớn hơn như máy bay
ném bom hoặc máy bay cảnh báo sớm.
Cơ sở tương tự đã được thiết lập trên đảo Phú Lâm thuộc
Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt tên lửa đất đối không di động HQ-9 hơn một năm
nay, và ít nhất một lần đã phóng tên lửa hành trình chống hạm.
Các cơ sở và thiết bị tân tiến trên các đảo nhân tạo này sẽ
cho phép quân đội Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
Phúc trình của CSIS viết: "Bắc Kinh nay có thể chuyển
vũ khí khí tài, kể cả phi cơ chiến đấu và dàn phóng hỏa tiễn di động, tới Trường
Sa bất cứ lúc nào".
Kế hoạch xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc
đã gặp chỉ trích từ Hoa Kỳ và một số nước khác, vốn cho là Bắc Kinh đang quân
sự hóa Biển Đông và thay đổi hiện trạng địa lý để củng cố chủ quyền.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, nói là chỉ xây dựng với mục
đích hòa bình, nhất là để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền lưu thông qua khu vực
này.
Bắc Kinh cũng nhiều lần cam kết tự do hàng hải đối với tàu
bè các nước đi qua Biển Đông.
Tháng trước Ngoại trưởng Trung Quốc nói nước này và khối
Asean đã đạt được dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, nhưng chưa thấy nước
Asean nào phản ứng đồng ý hay bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét