Trong trí nhớ của tôi, thì từ những
ngày mẫu giáo, các học sinh người Rakhine và người Rohingya luôn ngồi cùng lớp,
cùng bàn. Chúng tôi đã chơi đùa với nhau trong sân trường, cùng uống từ những cốc
nước bằng nhựa be bé, được rót từ một cái ấm kim loại dùng chung.
Ngôi trường của chúng tôi ngày ấy
nằm ở Maungdaw, phía Bắc của bang Rakhine.
Tuổi thơ của tình bạn không biết
phân biệt chủng tộc, màu da hay tiếng nói
Tại ngôi trường đó, học sinh vốn
không ngồi mỗi người một mình ở từng cái bàn, chiếc ghế dành riêng cho họ. Mà tại
những chiếc bàn và ghế dài, từ ba đến năm đứa chúng tôi đã xúm xít ngồi bên
nhau.
Tuy học sinh tự chia nhau ngồi
thành một bên nam, một bên nữ, thế nhưng, giữa chúng tôi chưa bao giờ bị cách
chia bởi chủng tộc hay màu da.
Có lẽ, bọn chúng tôi đã được dạy
về giá trị của tình bạn và tình thân ái từ chính những buổi học như thế.
Trong mớ ký ức mờ nhạt của bản
thân, thì tôi vẫn nhớ là vào năm lớp hai, đã có một cậu bạn theo đạo Phật ngồi
cùng bàn, cùng lớp với mình.
Tôi không thể nhớ nổi tên của cậu
ấy, nhưng tôi lại nhớ rất rõ khuôn mặt và cái mũi đo đỏ của cậu. Cậu là một đứa
con cưng của một sĩ quan điều tra của quân đội (Burma – ND). Bố mẹ của cậu đã dọn
đến làng tôi để sinh sống, và cậu đã trở thành bạn học của chúng tôi. Tôi vẫn
nhớ rằng, cậu ta là một trong những đứa trẻ ăn mặc tươm tất và lịch lãm nhất lớp.
Cả tôi lẫn cậu ta vốn không hiểu
nổi ngôn ngữ của đối phương. Cậu ấy không biết ngôn ngữ mà tôi sử dụng (tiếng
Rohingya), còn tôi thì không biết tiếng Burmese ở tuổi đó. Thế mà hai đứa tôi vẫn
tìm ra phương pháp để có thể thấu hiểu nhau. Tôi luôn có thể biết lúc nào cần
phải ra tay giúp đỡ cậu ấy, vì tôi hiểu được cậu ấy cần gì.
Mọi thứ thật giản đơn khi chúng
tôi còn trong độ tuổi ấu thơ, ngay cả khi không thể sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt
với nhau. Chúng tôi còn quá nhỏ để biết e sợ nhau. Và cái tư tưởng đối phương
có thể là một mối đe dọa cho bản thân vốn chưa bao giờ xuất hiện trong tâm tưởng.
Khi lên đến cấp hai, tôi có vài
người bạn học thân là người Rakhine. Họ là Aung Naing, Soe Min, Zaw Win, và Ma
Ninn Wai.
Tất cả bọn họ đều là người cùng
làng với tôi. Mỗi khi có một dịp thi đấu thể thao nào đó ở trường, chúng tôi
luôn cùng nhau giành được hạng đầu. Chúng tôi đã từng chia sẻ những khoảng thời
gian hết sức thân ái ở những buổi lễ hội và đám cưới của các anh chị lớn. Chúng
tôi được mặc sức đến nhà nhau để cùng chơi đùa.
Mà tuổi ấy cũng chả có gì để
tranh cãi với nhau, ngoài việc giành giật chỗ ngồi ở hàng đầu khi lên lớp. Có lẽ,
chúng tôi đã quá quen thuộc với những trò đùa vô hại của đối phương. Vả lại,
cũng chả có đứa nào bắt nạt đứa nào.
Mỗi đứa chúng tôi, ai cũng đều
đang nuôi dưỡng những giấc mơ của riêng mình khi đó.
Aung Naing và tôi thì muốn trở
thành giáo viên khi lớn lên. Soe Min và Zaw Win muốn vào quân đội, chỉ có Ma
Ninn Wai thì chưa bao giờ chia sẻ là cô ấy muốn làm gì trong tương lai.
Càng lớn, tình bạn của chúng tôi
càng trở nên thân thiết, gắn bó hơn. Chúng tôi thân nhau đến mức có thể chia sẻ
bất kỳ điều gì với đối phương. Chúng tôi tìm thấy cảm giác an toàn từ nhau,
chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Cứ mỗi khi đến kỳ kiểm tra, thì chúng tôi lại cùng
nhau ôn bài.
Tình bạn ấy thật quá trong trẻo,
ngay cả khi chúng tôi đã không còn được như thế.
Với một sức mạnh mãnh liệt và một
mối gắn kết keo sơn, tình bạn của chúng tôi đã kéo dài suốt quãng thời thơ ấu,
cho đến khi chúng tôi bước vào kỳ thi đại học. Rồi chúng tôi cùng học những lớp
luyện thi, gạo bài cùng các bộ môn như nhau.
Thời học sinh, không có gì có thể
khiến chúng tôi cảm thấy là giữa đứa này với đứa kia có gì khác biệt.
Khi có kết quả thi đại học, Aung
Naing và tôi đã trúng tuyển. Soe Min, Zaw Win, và Ma Ninn Wai thì phải thi lại
năm sau.
Sau đó, cho dù Aung Naing và tôi
bắt đầu phải chuẩn bị cho việc học lên cao hơn, thế nhưng, vẫn không có gì có
thể tách rời tình bạn của cả nhóm.
Một thời hoa mộng và giấc mơ về
tương lai đang trong tầm tay
Aung Naing và tôi vốn đang sánh
bước trên cùng một con đường dẫn đến tương lai. Chúng tôi chia sẻ cùng một giấc
mơ, và cả hai đứa đều là con cái của những gia đình không thuộc dạng ưu tiên.
Cả hai đều không đủ điều kiện để
có thể theo học đại học hệ chính quy. Anh ấy phải vừa làm nhân viên ở một tiệm
thợ bạc vừa học, còn tôi thì tự mở một lớp luyện thi để kiếm sống.
Cả hai đều thuộc dạng mọt sách,
ham học và ham đọc. Chúng tôi có cùng một niềm đam mê, đó là thích ghi chép lại
những câu văn, các bài thơ và luận văn hay. Cả hai đều ăn nói nhỏ nhẹ, mềm mỏng.
Và ngoài việc anh ấy béo hơn tôi một tí, chả có gì là khác biệt giữa hai đứa.
Chúng tôi giống nhau đến như thế đấy.
Năm 2011, tôi được nhận vào năm đầu
của diện học từ xa tại Đại học Giáo dục ở Sittwe để lấy bằng cử nhân tiếng Anh.
Cùng thời điểm ấy, anh bạn Aung Naing của tôi đã học sắp xong năm cuối ngành Vật
lý học.
Những người bạn thi rớt đại học
năm nào cũng đã thi lại thêm lần nữa. Nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với họ.
Tuy vậy, khi gặp gỡ nhau trong làng, chúng tôi sẽ cùng ra quán trà ngồi xem
phim và trò chuyện. Tình bạn của chúng tôi vẫn đơn giản và đẹp đẽ như trước.
Khi tôi nhận được kết quả đã vượt
qua được năm đầu tiên của đại học, thì Aung Naing cũng vừa tốt nghiệp cử nhân Vật
lý học. Đó là thời gian mà anh ấy đã có thể bắt đầu thật sự hoàn thiện giấc mơ
của bản thân, và tôi có thể theo đuổi giấc mơ tốt nghiệp đại học. Anh ấy nộp
đơn xin làm giáo viên, còn tôi đăng ký nhập học năm hai.
Thời gian trôi qua thật mau.
Cũng một con sóng, ai chia đôi bờ?
Nhưng mọi việc đều thay đổi vào
tháng 6/2012, khi xung đột bạo lực vì lý do tôn giáo nổ ra. Quan hệ giữa người
Rakhine và những người Rohingya như tôi trở nên căng thẳng một cách trầm trọng.
Đến bây giờ, tôi tin chắc rằng,
điều này là do chính quyền hiện nay gây ra, vì họ muốn người dân trở mặt với
nhau. Bạo lực đã khiến cho người theo đạo Islam và các tín đồ Phật giáo trở mặt
tại bang Rakhine.
Không chỉ có tài sản bị huỷ hoại
và tính mạng người dân bị tước đoạt, chúng tôi còn phải tận mắt chứng kiến tình
cảm giữa những cộng đồng này bị hủy diệt triệt để.
Tình yêu thương và lòng nhân ái
giữa người với người đã bị lòng hoài nghi và tình trạng căng thẳng xóa sổ.
Cũng kể từ đó, không một sinh
viên đạo Islam nào còn được phép theo học tại Đại học Sittwe nữa. Thế nhưng, những
sinh viên theo đạo Phật thì vẫn được tiếp tục học.
Tất cả bạn bè Phật tử của tôi vẫn
có thể theo đuổi giấc mơ cùa họ, còn tôi thì không.
Bây giờ, khi gặp lại nhau, thì tất
cả bọn họ đều nhìn khác lắm rồi. Aung Naing đã trở thành một người thầy giáo.
Soe Min là một cảnh sát tuần tra biên giới, còn Zaw Win cũng trở thành nhân
viên cảnh sát.
Còn tôi ư? Tôi thì bắt buộc phải
tiếp tục tồn tại mà không được phép hoàn thành tâm nguyện của bản thân.
Vì sao vốn bắt nguồn từ cùng một
con sóng, thế nhưng ai đã khiến cho tôi và những người bạn của mình bị xô đẩy,
để rồi phải bị chia cách bởi đôi bờ? Tôi thường hay tự hỏi …
Đã năm năm trôi qua, và tôi vẫn
chờ đợi để được phép tiếp tục việc học đang còn dang dở. Tôi vốn đang chuẩn bị
trở thành một người thầy, và đáng lẽ là bây giờ, tôi phải trở thành một giáo
viên rồi mới phải.
Mặc dù tôi đã thử xin đi học lại,
nhưng tôi bị từ chối vì không phải là một tín đồ Phật giáo. Tôi đã mất trắng tất
cả những giấc mơ của mình vì cuộc xung đột này. Và tôi cũng đánh mất cả bản
thân mình bởi vì nó.
Cho dù tôi và Aung Naing có cùng
một giấc mơ, nhưng chúng tôi lại có hai tín ngưỡng khác nhau. Aung Naing là một
Phật tử, còn tôi là một tín đồ Islam.
Tại quê hương tôi, điểm khác biệt
trong niềm tin tôn giáo như thế này có ý nghĩa rất lớn. Chính nó đã đập tan những
giấc mơ thuở thiếu thời của tôi.
Hôm nay, chúng tôi đã không còn
như xưa
Giờ đây, mỗi lần gặp lại những
người bạn Rakhine thời thơ ấu của mình, là thêm một lần trái tim tôi tan nát.
Nhìn Aung Naing xúng xính trong bộ
đồng phục giáo viên, còn Soe Min và Zaw Win trong bộ quân phục cảnh sát của họ,
tôi cảm thấy mình thật lạc lõng và rẻ rúng.
Tôi cũng chỉ là một đứa trẻ đang
chập chững vào đời, nhưng sao tôi lại cảm thấy bản thân đã trải qua quá nhiều
đau khổ của thế gian.
Bàn tay tôi đã gần chạm đến giấc
mơ. Vậy mà ngay khi tôi ngỡ là bản thân đang biến nó thành hiện thực, thì cũng
chính lúc ấy, cơ hội đó lại bị đập vỡ tan tành trước mặt tôi. Đó là một nỗi
đau, mà tôi không biết có mấy ai hiểu nổi.
Mặc dù chúng tôi vẫn là những người
bạn quen biết nhau từ thời thơ ấu – hay có lẽ là từ khi mới sinh ra kìa – nhưng
các nguyên tố ngoại lai đã chia rẽ chúng tôi.
Thời gian chia cắt chúng tôi.
Không gian cách ly chúng tôi. Chúng tôi đã đánh mất mối gắn kết trong suốt
quãng đời trước đó, và lòng trung thành cũng như tình thân đã không thể vãn hồi
được nữa. Chúng tôi vẫn cùng tồn tại, nhưng đã không còn được nguyên vẹn như
xưa.
Chúng tôi của ngày hôm nay đã
không còn là chúng tôi của quá khứ, vĩnh viễn không còn là những đứa trẻ an
nhiên, hạnh phúc ở bên cạnh nhau nữa rồi.
Vây thì chúng tôi lại có thể làm
gì bây giờ?
Phải chăng chúng tôi nên nhìn ngược
về tuổi thơ của mình, để tìm ra bài học cho hôm nay? Làm thế nào mà chúng tôi
đã từng có thể cảm thông, chia sẻ và ủng hộ nhau, không hề biết phân biệt anh,
tôi?
Phải chăng chúng tôi nên nhớ rằng,
mỗi một đứa vốn đều được sinh ra trên cùng một mảnh đất, và đã lớn lên cùng
nhau?
Phải chăng chúng tôi nên nhớ rằng,
mình đã cùng nhau lên lớp, đến trường, và đến tận hôm nay vẫn còn tồn tại trên
cùng một quê hương?
Thế thì tại sao chúng tôi lại
không thể ngồi cùng nhau uống một ly trà nơi quán cũ? Tại sao chúng tôi không
thể cùng nhau xem một bộ phim như đã từng làm ngày xưa? Tại sao đứa này lại
không thể cùng ăn mừng hội hè và lễ lạc của đứa kia?
Chúng tôi vốn có thể có lại quãng
thời gian trước kia. Chúng tôi có thể làm sống lại tình cảm này một lần nữa.
Tôi muốn nói với những người bạn
của tôi, những người bạn thời thơ ấu của tôi rằng, chúng ta vẫn có thể cùng
nhau chung sống hòa bình như trước kia, nếu chúng ta chịu cho phép bản thân làm
điều đó!
Hãy bỏ xuống những tấm áo choàng
của lòng đố kị và mối hoài nghi đầy căng thẳng. Một tương lai hòa bình, hệt như
cái quá khứ mà chúng ta đã từng có, vẫn chờ ở phía trước.
Chính chúng ta – chứ không phải
là ai khác – có thể chấm dứt những đau khổ của nhau ngay tại lúc này, để chia sẻ
cùng nhau biết bao nhiêu điều tốt đẹp ở tương lai.
***
Tuy tên của các nhân vật đã
được thay đổi vì lý do an toàn và riêng tư, nhưng tất cả câu chuyện trong bài
viết này đều đúng theo thứ tự đã xảy ra trong suốt thời thơ ấu của tôi. Khi mà
tất cả người dân ở Rakhine, dù là người Rohingya hay là người Rakhine đều là bạn
học, đều bình đẳng như nhau, và chung sống cùng nhau.
Luật Khoa tạp chí lược dịch từ bài viết My Buddhist friends and I của nhà hoạt động trẻ người Burma (Myanmar-Miến Điện) – Ro Mayyu Ali – đăng trên tạp chí Dhaka Tribune ngày 20/9/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét