Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

7398 - Ngày 02/04/2005: Giáo hoàng John Paul II qua đời



Vào ngày này năm 2005, John Paul II, Giáo hoàng đi nhiều nơi nhất trong lịch sử, đồng thời là người đầu tiên không phải gốc Ý nắm giữ vị trí này từ thế kỷ 16, đã qua đời tại nhà riêng ở Vatican. Sáu ngày sau, hai triệu người kéo đến đông nghẹt Thành phố Vatican để tham dự đám tang của Ngài, được cho là đám tang lớn nhất trong lịch sử.
Đức John Paul II được sinh ra với tên gọi Karol Jozef Wojtyla tại Wadowice, Ba Lan, 35 dặm về phía tây nam Krakow, vào năm 1920. Sau khi hoàn tất trung học, vị Giáo hoàng tương lai ghi danh tại Đại học Jagiellonian Krakow, nơi Ngài học triết học và văn học, cũng như tham gia biểu diễn trong một nhóm hát. Trong Thế chiến II, Đức Quốc Xã đã chiếm Krakow và đóng cửa trường, buộc Wojtyla phải tìm việc ở một mỏ đá và sau đó là một nhà máy hóa chất. Đến năm 1941, mẹ, cha và anh trai duy nhất của Wojtyla qua đời và Ngài trở thành thành viên duy nhất trong gia đình sống sót.
Mặc dù Wojtyla đã dành cả đời mình cho nhà thờ, phải đến năm 1942, Ngài mới bắt đầu quá trình đào tạo tại chủng viện. Khi chiến tranh kết thúc, Ngài trở lại trường Jagiellonia để học thần học và được phong chức linh mục vào năm 1946. Ngài tiếp tục hoàn thành hai bằng tiến sĩ và trở thành giáo sư thần học luân lý và đạo đức xã hội. Ngày 04/07/1958, ở tuổi 38, ngài được Giáo Hoàng Pius XII bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Krakow. Sau đó, Ngài trở thành Tổng Giám mục của thành phố, nơi Ngài công khai ủng hộ tự do tôn giáo khi Giáo hội bắt đầu cải cách mạnh mẽ Công giáo với Công đồng Vatican II. Ngài trở thành Hồng y vào năm 1967, đảm nhận những thách thức của việc sống và làm việc như một linh mục Công giáo ở vùng Đông Âu cộng sản. Có lần, người ta hỏi liệu Ngài có sợ các lãnh đạo cộng sản trả thù hay không, Ngài đáp, “Tôi không sợ họ. Họ sợ tôi.”
Wojtyla đã âm thầm và từ từ xây dựng danh tiếng như một nhà thuyết giáo mạnh mẽ và một người đàn ông có cả trí tuệ và sức thu hút tuyệt vời. Tuy nhiên, khi Giáo hoàng John Paul I qua đời năm 1978 chỉ sau khi nhậm chức 34 ngày, hiếm có ai nghĩ Wojtyla sẽ được chọn để kế vị. Nhưng, sau bảy vòng bỏ phiếu, Mật nghị Hồng y đã chọn vị giám mục 58 tuổi, và Ngài trở thành Giáo hoàng gốc Slavơ đầu tiên, đồng thời là người trẻ nhất được chọn vào vị trí này trong vòng 132 năm.
Là một Giáo hoàng bảo thủ, triều đại của Đức John Paul II đã được đánh dấu bằng việc kiên quyết phản đối chủ nghĩa cộng sản và chiến tranh, cũng như phá thai, tránh thai, án tử hình và tình dục đồng giới. Ngài cũng lên tiếng chống lại các chương trình an tử, nhân bản loài người và nghiên cứu tế bào gốc. Ngài đã đi khắp nơi với tư cách là Giáo hoàng, sử dụng tám ngôn ngữ mà mình thành thạo (tiếng Ba Lan, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latin) và sự hấp dẫn cá nhân nổi tiếng, để kết nối với các tín hữu Công giáo, cũng như nhiều người ngoại đạo.
Ngày 13/05/1981, Giáo hoàng John Paul II đã bị bắn tại Quảng trường Thánh Peter bởi một kẻ cực đoan chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Ali Agca. Sau khi được ra viện, Giáo hoàng nổi tiếng đã đến thăm kẻ ám sát đang ở trong tù, nơi hắn đã bắt đầu thụ án chung thân; Ngài đã đích thân tha thứ cho hành động của hắn. Chỉ một năm sau đó, một nỗ lực ám sát Giáo hoàng không thành công khác lại diễn ra, lần này là bởi một linh mục cuồng tín phản đối những cải cách của Vatican II.
Mặc dù Vatican đã không thừa nhận cho đến năm 2003, nhưng nhiều người tin rằng Giáo hoàng John Paul II đã bắt đầu mắc chứng Parkinson vào đầu những năm 1990. Ngài đã dần bắt đầu nói chậm hơn và gặp khó khăn khi đi lại, dù vẫn duy trì thể chất đủ cho lịch trình dày đặc. Trong những năm cuối đời, Ngài đã buộc phải ủy thác nhiều nhiệm vụ chính thức của mình, nhưng vẫn đủ khỏe mạnh để nói chuyện với các tín hữu từ một cửa sổ tại Vatican. Tháng 02/2005, Giáo hoàng đã phải nhập viện với các biến chứng do cúm. Ngài qua đời hai tháng sau đó.
Giáo hoàng John Paul II luôn được nhớ đến vì những nỗ lực thành công nhằm chấm dứt chủ nghĩa cộng sản, cũng như xây dựng những cầu nối với các tôn giáo khác, và đã lần đầu tiên đưa ra lời xin lỗi của Giáo hội Công giáo về hành động của mình trong Thế chiến II. Ngài được kế vị bởi Hồng Y Joseph Ratzinger hay Giáo hoàng Benedict XVI. Đức Benedict XVI đã khởi xướng án phong chân phước cho Đức John Paul II vào tháng 05/2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét