Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

7375 - Quân đội Algeri : Trụ cột của bộ máy chính quyền


Tổng thống Algeri, Abdelaziz Bouteflika và tổng tham mưu trưởng quân đội Ahmed Gaïd Salah, tại thủ đô Algers ngày 27/06/2012.REUTERS/Ramzi Boudina/File Photo


Algeri là quốc gia duy nhất trong thế giới Ả Rập mà ở đó quân đội là khởi nguồn của việc hình thành Nhà nước – Quốc gia. Tình trạng này mang lại cho quân đội và thành phần an ninh của quân đội một vị thế đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng trong lòng bộ máy chế độ nhưng vẫn không để bị đánh giá là một chế độ quân sự.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa quân sự
Ngược dòng lịch sử, ngày 18/03/1962, thỏa thuận hòa bình Evian được ký kết giữa chính phủ Pháp và chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeri (GPRA), đặt dấu chấm hết cho 132 năm đô hộ của thực dân Pháp. GDRA là một chính phủ dân sự bao gồm những người có tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Algeri như các nhà trí thức, giới dược sĩ, luật gia và bác sĩ.
Ngay khi tuyên bố độc lập tháng 7/1962, lực lượng vũ trang biên phòng Algeri đóng căn cứ chủ yếu ở Maroc và Tunisia, tiền thân của Lực lượng vũ trang nhân dân quốc gia Algerie (ANP) hiện nay, mà quân du kích chiếm đa số đã tuyên chiến với chính phủ lâm thời. Do quân đội Pháp trước đó đã đánh bại, làm tan rã lực lượng du kích Algéri ở trong nước, rồi thực thi lệnh đình chiến, lực lượng vũ trang biên phòng, dưới sự lãnh đạo của đại tá Houari Boumédiène, đã tràn về đánh chiếm các thành phố lớn ở Algeri và giết chết bất kỳ ai tỏ ra phản đối. Trong cuộc nội chiến này, hơn 1.000 người chết. Chính phủ lâm thời bị lật đổ.
Lãnh đạo lực lượng vũ trang biên phòng lúc bấy giờ, Houari Boumédiène, cùng với trợ tá là Abdelaziz Bouteflika, người hiện là tổng thống Algéri và vừa bị quân đội truất phế, đã đặt ông Ahmed Ben Bella làm lãnh đạo mới của Algeri. Thế nhưng, ba năm sau đó, khi nhân vật này có ý định gạt bỏ ảnh hưởng và vai trò của quân đội ra khỏi bộ máy chính quyền dân sự, đã bị quân đội hất cẳng một cách tàn nhẫn ngày 19/06/1965.
Sự kiện này đánh dấu chấm hết cho một giai đoạn dân chủ và cách mạng « giả vờ » tại Algéri. Quân đội trực tiếp chiếm lấy quyền lực và tổng tham mưu trưởng quân đội, ông Houari Boumédiène trở thành tổng thống cho đến khi qua đời vào tháng 12/1978. Trong suốt thời gian trị vì, ông Boumédiène nắm giữ cùng lúc ba chức vụ chủ chốt : Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, chủ tịch đảng FLN (Mặt trận Giải phóng Dân tộc) và bộ trưởng Quốc phòng.
Ông chỉ thật sự quan tâm đến các thể chế cộng hòa và dân chủ vào những năm cuối đời. Theo đó, kể từ ngày 10/12/1976, người dân có quyền bầu chọn tổng thống. Giai đoạn lãnh đạo của Boumédiène không những được đánh dấu bằng việc xây dựng một nhà nước hùng cường, chuyên chế và tập trung quyền lực. Đất nước Algeri giai đoạn này được công nghiệp hóa mạnh mẽ nhờ vào nguồn thu dầu khí. Một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đồng thời là một Nhà nước quân sự, với bộ máy chính quyền do ông Boumédiène nhào nặn ra một cách hợp lý, có phương pháp và hiệu quả.
Quân đội trở thành rường cột của quốc gia và Nhà nước Algeri. Quân đội điều hành xã hội thông qua cơ quan quyền lực An ninh Quân đội (SM), một cơ chế quản lý hệ tư tưởng và giám sát buộc phe đối lập phải e sợ các mệnh lệnh của Kasdi Merbah, một người thân cận của tổng thống.
1992-2001 : Giai đoạn đen tối
Houari Boumédiène qua đời, Chadli Bendjedid được chọn lên thay thế. Phong thái tẻ nhạt, Bendjedid buộc phải từ chức sau 13 năm cầm quyền, một ngày trước khi xảy ra cú đảo chính quân sự với việc thành lập Hội đồng Nhà nước Cấp cao (HEC). Theo chuyên gia Pierre Vermeren, giáo sư sử học trường Paris 1, chuyên về thế giới Ả Rập, trên tờ Questions Internationales, đất nước Algeri dưới thời Bendjedid vừa là một giai đoạn tiếp nối, chuyển tiếp nhưng cũng vừa bất ổn.
Tiếp nối là vì ông chưa bao giờ nghi ngờ các thể chế và những thành quả đạt được dưới thời Boumédiène. Ông chỉ bị buộc phải xem xét lại điều này một mặt là do sự trỗi dậy của các hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan cấp tiến Mustafa Bouyali sau này là Mặt Trận Hồi Giáo Cứu Thế FIS và mặt khác là do cú sốc dầu lửa năm 1986.
Cuộc khủng hoảng này đã làm cạn kiệt nguồn thu từ dầu hỏa, làm đổ sụp mô hình kinh tế khi cho thấy rõ thất bại của chiến lược « công nghiệp hóa công nghiệp » và dẫn đến sự nổi dậy của giới trẻ thủ đô Alger tháng 10/1988. Sự can thiệp của quân đội đã làm hàng trăm thanh niên thủ đô thiệt mạng.
Xin nhắc lại cho đến thời điểm này, đảng chính trị duy nhất tham gia chính phủ là đảng FLN (Mặt trận Giải phóng Dân tộc), đảng có liên kết với quân đội ngay từ ngày thành lập phong trào đòi độc lập cho Algeri. Chỉ trong vòng vài giờ, chế độc độc tài đảng - Nhà nước bị sụp đổ, mở đường cho xu hướng đa đảng chính trị, hiệp hội, văn hóa và truyền thông chưa từng có tại một nước cộng hòa Ả Rập theo xã hội chủ nghĩa.
Trong xu thế này, phe Mặt Trận Hồi Giáo Cứu Thế FIS có khả năng thắng thế trong các kỳ bầu cử và cùng với việc bạo động nổ ra khắp nơi, quân đội lại một lần nữa, thông qua Hội đồng Nhà nước Cấp cao HEC, ra tay can thiệp, quyết định chặn đứng tiến trình bầu cử và cấm FIS hoạt động.Tướng Ali Kafi lên nắm quyền điều hành HEC sau khi vị chủ tịch của cơ quan này bị ám sát vào tháng 6/1992. Rồi nội chiến bùng nổ giữa phong trào cách mạng thánh chiến và quân đội, kéo dài trong vòng 10 năm (1992-2001). Một giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử Algeri sau khi có độc lập : 150 – 200 ngàn người chết.
Thời kỳ Abdelaziz Bouteflika
Ngày 27/04/1999, Abdelaziz Bouteflika, trở thành vị tổng thống dân sự đầu tiên. Vai trò của quân đội ANP đến đây là chấm dứt ? Ông Pierre Vermeren nhắc lại rằng Abdelaziz Bouteflika đã được chính quân đội đến đón từ nơi tị nạn. Ông từng là ngoại trưởng dưới thời tổng thống Houari Boumédiène. Trong giai đoạn cuối những năm 1950 và đầu 1960, ông là trợ tá quân sự của Boumédiène.
Bản thân ông Bouteflika cũng biết « uốn theo chiều gió » trước sự thống trị của quân đội và các cơ quan tình báo của quân đội như Cục Tình báo và An ninh – DRS do Mohamed Médiène – có biệt danh là « Toufik » lãnh đạo. Abdelaziz Bouteflika không bao giờ quên được rằng chính quân đội và các định chế của tổ chức này đã từng cản trở việc ông lên kế thừa quyền lãnh đạo đất nước khi ông Boumédiène qua đời.
Năm 2015, Bouteflika tiến hành một đợt thanh trừng lớn trong quân đội, phá dỡ hệ thống DRS dẫn đến sự sụp đổ của Toufik và đưa những người thân cận nắm giữ các vị trí chủ chốt trong quân đội. Bất chấp mối quan hệ mật thiết với quân đội, nhất là với tổng tham mưu trưởng Ahmed Gaid Salah, tổng thống Abdelaziz Bouteflika một lần nữa, vào ngày 26/03 vừa qua, lại bị chính quân đội bỏ rơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét