Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn
toàn quốc ở Naypyidaw hôm 19/9/2017. AFP
Thay vì tham dự Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc tại New York, lãnh đạo Myanmar là bà Aung San Suu Kyi phải ở nhà giải
quyết vụ khủng hoảng về sắc tộc và sáng Thứ Ba 18, bà đã lần đầu tiên đọc bài
diễn văn chính thức về vụ khủng hoảng, bùng nổ từ ngày 25 tháng trước khiến hơn
40 vạn người Rohingya theo Hồi giáo phải lánh nạn qua xứ khác. Bài diễn văn vẫn
không thỏa mãn nhiều người và các tổ chức quốc tế kêu gọi biện pháp trừng phạt
kinh tế với Myanmar. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á
Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
vụ khủng hoảng về sắc tộc tại Myanmar kéo dài gần một tháng và gây xúc động cho
dư luận thế giới khi mấy chục vạn dân Rohingya phải lánh nạn sau khi mấy ngàn
ngôi làng của họ bị đốt cháy. Một số tổ chức quốc tế khiển trách người lãnh đạo
là bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế xứ này. Ông nghĩ
sao về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển
nghĩ rằng sự xúc động khiến nhiều người đặt sai bài toán, trút trách nhiệm lên
một vị nữ lưu và càng gây thêm khó khăn cho xứ Mymanmar, mà ngày xưa ta gọi là
Miến Điện. Muốn hiểu tại sao thì ta cần trở ngược lên bối cảnh gần xa của vấn đề.
- Thứ nhất, dù có rất nhiều tài
nguyên thiên nhiên, Myanmar là một quốc gia khó cai trị nhất thế giới. Nằm giữa
hai cường quốc có ảnh hưởng văn hóa chính trị của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ,
Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc,
nation-state. Lãnh thổ xứ này là một thách đố cho lãnh đạo vì bị địa dư chia cắt
thành hai vùng rừng núi hiểm trở của nhiều sắc tộc và tôn giáo từ hai ngả Đông
Tây nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu của sông Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc
cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây, Trung Quốc ở mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía
Đông đều tìm cách khai thác tình trạng bất thường ấy qua các sắc tộc thiểu số
và góp phần gây thêm xung đột. Vì vậy, sau khi có độc lập từ 70 năm trước, lãnh
đạo Miến mới cần quân đội mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương và đối ngoại
thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa ảnh hưởng ngoại bang. Thời Chiến tranh lạnh,
từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại bang còn là các nhóm dân quân cộng sản do Trung
Quốc đào tạo và huấn luyện. Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ là do hoạt động
của các tổ chức cộng sản đó.
Nguyên Lam: Ông,vừa nêu một nghịch
lý trong bối cảnh địa dư và lịch sử của Myanmar. Nhưng thưa ông, vì sao ông nói
là xứ này chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về
kinh tế chính trị, Miến Điện còn lãnh một di sản dã man khác của Đế quốc Anh:
trăm năm trước, nước Anh đưa dân Ấn vào phụ trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa
số là người Miến một ít quyền hạn chính trị và hành chánh, nhưng lại dùng các sắc
dân thiểu số vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quân sự. Chỉ sau khi Anh
bị Nhật đánh bại trong Thế chiến II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lĩnh
vực quân sự và từ đó mới dần dần xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh
lên cầm quyền sau này. Ách độc tài quân phiệt là hiện tượng đáng chê trách,
nhưng có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử và dẫn tới hậu quả là càng bị quốc tế
cô lập vì nạn độc tài thì xứ này càng lệ thuộc vào một cường quốc có tham vọng
bành trướng là Trung Quốc!
Nguyên Lam: Tức là giới tướng
lãnh phải chấp nhận dân chủ hóa để khỏi bị quốc tế tẩy chay mà càng trôi vào quỹ
đạo của Bắc Kinh, nhưng phải chăng là họ vẫn không muốn bị mất quyền và vẫn giữ
quân đội trong tay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, từ
1962 đến 2011, Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa chế độ quân phiệt
và lực lượng võ trang của các sắc tộc đòi ly khai. Sau đấy, giới tướng lãnh nhượng
bộ dần và đề nghị ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính
trị cho các sắc tộc thiểu số. Nhưng tiến trình ấy còn nhiều bất trắc và sau khi
Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (National League for Democracy) của mình đại thắng
vào năm 2015, bà Aung San Suu Kyi phải làm một lúc hai việc: thỏa hiệp với quân
đội để từng bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng nền móng chính trị bền vững
hơn cho quốc gia qua việc hội nhập sắc tộc.
- Lãnh thổ xứ này có hơn hai chục
nhóm thiểu số võ trang, với vài trăm tới vài vạn tay súng, đang hùng cứ các
vùng biên giới và coi đó là chủ quyền chính đáng của họ. Từ cuối năm 2015, chế
độ quân phiệt đề nghị một tạm ước ngưng bắn với tám tổ chức, mà có bảy tổ chức
vẫn từ chối tham gia, chưa kể nhiều lực lượng mạnh nhất tại vùng biên giới
Hoa-Miến thì không được mời vào vòng đàm phán vì họ đang chiếm đóng các khu vực
trọng yếu và rộng lớn nhất.
- Đa số các nhóm võ trang này đều
có đặc tính sơn cước, giỏi du kích chiến, được trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ
còn có ưu thế địa dư là có thể vượt biên giới để bảo toàn lực lượng khi bị tấn
công và lợi thế kinh tế là kinh doanh ma túy để tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh
đó, một số lực lượng võ trang này chưa thấy sự nhượng bộ của Chính quyền trung
ương, từ các tướng lãnh hay từ bà Aung San Suu Kyi, là đủ hấp dẫn. Khi so sánh
các tướng lãnh thì đảng đa số hiện nay là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà
Aung San Suu Kyi tương đối đáng tin cậy hơn trong đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của
quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn
còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu số đang suy tính lợi hại. Họ có thể
tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng giải pháp bạo động quân sự.
Nguyên Lam: Bây giờ lại bùng nổ vụ
khủng hoảng vì dân Rohingya và bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế khiển trách. Thưa
ông, đầu đuôi của vụ khủng hoảng này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Miến Điện có
135 sắc dân, gom thành tám nhóm lớn, theo các tôn giáo khác nhau, như Phật
giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và cả Thiên Chúa giáo. Đa số dân Miến thì theo Phật
giáo Nguyên thủy, bên trong nhiều người cực đoan chủ trương là chỉ Phật giáo mới
có tinh thần dân tộc và biết bảo vệ bản sắc quốc gia. Trong các sắc dân, người
Rohingya có vài triệu, đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng theo tôn giáo khác, và sống
tập trung trong tỉnh Rachine tại vùng Tây-Bắc bên cạnh xứ Bangladesh nhìn ra Vịnh
Bengal. Nghịch lý ở đây là họ không được luật pháp coi là công dân Miến Điện
như các sắc dân kia.
- Từ thành phần này mới có lực lượng
xưng danh là “Giải phóng quân Rohingya tại Arakan”, viết tắt là ARSA, họ đấu
tranh võ trang để được công nhận quy chế công dân. Lực lượng ấy chỉ có chừng
500 tay súng, nhưng cuối Tháng Tám lại tấn công 30 đồn binh của Miến nên gặp sự
trả đũa dữ dội của quân đội. Xã hội Miến có nhiều người không ưa và thậm chí kỳ
thị dân Rohingya, nhưng họ có quyền bỏ phiếu. Bà Aung San Suu Kyi lâm thế kẹt
là nếu đả kích tinh thần cuồng tín này thì họ dồn phiếu cho tổ chức chính trị của
giới tướng lãnh là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and
Development Party - USDP), gọi là để bảo vệ quyền lợi và bản sắc dân tộc khiến
cho tiến trình dân chủ hóa chính trị rồi tư nhân hóa kinh tế theo đuổi từ 25
năm nay sẽ gặp trở ngại.
Nguyên Lam: Nếu vậy thì có lẽ
thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao ông nghĩ rằng việc trừng phạt kinh tế Miến
Điện chưa chắc là đã có lợi. Ông kết luận thế nào về chuyện rắc rối này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm
nghĩ biện pháp trừng phạt kinh tế ít công hiệu khi có quá nhiều kẽ hở và rốt cuộc
nạn nhân sau cùng vẫn là người dân thấp cổ bé miệng. Thứ hai, nhiều lãnh đạo Hồi
giáo nhảy vào đả kích Miến Điện do nhu cầu chính trị ở nhà chứ cũng chưa có giải
pháp cụ thể nào cho dân Rohingya. Trong khi đó, có ba cường quốc lại tỏ vẻ bênh
vực Miến Điện là Liên bang Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là do an ninh và quyền lợi
của họ. Nga thì sợ nạn Hồi giáo ly khai ngay bên trong lãnh thổ. Trung Quốc thì
muốn kéo Miến Điện vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của họ, trong khi Ấn Độ muốn
tranh thủ Miến Điện để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc vào Vịnh Bengal và Ấn
Độ Dương. Kết luận của tôi là sự bi quan dành cho dân Rohingya trong thời gian
tới.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á
Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài
phân tích kỳ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét