Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

7399 - Chuyện của bên thắng và bên thua cuộc

Phần Một: Bác Hiền
Bác Hiền biết tôi qua một lần nghe tôi trả lời phỏng vấn đài “Tiếng nói người Việt Quốc gia” về Quỹ 50k. Rồi bác liên lạc với tôi qua điện thoại, chỉ điện thoại thôi, bởi bác không biết bất cứ một phương tiện liên lạc nào khác. Bác bảo đang sống ở bên Mỹ, bác gọi để hỏi thông tin của những gia đình TNLT khó khăn nhất, tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của họ. Bác muốn gửi tiền giúp đỡ họ. Bác bảo bác cũng chỉ hưởng tiền trợ cấp, không có bao nhiêu, nên bác dùng cái tâm của mình để vận động quyên góp từng người. Bác không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội quyên góp nào mỗi khi có cuộc gặp gỡ, thậm chí đi xin.
Cứ vài ngày tôi lại nghe điện thoại của bác, lần nào cũng như lần nào, giọng bác vui lắm, đại loại:
– Cô Hạnh ơi, tôi đã xin được 75 đồng, tôi góp vào 25 đồng nữa là đủ 100 đồng. Cô cho tôi xin tên và số điện thoại của một gia đình.
Có lần 5h sáng đã thấy chuông điện thoại của bác trong khi 4h tôi mới ngủ, cảm giác ngái ngủ thật không dễ chịu chút nào, nhưng tôi nhanh chóng hoà vào niềm vui “đã đủ 100 đồng” của bác.
Và tôi thường khản cổ mỗi khi đọc cho bác chép xong một địa chỉ, tên người, số đt, bởi bác lãng tai lại gọi qua điện thoại mà là điện thoại quốc tế nên càng khó nghe hơn, cứ phải nói thật to và nói đi nói lại nhiều lần.
Đi xin từng đồng đô, mà thấm thoắt bác đã gửi về được hơn 7000 đô. Thương bác, tôi khuyên bác tạm nghỉ ngơi, đừng đi xin nữa. Nhưng bác trả lời từ trong gan ruột:
– Cô ạ, tôi cũng từng là một người tù, tôi ở tù cộng sản 13 năm sau năm 1975, địa ngục trần gian cô ạ, nên tôi thương những người tù lắm. Tôi muốn làm cái gì đó cho họ trong khả năng của tôi. Năm nay tôi đã gần 80 tuổi, sống được ngày nào biết ngày đó thôi, nên tôi cố từng ngày, làm gấp, kẻo nằm xuống lại tiếc chẳng làm được gì. Nhiều lúc cũng buồn khi đi xin tiền có người bảo: “Những người ấy họ đấu tranh để được đi tị nạn, giúp làm gì”. Lại phải giải thích rằng nghĩ như thế là sai, nhưng trong lòng cứ buồn mãi.
Thì ra bác từng là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà. Tính cách của bác toàn đối lập với những “tên ác ôn nguỵ quân nguỵ quyền” mà tôi được tuyên truyền trước kia. Bác hiền khô, thật thà, nhường nhịn, chứa chan tình thương, và đặc biệt yêu quê hương. Mỗi lần nghe bác than thở về vận nước, than thở thương quê, tôi buồn phát khóc.
Những khi liên lạc với tôi, bác thường xen kẽ kể về những năm tháng tù đày trước kia, không hề có chút cường điệu. Những gì mà những người tù VNCH phải chịu đựng cũng hoàn toàn đối lập với những “nhân đạo, khoan hồng” của chính quyền cộng sản đối với tù binh mà tôi từng được tuyên truyền.
Lâu dần thành quen, bác đã như một phần trong cuộc sống của tôi. Cứ vài ngày không thấy bác gọi là tôi lại mơ hồ lo lắng hay bác nằm xuống rồi. Bởi chỉ bác gọi cho tôi, chứ điện thoại của tôi không gọi được quốc tế. Mà bác gọi cho tôi cũng không hiện số, nên tôi không thể gọi cho bác được.
Tôi thuyết phục mãi bác mới nhờ cháu ngoại lập Facebook. Tôi nhẹ hẳn người vì không phải gào qua điện thoại nữa, nhắn tin là dễ dàng và chính xác nhất, và khi nào cần là tôi có thể nhắn hoặc gọi cho bác.
Nhưng hoá ra bác lại lo cho tôi hơn là tôi lo cho bác. Cứ vài ngày không thấy tôi đăng bài là bác lại gọi, lo tôi ốm, lo tôi bị bắt đi tù. Thấy giọng tôi khoẻ khoắn bác lại cười hiền hậu đúng như gương mặt của bác. Có lần bác thở dài: “Thời chúng tôi đi tù mà có người ở ngoài như cô thì tốt biết mấy!”. “Nhưng mỗi thời một khác cô nhỉ?”, bác lại tự trả lời.
THÁNG TƯ, truyền thông lề đảng rục rịch hoan hỉ khoét vào cái vết chém trên thân thể Việt Nam suốt 44 năm vẫn còn rướm máu. Tôi cũng từng có thời lên đồng cùng với cỗ máy truyền thông một chiều đó. Nhưng nay tôi chỉ thấy đau. Và tôi muốn kể câu chuyện của hai người cùng một giống nòi nhưng khác chiến tuyến mà tôi từng được nghe.
(Còn tiếp)
Phần hai: Câu chuyện của người lính VNCH tù Cộng sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét