Những tấm biển stop trong hệ thống tín hiệu giao thông
Trong hệ thống giao thông công cộng ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, tại các giao lộ thường xuất hiện những tấm biển stop. Những tấm biển stop được đặt ở các giao lộ với mục đích đơn giản là để các phương tiện lưu thông dừng lại quan sát, định hướng trước khi đi tiếp. Theo đó, trong trường hợp trên đường không đặt tín hiệu đèn cờ, không có người điều khiển giao thông thì người lái xe khi thấy biển này các loại xe cơ giới và thô sơ kể cả xe ưu tiên theo quy định dừng lại trước biển hoặc trước vạch ngang đường và chỉ được phép đi khi đến lượt mình và trên đường không còn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tấm biển có ý nghĩa là một khoảng dừng để nhìn nhận, xác định vị trí, hướng đi và bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông, vận hành trên đường tránh những tai nạn có thể xảy ra.
Ngoài ra, tấm biển còn có tác dụng tạo cho người dân thói quen tự giác, tự nhận biết vị trí, quyền lợi và nghĩa vụ của mình đến đâu trong đời sống cộng đồng khi dừng trước tấm biển Stop để tuân theo luật pháp, ai đến trước, đi trước, ai đến sau đi sau mà không có hiện tượng chen ngang, cướp đường, chèn ép hay vượt ẩu…
Riêng ở Việt Nam, cho đến nay, những tấm biển Stop vẫn là điều hoàn toàn xa lạ. Xa lạ không phải bởi nó không xuất hiện, mà là sự hiếm hoi và những quy định cụ thể tạo thành thói quen của toàn xã hội. Bởi vậy, từ ngõ nhỏ, những chiếc xe máy có thể phóng nhanh ra đường lớn mà không cần quan sát, những phương tiện giao thông chẳng có biển hạn chế, nhắc nhở nào khi đến các giao lộ.
Và cứ thế tai nạn liên tiếp xảy ra, mạng người đi đến nghĩa địa cứ như một trò đùa.
Chính vì thế, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi con số hàng chục ngàn mạng người, hơn cả tổn thất của những cuộc chiến tranh khốc liệt.
Trên hết, đó thói quen mạnh ai nấy chạy, bạt mạng bất chấp tính mạng của mình cũng như sự an toàn của cộng đồng xã hội.
Những tấm biển stop trong đời sống
Không chỉ có trong lĩnh vực giao thông, mà trong cuộc sống vẫn cần những tấm biển stop như vậy, cũng nhằm mục đích tạo ra một khoảng lặng an toàn, nhìn nhận lại vị trí và định hướng cho công việc sắp tới tránh những rủi ro không mog muốn.
Sau một tuần làm việc, cần có một ngày Chúa nhật dừng lại để nghỉ ngơi, để lấy lại tinh thần và sức lực cho một tuần làm việc mới. Sau một năm làm việc, người ta có những ngày nghỉ phép, du lịch nghỉ dưỡng... Nói theo "định hướng XHCN" thì đó là để "tái sản xuất sức lao động" tránh việc kiệt sức.
Không chỉ trong cuộc sống của mỗi con người, mà trong các hoạt động xã hội cũng cần có những tấm biển stop để bộ máy nhà nước, cả xã hội nhìn nhận lại mọi vấn đề, hướng đi cho cả đất nước, dân tộc, cộng đồng.
Chẳng hạn, ở "chế độ phong kiến thối nát" nhà vua là "con trời" nhưng vẫn đặt ra một chức quan gọi là "Gián quan" nhằm phản biện, ngăn ngừa những quyết định vội vàng của nhà vua có thể làm ảnh hưởng đến xã tắc, giang sơn hoặc quốc kế, dân sinh. Đó là những tấm biển Stop nhằm ngăn chặn tai họa.
Trong chế độ "tư bản giãy chết" những đảng phái đối lập, những tiếng nói độc lập, báo chí... là những tấm biển Stop để buộc kẻ cầm quyền phải đi đúng đường hướng mà pháp luật đã quy định.
Thế nhưng, điều tưởng như đã thành quy luật ấy đã không có trong thực tế đời sống Việt Nam.
Những hậu quả của việc thiếu những tấm biển stop
Có lẽ trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, đất nước được đặt "dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và trí tuệ của đảng Cộng sản" những khái niệm về tấm biển Stop sẽ dần dần mất đi. Bởi đơn giản là trong chế độ độc tài, toàn trị, "không có một thế lực nào ngăn nổi ý chí cách mạng" nhất là với những "chủ trương lớn của đảng".
Trước hết, đó là trong các cuộc cách mạng XHCN mà đảng CS đã phát động mấy chục năm nay. Bắt đầu là cuộc "Cách mạng về quan hệ sản xuất" được thực hiện bằng những cuộc Cải cách ruộng đất, cải tạo Công thương nghiệp tư bản, tư doanh, đánh tư sản rồi Hợp tác xã nông nghiệp và sau này là "Tập đoàn kinh tế nhà nước"...Ở đó, chỉ có ý chí cách mạng tiến công mà không có bất cứ một ý kiến nào khác được chấp nhận - Những tấm biển stop đã không được phép xuất hiện.
Hậu quả của nó chưa thể khắc phục trong đời sống xã hội, thì cuộc “cách mang ngược” là cướp đất đai, tài sản của người dân vào tay cộng sản, quan chức và các tập đoàn Mafia đỏ lại càng làm xã hội tiêu điều và suy đồi.
Hậu quả là nền kinh tế xã hội tan nát dưới sự lãnh đạo của đảng. Đất nước từ chỗ "Ở vào xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu. Nhân dân dũng cảm và cần kiệm. Các nước anh em giúp đỡ nhiều" - Hồ Chí Minh - đã trở nên tiêu điều xơ xác, nợ nước ngoài còn hơn cả Chúa Chổm xưa kia.
Cả quá trình đó, không hề có một tấp biển Stop nào được công nhận và được chú ý, nếu có, thì lập tức được đưa vào “thế lực phản cách mạng”.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng về Khoa học Kỹ thuật với việc sính bằng cấp, giả tạo, gian dối... đã đưa nền khoa học nước nhà đến những thành quả thảm hại. Hầu hết những điều cần thiết cho đất nước đều chỉ là con số không tromg thành quả cuộc cách mạng này. Những cái gọi là "Nghiên cứu" của nhà nước được tuyên truyền rầm rộ như đưa bèo hoa dâu lên vũ trụ... đều chỉ là trò vô bổ. Những máy móc, sản phẩm dân sinh đều phải nhập ngoại hoặc do chính những nông dân chế tạo. Khoa học lệ thuộc nước ngoài, ngay cả việc "học tập và làm theo" những thành quả của nhân loại cũng là chuyện xa vời.
Để rồi người ta kết luận các vấn đề khoa học như chuyện khôi hài chọc cười thiên hạ. Chẳng hạn Bộ trưởng Y tế kết luận "Sốt xuất huyết kéo dài do nắng lắm, mưa nhiều". Hoặc BOT không ảnh hưởng đến người nghèo... Những câu nói của quan chức chỉ chứng tỏ rằng họ đang đứng ở một trong hai trạng thái: Hoặc là ngáo đá, hoặc cố chọc cười thiên hạ.
Cùng "tiến hành song song hai cuộc cách mạng trên, đó là cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa". Cuộc cách mạng với cơ sở là "vật chất quyết định ý thức" đã thật sự hoàn thành một cách triệt để là xóa khỏi đời sống xã hội những truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc như sự thật thà, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm cho đến những vấn đề đơn giản trong đời sống xã hội Việt Nam.
Kết quả là xã hội bát nháo, hỗn loạn, lấy dối trá và bạo lực làm cơ sở để tồn tại, lấy vật chất làm thước đó giá trị con người.
Gần đây, những hiện tượng trục lợi buôn thần bán thánh, những cuộc khuynh loát cả một tôn giáo có truyền thống từ ngàn đời như Phật Giáo đã làm cạn kiệt hết chút lòng tin còn lại. Sau những cuộc “dâng sao, giải hạn” do đám sư quốc doanh Thích Thanh Quyết, một công chức kiêm sư sãi, thậm chí dư luận còn biết rằng kiêm luôn cả chức vụ an ninh – thì đến những cuộc “gọi vong báo oán” ở Chùa Ba Vàng mà những đấu đá tranh giành nội bộ phe nhóm vì quyền lợi đã lộ ra ngoài, người ta biết không chỉ có chừng đó mà cả hệ thống Phật giáo quốc doanh đã trở thành Tổng Công ty Kinh Doanh Tổng hợp Phật giáo Việt Nam.
Tất cả những điều đó đã xảy ra, bởi ngay cả trong hệ thống Phật giáo lấy sám hối là điều kiện quan trọng, thì hiện nay ở Việt Nam trên con đường đi đến sự sa đọa do sự lãnh đạo của đảng vô thần, cũng không tồn tại một tấm biển stop nào.
Rồi những cuộc bách hại các tôn giáo chân chính, các tôn giáo độc lập nhất định không chịu “sự lãnh đạo tuyệt đối” của đảng đã cho thấy bộ mặt thật của cái gọi là tự do tư tưởng, tự do tôn giáo ở Việt Nam… Và những cuộc chiến bách hại đó không dừng lại dù biết có những sự vô luân, vô luật và trái lương tâm, nhưng những tấm biển stop không hề tồn tại.
Tất cả những cuộc cách mạng đó được tiến hành bởi sự lãnh đạo độc tài và độc trị.
Và với đảng độc tài, thì họ đã không chấp nhận một tấm biển stop nào trên con đường họ đi chỉ bởi tính cách “kiêu ngạo cộng sản” tự xưng mình là trí tuệ, là văn minh, là khoa học của mọi khoa học, là đạo đức…
Hậu quả là đến ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã được đảng díu dắt đến bờ vực thẳm của sự sụp đổ và nô lệ.
Và đất nước này, dân tộc này trên con đường đi đến sụp đổ và nô lệ dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CSVN, cũng không một tấm biển Stop nào được xuất hiện hoặc chấp nhận.
Ngày 29 tháng 3 năm 2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét