Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Chuyện "đòi lại vỉa hè" ở Sài Gòn



Mấy ngày qua (tháng 2/2017), dư luận dậy sóng chuyện đòi lại vỉa hè cho người đi bộ ở Sài Gòn. Cụ thể, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBNQ Quận 1, TP.HCM trực tiếp có mặt, chỉ đạo tháo dỡ ngay lập tức những vật cản (bao gồm từ biển quảng cáo, xe cộ, bót gác, bậc thềm, tường ...) lấn chiếm vỉa hè. Đa số dư luận xã hội ủng hộ hành động quyết liệt của ông Hải. 

Không chỉ vậy, ông Hải đã nhận được sự ủng hộ từ cấp trên trực tiếp là Chủ tịch UBND TP.HCM. Ngay cả Bộ Công An cũng lập tức có động thái cộng hưởng, nêu quan điểm cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, một số quận khác đã cùng ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ.


Tuy nhiên, cũng không phải là không có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về phương pháp làm việc của quận 1, của ông Hải. Cụ thể là lấy lại mặt bằng theo kiểu ồ ạt, thẳng băng như vậy đã đúng luật, hợp lý chưa? Liệu có hệ lụy, ảnh hưởng không tốt nào hay không? ...



Trong không khí hồ hởi sôi động ấy, tôi cũng có một vài suy nghĩ, tạm chép ra đây chia sẻ cùng mọi người. Cũng là góp một tiếng nói, một ý kiến trên tinh thần xây dựng.



Trước hết, tôi nhận thấy không có ai phản đối hay nói việc lấy lại vỉa hè, hay đúng hơn là làm cho vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ như lẽ ra phải thế - là không đúng. Thế nên, nếu có ý kiến nào bàn về cách thức thực hiện, cụ thể là chưa ổn, chưa đúng chỗ nào đó - thì đó chính là những ý kiến mang tính xây dựng, cần thiết. Rất đáng được quan tâm, nghiên cứu và hoan nghênh, áp dụng. Nhằm mục đích thực hiện (thực thi pháp luật) cho tốt hơn, hợp tình hợp lý hơn.



Đáng tiếc thay, có không ít người, có lẽ đã quen với kiểu thích "làm cha" thiên hạ về mặt quan điểm, nên chỉ cần thấy ý kiến hơi khác một chút, là hùng hùng hổ hổ phán xét theo kiểu chụp mũ, phiến diện, thiếu tính tôn trọng, xây dựng. Thậm chí còn "phán thánh" nào là "bọn Việt Tân", "chỉ biết bàn ra", "lý luận cùn" ...vv. Ấy là tôi đọc trên mạng xã hội Facebook, qua facebook của bạn bè, đồng nghiệp.



Tại Việt Nam, hay cụ thể hơn là Sài Gòn, có một thực tế là vỉa hè từ mấy chục năm qua bị chiếm dụng rất khủng khiếp. Làm méo mó công năng. Thay vì là lối đi bộ, thì lại trở thành nơi kinh doanh buôn bán, đậu xe, đặt biển quảng cáo ... - đẩy người đi bộ xuống đường.



Có lẽ điều ấy xuất phát từ mô hình kinh doanh truyền thống của Việt Nam là mua bán nhỏ lẻ. Chỉ cần có diện tích khoảng vài mét vuông, là có thể mở quán nước mía, tủ thuốc lá, quán ăn, quán nhậu nho nhỏ bán bún bò, hũ tiếu, ... kiếm tiền sinh sống hàng ngày. Thậm chí ổn định, làm giàu. 



Thế nên mới có khái niệm nhà "mặt tiền". Nhà nào giáp mặt đường giá trị cao hơn hẳn. Chung quy vì có chỗ tạo ra nguồn thu nhập. Mà nếu chủ nhà không thích buôn bán, thì có thể cho người khác thuê, Cho thuê luôn cả vỉa hè.



Mặc dù vỉa hè là đất công (đường đi bộ), không có trong sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ), nhưng từ lâu mặc nhiên mọi người đều hiểu theo kiểu là chủ nhà mặt tiền được hưởng luôn quyền sử dụng vỉa hè phía trước! Ai láng cháng đứng trên vỉa hè trước nhà người khác sẽ bị chủ ra đuổi đi chỗ khác.



Từ rất lâu, tôi biết có trường hợp như nhà bạn tôi ở quận 5 TP.HCM, chủ nhà chẳng cần buôn bán gì. Bên trong vẫn khóa cửa. Bên ngoài vỉa hè thì cho người khác thuê chỗ đặt một tủ thuốc lá nhỏ xíu. Thế mà mỗi tháng thu vào cả  lượng vàng! Tôi mới hỏi người ta thuê có nửa mét vuông, bán mỗi ngày được bao nhiêu gói thuốc, mà dám bỏ ra thuê cả cây vàng. Thì mới biết người thuê đặt cái tủ ấy chỉ là lấy "địa điểm" liên lạc kinh doanh. Không phải là bán lẻ từng gói thuốc lá. Mà bán sỷ, hợp đồng hàng ngàn, chục ngàn gói thuốc/tháng.



Thế mới nhớ ở chợ Bình Tây (Chợ Lớn, Sài Gòn), mỗi cái sạp nhỏ xíu chỉ vài mét vuông giá cả tỷ đồng. Cũng chính là lấy cái địa điểm liên lạc vậy.



Thế nên, vỉa hè vốn là đất công, mà lại giống như là đất tư, chỉ đem lại lợi nhuận, thậm chí siêu lợi nhuận cho những người lấn chiếm, mà họ chẳng mất đồng nào. Thế nên việc thu lại vỉa hè là đúng lắm, cho người đi bộ. Đó cũng là thực thi và bảo vệ lẽ công bằng. Chắc chắn không ai phản đối cả.



Tuy nhiên, nói gì thì nói, dù là sai phạm, không đúng luật - thì những gì do con người đặt trên vỉa hè đều là tài sản, là mồ hôi, công sức. Thế nên thay vì đập phá, thu giữ ngay, thì chính quyền nhất thiết và nên thông báo trước, để người lấn chiếm có thời gian thu vén.



Vả lại, mặc dù tôi không thích nói chuyện lý thuyết rườm rà, nhưng về nguyên tắc khi anh thu giữ tài sản của người khác, thì phải có giấy tờ, bằng chứng. Chứ không thì sau này lấy cơ sở nào giải quyết, xử lý? Chẳng hạn anh A đậu xe máy ngoài đường, bị lực lượng chức năng ập tới chở về xe về đồn. Anh A không có tấc giấy nào trong tay xác nhận việc bị thu xe, giả sử sau này vì lý do nào đó chiếc xe bị mất trong kho, thì chẳng lẽ anh A phải chịu mất xe chỉ vì một lỗi nhỏ là đậu xe trên vỉa hè? Mà chả có ai chịu trách nhiệm gì cả? Chả có gì sai cả? Thế thì bày ra thủ tục hành chính, bày ra Luật xử lý vi phạm hành chính làm cái gì?



Tôi biết sẽ có một số người không đồng tình với ý kiến của tôi. Theo họ, thì cứ thẳng tay. Vì mục đích tốt, thì không câu nệ tiểu tiết. Không nên máy móc, cứng nhắc. Thực ra không phải vậy. Có biết bao vụ án oan, sự việc gây bức xúc, không có hướng giải quyết ... chỉ vì cán bộ công chức không thực hiện đúng quy định, thủ tục.



Vả chăng chúng ta đã xác định Việt Nam là một đất nước có pháp luật, thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền sở hữu tài sản cá nhân - thì cũng nên tôn trọng pháp luật trong việc thua lại vỉa hè. Một khi đã có pháp luật, mà làm không đúng luật, thì ấy chính là nguy hại vậy. Hậu quả khôn lường.



Lời cuối: tôi cũng muốn bày tỏ ở đây sự thông cảm, xót xa cho những người nghèo. Vì cuộc sống mưu sinh, không ít người già, phụ nữ, trẻ em phải bưng thúng bán rong, hàng ngày lê lết, lấn chiếm vỉa hè trên đường phố Sài Gòn. Tôi thấy trên báo có đăng ý kiến của một vị lãnh đạo quận: "đằng sau mỗi gánh hàng rong, là cả một gia đình" - điều ấy là sự thật.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét