Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

7376 - Vụ nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: dư luận phẫn nộ khiến Bộ Giáo dục vào cuộc

BBC  

THCS Phu UngBản quyền hình ảnhOTHER

Bạo lực học đường, cụ thể là vụ một nữ sinh bị nhóm bạn bạo hành ở tỉnh Hưng Yên, đang là chủ đề gây bão trong dư luận Việt Nam. Hôm 29/3, truyền thông Việt Nam đưa tin một nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đã bị một nhóm bạn nữ cùng lớp bạo hành, lột quần áo và quay clip.
Hai ngày sau, 31/3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cùng lãnh đạo Hưng Yên về làm việc với lãnh đạo trường Phù Ủng.
Vụ việc được cho là xảy ra hôm 22/3 sau giờ học vì một 'mâu thuẫn nhỏ'. Em N.T.H.Y bị năm bạn nữ đánh đập nhiều lần vào vùng mặt, và lột quần áo ngay trong lớp học mà không có sự can ngăn của giáo viên hay các học sinh khác.
Theo lời ông Nguyễn Văn Doanh, chú ruột của nạn nhân H.Y, sau khi sự việc xảy ra, em H.Y bị bất ổn về tinh thần và đang được điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hưng Yên, báo Việt Nam đăng tải.
Ông Doanh cũng cho biết "gia cảnh cháu H.Y. khá éo le, cả bố và mẹ cháu đều sức khỏe yếu, tâm lý không bình thường," theo tờ Người Lao Động.
Đây được cho không phải là lần đầu đã xảy ra chuyện em H.Y bị đánh và bắt nạt tại trường.

Các cơ quan chức năng đã làm gì?

Ngày 25/3, Ban Giám hiệu trường THCS Phù Ủng đã họp hội đồng kỷ luật, mời các gia đình lên làm việc và đình chỉ học năm em tham gia đánh bạn 4-5 ngày.
Nhà trường cũng yêu cầu các em học sinh trên xóa clip để không ảnh hưởng đến hình ảnh của em H.Y.
Hôm 27/3, sau khi xem clip cháu gái bị bạo hành dã man, ông Doanh đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng.
Ngày 30/3, UBND huyện Ân Thi quyết định tạm dừng công tác điều hành đối với ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng THCS Phù Ủng và bà Hoa Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A để "làm rõ vụ việc".
Ngày 31/3, đi cùng đoàn tác do Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu xem xét làm quy trình cách chức toàn bộ toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường vì "bao che".
"Đối với giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xử lý bằng hình thức nặng hơn vì vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh," theo Zing News.
Bộ trưởng Nhạ nói tại buổi làm việc: "Đây là sự việc đau lòng, người lớn sẽ phải chịu trách nhiệm".


Một góc sân trường THCS Phù ỦngBản quyền hình ảnhYOUTUBE
Image captionMột góc sân trường THUCS Phù Ủng

Mạng xã hội nói gì?

Facebooker Nguyễn Thanh Bình bày tỏ sự phẫn nộ trong một bài viết có tựa đề "Nền giáo dục thối nát".
"Tôi giận run người khi xem clip một em học sinh nữ lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 bạn học cùng lớp lột sạch áo quần và đánh tập thể ngay ở trong lớp đến mức phải nhập bệnh viện tâm thần, trong khi còn nhiều bạn đứng xung quanh xem và quay clip để tung lên mạng. Không một đứa nào thấy thương xót, không một ai vào can ngăn.
"Vì sao nên nỗi? Giận nhóm học sinh đánh bạn một thì giận cả đám bạn đứng xem đó mười. Một xã hội vô cảm, không một ai biết động lòng đến nổi đau người khác, thậm chí còn xem đó là một niềm vui.
"Hệ quả của một nền giáo dục bao biện, che đậy, thối nát. Cô quan hệ với học sinh dưới 16 tuổi đáng ra phải đi tù thì vẫn để đi dạy vì nhân văn ??? Gian lận thi cử tràn lan, tước đi quyền lợi chính đáng của những em học hành nghiêm túc, họ cũng ỉm đi vì nhân văn ??? Thế nào là nhân văn ? Nhân văn thế này thì giáo dục đi về đâu ? Xã hội đi về đâu ? Thối nát!"
Nhà báo Trương Huy San thì bình luận về sự cần thiết phải khởi tố vụ án và các bị can.
"Khởi tố vụ án và khởi tố các bị can trong vụ này là cần thiết nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ chống bạo lực trong nhà trường. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì "người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự," nhà báo Trương Huy San viết trên Facebook hôm 31/3
"Ngoài lý do thiếu nền tảng về đạo đức, rất có thể các học sinh hành hạ bạn học của mình ở đây đã không ý thức được rằng, các cháu đang phạm tội (cố ý gây thương tích và làm nhục người khác). Các cháu có thể cũng không nhận ra hành động có tổ chức có thể trở thành tình tiết tăng nặng thay vì suy nghĩ đơn giản, thấy bạn làm được thì mình làm cũng được. Nếu chỉ hai đứa trẻ với nhau, dù có xích mích và có đánh nhau cũng không dã man như cách mà chúng ta nhìn thấy trong nhiều clips đám trẻ "bề hội đồng".
"Tuy nhiên, Toà không nên áp dụng hình phạt tù hay đuổi học mà chỉ nên cảnh cáo. Rất tiếc, luật pháp VN đã bỏ mất hình phạt bổ sung, "lao động công ích". Theo tôi, Toà nên đưa ra phán quyết để thành "án lệ", buộc các cháu, Hè hoặc trong các ngày nghỉ phải dọn vệ sinh ở nơi công cộng. Tốt nhất là buộc các cháu, từ nay tới hết năm học phải đảm bảo dọn sạch như lau tất cả các nhà vệ sinh trong trường.
Kỷ luật các thầy cô cũng nên "cá nhân hoá" trách nhiệm thay vì "cách chức cả ban giám hiệu".
Bà Thu Hà, cựu nhà báo tờ Hoa Học Trò, viết dòng trạng thái phân tích về văn hóa "chèn ép, hành hạ người yếu thế" trong môi trường học đường, trước một bài báo nói ông hiệu trưởng nói em H.Y bị bắt nạt có thể vì "quá hiền".
"Vụ việc nữ sinh lớp 9 bị đánh và lột đồ trong lớp, quay phim đưa lên mạng, không chỉ gây phẫn nộ, mà là ghê tởm. Đánh đập, chèn ép, hành hạ người yếu thế, chỉ nên có ở loài vật."
"Rất nhiều thầy cô giáo vẫn quan niệm việc bắt nạt không nguy hiểm bằng việc HS đi trễ, nói chuyện trong lớp, hay bài kiểm tra điểm kém, vì nó trực tiếp ảnh hưởng xếp hạng thi đua của lớp.
"Và thầy cô cũng bực bội ra mặt với những học sinh yếu. Cách ứng xử đó làm cả lớp ngầm hiểu là HS yếu sẽ không được bênh vực, sẽ xứng đáng bị "dạy dỗ".
"Giáo dục cần thời gian gột rửa sâu, mổ xẻ để sắp xếp lại.
"Việc định giá, xếp hạnh thứ tự cái gì nghiêm trọng, cái gì bình thường, cái gì cần giáo dục…
"Nhà trường không thể là môi trường dung dưỡng cái ác, để cho cái ác nảy nở và phát triển," bà Thu Hà viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét