Theo báo chí Việt Nam, ngày 28
tháng 9, Tổng cục Môi trường đã triệu hồi ông Nguyễn Xuân Quang về Hà Nội để giải
trình.
Đúng là “họa vô đơn chí”!
Chẳng riêng dân chúng, báo giới
mà bây giờ, dường như cả lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng thiếu đồng cảm với
ông Quang, người vừa mất 385 triệu đồng!
Ông Quang, Cục phó Cục Kiểm soát
hoạt động bảo vệ môi trường là một trong những viên chức được chỉ định làm lãnh
đạo mười đoàn thanh tra, chia nhau kiểm tra tất cả các doanh nghiệp mà hoạt động
có thể nguy hại cho môi trường trên khắp Việt Nam.
Ông Quang đến Long An hôm 20
tháng 9, dự tính sẽ ở đó 45 ngày để kiểm tra hoạt động của 30 doanh nghiệp. Mới
kiểm tra được bảy doanh nghiệp thì ngày 26 tháng 9, phòng của ông Quang tại một
khách sạn ở thị xã Tân An bị trộm viếng. Gần 400 triệu của ông Quang không cánh
mà bay. Đã vậy Công an Long An còn tiết lộ thêm với báo chí, rằng may mà ông
Quang vừa đem đến ngân hàng, gửi vào tài khoản riêng của ông một khoản tiền lớn
(không rõ số lượng), nếu không, hậu quả của vụ trộm còn trầm trọng hơn.
Đáng nói là chỉ một mình ông
Quang đau xót. Còn công an, báo giới, dân chúng đều cùng làm ngơ trước nỗi đau ấy.
Dù ông Quang đã giải thích là khoản tiền khổng lồ so với thu nhập bình thường của
một viên chức đó là tiền Nguyễn phu nhân giao cho ông mang vào Sài Gòn giải quyết
việc riêng của gia đình nhưng thiên hạ chẳng những không tin lại còn gièm pha.
Hẳn ông Quang rất buồn vì chẳng
“thằng nào, con nào” thấy sự tận tụy của ông. Hoạt động của những doanh nghiệp
mà ông Quang phải kiểm tra trong đợt công tác này đều thuộc loại phức tạp. Đâu
dễ để xác định việc xả - xử lý nước thải từ sản xuất giấy, dệt, nhuộm, bao bì,
hóa chất,… có gây nguy hại cho môi trường hay không, vậy mà trong sáu ngày, ông
đã kiểm tra xong tới 7/30 doanh nghiệp thuộc loại này. Dưới gầm trời đầy dẫy
chuyện ô trọc, vàng thau lẫn lộn, “đố cha thằng nào con nào” tìm được những người
có năng lực tuyệt vời tới vậy.
Thiên hạ rõ ràng là… bạc!
***
Chẳng phải bây giờ mà nhiều năm gần
đây, dân chúng Việt Nam thường xuyên tỏ ra bạc bẽo như thế đối với các “công bộc”
của họ.
Năm 2011, ông Hoàng Thế Liên, Thứ
trưởng Bộ Tư pháp, bị kẻ gian đột nhập vào phòng làm việc, cuỗm mất 245 triệu đồng
và 2.000 Mỹ kim... Trong năm 2011, kẻ gian đột nhập tư gia của ông Trương Công
Chiến, Đội trưởng Đội Thuế Trước bạ của Chi cục Thuế quận Bình Tân, TP.HCM, cuỗm
sổ tiết kiệm, Mỹ kim, vàng, nữ trang, trị giá hơn sáu tỉ đồng... Năm 2012, kẻ
gian đột nhập tư gia của ông Đồng Xuân Thọ, Phó Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng của
tỉnh Đồng Nai, trộm một chiếc xe hơi trị giá 800 triệu đồng... Năm 2013, kẻ gian
đột nhập vào tư gia ông Đặng Xuân Thọ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, cuỗm
mất 65 lượng vàng, vào thời điểm đó trị giá khoảng 2,8 tỉ đồng... Cũng trong
năm 2013, kẻ giam đột nhập tư gia của một cặp vợ chồng mà vợ là cán bộ Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, chồng là cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An,
cuỗm cả tiền lẫn vàng, trị giá khoảng hai tỉ đồng... Năm 2014, kẻ gian đột nhập
phòng làm việc của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường
TP.HCM, cuỗm 1,6 tỉ đồng…
Thế nhưng không riêng dân chúng
mà ngay cả báo chí cách mạng cũng tỏ ra thiếu đồng cảm trong việc… chia sẻ hoạn
nạn với các… nạn nhân. Yếu tố nổi lên hàng đầu sau những vụ trộm vừa kể luôn
luôn là chuỗi thắc mắc, bình phẩm tại sao các “công bộc” nhiều tiền, lắm vàng
như vậy? Luồng dư luận có tính chủ đạo ấy khiến phòng làm việc và tư gia của
các “công bộc” trở thành nơi nhiều kẻ gian thích thăm viếng. Các “công bộc” vốn
đã đau vì mất của, lại phải ngậm đắng nuốt cay, khai báo có khác gì chường mặt
cho “chúng” dè bỉu.
Năm 2014, khi điều tra hoạt động
của một băng trộm tại Bắc Kạn, công an Bắc Kạn phát giác, hóa ra băng trộm này
từng đột nhập tư gia của ông Lăng Văn Hòa (Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Bắc
Kạn) và bà Dương Thị Hạnh (cán bộ Tỉnh ủy Bắc Kạn) trộm cả tiền, Mỹ kim, vàng,
nữ trang, trị giá 1,2 tỉ. Tương tự, sau khi công an Việt Nam bắt được Nguyễn Tuấn
Vũ, công chúng Việt Nam mới biết, phòng làm việc của nhiều “công bộc” tại các tỉnh:
Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng,
Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần
Thơ, Sóc Trăng,… đều đã từng bị Vũ “viếng”.
Năm 2015, sau khi ông Võ Kim Cự,
lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, bắt quả tang Nguyễn Tiến Quân đang cạy cửa
phòng làm việc của mình, người ta mới biết phòng làm việc của ông Cự thời ông
làm Chủ tịch tỉnh này từng bị Quân viếng mà ông Cự không kể nên người ta không
rõ Quân nẫng của ông bao nhiêu. Thiên hạ chỉ biết Phó Chủ tịch huyện Can Lộc từng
bị Quân đột nhập vào phòng làm việc trộm 233 triệu đồng!
Nói theo kiểu ông Nguyễn Đức
Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam khóa 13 thì rõ ràng là
“văn hóa ứng xử tại Việt Nam đang có vấn đề”. Tiếc là ông Kiên đã thôi đăng đàn
nên không thể nhờ ông phân tích “vấn đề” về “văn hóa ứng xử” đến từ phía nào và
tại sao lại thế!
***
Bây giờ thì nhiều người đang tỏ
ra hồ hởi trước sự kiện ông Quang – nạn nhân vụ trộm 385 triệu đồng – bị triệu
hồi về Hà Nội để giải trình. Thế là không “ôn cố”, làm sao có thể “tri tân”?
Hồi thượng tuần tháng 4 năm 2006,
tiếp viên trên một phi cơ của Vietnam Airlines giao lại cho An ninh hàng không
của phi trường Nội Bài một cái cặp hiệu Echolac, ở quai có gắn thẻ VIP mà hành
khách để quên. Mở cặp để thực hiện các thủ tục liên quan đến hành lý vô chủ, An
ninh hàng không tìm thấy 11 phong bì mà hai ghi nơi gửi là Ủy ban nhân dân các
tỉnh Bình Định và Phú Yên. Hai ghi nơi gửi là các doanh nghiệp nhà nước (Ban Quản
lý Dự án thủy điện Sê San 3A thuộc Tổng Công ty Sông Đà, Công ty Tư vấn - Xây dựng
đường thuỷ thuộc Tổng Công ty Tư vấn - Thiết kế giao thông vận tải). 7/11 phong
bì không ghi nơi gửi. Tổng số tiền chứa trong 11 phong bì này lên tới 20 triệu
đồng và 10.300 Mỹ kim…
Sau đó, Ủy ban Kiểm tra của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã làm việc với An ninh Hàng không để thu lại cặp
vì nó của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - chức vụ tương
đương Thứ trưởng. Một trong những cá nhân mà chỉ Ban Bí thư của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng CSVN mới có quyền định đoạt số phận.
Do tác động của dư luận, Đảng ủy
Văn phòng Chính phủ đã tổ chức kiểm điểm ông Lâm vì lỗi “quên cặp sau chuyến
công tác dài ngày ở miền Trung”. Nơi này thông báo, nhờ trong cặp không có tài
liệu mật nên lỗi của ông Lâm không đáng kể.
Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nói
thêm, họ không kiểm điểm chuyện ông Lâm đã nhận phong bì do một số nơi gửi tặng
bởi đó là “quà cho cả đoàn”. Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
CSVN chấp nhận giải thích của ông Lâm về 7/11 phong bì không ghi nơi gửi: Đó là
tiền do “anh em trong Nam gửi mua ‘sừng tê’ và một số thứ khác.
Để dân chúng thôi dị nghị, Văn
phòng Chính phủ loan báo sẽ chuyển ông Lâm từ chỗ đặc trách chống tham nhũng,
buôn lậu và gian lận thương mại sang đặc trách nghiên cứu, xây dựng pháp luật.
Ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó, loan báo, tuy Ủy ban
Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN không có ý kiến về khoản tiền
ông Lâm đã nhận của một số nơi nhưng ông Lâm vẫn chứng tỏ thiện tâm bằng cách gửi
số tiền ấy vào Quỹ Công đoàn của Văn phòng Chính phủ nhằm… giúp người nghèo và
khuyến học.
Việc tiếp nhận – xử lý vụ ông
Nguyễn Văn Lâm của Đảng, Chính phủ đã nghiêm túc, khách quan đến vậy mà dân
chúng vẫn cứ bàn ra, tán vào. Tháng 7 năm 2006, ông Lâm xin từ chức. Thật là…
đau lòng!
***
Việt Nam có hàng chục ngàn người
nhờ nghiên cứu những đề tài kiểu như “Tắm, giặt của chiến sĩ miền núi” mà trở
thành tiến sĩ nhưng lại chưa có ai nghiên cứu vấn đề đang càng ngày càng nóng:
Tại sao ác cảm của dân chúng Việt Nam đối với “công bộc” càng ngày càng tăng?
Bao giờ các nghiên cứu sinh tiến sĩ của hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh chú ý tới đề tài này nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét