Kim Jong Un và nụ cười khó hiểu.
KCNA via REUTERS
Bắc Triều Tiên càng bắn nhiều tên
lửa chừng nào, nụ cười của Kim Jong Un càng rạng rỡ chừng nấy. Từ một tân lãnh
đạo trẻ tuổi với vóc dáng vụng về, "mặt búng ra sữa", trong chưa đầy
sáu năm, sau một loạt các vụ thử nguyên tử và tên lửa đạn đạo, cháu nội của cha
đẻ nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đang bắt cả thế giới phải "nể
mặt".
Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc
Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp trên trang mạng tờ báo Asialyst, tìm cách giải
mã "nụ cười có phần gượng gạo" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Tác giả bài báo nhắc lại : Ngày
04/07/2017, đúng vào lễ quốc khánh Hoa Kỳ, bốn ngày trước sinh nhật lần thứ 105
cố lãnh tụ Kim Il Sung- Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo liên lục
địa. Mới chỉ cuối 2011, sau cái chết đột ngột của Kim Jong Il, những hình ảnh
chính thức đầu tiên của "tân lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên cho thấy
một Kim Jong Un, còn rất trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và không được chuẩn bị để
nhận lấy trách nhiệm trọng đại của một nguyên thủ quốc gia.
Sáu năm sau, Kim Jong Un đưa ra một
hình ảnh khác hẳn. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên giờ đây đầy vẻ tự tin. Dù đang bị cô
lập trên thế giới, cháu nội của Kim Nhật Thành thách thức cộng đồng quốc tế và
đang mở cánh cửa của câu lạc bộ rất khép kín giữa các nước có trang bị vũ khí hạt
nhân.
Vậy làm thế nào để giải thích sự
thay đổi đó ở một nhà lãnh đạo, mà cho tới khi lên cầm quyền thay cha, thế giới
hầu như không biết gì nhiều về ông ta ?
Trong hai năm đầu ở đỉnh cao quyền
lực tại Bình Nhưỡng, mỗi lần xuất hiện trước công chúng, Kim Jong Un luôn có
dáng điệu vụng về, lạc lõng. Nhưng từng bước, nét mặt của nhà lãnh đạo trẻ tuổi
này thanh thản hơn. Kim Jong Un tự tin hơn với một nụ cười dù có phần gượng gạo.
Nụ cười đó luôn gắn liền với gương mặt bầu bĩnh của Kim Jong Un trên mỗi tấm
hình.
Nụ cười đó ẩn chứa những gì ?
Một nhà quan sát từng đưa ra nhận
định : Trong chưa đầy sáu năm cầm quyền, Kim Jong Un bắn tên lửa đạn đạo và thử
hạt nhân nhiều hơn cả so với những gì thân phụ ông đã làm trong suốt cuộc đời.
Chuyên gia về châu Á, Olivier
Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp nhận định, Liên Hiệp
Quốc đã ban hành khoảng một chục nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên. Tất cả đều
vô ích. Chỉ bốn ngày sau nghị quyết 2375 của Hội Đồng Bảo An, được ban hành hôm
11/09/2017, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong đợt thử
nghiệm gần đây nhất, hôm 15/09/2017, tên lửa của Bắc Triều Tiên bay ngang qua
Nhật Bản trên một hành trình dài 3.700 cây số. Điều đáng nói là các quốc gia
trong vùng, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và kể cả Hoa Kỳ đều lặng im, không một ai
dám bắn chận tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cả Tokyo lẫn Washington cùng tìm
cách biện minh cho thái độ thụ động đó và giải thích là vụ thử nghiệm lần này
"không mang tính đe dọa". Hành trình của tên lửa Bắc Triều Tiên không
nhắm vào các khu vực đông người của Nhật Bản, hay vào các căn cứ quân sự của Mỹ
trong vùng Thái Bình Dương, như là đảo Guam chẳng hạn. Tác giả bài viết đưa ra
một giả thuyết đơn giản hơn : Có lẽ Nhật Mỹ và cả Hàn Quốc đều không dám phản ứng
vì sợ chế độ Bắc Triều Tiên trả đũa.
Hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều
Tiên công bố hơn hai chục bức ảnh cho thấy Kim Jong Un tươi cười, đứng giữa một
rừng sao của các vị tướng lĩnh Bắc Triều Tiên. Số này cũng hỉ hả vui sướng
không kém. Chắc chắn là họ cảm thấy an tâm khi hoàn thành sứ mạng và được trông
thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của vị "lãnh tụ tối cao". Nào là
hình ảnh Kim Jong Un mở tiệc khoản đãi các nhà khoa học Bắc Triều Tiên góp phần
cho thành tích của các chương trình tên lửa và hạt nhân Nước nhà. Nào là hình ảnh
các chuyên gia đang giới thiệu với chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, vị nguyên soái
Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, đầu đạn bom nhiệt hạch có thể được trang
bị cho tên lửa hành trình.
Với chuyên gia Pháp, Olivier
Guillard, đây là một "màn trình diễn" của chế độ Bình Nhưỡng. Trong một
vài tháng trở lại đây, mỗi lần cộng đồng quốc tế ra một quyết định cô lập chế độ
Bắc Triều Tiên, thì tại Bình Nhưỡng, những hình ảnh một ông Kim Jong Un "rạng
ngời" và đầy tự tin, lại càng nở rộ. Người dân nước này vui sướng "đến
điên cuồng". Những người chung quanh Kim Jong Un theo dõi từng cử chỉ, như
uống từng lời nói, lắng nghe từng lời khuyên của "lãnh tụ".
Ở phía nam vĩ tuyến 38, không khí
tại Seoul không được hoan hỉ như vậy
Nhật, Mỹ, Hàn và kể cả Trung Quốc
đều thận trọng và chờ xem họ Kim còn khiêu khích tới đâu. Với tổng thống Hàn Quốc
Moon Jae In, sau bốn tháng cầm quyền, mỗi đòn khiêu khích của Kim Jong Un là một
cú tát tai giáng vào chính sách chìa bàn tay thân thiện của Seoul.
Lãnh đạo Hàn Quốc lại càng trong
thế khó xử, khi mà liên minh Seoul –Washington có dấu hiệu rạn nứt. Chính sách
của Nhà Trắng đối với một đồng minh lâu đời như Hàn Quốc trong tất cả mọi lĩnh
vực, từ kinh tế đến quân sự đều khiến tổng thống Moon Jae In hoang mang.
Ngay từ tháng 11/2016, khi nhà tỷ
phú Mỹ Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Seoul sau giây phút ngỡ ngàng đã
ý thức được rằng trục Mỹ - Hàn có nguy cơ bị lung lay, căng thẳng và bất ổn
tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.
Gần một năm qua, lo ngại đó không
hề được xua tan.
Vậy phải làm gì để nụ cười biến mất
khỏi gương mặt bầu bĩnh và còn "thơm mùi sữa" của Kim Jong Un mỗi lần
ông ta khiêu khích cộng đồng quốc tế ?
Việt Nam, rồi Mêhicô hay Koweit
có trục xuất các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên vẫn không dập tắt nụ cười của
lãnh đạo họ Kim. Tổng thống Trump càng "bắn" đi những tin nhắn trên
Twitter với lời lẽ hung hăng chừng nào, thì ở Bình Nhưỡng "chàng" Kim
lại càng hỉ hả chừng nấy. Kể cả khi cộng đồng quốc tế "đồng thanh"
lên án Bình Nhưỡng bắn tên lửa và ban hành nghị quyết trừng phạt Bắc Triều
Tiên, Kim Jong Un vẫn tiếp tục cười.
Đó là nụ cười khoái trá của một
người làm ngơ trước không biết bao nhiêu rào cản mà quốc tế đã đặt ra cho Bình
Nhưỡng trong suốt hai thập niên qua ? Hay đấy là nụ cười của một nhà lãnh đạo tự
mãn khi thấy đất nước mình đang trở thành một "cường quốc" không sợ bị
bất kỳ một ai đe dọa nhờ có được hậu thuẫn của cả phía Bắc Kinh lẫn Matxcơva ?
Phải chăng đấy là nụ cười đắc thắng của một quốc gia đang tiến gần đến đích, sắp
có vũ khí hạt nhân trong tay để "cân bằng lực lượng" với Mỹ ?
Theo tính toán của Bình Nhưỡng lá
bài "cân bằng lực lượng" với Mỹ bảo đảm cho chế độ được tồn tại.
Nhưng cũng có lẽ là Bắc Triều Tiên còn nhìn xa hơn đến giai đoạn thống nhất bán
đảo Triều Tiên ?
Olivier Guillard, chuyên gia về
châu Á Viện IRIS của Pháp cho là Paris, Luân Đôn, Bruxelles, Washington hay New
York đều không dám nghĩ tới những kịch bản đó. Chỉ biết là sau những thành công
cả về mặt quân sự lẫn khoa học gần đây, có lẽ những suy nghĩ của Bình Nhưỡng đã
khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét