Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Dự Luật Ngân Sách 2018 của Tổng Thống Trump có gì lạ?





Vào ngày 16-3-2017 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã đệ trình Quốc Hội Hoa Kỳ dự luật ngân sách đầu tiên của ông với cái tên rất kêu là “Nước Mỹ Trước Hết: Kế Hoạch Ngân Sách Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại”. Năm con số sau đây tóm tắt dự luật ngân sách 2018. Tất cả những con số này đã được điều chỉnh để loại trừ ảnh hưởng của lạm phát.



Tổng sản phẩm nội địa: $17.4 ngàn tỉ Mỹ kim.



Tổng số thu nhập: $3.37 ngàn tỉ Mỹ kim.



Tổng số chi tiêu: $3.76 ngàn tỉ Mỹ kim.



Thiếu hụt: $0.39 ngàn tỉ Mỹ kim.



Ngân sách thiếu hụt so với tổng sản phẩm nội địa: -2.3%.



Những con số này ở đâu mà ra? 


 


Phần thu nhập bao gồm tiền thuế lợi tức đánh vào những cá nhân và công ty, thuế lương bổng, và lệ phí sử dụng các dịch vụ và phương tiện công cộng. Thuế lợi tức cá nhân (individual income tax) chiếm khoảng 49% của tổng số thu nhập đánh vào 100 triệu gia đình sống trên đất Mỹ. Kế đến là thuế lương bổng (payroll tax) chiếm 31%. Thuế lương bổng là thuế mà những chủ của các doanh nghiệp phải trả cho chính phủ khi họ trả lương cho nhân viên. Thuế lợi tức công ty (corporate income tax) chiếm 13%. Tất cả những tổ chức hay doanh nghiệp nào được xếp vào loại đoàn thể nghề nghiệp (corporation) đều phải đóng thuế này ngoại trừ những tổ chức vô vị lợi (non-profit organization). Ngoài ra, thuế gián thâu (excise tax) chiếm 3%. Các thuế khác chiếm 4%.



Phần chi tiêu bao gồm chương trình an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp và lao động chiếm 36% tổng số chi tiêu của chính phủ liên bang, chương trình Medicare và y tế tổng quát chiếm 28%, quốc phòng 14%, trả tiền lời 9% và những chương trình khác (canh nông, năng lượng, thương mại, nhà ở, phát triển cộng đồng và vùng, …) 13%.


 


Chi tiêu bắt buộc và chi tiêu tự do khác biệt ra sao?



Chi tiêu của chính phủ liên bang có hai phần. Phần bắt buộc (mandatory spending) là những chi tiêu dựa trên các đạo luật hiện hành thay vì phải theo tiến trình chuẩn chi ngân sách. Ai có đủ điều kiện theo luật pháp thì được hưởng những quyền lợi này chứ không cần phải được Quốc Hội cho phép. Phần chi tiêu bắt buộc ước tính là $2.7 ngàn tỉ Mỹ kim, bao gồm các chương trình an sinh xã hội, thất nghiệp, và lao động, Medicare và y tế, quyền lợi của cựu quân nhân, giáo dục, trả tiền lời, và một số chương trình khác.



Trái lại, phần chi tiêu tự do (discretionary spending) của ngân sách là phần mà hành pháp yêu cầu Quốc Hội chấp thuận mỗi năm qua thủ tục lập pháp. Phần chi tiêu tự do ước tính là $1.05 ngàn tỉ Mỹ kim, bao gồm quốc phòng, giáo dục, giao thông, chính phủ, ngoại giao, năng lượng, môi trường, khoa học, không gian, kỹ thuật, nhà ở, phát triển cộng đồng, và nông nghiệp. Phần chi tiêu tự do chiếm 27% của ngân sách 2018 so với 73% của phần chi tiêu bắt buộc.



Phần chi tiêu tự do cho tài khóa 2018 do Tổng Thống Trump đề nghị có nhiều thay đổi lớn so với tài khóa 2017. Ba cơ quan được gia tăng ngân sách là Quốc Phòng (+10%), Nội An (+7%) và Cựu Chiến Binh (+6%). Để giới hạn ngân sách quốc gia thiếu hụt do gia tăng chi phí quốc phòng, tất cả các cơ quan còn lại đều bị cắt giảm ngân sách. Nặng nhất là Bảo Vệ Môi Trường (-31%), Ngoại Giao (-29%), Canh Nông (-21%), Lao Động (-21%), và Tư Pháp (-20%). Riêng cơ quan Bảo Vệ Môi Trường sẽ mất 3,200 nhân viên và 50 chương trình sẽ bị chấm dứt. Tuy nhiên Bộ Y Tế và Dịch Vụ Người là cơ quan bị cắt giảm ngân sách nhiều nhất về số tiền mặt với 12.6 tỉ Mỹ Kim. Tổng cộng phần chi tiêu tự do giảm 1.2% so với tài khóa 2017.


 


Ngân sách của Tổng Thống Trump tốt, xấu như thế nào?



Hành pháp dự thảo ngân sách, nhưng trên thực tế chính Quốc Hội mới là cơ quan quyết định ngân sách với nhiều thay đổi đáng kể đối với ngân sách dự thảo do Hành Pháp đệ trình. Thí dụ, Quốc Hội Hoa Kỳ hoàn toàn không chú ý gì đến dự thảo ngân sách của Tổng Thống Obama, tự soạn ra ngân sách 2017. Nhiều nhà lập pháp Dân Chủ lẫn Cộng Hòa chống đối mãnh liệt một số đề nghị của Tổng Thống Trump như cắt giảm viện trợ ngoại quốc, ngoại giao và một số chương trình phúc lợi (welfare).



Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden trong mùa tranh cử 2008 từng nói “Đừng nói với tôi ông coi trọng cái gì, cho tôi thấy ngân sách của ông, tôi sẽ nói ông ưa chuộng cái gì.” (“Don’t tell me what you value. Show me your budget, and I’ll tell you what you value”.) Chúng ta cùng phân tách dự thảo ngân sách của Ô. Trump để đánh giá ngân sách này và đồng thời tìm hiểu về con người của ông.



Qua dự thảo ngân sách, người ta đã thấy Ô. Trump tự mâu thuẫn về một số điều trong chương trình nghị sự của mình. Ông từng tuyên bố muốn loại trừ tất cả bệnh tật, tuy nhiên ông lại quyết định giảm ngân sách của National Institutes of Health $5.8 tỉ Mỹ kim, tức khoảng 20%. Ông cũng từng tuyên bố muốn đầu tư $1 ngàn tỉ Mỹ kim vào chương trình cơ sở hạ tầng, nhưng dự thảo ngân sách của ông lại cắt ngân sách của Bộ Giao Thông $500 triệu Mỹ kim thuộc các dự án đường xá, mà không thay thế bằng một nguồn tài trợ mới hay đưa ra giải pháp thu thuế nào để bù vào phần thiếu hụt.



Trước đây Ô. Trump từng hứa sẽ không cắt ngân sách của các chương trình an sinh xã hội như Social Security, Medicare và Medicaid. Nhưng mới đây, sau khi dự luật ngân sách của Đảng Cộng Hòa đã đệ trình Hạ Viện, Ô. Mick Mulvaney, Giám Đốc Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách (Office of Management and Budget – OMB), đã tiết lộ với báo chí rằng ông sẽ thảo luận với Nhà Trắng về việc có thể cắt giảm các chương trình an sinh: Social Security, Medicare, và Medicaid.



Ngoài ra, Tổng Thống Trump còn đề nghị loại bỏ một số chương trình giúp đỡ những người có lợi tức thấp và nhóm thiểu số vì cho là những chương trình này không có hiệu quả. Trong số này gồm có Chương Trình Trợ Giúp Năng Lượng Nhà (Low-Income Home Energy Assistance Program) với ngân sách hơn $3 tỉ Mỹ kim mỗi năm để giúp sưởi ấm nhà vào mùa đông và Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng (Community Development Block Grant Program), với ngân sách hàng năm khoảng $3 tỉ để tài trợ các dự án giúp người nghèo có nhà ở, phát triển cộng đồng và những người vô gia cư. Chương trình “Meals on Wheels” mang bữa ăn miễn phí đến tận nhà cho người già là một chương trình thiện nguyện, nhưng được tài trợ một phần qua Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng. Khi Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng không còn nữa, chương trình “Meals on Wheels” sẽ gặp khó khăn. Một số người mỉa mai ví dự thảo ngân sách của Ô. Trump là “starvation budget” (ngân sách chết đói). Ô. Giám Đốc Ngân Sách của Ô. Trump dứt khoát nói rằng “Meals on Wheels” không phải là một chương trình của chánh phủ Liên Bang. Tài tử màn ảnh nổi tiếng Arnold Schwarzenegger, cựu thống đốc California, một thành viên của Đảng Cộng Hòa, tuyên bố rằng Ô. Trump không làm cho nước Mỹ vĩ đại bằng cách hủy bỏ những chương trình sau giờ học của học sinh và “Meals on Wheels” của những người nghèo.



Trong thời gian tranh cử, Ô. Trump đề nghị thiết lập bức tường biên giới với Mexico và đòi Mexico trả phí tổn xây cất. Nay ông yêu cầu Quốc Hội cấp hai ngân khoản $1.7 tỉ Mỹ kim trong 2017 và $2.6 tỉ Mỹ kim trong năm 2018 để xây bức tường này. Quả thực hứa trong lúc tranh cử và thực tế hoàn toàn khác. Để có ngân khoản xây tường biên giới, Ô. Trump đã phải cắt giảm hay hủy bỏ nhiều chương trình ích lợi khác. Đó là một giá đắt đỏ. Ông vẫn hứa là sẽ có cách đòi Mexico trang trải chi phí xây tường bằng cách này hay cách khác.



Trong thời gian tranh cử, Ô. Trump thường lớn tiếng bênh vực giới lao động. Nay trở thành tổng thống ông đã quay lưng lại với công nhân. Thật vậy, dự thảo ngân sách 2018 hủy bỏ một số chương trình dành cho giới lao động như dậy nghề, huấn luyện an toàn và sức khỏe, Văn phòng Lao Động Quốc Tế Vụ (Bureau of International Labor Affairs), chương trình kiếm việc làm cho người lớn tuổi, chương trình giáo dục và huấn luyện người trẻ và giúp họ chọn nghề và kiếm việc làm (Job Corps). Ngân sách của Bộ Lao Động bị cắt giảm $12.6 tỉ Mỹ kim (-16.2%). Tổ chức lao động AFL-CIO (American Federation of Labor & Congress of Industrial Organizations) lên án Dự Thảo Ngân Sách 2018 của Ô. Trump. Ô. Richard Trumka, Chủ Tịch của AFL-CIO tuyên bố một cách cay đắng rằng công nhân không bỏ phiếu cho ông Trump để ông làm ngân sách hủy bỏ chương trình huấn nghiệp và không đầu tư vào cơ sở hạ tầng.



Cũng như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo Dục là một phương tiện chống nghèo hiệu quả, nhưng ngân sách của Bộ Giáo Dục cũng bị cắt giảm $9.2 tỉ Mỹ kim (-13.5%). Hậu quả là một số chương trình thuộc Bộ Giáo Dục sẽ bỉ hủy bỏ trong đó có chương trình huấn luyện giáo viên, trước và sau giờ học, trợ cấp cho học sinh nghèo và học sinh thiểu số. Trong khi đó dự án ngân sách của Ô. Trump lại tăng một ngân khoản $1.4 tỉ Mỹ kim cho chương trình chọn trường (school choice). Theo đó học sinh có thể lựa chọn trường công độc lập (charter school), trường tư, trường công thông thường. Dự Thảo Ngân Sách 2018 của Ô. Trump sẽ làm suy yếu hệ thống trường công.



Không phải ai cũng chê trách dự án ngân sách của Ô. Trump. Thật vậy, Ô. Chris Edwards, Giám Đốc chương trình nghiên cứu thuế vụ tại Viện Nghiên Cứu Cato, ca ngợi dự thảo ngân sách của Tổng Thống Trump là cần thiết và công bằng. Theo ông, những quyền lợi được bảo đảm bởi chính phủ như chương trình an sinh xã hội, Medicare, v.v. là những đe dọa lớn nhất đối với tình trạng tài chánh quốc gia. Sớm muộn gì những chương trình này sẽ phải được giải quyết. Ông Edwards ủng hộ việc chính phủ cắt giảm ngân sách hay hủy bỏ toàn bộ một số chương trình phúc lợi. Các chính phủ tiểu bang nên thay thế chính phủ liên bang trong lãnh vực này để việc điều hành sẽ hiệu quả hơn, tránh được trung gian và quy định tốn kém của chính phủ liên bang.



Quan điểm này không làm cho chúng ta ngạc nhiên nếu hiểu rằng Ô. Edwards là một người theo Chủ Nghĩa Tự Do (libertarianism) cũng như Ô. Andrew Napolitano, người từng tung một tin giả mạo trên hệ thống truyền hình Fox News rằng tình báo Anh đã giúp cựu Tổng Thống Obama do thám Ô. Trump. Chủ Nghĩa Tự Do chủ trương xóa bỏ mọi chương trình phúc lợi (welfare program), kinh tế hoàn toàn không bị chánh quyền chi phối, xóa bỏ sở thuế vụ (Internal Revenue Service – IRS), bảo thủ về mặt tài chánh, nhưng phóng khoáng về mặt văn hóa. Tôi không tin nước Mỹ sẽ đi theo chiều hướng này.



Kết luận



Dự thảo ngân sách 2018 sẽ tác động đến nhiều lãnh vực, từ đời sống hàng ngày của công chúng đến vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới. Vì thế nó rất quan trọng. Rất ít người chỉ trích ngân sách 2018 về mặt gia tăng chi phí quốc phòng và ngay cả việc xây bức tường biên giới. Nhưng ngân sách này bị tấn công nặng nề về việc cắt giảm ngân khoản hay loại bỏ một số chương trình phúc lợi và giáo dục nhắm vào những người có lợi tức thấp và giới lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét