Công văn số 404/TTg-KTN ngày
18/3/2013 của PTT Hoàng Trung Hải đồng ý chỉ định nhà đầu tư dự án BOT Pháp Vân
- Cầu Giẽ, một dự án còn tai tiếng và nhơ nhuốc hơn cả BOT Cai Lậy. Nguồn: Báo
Điện tử Chính phủ.
Hơn một tháng qua, công chúng Việt
Nam hết xôn xao về dự án BOT đường tránh thị xã Cai Lậy lại đến bàn tán về các
dự án BOT giao thông trên khắp Việt Nam.
Và càng ngày, khi sự thật về các
dự án BOT càng được phanh phui, người ta càng nhận thấy sai phạm trong loại
hình đầu tư công này không hề mang tính chất ngẫu nhiên, đơn lẻ. Ngược lại,
chúng diễn ra một cách có hệ thống, từ trên xuống dưới.
Hầu như dự án BOT giao thông nào
cũng có vấn đề, với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng: người dân bị tước quyền lựa
chọn (nói cách khác là bị ép buộc sử dụng thứ hàng hoá đặc thù này) khi dự án
không phải là tuyến đường mới; mặc dù là dự án đầu tư công nhưng việc lựa chọn
nhà đầu tư lại không thông qua thể thức đấu thầu công khai, mà lại được chỉ định
thầu rất tuỳ tiện; thời hạn thu phí được xác định thiếu căn cứ, vượt quá xa thời
gian hoàn vốn; các trạm thu phí đặt sai vị trí (quá gần nhau, hoặc theo kiểu
“giăng lưới lùa xe”) và mức phí thì quá cao; tình trạng “tự tung tự tác” của
các nhà đầu tư, còn vai trò quản lý nhà nước lại hết sức mờ nhạt, v.v.
“Đồng tiền liền khúc ruột.” Giống
như bà con dân oan khi bị các thế lực mafia trong và ngoài bộ máy cấu kết với
nhau cướp đoạt đất đai, vườn tược dưới vỏ bọc các dự án kinh tế, các tài xế qua
trạm thu phí BOT Cai Lậy cũng đã bày tỏ thái độ phản kháng theo cách của mình.
Họ sử dụng tiền mệnh giá thấp để trả phí, buộc chủ đầu tư phải liên tục xả trạm
để giải toả giao thông, bởi việc kiểm đếm tiền lẻ mất nhiều thời gian làm giao
thông bị ùn tắc kéo dài. Cuối cùng, từ ngày 15/8, Công ty TNHH BOT Cai Lậy đã
phải rút toàn bộ nhân viên khỏi trạm thu phí, và đến nay vẫn chưa hoạt động trở
lại.
Thực ra, các tài xế qua trạm BOT
Cai Lậy được “truyền cảm hứng” từ thắng lợi của người dân ở hai bên đầu cầu Bến
Thuỷ 1 (Nghệ An – Hà Tĩnh). Mặc dù không đi trên đường BOT mà vẫn phải trả phí,
họ đã kiên trì đấu tranh bằng cách căng băng-rôn phản đối, dùng tiền lẻ mua vé,
v.v. Sau 4 tháng ròng rã như thế, đến ngày 11/4/2017, Bộ GT-VT đã quyết định giảm
100% phí cho cư dân hai đầu cầu qua trạm thu phí BOT Bến Thuỷ 1.
Thắng lợi của các tài xế qua trạm
BOT Cai Lậy đã có tác dụng lan toả. Một mặt, chiến thuật sử dụng tiền mệnh giá
thấp trả phí đã được giới tài xế sử dụng ở một số trạm thu phí BOT khác, như dự
án BOT Biên Hoà, BOT quốc lộ 5 (Hưng Yên) hay BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh). Mặt khác,
nhân sự kiện “Cai Lậy thất thủ”, hàng loạt sai phạm tại các dự án BOT giao
thông trên khắp cả nước đã bị báo chí phanh phui, khiến dư luận càng bức xúc.
Thậm chí, trong buổi tọa đàm khoa
học "Các dự án BOT – Chính sách và giải pháp" được tổ chức tại Hà Nội
ngày 8/9 vừa qua, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,
còn đề xuất: “Với những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ công bố về các dự án
BOT và BT, có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.”
Đề xuất của TS Nguyễn Sỹ Dũng
không có gì là bất ngờ, bởi những sai phạm trong các dự án BOT và BT giao thông
là quá rõ ràng, nghiêm trọng và đặc biệt là có hệ thống, còn nỗi bức xúc trong
dư luận thì ngày càng dâng cao.
Điều khiến người ta phải ngạc
nhiên ở đây là, mặc dù chiến dịch “đốt lò” do TBT Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra
đầy khí thế, với những tuyên bố hùng hồn của người “nhóm lò” (“Lò nóng lên rồi
thì củi tươi vào cũng phải cháy”, v.v.), song chưa một quan chức nào dính líu đến
sai phạm trong các dự án BOT/BT giao thông phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật
nào, dù là nhẹ nhất, chứ đừng nói đến chuyện bị khởi tố.
Vì sao lại như vậy? Chẳng phải những
quan chức ở Bộ GT-VT và các tỉnh thành liên quan không chỉ là thứ “củi” rất phù
hợp với cái “lò” mà ngài Tổng Bí thư cùng bộ sậu đang hè nhau “đốt”, mà còn là
“củi khô”, vốn rất dễ “bắt lửa” và “cháy” hay sao? Chẳng phải cựu Bộ trưởng
GTVT Đinh La Thăng, người dính líu đến nhiều sai phạm ở các dự án BOT giao
thông, đã bị cách chức Bí thư Thành uỷ Tp HCM, bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và
đang “ngồi chơi xơi nước” ở Ban Kinh tế Trung ương hay sao (tức không còn là thứ
“củi tươi” đến mức không thể tống vào “lò” nữa)? Chẳng phải với 88 dự án BOT
giao thông đang hoạt động trên khắp cả nước, vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng
trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người Việt, và việc mổ xẻ khối ung
nhọt này do đó sẽ giúp lấy lại uy tín cho chính quyền hay sao?
Vậy lý do vì sao mà đến tận thời
điểm này ngài TBT vẫn chưa hề hé răng lấy nửa lời về thảm nạn BOT giao thông?
Xin thưa, lý do không có gì quá
khó hiểu: Tất cả các dự án BOT giao thông ở Việt Nam hiện nay đều thuộc thẩm
quyền quản lý nhà nước (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt việc lựa chọn
nhà thầu, chỉ đạo việc thực hiện dự án) của (cựu) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải,
Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông -
vận tải. Chính ngài Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trong thời gian ngồi trên chiếc ghế
Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ năm 2007 đến 2016, mới là người có tiếng nói
cuối cùng và chịu trách nhiệm cao nhất về các dự án BOT giao thông trên cả nước,
chứ không phải là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải.
Mấu chốt vấn đề là, từ năm 2008 đến
nay, ông Hoàng Trung Hải bị dư luận lên án nhiều điều nghiêm trọng; và mặc dù 9
năm đã trôi qua nhưng các lên án vẫn chưa được giải quyết đúng pháp luật, lý do
là vì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bắt tay với Hoàng Trung Hải để được
ngồi vào chiếc ghế Tổng Bí thư khoá XI.
Thế nên, giống như với Formosa Hà
Tĩnh, toà nhà 8B Lê Trực hay hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác mà “con ngựa
thành Troy” Hoàng Trung Hải là “tác giả”, Nguyễn Phú Trọng đã và sẽ tiếp tục im
lặng với vấn nạn BOT giao thông. Xem ra đó mới là sứ mạng cao cả nhất của ngài
TBT khả kính trong sự nghiệp chính trị đầy vinh quang của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét