Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Quân đội làm kinh tế là nuôi dưỡng tệ nạn tham nhũng bất khả trị


 Quân đội làm kinh tế là những quân đoàn, sư đoàn và quân binh chủng mang năng lực quân đội ra kinh doanh chuyên nghiệp trên thương trường quốc gia và quốc tế. Kinh doanh bằng quân đội là kinh doanh bằng quyền uy, bằng kho tàng vô tận của “nước sông công lính”. Đó là làm ăn không cần vốn mà lời lãi thì to lớn. Lời lãi to lớn này làm nảy sinh ra nhiều nhóm lợi ích của nhà binh. Các nhóm này tranh giành chức năng của người dân để biến thành chức năng đương nhiên của người cầm súng.


Quân đội làm kinh tế tạo ra tầng lớp tư bàn nhà binh. Những người chủ tư bản này mang lon tướng tá, độc quyền hưởng thụ giàu có giữa cuộc sống cơ cực của người dân. Tư duy của ông chủ kinh doanh dần dần lấn át tư duy của người cầm quân trong trận mạc. Tư duy hưởng lạc sẽ dần dần lấn át tư duy của người lính vì nước quên mình.

Người dân coi quân đội là nơi “trong sạch” nhất, nhưng khi quân đội lao vào làm kinh tế thì không gian lý tưởng đó không còn nữa. Và khi tình cảm người dân dành cho người lính thuyên giảm thì an ninh tổ quốc cũng thuyên giảm. Những nơi có lý tưởng cao cả sẽ trở thành những nơi bị đồng tiền ngự trị.

Lời lãi nào có thể bù đắp được máu và sinh mạng của người dân, sự toàn vẹn của lãnh thổ và giá trị của biển cả non sông một khi khả năng và tinh thần chiến đấu của quân đội không còn nữa.

Tại các nước văn minh Tây Phương, từ lâu người ta đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và từ lâu quân đội của họ đã tuyệt đối không còn được làm kinh tế nữa. Vấn đề này ngày nay chỉ còn lây lất tại một vài quốc gia chậm tiến như Tàu cộng và Việt Nam. Chúng ta thử cùng nhau nhìn lại quãng đường lịch sử gian nan chậm tiến đó.

Quân đội thời phong kiến bên Tàu

Thời phong kiến bên Tàu ta cần để ý đến đầu tiên là phái pháp gia mà đại diện là Thượng Ưởng đời Tần. Cách lý luận của Thượng Ưởng dựa trên nguyên tắc “Phú quốc cường binh”. Theo nguyên tắc này Thượng Ưởng tái cấu trúc bộ máy hành chánh đời Tần theo hướng quân sự hóa tập trung cao độ phục vụ cho chiến tranh và bành trướng.

Tới thời Tùy Đường thì vẫn áp dụng chính sách nói trên với cách thức hơi khác gọi là “Chế độ quân điền”. Nông dân phải tham gia vào quân đội khi cần thiết nhưng họ vẫn có quyền hưởng hoa lợi từ các hoạt động nông nghiệp. Đây là cách thức thứ nhất.

Cách thức thứ hai phổ biến hơn là triều đình phong kiến cho phép quân đội được tham gia vào các hoạt động kinh tế để trợ giúp cho ngân sách ít ỏi của triều đình. Đó là “Chế độ đồn điền”, một chế độ được các vua quan áp dụng trong một thời gian dài. Nhưng quân đội không được sử dụng đất của nông dân mà chỉ được sử dụng đất của nhà nước.

Kinh tế quân đội thời Mao Trạch Đông

Đến thời Mao thì quan hệ giữa quân đội và đảng CSTQ là mối quan hệ “cộng sinh”. Cả hai thiết chế này liên hệ với nhau mật thiết và không thể tách rời. Quan niệm tự cung tự cấp xuất phát từ lúc này và việc quân đội làm kinh tế trở thành đặc trưng của chế độ.

Từ năm 1938 quân đội của Mao được phép mở rộng các hoạt động sản xuất. Các tổ hợp quốc phòng vào thời điểm này là tiền thân của các tổ hợp kinh doanh quốc phòng sau này. Quân đội của Mao nắm gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế tại các vùng kháng chiến.

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1949 quân du kích Trung Quốc trở thành một đội quân chính quy. Các hoạt động kinh doanh không cần thiết phải giao cho chính phủ dân sự. Nhóm hậu cần quân đội trở thành quan trọng cho việc tái thiết nền kinh tế quốc gia. Hệ quả là trong giai đoạn này, mỗi khi quân đội được cần đến thì khoảng 10% nhân lực của quân đội bị gián đoạn công việc huấn luyện. Do đó nhiều khi nhu cầu quốc phòng không được đáp ứng đầy đủ.

Đặng Tiểu Bình và vấn đề thương mại hóa quân đội

Đặng Tiểu Bình lên ngôi, chính thức mở cửa cho nền kinh tế Tàu cộng. Bốn “hiện đại hóa” được đưa ra như chính sách cốt lõi để cải cách kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, khoa học công nghệ và quốc phòng. Quốc phòng trong giai đoạn này đóng vai trò thứ yếu để nhường chỗ cho nhiệm vụ phát triển.

Họ Đặng cho rằng vào thời điểm của ông ta duy trì một ngân sách quốc phòng quá cao là không cần thiết. Để bù đắp cho nhân sách quốc phòng suy giảm, quân đội được phép tham gia kinh doanh một cách sâu rộng hơn.

Trong giai đoạn từ 1984-1989 doanh thu từ các doanh nghiệp quân đội gia tăng nhanh chóng nhưng đồng thời tình trạng tham nhũng, lãng phí, rửa tiền, buôn lậu và các hành vi phạm tội khác cũng gia tăng một cách khốc liệt. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 làm cho các tệ nạn nói trên trở thành hết thuốc chữa. Tham nhũng lan tràn đến mức báo động cả về bề mặt lẫn chiều sâu.

Quá trình “thương mại hóa” đã hoàn toàn áp đảo quá trình “hiện đại hóa” của Đặng Tiểu Bình. Năm 1990 có hơn 15.000 công ty quốc phòng hoạt động; 75% trong số này được kiểm soát bởi quân đội.

Đến khi Giang Trạch Dân lên ngôi thì quá trình phi thương hóa quân đội ra đời. Phong trào này liền bị phong trào chuyên nghiệp hóa của tư lệnh hải quân Lưu Thanh Hoa và của tổng tham mưu trưởng Trương Vạn Niên lấn át.

Tham nhũng tiếp tục hoành hành không gì ngăn cản nổi đến nỗi thủ tướng Chu Dung Cơ phải nhập cuộc và đứng về phía Giang Trạch Dân. Kết quả cũng chỉ là con số không. Cho đến những năm 1998-1999, khi quá trình phi đầu tư của các doanh nghiệp quân đội được ban hành thì xu hướng thương mại hóa mới bắt đầu được chuyển giao cho các tổ chức dân sự của chính phủ.

Tập Cận Bình quyết liệt triệt tiêu xu hướng quân đội làm kinh tế

Quá trình phi đầu tư hóa các doanh nghiệp quân đội được đánh giá là quyết liệt nhất dưới thời Tập Cận Bình. Tuy nhiên quá trình này vẫn chưa hoàn tất. Trong nỗ lực hiện đại hóa, nhiều người tin rằng họ Tập sẽ cấm đoán hoàn toàn việc quân đội làm kinh tế để tập trung vào việc huấn luyện và chiến đấu.

Dự kiến cho tới năm 2018, những gì còn lại của cái được gọi là yếu tố kinh tế của quân đội sẽ không được dính líu gì với thị trường. Ngân sách quốc phòng tuyệt đối phục vụ việc mua sắm vũ khí, khí tài, trả lương, bảo hành, bảo dưỡng, nghiên cứu và phát triển.

Khi lên ngôi chúa tể, Tập Cận Bình thấy rõ là cho quân đội làm kinh tế có nghĩa là tạo cơ hội tốt cho nạn tham nhũng hoành hành. Cho nên chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đã được áp dụng một cách quyết liệt.

Tập Cận Bình đã bỏ tù khoảng 50 tướng lãnh lớn nhỏ và tịch thu khoảng 100 tỷ đô la tiền xâm phạm phi pháp tài sản của nhân dân. Việc cấm quân đội làm kinh tế nằm trong chiện dịch “đả hổ diệt ruồi” rất tích cực của họ Tập hiện nay.

Việt Nam đang cố theo gương Tập Cận Bình nhưng vẫn còn nhiều lúng túng và gian dối

Ở Việt Nam, cho đến nay, quân đội vẫn giành giữ chức năng làm kinh tế. Những ông tướng nông dân ít học vẫn không chịu buông thả chức năng này vì họ không ý thức được làm như vậy là họ đang đặt quyền lợi của nhóm nhà binh lên trên quyền lợi của đất nước. Ho cũng không hiểu được là nếu tiếp tục ngoan cố như vậy là họ sẽ phá hỏng hai yếu tố mà quân đội phải có là tính tập trung và chuyên nghiệp.

Gương xấu nêu ra từ thủ tướng. Ngày 27/6/2006 sau khi nhận chức thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng nghiêm trọng tuyên bố: “Tôi quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng tôi sẽ từ chức ngay”. Ông Dũng tuyên bố như thế trước quốc dân nhưng trên thực tế thì chính phủ của ông lại là chính phủ tham nhũng tàn bạo nhất như chưa bao giờ thấy trong lịch sử dân tộc. Ông không từ bất cứ một mánh lới nguy hại nào để đục khoét của cải của nhân dân.

Làm như vậy ông đã bật đèn xanh cho cả bộ máy nhà nước hối hả lao theo con đường tham nhũng. Ông đã làm cho nền kinh tế của đất nước nhanh chóng suy đồi và lụn bại. Vậy mà ông không từ chức. Trái lại còn làm một lèo hai nhiệm kỳ thủ tướng.

Tham nhũng luôn luôn đồng hành cùng quyền lực, nên tại các nước dân chủ người ta đã nghĩ ra phương cách “tam quyền phân lập” để ngăn ngừa. Việt Nam cũng có tam quyền nhưng chưa phân lập. Ngoài ra đảng CSVN lại còn cho đảng viên đứng ngoài hiến pháp. Cho nên dù có tội tày đình đảng viên cũng không sợ bị pháp luật đụng đến.

Nền văn minh đặc quyền đảng trị là nền văn minh của quyền lực độc tài. Quyền lực của nhân dân bị đảng tước đoạt rồi đem chia chác trong nội bộ. Vì không có tam quyền phân lập nên cộng sản đã tạo ra một mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng phát sinh và phát triển.

Quân đội noi gương thủ tướng. Trong suốt hai nhiệm kỳ của Nguyễn Tấn Dũng, quân đội đã ào ra làm kinh tế như vũ bão. Hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế quân đội ra đời. Bố con ông đại tướng bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh sấn sổ ra tham nhũng quyền lực như chỗ không người.

Trong khi đó thì giặc ngang nhiên quấy phá trên vùng biển của Tổ quốc, hàng ngày bắn giết dân lành. Dân chết như vậy nhưng các tướng quân đội vẫn án binh bất động vì cả tướng lẫn quân vẫn còn đang rất bận rộn khi công việc kinh tế giải quyết chưa xong.

Ngày 2/6/2017 thượng tướng thứ trưởng quốc phòng Lê Chiêm đã công bố quyết định sau đây: “Chấp hành ý kiến của chính phủ, bộ quốc phòng ra lệnh dừng tất cả các dự án tại đây. Quân đội không làm kinh tế nữa. Tất cả các xí nghiệp phải cổ phần hóa, thoái vốn và chuyển ra ngoài hết. Phải tập trung xây dựng quân đội chính quy hiện đại để bảo vệ nhà nước và nhân dân”.

Lệnh cấm nói trên dường như còn đang bị nhiều tướng lãnh khác phản đối trong đó có cà đại tướng bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Quân đội là lực lượng vũ trang mang sức mạnh và ý chí của dân tộc. Nên nhớ rằng quân đội lam kinh tế thì chỉ là một nhóm lao binh chuyên nghiệp chứ không phải là những đoàn hùng binh dũng mãnh làm cho địch khiếp sợ và giữ cho tổ quốc thái bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét